Trung thu phá cỗ trông Trăng không quên tâm lành hướng Phật

Thứ Hai, 02/10/2017 23:38 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tết Trung Thu tâm lành hướng Phật vì không chỉ là ngày lễ vui chơi mà với tín đồ, đệ tử Phật giáo, đây còn là thời gian tu tập rất công hiệu.
   

Tâm lành hướng Phật, vô tư hồn nhiên như trẻ thơ 

 
Càng trưởng thành càng đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, lại càng mong muốn bản thân có tâm ý hồn nhiên như trẻ con. Vì thế, dịp Tết Trung thu không chỉ dành riêng cho Thiếu nhi mà đây còn là lúc người lớn được trở về với tuổi thơ. Tâm hồn trẻ thơ trong veo ấy mà ai cũng khao khát vì thế cũng được xem là tâm lành hướng Phật.

Những người tâm lành hướng Phật có tâm hồn trong lặng, an ổn, vui tươi, hồn nhiên như bé thơ. Tâm hồn ấy nhà Phật gọi là hạnh anh nhi. Người tu đến giai đoạn buông xả hết tâm điên đảo vọng tưởng sẽ không bị sáu trần làm mê hoặc, lôi kéo.

Do đó khi chúng ta ngồi yên tu, mọi công hạnh nằm ở chỗ phải luôn luôn tỉnh, luôn luôn giác, không chạy theo, không dính mắc với sáu trần. Đó là hạnh của anh nhi, tất cả người tu thiền cuối cùng cũng phải đến đó. 

Ngày Tết Trung thu tâm lành hướng Phật có nghĩa là những người tu, tu thiền muốn tu đến nơi đến chốn thì phải tập tâm mình không dính, không kẹt với sáu trần, giống như những đứa anh nhi. Đối với sáu trần nó không tham, không sân, không si. Thấy thì thấy, nghe thì nghe, biết thì biết, nó không đắm mê hay dính kẹt như người lớn.

Trẻ thơ là sự kết nối sự yêu thương gia đình qua tình vợ chồng, anh em, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc nội ngoại xa gần xóm giềng. Một ngày không xa, các em cũng là người kế thừa trong gia đình gánh vác việc gia tộc, ngoài xã hội là những chủ nhân xây dựng đất nước sau này.

Là Phật tử, các em là người hộ trì Chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia học đạo hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời đạo mỗi ngày sáng tươi. Vì thế, ai cũng có trách nhiệm với trẻ thơ không chỉ ở phạm vi gia đình, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa.

Do đó, chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ mà chúng ta có thể làm được qua sự nuôi dưỡng và giáo dục ở các môi trường gia đình, nhà trường, nhà chùa, rộng hơn nữa là xã hội. 
 
Trung Thu phá cỗ trông trăng không quên hướng Phật 

 Trung thu là cõi Phật - Cõi Phật là Trung thu 

  
Từ ý nghĩa dành sự quan tâm cho trẻ thơ, nhân tố của sự kết nối yêu thương của nhiều thế hệ trong mọi gia đình, Trung thu còn dẫn đến sự đoàn kết tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Bởi vì ai cũng có một tuổi thơ đi qua đầy ắp kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Và dưới ánh mắt tuổi thơ, ai cũng trở nên có tấm lòng thánh thiện, biết trải rộng cõi lòng mình để sống với đời. Vì thế người ta nhiệt tâm, nặng tình với trẻ thơ mà quyết tâm làm thế nào để trẻ thơ được sống an lành trong những điều kiện và môi trường có thể tốt đẹp ngay trong hiện tại và tương lai.

Cuộc sống hiện đại no đủ ai cũng dành sự quan tâm đặc biệt dành cho trẻ thơ. Đặc biệt trong ngày Trung thu các tổ chức cộng đồng, trong đó có Phật giáo cùng chung tay giúp đỡ trẻ khuyết tật mồ côi, bất hạnh để giáo dưỡng, hình thành những con người có ích cho chính bản thân các em và xã hội sau này.

Trung thu lại là dịp để giáo lý với chất liệu từ bi - trí tuệ được mọi người có điều kiện làm cho hạt giống Phật tánh hóa hiện ngay giữa cuộc đời vốn đầy biến động vô thường. Những người tâm hướng Phật thông qua cách sống biết yêu thương và hiểu biết đối với mọi người xung quanh ta, nhất là dành sự yêu thương cho trẻ thơ thật chân thành qua sự biểu hiện của thân hành, khẩu hành, ý hành như Đức Phật.

Ðiều này minh chứng, một trái tim nhân hậu, một khối óc bừng sáng trí tuệ của mỗi người dân chúng ta đều trải lòng thương mến quan tâm trẻ ắt sẽ biến “Trung thu là cõi Phật”, “Cõi Phật là Trung thu”.

Hơn nữa, con người luôn mong muốn tâm đã “định” giống như trăng đã tròn, quang minh tự nhiên hiện ra, vọng tưởng như mây trôi, đều sẽ tiêu tan không chút dấu vết. Mà mặt trăng quang minh từ bi chiếu khắp thế gian, tất cả vạn vật cùng hưởng lợi.

Tết Trung Thu cũng là thời gian “huân tập” công hiệu, là thời điểm rất thích hợp để tiếp thu trí tuệ, công đức, từ bi, thanh tịnh của Phật Bồ Tát, giúp tịnh hóa tâm linh chúng sinh.
 
Ngày Tết Trung thu tâm lành hướng Phật vì lúc này là thời điểm trăng tròn nhất, to nhất, sáng nhất, nhìn trăng ta có thể lĩnh hội được tự giác, cảm giác, viên mãn trong tinh túy của giáo lý Phật giáo. Nhìn mặt trăng bản thân liền tự giác. Nguyệt quang chiếu khắp, soi rọi chúng sinh là cảm giác. Ánh trăng trong sáng, thuần khiết là viên mãn.

Tâm của chúng ta bị những đám mây đen phiền não che phủ. Tuy không thấy nhưng nghe Phật, Bồ-tát nói chúng ta có Tánh giác, mình tin chắc và cố gắng dẹp tan vô minh, phiền não, chừng đó chúng ta sẽ thấy như đức Phật. Đó là lẽ thật mà tất cả chư Tăng Ni cũng như Phật tử đang ứng dụng tu hành. 

Chúng ta dẹp phiền não, dẹp vọng tưởng vì muốn cho ánh trăng giác ngộ hiện ra, chớ không phải tìm sự giác ngộ từ đâu đến. Sự giác ngộ đã sẵn nơi mình, giống như mặt trăng đã sẵn trong bầu hư không, chỉ bao giờ mây tan thì trăng hiện, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa.

Chúng ta đừng mong thành Phật, đừng mong giác ngộ, mà chỉ làm sao dẹp bỏ tất cả vọng tưởng, tất cả điên đảo đang phủ che tánh Phật của mình, tự nhiên không cầu cũng sẽ thành Phật. Đó là điều tối thiết yếu của sự tu hành. 
 
 
Trong đêm Trung Thu, ngoài việc bái Nguyệt Thần trong Tết Trung Thu, chúng ta còn soi tâm giữa trời đất, thành kính hướng về Phật Bồ Tát, tụng niệm kinh kệ, làm theo Phật dạy, nhất định có chứng giám. Nhìn thấy ánh trăng, quỳ xuống niệm A di đà, công đức vô lượng.
 
Trong trời đất không gì hiền dịu mà mạnh mẽ như ánh trăng, thấu suốt tâm can, tỏ rõ thiện ác. Đứng dưới trăng nghĩ về lòng thiện để luôn gặp may mắn và an lành. Điều tâm linh này, không khó để thực hiện.   
 
Bên cạnh đó, lý thuyết còn phải đi kèm với hành động thiết thực. Chúng ta học thuộc lòng kinh, tụng bài này qua bài nọ, mà không khéo ứng dụng lời Phật dạy để tu sửa nội tâm của mình cho được sáng suốt, trong sạch thì việc tụng ấy chỉ là biết tụng chớ chưa phải biết tu.

Biết tu là biết ứng dụng, biết điều phục ngay nơi bản thân mình, nội tâm mình, những điều xấu dở mình hàng phục thành hay tốt. Đó mới thật là người biết tu. Cũng vậy, dù mình thông thuộc được nhiều giáo điển, thuyết thao thao bất tuyệt, nhưng những gì mình nói ra cho người ta nghe, khi nó đến với mình, mình không thắng nổi, đầu hàng nó, như vậy cái thuyết của mình chỉ là thuyết suông, chớ không phải tu.