Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt? Làm gì để trẻ dùng tiền khôn ngoan hơn cả bố mẹ mình?

Thứ Tư, 05/04/2023 14:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dạy con quản lý tài chính như thế nào, vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt, bao nhiêu tuổi thì cho con biết về tiền... là những câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh trăn trở suốt hàng thập kỷ qua.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


Khi nói về vấn đề tiền bạc, nhiều bậc phụ huynh tìm cách trốn tránh vì họ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì, không cần thiết phải nói đến việc này quá sớm. Cuối cùng họ không hiểu vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt trong khi mình đã cung cấp cho con đầy đủ mọi thứ trong cuộc sống mà chúng cần.
 

1. Vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt?

 
Vi sao nen cho tre tien tieu vat cang som cang tot
 
Khi được hỏi làm thế nào để dạy con tốt nhất về tài chính, Harry Markowitz - Một nhà kinh tế học của Hoa Kỳ cho hay: "Thứ duy nhất tôi đã dạy con về tài chính khi chúng đang lớn là cho chúng một khoản trợ cấp nhưng chúng không thể mua mọi thứ mình muốn. Qua bài học đó, chúng sẽ hiểu được giá trị của tiền bạc".

Điều đó có nghĩa là khi khoản tiền tiêu vặt có giới hạn nhất định cũng là lúc chúng có những bài học quan trọng về tiền. Một số lợi ích của việc này có thể kể đến như sau.
 

1.1 Giúp con hiểu được giá trị đồng tiền


Thông qua việc cho con tiền tiêu vặt mỗi tháng chúng ta có thể dạy chúng những bài học liên quan đến tiền một cách thực tế hơn, trực quan hơn là những lý thuyết hay những lời nhắc nhở lặp đi lặp lại.

Nếu thường ngày chúng ta có nói về "giá trị tiền bạc" thì con cũng không thể hiểu. Thế nhưng khi có trong tay một số tiền nhất định và cố gắng làm thêm những việc khác để có thể tiết kiệm đủ tiền mua món đồ yêu thích thì con sẽ tự hiểu ra vấn đề.

Khoản tiền tiêu vặt nhỏ mỗi tháng sẽ có tác dụng tích cực hơn vì nó tạo nên thói quen chi tiêu trong giới hạn, đòi hỏi con sẽ phải tự học cách phân bố tiền bạc hợp lý. Thay vì cứ xin tiền bố mẹ mỗi khi cần, con phải học cách tự tiết kiệm với số tiền được cho để phục vụ cho những nhu cầu của bản thân.

Hầu hết, trong giai đoạn đầu cầm tiền con sẽ tiêu sạch cho nào sách, nào kem, siêu nhân, máy bay,... nhưng đừng trách mắng về sai lầm này của con. Theo thời gian, dần dần chúng sẽ hiểu ra rằng dùng hết số tiền mình có để chỉ mua một món đồ thì không còn tiền cho những việc khác. Muốn có tiền chúng phải làm thêm việc hoặc đợi cho đến khi nhận được tiền tiêu vặt vào tháng sau.

Phương pháp này có ưu điểm rất lớn ở chỗ trẻ phải chi tiền cho những sở thích của mình, do đó chúng sẽ trở nên cẩn thận hơn trong việc chọn lựa. Trẻ em thường muốn có mọi thứ chúng nhìn thấy, tuy nhiên, với khoản tiền giới hạn được sở hữu, chúng sẽ suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định có mua hay không.

1.2 Con có cảm giác tự lập


Hầu hết chúng ta chỉ học cách tiêu tiền, cho tới khi đi làm, có công việc đầu tiên ta mới biết cách kiếm tiền. Thế nên nếu bạn đợi tới lúc đó mới dạy con về tiền đã là quá muộn. Do đó, hãy cố gắng để "con hơn cha" nhà có phúc bạn nhé.

Thực tế là việc cho con tiền tiêu vặt từ khi còn nhỏ rất quan trọng vì đó là nền tảng cho khả năng tự cung tự cấp. Một khoản tiêu vặt là phương tiện tuyệt vời để chúng cân nhắc, tự ra quyết định, thông qua đó, chúng ta cũng có thể dạy con biết cách tự lập từ sớm.

Việc này sẽ giúp con cảm nhận được mình được “làm người lớn” và sống tự lập. Đối với trẻ nhỏ, đây là một điều rất thích thú.

Không những vậy, việc này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng trong mắt cha mẹ, mình được tin tưởng và được đánh giá cao, nên mới được trao quyền để chi tiêu số tiền này.
 
Tuy nhiên, chúng ta cố gắng hạn chế can thiệp vào việc con bạn quản lý món tiền đó như thế nào miễn là chúng không mua về bất cứ thứ gì nguy hiểm, độc lại là được.
 

1.3 Thuận tiện cho nhu cầu sinh hoạt của con


Bên cạnh cảm giác tự lập, con có thể chủ động trong sinh hoạt của mình như việc con có thể dùng tiền tiêu vặt để mua một ổ bánh mì, ly sữa trong giờ ra chơi hoặc ăn vặt sau giờ tan học.

Đối với những trẻ lớn hơn một chút; thỉnh thoảng con cũng đi uống nước với bạn bè sau giờ tan học hoặc có những buổi tiệc sinh nhật bạn bè.
 
Nhiều bố mẹ cố gắng ngăn cấm con mua đồ ăn ở cổng trường hoặc ăn vặt thường xuyên. Thế nhưng việc này rất khó vì con bạn khó chống được cám dỗ khi mà bạn bè xung quanh ai cũng có đồ ăn vặt, ai cũng cùng đi sinh nhật bạn,...

Vậy nên cố gắng hướng dẫn, tạo thói quen cho con trong việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, cho con một khoản nhỏ để con chủ động,... sẽ tốt hơn là cấm đoán vì điều này không khả thi.
 

1.4 Con sẽ có tinh thần trách nhiệm

 
Khi trẻ được tự quản lý tiền, chúng không chỉ học cách cư xử có trách nhiệm với bản thân mà còn với người khác. Khi con làm hỏng đồ thay vì bạn sẽ ngay lập tức mua món khác cho con thì chúng phải quyết định có nên sử dụng tiền mình đang có để mua hay không.
 
Hãy để trẻ mắc sai lầm vì đó là quá trình chúng học cách để tiết kiệm và chi tiêu trước khi trưởng thành. Nhờ đó mà có thể hạn chế những rắc rối về tiền bạc mà chúng có thể gặp phải trong tương lai.

Trên thực tế, những đứa trẻ có tiền tiêu vặt có nhiều khả năng phát triển kỹ năng lập kế hoạch tài chính vững chắc và ít mắc nợ khi trưởng thành.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, bố mẹ cũng chỉ nên ở bên cạnh quan sát, đừng theo dõi và nhắc nhở quá thường xuyên về vấn đề này. Nếu cuối tháng trẻ không có đủ tiền để mua một món đồ nào thì trẻ phải tự đối mặt với điều đó.

Tương lai, chúng cũng là đứa trẻ ít đòi hỏi hơn vì mỗi khi tiêu những đồng tiền của chính mình, chúng phải tự đưa ra quyết định cho những món đồ chúng muốn sở hữu, không còn là trách nhiệm của bố mẹ.
 

2. Khi nào bắt đầu cho con tiền tiêu vặt, bao nhiêu là đủ?

 
Nen cho tre bao nhieu tien tieu vat
 

2.1 Mấy tuổi thì cho con tiền tiêu vặt?


Dạy con quản lý tài chính là cách giáo dục thông minh mà cha mẹ nên triển khai sớm. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào về độ tuổi của con.

Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge, Anh, thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này.

Trong khi đó, trẻ con Pháp được nhận tiền tiêu vặt ngay từ năm 7 tuổi và số tiền cũng sẽ được tăng lên theo số tuổi của trẻ. Còn người Do Thái cho con nhận diện giá trị của từng đồng tiền khi con được 3 tuổi.

Theo chuyên gia tài chính Natalya Naumova: “Đến độ tuổi 6-7 tuổi, chúng ta cho con tiền tiêu vặt, đây là một giai đoạn mới trong cuộc đời của một đứa trẻ và giúp trẻ có trách nhiệm hơn".
 

2.2 Nên cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt?


Phần lớn các bậc phụ huynh có thói quen cho con tiền tiêu vặt một cách tùy ý theo mong muốn của trẻ, thế nhưng các chuyên gia cho rằng số tiền mà cha mẹ cho con nên phù hợp với từng độ tuổi. Hãy nói với con rằng con chỉ được chi tiêu trong giới hạn đó.

Tuyệt đối không cho con cầm theo quá nhiều tiền, cho dù gia đình có điều kiện cũng không nên cho con quá nhiều. Vì trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng kiểm soát tiền bạc nên rất dễ bị người khác dụ dỗ, đe dọa.

Cuối cùng việc cho con tiền lại khiến chúng trở thành “mục tiêu” của những người xấu; thành phần tệ nạn trong xã hội. Do đó, phải cân nhắc kỹ việc nên cho chúng bao nhiêu tiền mỗi tuần hay mỗi tháng.

Tuy nhiên, có thể dựa vào 2 yếu tố để xem xét giới hạn chi tiêu của con như: Điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu trong từng độ tuổi.

Cho chúng một khoản vừa phải để chúng có thêm động lực "kiếm tiền". Để giáo dục tốt kỹ năng quản lý tài chính cho con, cha mẹ nên dạy trẻ cách tự kiếm tiền một cách chân chính. Miễn là không phải việc trái lương tâm và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập là được.
 

3. Lưu ý nguyên tắc khi đưa tiền cho con

  
Luu y cac nguyen tac khi dua tien
 
 

3.1 Hướng dẫn con cách tiết kiệm


Bên cạnh việc cho con tiền, để chúng có cảm giác được sở hữu và được quyền quyết định với tiền của mình thì bố mẹ cũng kịp thời hướng dẫn con cách tiết kiệm. Nhất là sau khi con nhận ra mình đã phạm sai lầm tiền bạc như tiêu hết tiền trong ngày đầu tiên cầm tiền.

Theo một khảo sát ở Mỹ có tới 51% trẻ sẽ tiêu ngay số tiền cha mẹ cho chúng. Vì vậy, bên cạnh việc cho con được tự quản lý một số tiền riêng hãy dạy con cách tiết kiệm để thực hiện một mục tiêu nào đó như mua đồ dùng học tập, mua đồ chơi…
 

3.2 Cân nhắc việc trả tiền cho con làm việc nhà

 
Có nhiều người tin rằng trả con tiền làm việc nhà để chúng vừa có động lực kiếm tiền lại vừa có thể trợ giúp bố mẹ của mình.

Thế nhưng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc này sẽ khiến trẻ cảm thấy không cần có trách nhiệm với gia đình. Thậm chí, nó còn kéo xa khoảng cách cha mẹ vì các con nghĩ rằng mình là người làm công trong nhà, chúng nghĩ rằng đó là việc của bố mẹ, được trả tiền thì mình mới phải tham gia. 
 
Nhìn chung, nên cho con kiếm tiền ở những việc bán thời gian, thủ công như làm thiệp, đồ handmade... Thông qua đó, trẻ hiểu được rằng muốn kiếm tiền phải làm việc chăm chỉ, từ đó biết quý tiền hơn.
 

3.3 Thường xuyên đối thoại với con về vấn đề tiền bạc

 
Để tránh việc bố mẹ thường đưa ra những chỉ thị như: Con không được dùng tiền cho việc này, nên dùng tiền cho việc kia thì việc hàng ngày đối thoại với con về tiền cũng là cách để bạn hiểu suy nghĩ của trẻ và từ đó hướng dẫn cho con đi đúng hướng.

Hãy dạy con biết nói “không" với những nhu cầu không thực sự cần thiết và biết ưu tiên cho những cái quan trọng vào thời điểm phù hợp. Với kỹ năng này, trẻ sẽ dần xây dựng được sự ổn định, an toàn về vấn đề tiền bạc, từ đó quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất. 

3.4 Giữ đúng thỏa thuận với trẻ
 

Việc giữa lời hứa với con trẻ rất quan trọng, nhất là trong việc tiền nong. Một khi bạn đã thỏa thuận thời gian và số tiền đưa cho con thì nhớ làm theo cam kết.

Nếu bạn quên hoặc sai hẹn thì trẻ sẽ cảm thấy nhanh chán, thiếu tin tưởng bố mẹ, không còn hào hứng nữa trong việc quản lý tiền bạc nữa.

Ngoài ra, bố mẹ không được sử dụng tiền của con với bất cứ lý do gì nếu chưa được chúng chấp thuận. Mục đích của tiền tiêu vặt là giúp trẻ xây dựng ý thức quản lý tiền. 
 

3.5 Tăng tiền tiêu vặt theo độ tuổi 

 
Nếu con ở độ tuổi mầm non thì việc con tiếp xúc với xã hội chưa nhiều, mọi thứ bố mẹ đều có thể lo lắn được, cha mẹ chỉ nên cho con những đồng tiền lẻ để con làm quen với tiền bạc. Khi con lớn có thể cho con một khoản tiền nhỏ để con học cách chi tiêu phù hợp.
 
Khi trẻ càng lớn thì nhu cầu của trẻ sẽ ngày càng gia tăng, con cũng cần chủ động tham gia các hoạt động xã hội hơn.

Do đó, lúc này cha mẹ có thể cho bé tiền tuần hoặc tiền tháng. Lưu ý giúp con những trường hợp tiêu tiền không hợp lý. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con tiết kiệm tiền nếu như có cái gì mà con muốn mua.
 
Nhìn chung khi hiểu lý do vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt, bạn cũng đã biết rằng số tiền tuy nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng sống của trẻ, vì thế cần phải cân nhắc kỹ các khía cạnh của việc này tác động tới tương lai của con trẻ nhé.

Xem thêm tin liên quan:

Tin cùng chuyên mục

X