(Lichngaytot.com) Nhân loại bước vào năm 2022 với nhiều hy vọng, khi Covid-19 dần bị đẩy lùi với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, giúp phần lớn các nước quay lại với cuộc sống bình thường. Nhưng thế giới năm qua cũng chứng kiến nhiều đau thương, mất mát, khủng hoảng, từ chiến sự bùng phát ở Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cho đến nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, lũ lụt tàn phá Pakistan hay thảm kịch giẫm đạp gây chấn động Hàn Quốc.
1. Chiến sự Nga - Ukraine bùng phát
Đây là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu sau Thế chiến II và lập tức gây ảnh hưởng nặng nề với Ukraine, châu lục cũng như toàn thế giới. Giới chức Ukraine cho biết hơn 8.000 dân thường và khoảng 13.000 binh sĩ đã thiệt mạng sau hơn 9 tháng chiến sự, gần 8 triệu người phải rời bỏ đất nước đến tị nạn ở các quốc gia châu Âu. Nga hồi cuối tháng 9 thông báo gần 6.000 binh sĩ thiệt mạng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Không chỉ gieo đau thương cho người dân hai nước, cuộc chiến còn đẩy căng thẳng giữa Nga với phương Tây lên cao, với loạt lệnh trừng phạt và các biện pháp trả đũa mà hai bên tung vào nhau, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khi giá dầu gần chạm ngưỡng 140 USD/thùng, xấp xỉ mức kỷ lục mọi thời đại, còn khí đốt bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm. Nền kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái, lạm phát tăng phi mã, trong khi an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa vì chiến sự.
Giới phân tích nhận định chiến sự Nga - Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài qua năm 2023, khi hai bên đều thể hiện thái độ cứng rắn, không sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ để đàm phán. Trong khi Ukraine khó giành được thắng lợi hoàn toàn trên chiến trường, các biện pháp gây sức ép của phương Tây như áp trần giá dầu cũng khó hạ gục được kinh tế Nga.
"Ông Putin chiến đấu để giành chiến thắng", Branislav Slantchev, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học San Diego, Mỹ, nhận định. "Phương Tây cần chuẩn bị cho tương lai về một cuộc đối đầu lâu dài với Nga".
2. Trung Quốc tổ chức Đại hội 20
Ông Tập Cận Bình năm qua gia tăng ảnh hưởng và quyền lực của mình khi lần thứ ba được bầu làm Tổng bí thư tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra hồi tháng 10.
Với vai trò chi phối nền kinh tế, chính trị thế giới của Trung Quốc, Đại hội 20 là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, khi vạch ra đường hướng đối nội, đối ngoại của Trung Quốc trong 5 năm tới.
Về đối nội, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển chất lượng cao, ưu tiên xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, trở thành cường quốc tự lập, tự cường về khoa học công nghệ trình độ cao, bước vào hàng ngũ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo.
Về đối ngoại, Trung Quốc hướng tới mục tiêu chấn hưng dân tộc và hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa", gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế và kiên quyết bảo vệ các "lợi ích cốt lõi".
Giới phân tích dự báo với các đường hướng chính sách được vạch ra tại Đại hội 20, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ với phương Tây, thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, tiếp tục chính sách ngoại giao chiến lang. Bằng sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng của mình, Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trong các vấn đề nóng như Đài Loan hay cạnh tranh chiến lược với Mỹ.
3. Mỹ bầu cử giữa kỳ
Người Mỹ ngày 8/11 đi bỏ phiếu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng hàng loạt quan chức địa phương. Cuộc bầu cử giữa kỳ này có thể định đoạt cục diện chính trường và chính sách tương lai của Mỹ trong hai năm tiếp theo dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trước thềm cuộc bầu cử, đảng Cộng hòa được cho là sẽ giành thắng lợi áp đảo trước Dân chủ, khi người Mỹ phải vật lộn với lạm phát tồi tệ do tác động từ xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, kết quả lại đi ngược dự đoán, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện với cách biệt mong manh, trong khi đảng Dân chủ củng cố quyền kiểm soát tại Thượng viện với 51 ghế.
Kiểm soát được Hạ viện, đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để tác động đến chương trình nghị sự của Tổng thống Biden, cũng như có thể mở các cuộc điều tra liên quan đến chính quyền và gia đình ông chủ Nhà Trắng.
Nhưng việc đảng Dân chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện sẽ giúp hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Biden dễ dàng hơn, khi họ có khả năng thông qua các đề cử tư pháp do ông khởi xướng, cũng như bác các dự luật do Hạ viện thông qua.
Cuộc bầu cử giữa kỳ có thể tác động tới chính sách đối ngoại của Mỹ, thể hiện rõ nhất trong chính sách ủng hộ Ukraine. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy thậm chí đã tuyên bố ông có thể chặn bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho Ukraine nếu trở thành chủ tịch Hạ viện vào năm tới. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý phe Cộng hòa sẽ không lập tức cắt giảm viện trợ cho Ukraine, bởi đông đảo cử tri Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực hỗ trợ Kiev đối đầu Moskva.
"Kết quả bầu cử giữa kỳ cũng có thể là cơ sở để Tổng thống Biden củng cố vị thế của mình trong đảng Dân chủ, dập tắt những tiếng nói hoài nghi về tuổi tác và khả năng lãnh đạo của ông, cũng như là nguồn động lực thúc đẩy ông tái tranh cử vào năm 2024", Jonathan Collins, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Brown ở Rhode Island, Mỹ, nhận định.
5. Nữ hoàng Anh qua đời
Nữ hoàng Elizabeth II qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland ngày 8/9, thọ 96 tuổi, chấm dứt hơn 70 năm trị vì của vị quân chủ nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Người Anh tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II bằng loạt sự kiện trong 10 ngày, kết thúc với lễ tang tại Tu viện Westminster ở London ngày 19/9.
Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II mở ra một triều đại mới, khi Vua Charles III được Hội đồng Đăng quang tấn phong làm người kế vị ngai vàng Vương quốc Anh và sẽ làm lễ lên ngôi vào tháng 5/2023. Ông cũng trở thành nguyên thủ quốc gia của Anh và 14 quốc gia khác thuộc khối Thịnh vượng Chung sau khi được tấn phong.
Vốn được coi là hiện thân sống động của nước Anh thời hậu chiến và là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là nỗi mất mát lớn với nước Anh. Đối với hầu hết người dân Anh, bà là quân vương duy nhất mà họ biết, là hình tượng luôn hiện hữu trên tem, tiền giấy và tiền xu.
Nữ hoàng Anh qua đời cũng làm dấy lên tranh luận về chế độ quân chủ tại New Zealand và Australia, hai nước từng là thuộc địa của Anh và vẫn coi quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia, dù đã tuyên bố độc lập từ nhiều thập kỷ trước.
6. Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan
Căng thẳng ở eo biển Đài Loan tăng nhiệt khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo, trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất tới Đài Loan trong 25 năm. Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, đã phản ứng giận dữ, thậm chí đe dọa sử dụng "biện pháp quân sự" để ngăn bà Pelosi tới hòn đảo.
Điều đó khiến chuyên cơ chở bà Pelosi từ Malaysia tới Đài Loan tối 2/8 trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều kỷ lục trên Flightradar24. Đài NHK của Nhật cho biết ít nhất 8 tiêm kích F-15 của Mỹ đã được triển khai từ căn cứ Kadena, hướng xuống phía nam khi chuyên cơ chở bà Pelosi đến gần đảo Đài Loan.
Chuyến thăm đã châm ngòi cho căng thẳng bùng phát ở mức độ chưa từng thấy tại eo biển Đài Loan, khi quân đội Trung Quốc tiến hành loạt cuộc tập trận lớn kỷ lục quanh đảo Đài Loan, dường như muốn phát đi thông điệp rằng họ có thể phong tỏa vùng trời và vùng biển của hòn đảo bất kỳ lúc nào. Trung Quốc còn phóng tên lửa đạn đạo bay qua hòn đảo xuống vùng biển Nhật Bản, gây lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột bất ngờ.
Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi Trung Quốc tuyên bố kết thúc tập trận vài ngày sau khi bà Pelosi rời Đài Loan. Giới phân tích cho rằng những cuộc tập trận rầm rộ của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích răn đe mà không phải động thái chuẩn bị chiến tranh với Đài Loan. "Ông Tập không bao giờ muốn xung đột bất ngờ bùng phát từ các sự cố ngoài dự đoán", Titus Chen, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Đài Loan, nhận định.
7. Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát
Nhật Bản, quốc gia yên bình với luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt bậc nhất, ngày 8/7 hứng chịu cú sốc lớn khi cựu thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát khi phát biểu trước nhà ga ở tỉnh Nara.
Nghi phạm Tetsuya Yamagami, một cựu quân nhân, đã trà trộn vào đám đông, bắn hai phát súng tự chế từ phía sau, khiến cựu thủ tướng Nhật mất nhiều máu và qua đời ở tuổi 67. Nhật đã tổ chức quốc tang cho ông Abe ngày 27/9 tại Tokyo.
Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thập niên 1930. Vụ ám sát đã bộc lộ những "lỗ hổng không thể chối cãi" trong công tác bảo vệ yếu nhân của cảnh sát Nhật, buộc chính phủ phải tăng cường an ninh cho các bộ trưởng và chính trị gia cấp cao.
Giới chuyên gia nhận định vụ ám sát ông Abe, chính trị gia quan trọng hàng đầu Nhật Bản thời hậu chiến, là đòn giáng đối với nền chính trị nước này, để lại vết sẹo cũng như khoảng trống lớn, đặc biệt là trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và các quyết định của nội các.
8. Thảm kịch giẫm đạp ở Hàn Quốc
Hơn 100.000 người tối 29/10 tới phố Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul, tham gia lễ Halloween đầu tiên sau hai năm sống dưới các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Nhưng thảm kịch đám đông chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc xảy ra khi quá nhiều người đổ về con hẻm nhỏ và dốc, ngã đè lên nhau và ngạt thở, khiến 158 người thiệt mạng, 196 người bị thương.
Yếu tố hàng đầu dẫn tới thảm kịch là mật độ người khoảng 12 người/m2 dồn về con hẻm nhỏ, vượt ngưỡng báo động là 5 người/m2. Khi đó, cả khối người tạo sức ép cực lớn, khiến đám đông tự ngã đè lên chính mình, dẫn đến ngạt thở và tử vong.
Thảm kịch phơi bày nhiều lỗ hổng trong kiểm soát đám đông và ứng phó với sự cố của Hàn Quốc. Giới chức quận Yongsan, nơi có phố Itaewon, đã không có biện pháp đề phòng nào ngăn nguy cơ giẫm đạp, trong khi cảnh sát không bố trí đủ lực lượng ứng trực và lúng túng trong công tác cứu nạn.
Hàn Quốc đã lập đội điều tra đặc biệt và đã bắt nhiều quan chức cảnh sát bị cáo buộc tắc trách hoặc hủy hoại bằng chứng liên quan vụ giẫm đạp.
Thảm kịch cũng khiến Hàn Quốc và nhiều quốc gia chú trọng hơn vào các biện pháp kiểm soát đám đông trong các sự kiện như cổ vũ World Cup. Giới chuyên gia cho rằng để tránh những sự cố tương tự, các nước cần áp dụng quy trình kiểm soát đám đông mang tính đón đầu, phát hiện nhanh và có biện pháp can thiệp khi mật độ đám đông chạm ngưỡng báo động.
8. Châu Âu nắng nóng kỷ lục
Thay đổi nhiệt độ mùa hè ở châu Âu qua các năm so với trung bình giai đoạn 1991 - 2020. Đồ họa: Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) |
Châu Âu trải qua mùa hè có nhiệt độ cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu tới nay. Theo Cơ quan Khí tượng Copernicus của Liên minh châu Âu, nhiệt độ trung bình của châu lục này trong mùa hè năm nay cao hơn 2 độ C so với giai đoạn 1991-2020, trong đó Áo, Thụy Sĩ và Pháp trải qua tháng 10 nóng nhất từ trước tới nay.
Anh ngày 19/7 ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử 40,3 độ C, trong khi nhiệt độ ở Seville, Tây Ban Nha, ngày 13/6 cũng lập kỷ lục 48 độ C, khi châu Âu hứng đợt sóng nhiệt kéo dài, khiến hàng trăm triệu người ở các thành phố chật vật xoay xở giữa mùa hè. Nhóm các nhà khoa học từ World Weather Attribution tập hợp số liệu chính thức cho biết nắng nóng đã khiến khoảng 20.000 người tại châu Âu tử vong.
Nắng nóng còn dẫn đến hàng loạt vụ cháy rừng. Số liệu từ Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho thấy cháy rừng đã thiêu rụi diện tích 700.000 hecta ở EU, gấp gần ba lần diện tích Luxembourg, với Tây Ban Nha thiệt hại nặng nhất.
Trong khi châu Âu trải qua nắng nóng kỷ lục, các khu vực khác trên thế giới cũng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. 20 tỉnh thành của Trung Quốc hứng chịu hạn hán kéo dài, còn Pakistan trải qua đợt mưa lũ bất thường từ tháng 6, nhấn chìm khoảng 1/3 lãnh thổ, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng.
Giới chuyên gia nhận định một nguyên nhân khiến thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên và dữ dội trên toàn cầu là do biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, các tác động của biến đổi khí hậu có thể buộc khoảng 216 triệu người rời bỏ quê hương đến năm 2050.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay (COP27) đạt bước tiến lịch sử là nhất trí lập quỹ bù đắp thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với các nước dễ tổn thương. Tuy nhiên, thỏa thuận chung lại thiếu tham vọng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để giảm phát thải, dù đây là yêu cầu cấp bách để hạn chế thiệt hại từ biến đổi khí hậu.
"Quá trình cắt giảm khí thải vẫn quá chậm chạp. Chúng ta chỉ có thể bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch khi các lãnh đạo G20 thực hiện cam kết, trách nhiệm của mình”, Mary Robinson, cựu đặc phái viên khí hậu của Liên Hợp Quốc, nói. “Thế giới đang đứng trên bờ vực của thảm họa khí hậu".
Trên đây là 8 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022. Hy vọng bước sang năm 2023 sẽ có nhiều thay đổi tích cực hơn!
Trên đây là 8 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022. Hy vọng bước sang năm 2023 sẽ có nhiều thay đổi tích cực hơn!
Theo Vnexpress