(Lichngaytot.com) Đeo trang sức hình Phật bằng ngọc, đá quý, vàng bạc… đang ngày càng phổ biến trong xã hội. Không những Phật tử mà cả những người ngoại đạo cũng rất chuộng đồ trang sức này. Điều này có nên hay không?
Tương truyền khi sinh thời, Đức Phật yêu cầu các đệ tử không vẽ tranh hoặc tạc tượng. Ngài không mong muốn được mọi người tôn sùng hay sùng bái. Tuy nhiên, về sau này, các Phật tử vẫn vẽ tranh, tạc tượng, điêu khắc ra chân dung Ngài.
Đây là điều bình thường, bởi khi đã tôn sùng, sùng bái ai đó, mọi người đều mong muốn ghi lại hình ảnh của họ. Hơn thế, có người còn tin rằng, đeo trang sức hình Phật sẽ mang lại cho họ nhiều may mắn, bình an.
Ngoài việc đeo trang sức khắc hình Phật, một số người còn xăm cả hình Phật hay những hoa văn liên quan đến Phật giáo kín lưng, xăm lên tay hoặc cả trên bắp đùi… Việc này nên suy ngẫm thế nào cho đúng?
1. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”
Trên con đường tu tập về tâm linh, ngoại trừ những người thực sự yêu thích hình ảnh tượng Phật muốn sử dụng với mục đích trang trí, chúng ta không nên để vật chất ảnh hưởng đến bản thân mình quá nhiều.
Không nên đeo trang sức có hình Phật, đeo vòng, chuỗi, mua những món đồ mang tính Phật giáo để trưng quanh nhà và cho rằng mình đang “tu tập”, đang rất “tinh tấn”.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, những đồ vật này không phải phương tiện giúp chúng ta tu tập, cũng không phải “bằng chứng” về sự tinh tấn của chúng ta.
Việc xăm hình ảnh Chư Phật lên kín lưng, trên tay, trên cả bắp đùi… cũng là điều không nên. Phật nào ngự ở nơi bắp tay, bắp đùi hay trên lưng vậy?
Có người thanh minh xăm hình như thế giúp tĩnh tâm hơn những lúc sân hận. Lúc cơn sân nổi lên thì liệu có ai đủ bình tĩnh để vén quần, vén áo lên để nhìn Phật cho “hạ hỏa” không? Muốn thế có khi lúc nào cũng phải cởi trần, mặc quần đùi để nhìn thấy Phật suốt. Nếu vậy, cớ sao họ không xăm luôn hình Phật ngự ngay giữa mặt để mỗi khi soi gương lại một lần nhắc nhở bản thân và “khuyến tấn” người khác tu tập nhỉ?
Dù thế nào đi nữa, tất cả chỉ là những lời nói trên đều là ngụy biện, do trí tuệ của chúng ta bị vô minh che lấp mà thôi.
Một cách nghĩ sai lầm nữa là: chúng ta đeo trang sức gắn hình Phật, đeo chuỗi hạt chỉ để mọi người biết chúng ta là Phật tử thuần thành. Việc trở thành một Phật tử không phải một danh hiệu để khoe, để “treo biển thông báo”, để khoe khoang bằng cách đeo những món đồ liên quan đến Phật giáo. Đó là một quá trình tu tập, tu dưỡng lâu dài, không ngừng nghỉ.
Việc đeo những món trang sức có hình Phật, tính Phật giáo để khoe khoang việc tu tập của mình thực ra chính là một biểu hiện của cái Tôi ngã mạn. Đây là điều mà Phật tử cần tránh.
2. Coi trang sức hình Phật là một thứ bùa chú – Hoàn toàn sai lầm
Đeo trang sức có hình Đức Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát,… không phải để “xua đuổi ma quỷ” hay là cầu may mắn, cầu che chở. Không nên coi những món đồ có hình ảnh tâm linh này là một thứ bùa chú bởi như vậy là đi ngược lại tinh thần Phật giáo.
Đức Phật đã dạy rằng: “Hãy tự nương tựa vào bản thân mình, không dựa vào ai khác. Hãy thắp lên mà đi với ngọn đuốc chánh pháp, không phải phi pháp!”
Việc chuyển hóa tâm tính là do tự lực của mình, không phải dựa vào người khác, dù đó là đức Phật hay hình ảnh của Người đi chăng nữa. Chúng ta cần siêng năng nỗ lực tu tập để dẹp trừ dần bản ngã, hoàn thiện bản thân để đến được với con đường giác ngộ và giải thoát.
Chứ chúng ta lại dựa vào sợi dây chuyền mang hình Phật mà muốn được thành tựu thì chẳng khác gì “nấu cát thành cơm”. Nếu thực sự mấy sợi dây chuyền mang mặt Phật có tác dụng như vậy thì chúng ta chẳng cần tu tập làm gì, chỉ cần đeo hình Phật là đủ.
Tuy nhiên, khi gặp những khó khăn hay những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống, do tâm trạng tiêu cực, cay đắng, uất hận, chúng ta có thể nóng nảy, làm những việc sai lầm.
Nếu có mang bên người món đồ có hình ảnh của Đức Phật, của các vị Bồ tát thì trong lúc nóng nảy, nhìn những món đồ này, chúng ta có thể bình tâm lại, kiềm chế được những hành động không có lợi, nhờ đó có thể tránh làm những việc sai lầm.
Vậy nên, tác dụng của những món đồ mang ý nghĩa tôn giáo là như vậy, chứ không phải những món đồ này sẽ tạo ra “phép thuật” nào đó để thay đổi tình huống trong cuộc sống mà ta gặp phải.
3. Sử dụng trang sức hình Phật thế nào mới đúng?
Khi thỉnh một món đồ mang tính Phật giáo để mang theo bên mình, mục đích quan trọng nhất là: Dùng để nhắc nhở chúng ta phải tu tập nhiều hơn, sâu hơn nữa.
Khi đeo trang sức gắn hình Đức Phật, chúng ta sẽ luôn tự nhắc mình phải có những cử chỉ, lời nói đúng mực, khuyến khích bản thân kiên nhẫn, từ bi và luôn thận trọng trong từng ý nghĩ cũng như lời nói.
Đeo trang sức hình Phật để nhắc nhở chúng ta phải tu tập nhiều hơn, sâu hơn |
Khi đeo trang sức có hình bông hoa sen, chúng ta sẽ tự nhắc nhở mình rằng mỗi ngày là một cơ hội để nuôi dưỡng, tăng trưởng lòng từ bi, trí tuệ và tình yêu ngát hương như đóa sen này. Bạn đã biết ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo và vì sao Đức Phật, Bồ Tát ngồi trên hoa sen mà không phải loài hoa khác?
Khi chúng ta giữ được suy nghĩ (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) đều lương thiện, cao đẹp thì tự khắc sẽ gieo những thiện duyên, cuộc sống sẽ an lành. Với ý nghĩa này, chúng ta có thể thỉnh những món đồ này về cho bản thân hoặc để tặng người thân, bằng hữu… như một món quà vô giá về tinh thần.
Nhiều người thắc mắc: khi đeo trang sức có hình Đức Phật hoặc các hình ảnh tâm linh khác trong những hoạt động đời sống thường ngày như nấu nướng, làm việc, tắm gội,… thì có bị tội hay không, có mất phước hay không. Như đã phân tích ở trên, những món đồ có các hình ảnh tâm linh này không hề mang ý nghĩa tâm linh thật sự mà chỉ là ý nghĩa giáo dục, tinh thần.
Tóm lại, việc có nên đeo trang sức có gắn hình Phật hay những hình ảnh tâm linh hay không là chuyện của từng cá nhân, tuy nhiên, cần phân biệt việc này khỏi những trò mê tín dị đoan, tin lời xằng bậy, coi những trang sức gắn hình ảnh tâm linh là bùa chú.
Chẳng có thứ trang sức nào có thể giúp được ta gặt hái thành tựu bằng việc chính ta tự đúc một tượng Phật trong tâm mình, luôn ghi nhớ những lời Phật dạy mà y giáo phụng hành. Bấy giờ dù bạn có mang theo mình hình ảnh Phật hay không cũng không quan trọng nữa. Bởi chúng ta luôn có Phật bên người, chính tại nơi đây, ngay trong trái tim mình.
T.H