(Lichngaytot.com) Tính năm, tháng, ngày, giờ là việc cần thiết trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, động thổ, xây nhà, khai trương. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách tính năm tháng ngày giờ theo Can Chi chuẩn nhất. Hãy cùng theo dõi nhé!
Can Chi là cách gọi tắt của “Thiên Can Địa Chi” hay “Thập Can Thập Nhị Chi”. Đây vốn là hệ thống đánh số thành chu kỳ rất cổ của người Trung Hoa.
Nó được áp dụng với tổ hợp chu kỳ
Lục thập hoa giáp (hệ 60), để xác định tên gọi của thời gian (giờ, ngày, tháng, năm) cũng như trong chiêm tinh học. Nhiều người cho rằng khái niệm này có xuất xứ từ thời nhà Thương.
Khi sáng tạo ra Can Chi, người xưa quan niệm Thiên (trời) là căn bản, gốc; còn Địa (đất) là ngọn ngành, gọi hai đơn vị căn bản là Thiên Can và Địa Chi.
- Thập Thiên Can (tức 10 Thiên Can) gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý
- Thập nhị Địa Chi (tức 12 Địa Chi tương ứng 12 con giáp) gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi
Hiện nay, con người đã làm ra các loại lịch có cả Thiên Can và Địa Chi từ các tài liệu cổ. Các năm, các tháng, các ngày, các giờ theo Can Chi cũng đều được mặc định và được viết rất rõ ràng trong lịch vạn niên.
Nhưng thời xa xưa, ông cha ta đã xem lịch và tính ngày tháng thế nào? Hãy cùng xem cách tính năm tháng ngày giờ theo Can Chi chuẩn xác nhất mà ai cũng có thể tính được dưới đây. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm
hướng dẫn xem Lịch vạn niên đúng nhất.
1. Phương pháp tính năm theo Can Chi
Không chỉ phương pháp tính năm, mà cách tính tháng, ngày, giờ theo Can Chi đều được xác định dựa vào hệ số của Lục thập hoa giáp, gọi là lịch Can Chi.
Lục thập hoa giáp vốn là sự kết hợp 6 chu kỳ hàng Can với 5 chu kỳ hàng Chi thành hệ 60.
Phương pháp tính năm theo Thiên Can có thể áp dụng cho bất kì năm nào, nó đúng trong mọi trường hợp. Cứ hết 60 năm là hết một chu kỳ Lục thập hoa giáp.
Ví dụ: Chúng ta chọn năm 1960 là năm Canh Tý, thì 1960 + 60 = 2020, năm 2020 sẽ lại là năm Canh Tý.
Các con số cuối cùng của năm dương lịch sẽ tương ứng với các Thiên Can, cụ thể là:
- Số đuôi năm dương lịch là 0: Năm có Thiên Can là Canh (Ví dụ: Năm 1960 - Canh Tý).
- Số đuôi năm dương lịch là 1: Năm có Thiên Can là Tân (Ví dụ: Năm 1961 - Tân Sửu)
- Số đuôi năm dương lịch là 2: Năm có Thiên Can là Nhâm (Ví dụ: Năm 1962 - Nhâm Dần).
- Số đuôi năm dương lịch là 3: Năm có Thiên Can là Quý (Ví dụ: Năm 1963 - Quý Mão).
- Số đuôi năm dương lịch là 4: Năm có Thiên Can là Giáp (Ví dụ: Năm 1964 - Giáp Thìn).
- Số đuôi năm dương lịch là 5: Năm có Thiên Can là Ất (Ví dụ: Năm 1965 - Ất Tỵ).
- Số đuôi năm dương lịch là 6: Năm có Thiên Can là Bính (Ví dụ: Năm 1966 - Bính Ngọ).
- Số đuôi năm dương lịch là 7: Năm có Thiên Can là Đinh (Ví dụ: Năm 1967 - Đinh Mùi).
- Số đuôi năm dương lịch là 8: Năm có Thiên Can là Mậu (Ví dụ: Năm 1968 - Mậu Thân).
- Đuôi năm dương lịch là 9: Năm có Thiên Can là Kỷ (Ví dụ: Năm 1960 - Kỷ Dậu).
Từ đó ta có phương pháp tính một cách dễ dàng. Lấy năm dương lịch cần tìm chia cho 60, dư bao nhiêu thì tra bảng dưới đây:
Tính năm theo Can Chi | Can |
Giáp | Ất | Bính | Đinh | Mậu | Kỷ | Canh | Tân | Nhâm | Quý |
Chi | Tý | 04 | | 16 | | 28 | | 40 | | 52 | |
Sửu | | 05 | | 17 | | 29 | | 41 | | 53 |
Dần | 54 | | 06 | | 18 | | 30 | | 42 | |
Mão | | 55 | | 07 | | 19 | | 31 | | 43 |
Thìn | 44 | | 56 | | 08 | | 20 | | 32 | |
Tị | | 45 | | 57 | | 09 | | 21 | | 33 |
Ngọ | 34 | | 46 | | 58 | | 10 | | 22 | |
Mùi | | 35 | | 47 | | 59 | | 11 | | 23 |
Thân | 24 | | 36 | | 48 | | 00 | | 12 | |
Dậu | | 25 | | 37 | | 49 | | 01 | | 13 |
Tuất | 14 | | 26 | | 38 | | 50 | | 02 | |
Hợi | | 15 | | 27 | | 39 | | 51 | | 03 |
Bảng quy đổi năm âm lịch Can Chi thành năm dương lịch
Ví dụ:
Năm 1995: Có số cuối của năm là 5 nên thuộc Thiên Can là Ất; lấy 1995 chia cho 60 được 33 dư 15, như vậy Địa Chi là Hợi. Kết hợp lại ta suy ra năm 1995 là năm Ất Hợi.
Năm 2000: Có số cuối của năm là 0 nên thuộc Thiên Can là Canh; lấy 2000 chia cho 60 được 33 dư 20, như vậy Địa Chi là Thìn. Kết hợp lại ta suy ra năm 2000 là Canh Thìn.
Năm 2004: Có số cuối của năm là 4 nên thuộc Thiên Can là Giáp; lấy 2004 chia cho 60 được 33 dư 24, như vậy Địa Chi là Thân. Kết hợp lại ta suy ra năm 2004 là Giáp Thân.
Năm 2011: Có số cuối của năm là 1 nên thuộc Thiên Can là Tân; lấy 2011 chia cho 60 được 33 dư 31, như vậy Địa Chi là Mão. Kết hợp lại ta suy ra năm 2011 là Tân Mão.
Năm 2016: Có số cuối của năm là 6 nên thuộc Thiên Can là Bính; lấy 2016 chia cho 60 được 33 dư 36, như vậy Địa Chi là Thân. Kết hợp lại ta suy ra năm 2016 là Bính Thân.
Năm 2020: Có số cuối của năm là 0 nên thuộc Thiên Can là Canh; lấy 2020 chia cho 60 được 33 dư 40, như vậy Địa Chi là Tý. Kết hợp lại ta suy ra năm 2020 là Canh Tý.
Tương tự các năm khác, chúng ta đều tính toán và tra bảng theo công thức trên sẽ tìm ra năm âm lịch theo Can Chi.
2. Phương pháp tính Can Chi của tháng âm lịch theo dương lịch
Theo quy ước, Địa Chi của mỗi tháng (âm lịch) được cố định như sau: Tháng Giêng âm lịch luôn luôn là tháng Dần, tháng hai là Mão, cứ tuân theo thứ tự đó đến tháng 11 là Tý, tháng chạp là Sửu (12 tháng ứng với 12 chi).
- Tháng 1 (Tháng Giêng) là Dần
- Tháng 2 là Mão
- Tháng 3 là Thìn
- Tháng 4 là Tị
- Tháng 5 là Ngọ
- Tháng 6 là Mùi
- Tháng 7 là Thân
- Tháng 8 là Dậu
- Tháng 9 là Tuất
- Tháng 10 là Hợi
- Tháng 11 là Tý
- Tháng 12 (Tháng Chạp) là Sửu
Địa Chi của các tháng luôn luôn không đổi nên ta chỉ cần tìm Thiên Can cho tháng Giêng (Tháng 1) của mỗi năm, sau đó các tháng tiếp theo sẽ có Thiên Can kế tiếp nhau.
Chu kì Địa Chi của mỗi tháng luôn là 6, chu kỳ Thiên Can của mỗi tháng luôn là 5 nên 30 sẽ là bội số chung của cả 5 và 6.
30 tháng sẽ xen kẽ 30 tháng dương và 30 tháng âm thì hết một chu kì, tổng là 60 tháng (hết một chu kì Lục thập hoa giáp) tương ứng với 5 năm. Cũng chính 5 năm thì Thiên Can của các tháng lặp lại.
Ví dụ: Tháng 6 năm 2021 (Dương lịch) là tháng 5 âm lịch, tháng Giáp Ngọ. Lùi lại 5 năm đúng vào tháng 5 năm 2016 cũng là tháng Giáp Ngọ. Tiến thêm 5 năm thì cũng đúng vào tháng 5 năm 2025 cũng là tháng Giáp Ngọ.
Tính tháng theo Can Chi | Năm |
Giáp/Kỷ | Ất/Canh | Bính/Tân | Đinh/Nhâm | Mậu/Quý |
Tháng | 1 | Bính Dần | Mậu Dần | Canh Dần | Nhâm Dần | Giáp Dần |
2 | Đinh Mão | Kỷ Mão | Tân Mão | Quý Mão | Ất Mão |
3 | Mậu Thìn | Canh Thìn | Nhâm Thìn | Giáp Thìn | Bính Thìn |
4 | Kỷ Tị | Tân Tị | Quý Tị | Ất Tị | Đinh Tị |
5 | Canh Ngọ | Nhâm Ngọ | Giáp Ngọ | Bính Ngọ | Mậu Ngọ |
6 | Tân Mùi | Quý Mùi | Ất Mùi | Đinh Mùi | Kỷ Mùi |
7 | Nhâm Thân | Giáp Thân | Bính Thân | Mậu Thân | Canh Thân |
8 | Quý Dậu | Ất Dậu | Đinh Dậu | Kỷ Dậu | Tân Dậu |
9 | Giáp Tuất | Bính Tuất | Mậu Tuất | Canh Tuất | Nhâm Tuất |
10 | Ất Hợi | Đinh Hợi | Kỷ Hợi | Tân Hợi | Quý Hợi |
11 | Bính Tý | Mậu Tý | Canh Tý | Nhâm Tý | Giáp Tý |
12 | Đinh Sửu | Kỷ Sửu | Tân Sửu | Quý Sửu | Ất Sửu |
Bảng tính Can Chi tháng theo Can Chi năm
Như vậy, để có thể tính tháng theo Can Chi nhanh chóng hơn, ta có thể lấy ví dụ tháng Giêng của các năm để làm ví dụ cụ thể:
- Tháng Giêng của năm cứ có Thiên Can là Giáp, Kỷ (ví dụ: năm Giáp Tý 1984, Kỷ Tỵ 1989) thì tháng Giêng sẽ là tháng Bính Dần.
- Tháng Giêng của năm cứ có Thiên Can là Ất, Canh thì tháng Giêng sẽ là tháng Mậu Dần.
- Tháng Giêng của năm cứ có Thiên Can là Bính, Tân thì tháng Giêng sẽ là tháng Canh Dần.
- Tháng Giêng của năm cứ có Thiên Can là Đinh, Nhâm thì tháng Giêng sẽ là tháng Nhâm Dần.
- Tháng Giêng của năm cứ có Thiên Can là Mậu, Quý thì tháng Giêng sẽ là tháng Giáp Dần.
Nếu trong trường hợp có tháng âm nhuận thì tháng nhuận thì cứ theo tháng chính không đổi.
3. Phương pháp tính ngày theo Can Chi
Cách tính ngày theo Can Chi dựa theo chu kỳ 60 (tức là một Lục thập hoa giáp), độc lập, không phụ thuộc vào các yếu tố như tháng nhuận, năm nhuận.
Số ngày dương lịch của từng tháng trong các năm đều tuân thủ quy tắc nhất định nên việc xác định được ngày ở một mốc thời gian cố định bất kỳ đều dễ dàng và chính xác.
Ta tuân thủ quy tắc tính số ngày của dương lịch: Năm thường có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày thì tính toán và suy luận rất dễ.
Tuy nhiên ngày âm lịch và ngày Can Chi có nhiều điểm chênh lệch nhau nên rất khó xác định chính xác.
Tính ngày Can Chi rồi chuyển đổi, suy luận sang ngày âm lịch rất phức tạp. Bởi vì tháng âm lịch có tháng thiếu, tháng đủ mà mỗi năm mỗi khác (Ví dụ: theo âm lịch trong 19 năm thì có 7 tháng nhuận, nhưng lại có tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày không theo trình tự nhất định) nên tính ngày Can Chi theo dương lịch dễ dàng hơn.
Một năm tính theo dương lịch có 365 ngày, nghĩa là có 6 chu kỳ Lục thập hoa giáp cộng thêm 5 ngày. (Nếu là năm nhuận 366 ngày thì là 6 chu kỳ Lục thập hoa giáp cộng thêm 6 ngày)
Nếu chọn ngày 1/3 là ngày cố định thì tất cả các ngày sau đây trong các năm cùng Can Chi giống 1/3 là 30/4, 29/6, 28/8, 27/10, 26/12, 24/2 (năm sau). Nếu biết được ngày 1/3 (hay một trong bảy ngày 30/4, 29/6, 28/8, 27/10, 26/12, 24/2) là ngày gì, thì ta dễ dàng nhẩm được ngày trước hoặc sau của 7 ngày nói trên là ngày gì.
Nếu muốn tính ngày 1/3 năm sau hay năm sau nữa thì ta chỉ cần cộng thêm số dư là 5 đối với năm có 365 ngày hoặc là 6 đối với năm nhuận có 366 ngày.
Ví dụ: Nếu lấy ngày 1/3/1995 là ngày Tân Mão, thì ngày 30/4/1995, 29/6/1995, 28/8/1995, 27/10/1995, 25/12/1995 và 24/2/1996 sẽ là ngày Tân Mão.
Tương tự thế, ta có thể suy ra ngày 2/3/1995, 1/5/1995, 30/6/1995, 29/8/1995, 28/10/1995, 26/12/1995 và ngày 25/2/1996 Nhâm Thìn
Từ đó tính ta cũng tính nhẩm được 28/2/1996 là ngày Ất Mùi, 29/2/1996 là ngày Bính Thân. (Năm 1996 chia hết cho 4 tức là năm nhuận có ngày 29/2).
Như đã cho trước thì ngày 1/3/1995 là ngày Tân Mão, vậy thì 24/2/1996 cũng là Tân Mão bằng phương pháp cộng thêm 6 ngày (vì năm 1996 là năm nhuận).
Ta cũng có thể dễ dàng tính ra 1/3/1996 là ngày Đinh Dậu, theo cách tính nhẩm trên thì từ Tân đến Đinh hay từ Mão đến Dậu là 6 ngày.
4. Phương pháp tính Can Chi của giờ
Trước đây, người ta tính giờ và gọi tên giờ dựa vào tên gọi của 12 con giáp, và
cách tính giờ theo 12 con giáp phần nào dựa trên tập tính của các con vật mà nhà nông quan sát được.
Một ngày đêm có 24 giờ nhưng tính theo Can Chi chỉ có 12 giờ.
Ban ngày tính từ giờ Dần (tức 4 giờ sáng) đến giờ Thân lúc 4 giờ chiều. Ban đêm tính từ giờ Dậu đến hết giờ Sửu. Nếu theo lịch Can thì bắt đầu từ 23 giờ 30 phút đã sang giờ Tý của ngày hôm sau.
Tính giờ theo Can Chi | Ngày |
Giáp/Kỷ | Ất/Canh | Bính/Tân | Đinh/Nhâm | Mậu/Quý |
Giờ | Tý (23-1 giờ) | Giáp Tý | Bính Tý | Mậu Tý | Canh Tý | Nhâm Tý |
Sửu (1-3 giờ) | Ất Sửu | Đinh Sửu | Kỷ Sửu | Tân Sửu | Quý Sửu |
Dần (3-5 giờ) | Bính Dần | Mậu Dần | Canh Dần | Nhâm Dần | Giáp Dần |
Mão (5-7 giờ) | Đinh Mão | Kỷ Mão | Tân Mão | Quý Mão | Ất Mão |
Thìn (7-9 giờ) | Mậu Thìn | Canh Thìn | Nhâm Thìn | Giáp Thìn | Bính Thìn |
Tị (9-11 giờ) | Kỷ Tị | Tân Tị | Quý Tị | Ất Tị | Đinh Tị |
Ngọ (11-13 giờ) | Canh Ngọ | Nhâm Ngọ | Giáp Ngọ | Bính Ngọ | Mậu Ngọ |
Mùi (13-15 giờ) | Tân Mùi | Quý Mùi | Ất Mùi | Đinh Mùi | Kỷ Mùi |
Thân (15-17 giờ) | Nhâm Thân | Giáp Thân | Bính Thân | Mậu Thân | Canh Thân |
Dậu (17-19 giờ) | Quý Dậu | Ất Dậu | Đinh Dậu | Kỷ Dậu | Tân Dậu |
Tuất (19-21 giờ) | Giáp Tuất | Bính Tuất | Mậu Tuất | Canh Tuất | Nhâm Tuất |
Hợi (21-23 giờ) | Ất Dậu | Đinh Hợi | Kỷ Hợi | Tân Hợi | Quý Hợi |
Bảng tính Can Chi giờ theo Can Chi ngày
Cách tính giờ theo Can Chi cũng được mặc định theo Địa Chi như sau:
- Từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau là giờ Tý: Lúc chuột đang hoạt động mạnh.
- Từ 1 giờ đến 3 giờ là giờ Sửu: Lúc trâu đang nhai lại, chuẩn bị đi cày.
- Từ 3 giờ đến 5 giờ là giờ Dần: Lúc hổ hung hãn nhất.
- Từ 5 giờ đến 7 giờ là giờ Mão: Lúc mèo nghỉ ngơi sau một đêm săn chuột. Ở một số nước châu Á khác, con giáp này được thay thế bằng Thỏ vì lúc này thỏ thích ra khỏi hang để ăn cỏ.
- Từ 7 giờ đến 9 giờ là giờ Thìn: Lúc đàn rồng quây mưa (quần long hành vũ), ẩn dụ cho thời gian con người làm việc năng suất nhất.
- Từ 9 giờ đến 11 giờ là Tị: Lúc rắn không hại người.
- Từ 11 giờ đến 13 giờ là giờ Ngọ: Ngựa có dương tính cao.
- Từ 13 giờ đến 15 giờ là giờ Mùi: Lúc dê ăn cỏ nhưng không ảnh hưởng tới việc cây cỏ mọc lại.
- Từ 15 giờ đến 17 giờ là giờ Thân: Lúc khỉ thích hú.
- Từ 17 giờ đến 19 giờ là giờ Dậu: Lúc gà bắt đầu lên chuồng.
- Từ 19 giờ đến 21 giờ là giờ Tuất: Lúc chó phải tỉnh táo để trông nhà.
- Từ 21 giờ đến 23 giờ là giờ Hợi: Lúc lợn ngủ say nhất.
Khi gọi thời gian theo Can Chi, người xưa còn chia thành đầu giờ, giữa giờ và cuối giờ. Nếu muốn lấy số giờ chính xác nhất thì dùng giữa giờ, ví dụ như Chính Ngọ là 12 giờ trưa, Chính Tý là 0 giờ sáng...
Nếu biết được Can giờ Tý thì ta có thể biết được các Thiên Can của giờ khác theo thứ tự Giáp đến Quý theo đúng trình tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, không thay đổi và xoay ngược lại quy luật trên.
Trên đây, Lịch Ngày Tốt đã chia sẻ đến bạn những kiến thức về cách tính năm tháng ngày giờ theo Can Chi. Hi vọng những thông tin này giúp ích cho bạn vào một ngày không xa.
=>> Theo dõi chúng tôi trên: