Thứ Ba, 09/06/2015 15:54 (GMT+07)
Thanh Hóa xưa nay nổi tiếng là vùng đất vua chúa với bốn dòng vua, hai dòng chúa hay còn gọi là vùng đất 4 vua 2 chúa. Vì đâu mà mảnh đất nghèo này lại trở thành đất phát đế vương? Phải chăng bởi phong thủy Thanh Hóa ẩn chứa nhiều điều kì bí.
Nhiều đời vua Trung Hoa thường cử các nhà phong thủy cao tay sang do thám khắp nước Nam, trấn yểm long mạch để phá vận khí của nước ta. Khi đến Thanh Hóa, mảnh đất nghèo khó nhưng lắm người tài, các nhà phong thủy đã nhận ra
vị trí đắc địa nơi đây.
Dãy núi Đông Sơn – Hàm Rồng bắt nguồn từ làng Dương Xá men theo sông Mã uốn lượn thành 99 ngọn núi đất, núi đá nhấp nhô như một bức tường thành hình con rồng đồ sộ. Phần cuối nhô lên một ngọn tựa hình đầu rồng nên gọi là Hàm Rồng (tên chữ Long Hạm).
Ở đó có động Long Quang (mắt rồng). Thông ra phía sau động có một hang nhỏ là hang mắt Rồng. Trên vòm hang mắt Rồng có một lỗ ăn thông lên trên. Mỗi khi mưa, nước màu gạch cua chảy xuống, người xưa bảo đó là nước mắt rồng. Bên phải vòm hang có một mũi đá nhô ra gọi là đỉnh Long Tỵ (mũi rồng). Mạch đá ngoằn ngoèo chạy sát chân núi rồng rồi ăn ngầm xuống dòng sông Mã tới ngọn Châu Phong là bến Hàm Rồng.
Non nước Hàm Rồng dưới bàn tay xếp đặt của tạo hóa, đã tạo nên những hình thù kỳ dị, độc đáo và đa dạng, có người ví như một “Hạ Long trên bộ”. Từ đuôi Rồng đi lên, ngọn Ngũ Hoa Phong hình năm bông sen chụm chung một gốc cắm xuống đầm lầy. Ngọn Phù Thi Sơn trông giống một người phụ nữ đang nằm ngủ đầu gối vào thân rồng, núi mẹ, núi con tròn như quả trứng. Ngọn Tả Ao trông giống người đàn ông đang nằm vắt chân chữ ngũ, đầu quay về hướng Đông. Ở sát cạnh ngọn con Mèo đang trong tư thế rình mồi, núi Cánh Tiên có 3 ngọn vút lên cao tạo thành mỏm Ba Hiệu, rồi núi Con Cá, Con Phượng, núi Đồng Thông, núi con Voi.
Hung địa theo thuật ngữ phong thủy là đất “Chu Tước bi khốc” (chim cất tiếng kêu sầu), hoặc đất “Bạch Hổ hàm thi” (con hổ đang ngậm xác chết trong miệng), hoặc “Xương Long vô túc” (rồng không có chân, rồng bị tật nguyền).
Truyền thuyết cho rằng khi cưỡi diều giấy bay qua vùng núi Hàm Rồng, nhìn thấy huyệt Hàm Rồng, Cao Biền nói rằng địa thế này là hung địa “Xương Long vô túc”, không phải rồng không chân mà là con rồng què chân, không phải đất cực quý rồi bỏ đi. Nhưng thực tế không phải vậy.
Sau đó, Cao Biền đã âm thầm quay trở lại, mang theo hài cốt cha y để táng vào huyệt Hàm Rồng (mả táng hàm rồng) mong sau này có thể phát đế vương. Song dù nhiều lần Cao Biền cho mả cha vào, bộ xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra, không nhận.
Biết rằng đây là long mạch cực mạnh, cực quý nên y rắp tâm làm đến cùng. Biền bèn tán nhỏ xương rồi tung lên thì có muôn con chim nhỏ cùng bay đến, vỗ cánh rào rào làm xương cốt bám trên vách đá bay tứ tán hết. Biền than rằng linh khí nước Nam quá mạnh, không thể cưỡng cầu.
Phải chăng vì phong thủy Hàm Rồng quá tốt mà Thanh Hóa đã phát tích 4 triều đại trong lịch sử Việt Nam: Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn và hai dòng chúa: chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
ST