Lời khuyên chuyên gia: Không nhất thiết phải đợi đến gần Tết mới tỉa chân hương trên ban thờ vì sợ phạm kỵ

Thứ Ba, 16/01/2024 14:48 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để bát hương đầy ắp chân nhang và không thường xuyên lau dọn bàn thờ có thể khiến gia chủ gặp vận hạn chứ không phải là cách thể hiện sự tín tâm, chăm thắp hương thờ cúng để được tổ tiên phù hộ nhiều lộc. Vậy nên tỉa chân hương vào lúc nào phù hợp?
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
 

1. Có nên rút, tỉa chân hương trên ban thờ tổ tiên?

 
Không ít người có quan niệm rằng, bát hương ngày đầy chân hương, thậm chí càng um tùm thì càng linh thiêng, càng nhiều tài lộc.

Họ không có thói quen rút tỉa chân hương định kỳ mà để chúng um tùm, chân hương sau cắm lên chân hương trước thành tầng tầng lớp lớp, năm này qua năm khác.

Theo ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học Công nghệ và tin học ứng dụng UIA), quan niệm trên chỉ là suy đoán, không hề có căn cứ. 

Ông Khanh cho biết, tỉa chân nhang là một trong những việc quan trọng nhất trong khâu dọn dẹp bàn thờ. Việc để bát hương quá đầy không chỉ khiến bát hương bị rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bẩn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao nếu không cẩn trọng. 

Theo các nhiều nhà tâm linh khác, việc không tỉa chân hương, để bát hương quá đầy, khi thắp những nén hương tiếp theo không chạm được vào bát hương được sẽ chèn lên chân hương trước, như vậy việc thắp hương sẽ không còn ý nghĩa.

Hơn thế, bát hương mà có chân hương cao sẽ giống như cái cột “che mắt” thần linh, gia tiên, cũng giống như ta đang ngồi mà có vật gì chắn trước mặt sẽ cảm thấy rất khó chịu.

Vì thế, việc tỉa chân hương trên ban thờ gia tiên, thần linh là điều cần thiết và nên làm. 
 

2. Không nhất thiết phải đợi đến gần Tết mới tỉa chân hương, lau dọn bàn thờ

 

Vậy rút tỉa chân hương vào lúc nào cho phù hợp, lau dọn bàn thờ khi nào, trước hay sau lễ cúng ông Công ông Táo? 

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, việc tỉa chân nhang không nhất thiết phải đợi đến dịp ông Công ông Táo hay gần Tết vì lo sợ phạm kỵ thần linh.

Gia chủ hoàn toàn có thể chọn những ngày cát lành trong năm để tiến hành rút tỉa bớt chân hương, miễn sao thực hiện với cái tâm thành kính là được.

Ông Phạm Cương cho hay: “Với kinh nghiệm nhiều năm, tôi cho rằng, nếu trong năm chân hương quá um tùm chúng ta hoàn toàn có thể chọn những ngày cát lành trong năm để tỉa bớt, điều này giúp tránh hỏa hoạn khi thắp hương. Hơn nữa, chỉnh trang lại bát nhang đẹp đẽ để tỏ lòng thành với tiên tổ cũng là điều nên làm. Trong trường hợp không quá nhiều chân hương thì có thể làm vào dịp cuối năm theo lệ cũ phép xưa, không lo phạm kỵ."

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Khanh nhấn mạnh, khi nào thấy bàn thờ chưa được trang nghiêm thanh tịnh thì nên lau dọn ngay hoặc có thể đặt lịch định kỳ lau chứ không nhất thiết cứ phải chờ đến dịp gần Tết mới lau dọn. 

Nhiều nhà thắp hương hằng ngày nên bát hương nhanh đầy, việc tỉa chân hương có thể làm hàng tháng hoặc 2 - 3 tháng một lần để giữ mỹ quan giúp bát hương, bàn thờ sạch sẽ, sáng sủa.

Điều quan trọng là khi thực hiện việc này phải làm một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.

 

3. Rút tỉa chân hương thế nào mới đúng cách?

 
Thường trong nhà có hai bàn thờ: Bàn thờ gia tiên và bàn thờ ông Công đều phải tỉa chân hương. 

Theo chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt (Công ty Phong Thuỷ Việt Nam), trước khi rút chân hương, nên chọn một ngày tốt lành, rảnh rỗi, sau đó thắp hương xin phép trước khi lau dọn (sái tịnh) bàn thờ, xin thần linh, tổ tiên, gia tiên và xin Chư Phật được phép lau dọn bàn thờ.

Sau khi lau dọn bàn thờ cẩn thận, tỉa hết chân hương bẩn đi rồi lau chùi bát hương sạch sẽ bằng nước thơm, nước hoa, nước hoa hồng, nước trầm.

Tiếp đó cắm chân hương cũ vào, chỉ để khoảng 5 chân hương rồi đưa bát hương vào đúng vị trí cũ (Nên sắp bát hương đầy đặn, ngay ngắn, không nên để bát hương quá nhiều hoặc quá ít tro, hoặc bát hương siêu vẹo).

Số chân hương đã tỉa sẽ được đốt trong lò hóa vàng, tro đem đổ xuống sông, hoặc vùi vào gốc cây (nên chọn cây to khỏe, bởi các cây non rất dễ bị chết). Tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc các nơi ô uế.

Riêng với ban thờ Thần Tài, cách tỉa chân hương có chút khác biệt:

Tỉa chân nhang Thần Tài như thế nào mới là đúng cách
Tỉa chân nhang Thần Tài phải thực sự thật tâm và khéo léo thực hiện các bước như lau dọn bàn thờ, sử dụng bát hương, chọn người... vì tất cả đều rất quan trọng. 

Bài khấn xin phép trước khi tỉa chân hương hay lau dọn bàn thờ:


Nam mô a di Đà Phật! (3 lần) 

Con xin tấu lạy 9 phương Trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương.

Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ long mạch thổ thần đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ con là:……… Ngụ tại:……………

Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đó dòng họ X. (họ nhà bạn là gì thì thêm vào) tại…… (nhà ở đâu, quê ở đâu thì thêm vào).

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp (hoặc 30 tháng Chạp), (hoặc một ngày cụ thể nào đó), con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ, đón năm mới tới, mong chư vị Phật.

Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ X, chấp thuận.

Nam mô a di đà Phật (3 lần)

Lưu ý: Sau hơn nửa tuần nhang thì có thể tiến hành vệ sinh, tỉa chân nhang, bao sái bát nhang và ban thờ.
 

4. Bao sái bát hương thế nào mới không phạm kỵ?

 
Trường hợp bát hương đầy tro thì dùng thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ bớt ra ngoài, tối kỵ rút chân hương theo từng nắm rồi cầm bát hương đổ tro bừa bãi ra ngoài, bởi người xưa quan niệm như vậy sẽ “tán tài”. Tham khảo về cách lau dọn bàn thờ cuối năm để biết thêm chi tiết.

Lau bát hương bằng cách giữ cố định bát hương, lấy khăn ẩm nhúng rượu pha gừng đã giã nhỏ, hoặc nước thơm để lau cho sạch.

Quá trình lau bát hương nếu có xê dịch chút ít thì gia chủ không nên quá lo sợ, mà hãy cứ bình tĩnh làm. Nhưng không nên bê bát hương đã được an vị ra chỗ khác để bao sái bàn thờ. Sau khi bao sái sạch sẽ hãy bày lại bài vị phật, thần, gia tiên như cũ.

Nếu đang có ý định thay bát hương, tôn bát hương, bốc lại bát hương thì dịp cuối năm này gia chủ có thể tiến hành luôn.

Nếu không biết lễ, cần nhờ người hiểu biết về tâm linh làm lễ. Nếu muốn mua bát hương mới, cần sắm bát hương phù hợp với kích cỡ ban thờ, và bát hương quan thần linh nên to nhất.

Nên dùng rơm nếp đốt để lấy tro nếp dùng cho bát hương mới. Khi đổ tro vào bát hương không nên lắc, hay nén chặt, mà đổ tự nhiên.

Tôn bát hương, thay bát hương, bốc bát hương xong thì dùng cành tre (cành hoa đã rửa sạch) nhúng vào rượu gừng rồi vẩy vào bát hương (theo dân gian là để tẩy uế cho bát hương thanh sạch).

"Khi sắp xếp bàn thờ xong xuôi, mọi người đưa đồ cúng lễ lên để làm lễ tạ Chư Phật, thần linh, gia tiên. Đó là cách làm hiệu quả và khoa học.

Lau dọn bàn thờ không nhất thiết là làm lễ xong mới được lau. Mọi người có thể lau dọn xong rồi đặt đồ thờ cúng trang nghiêm, ngay ngắn, đầy đủ để lễ, bởi lễ sau khi sắp xếp, lau dọn bàn thờ xong có thể hóa giải được sơ xuất, sự xếp đặt không đúng hoặc chưa chuẩn", chuyên gia phong thủy Tuấn Kiệt cho biết thêm.