(Lichngaytot.com) Đại lễ Phật Đản năm 2017 rơi vào ngày 10/5 dương lịch (15/4 âm lịch), là một trong những ngày lễ có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của Phật giáo. Chúng Phật tử và tất cả những người hướng Phật đều rất quan tâm tới các nghi thức trong lễ này.
1. Lễ Phật Đản là gì?
Cùng với Vu Lan, Thành Đạo, Phật Đản là lễ lớn trong năm của Phật giáo, đánh dấu ngày Đức Phật ra đời, mở ra con đường mới cho chúng sinh, hướng tới Phật pháp, đi tìm hạnh phúc và giải thoát đích thực trong cuộc đời. Ngày lễ được tổ chức nhằm tôn vinh, kính ngưỡng những công đức lớn lao mà Đức phật mang đến, đồng thời cảnh tỉnh tâm hồn, nhắc nhở chúng sinh theo con đường chân chính của nhà Phật.
Theo các ghi chép Phật giáo thì mỗi tông giáo, mỗi trường phái Phật giáo khác nhau có ngày lễ Phật Đản khác nhau. Tuy nhiện, từ năm 1999, Liên Hợp Quốc thống nhất lấy ngày 15/4 âm lịch hàng năm là ngày Lễ Phật Đản của Phật giáo toàn thế giới, đồng thời công nhận đây là lễ hội tâm linh thế giới.
Lễ Phật Đản, Lễ Phật Thành Đạo và Lễ Phật Nhập Niết Bàn gọi chung là Lễ tam Hợp, còn gọi là đại lễ Vesak. Đây là ba dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời hành đạo của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài ra đời cho tới khi Phật quang chiếu tỏa khắp nơi, độ hóa chúng sinh, để lại sự nghiệp vô giá về tôn giáo.
2. Lễ Phật Đản năm 2017 được tổ chức như thế nào?
Đại Lễ Phật Đản năm 2017 tại Việt Nam được tổ chức long trọng tại tất cả các chùa với những nghi thức trang nghiêm, mang lòng thành kính sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng của nhà Phật. Tất cả phật tử và những người hướng Phật đều tham gia lễ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thành Hội Phật giáo Việt Nam.
Các nghi thức ngoài trời mang tới không khí sôi nổi nhưng không kém phần kính ngưỡng của Đại lễ. Các hoạt động được tổ chức thường niên như lễ diễu hành, lễ cúng Phật, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng Phật pháp, văn nghệ Phật giáo, trang trí đèn lồng và cờ Phật,… đều chuẩn bị đầy đủ
Người tham gia Đại lễ tuyệt đối hướng tới điều thiện, không sát sinh, ăn chay, thực hiện những điều lành mà nhà Phật răn dạy. Người thờ Phật tại gia sẽ dọn dẹp nhà cửa, bày trí lại ban thờ gọn gàng, đẹp mắt, tổ chức lễ cúng tại nhà. Người có tâm tới chùa tham gia lễ cúng sẽ góp công để chuẩn bị lễ, quét dọn sân chùa và dâng lễ, làm công quả, cúng dường tam bảo.
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong Đại Lễ Phật Đản năm 2017 là tắm Phật. Lễ này xuất phát từ truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật. Khi Ngài sinh ra có chín con rồng tới phun hai dòng nước ấm lạnh để tắm rửa, chư tiên cùng tung hoa vui mừng, tấu nhạc rộn ràng. Vì thế, hàng năm đến ngày Phật Đản sinh chúng Phật tử sẽ dùng nghi thức tắm Phật để diễn biến lại lúc Đức Phật sinh ra đời.
Đây không chỉ đơn thuần là một hoạt động nhắc nhở, tưởng nhớ mà còn mang ý nghĩa nhân văn ấm áp của Phật giáo. Dòng nước tắm Phật kia giống như niềm tin tôn giáo giúp con người rũ bỏ mọi muộn phiền, thanh lọc tâm hồn, học Phật, hướng Phật để giữu chân tâm, sống cuộc đời trong sạch, thanh tịnh và vô thường.
Người tham dự lễ không chỉ kính Phật, tin Phật mà còn phải mang trong mình tâm niệm thanh thản, rũ bỏ mọi muộn phiền, hướng tới những điều mới mẻ, tốt lành, an nhiên. Nếu mang tâm không tịnh tới làm lễ, không biết mở lòng hướng thiện, chăm chú nghe giảng Pháp và thấm nhuần những tư tưởng Phật thì chỉ phí hoài, hình thức dẫu đủ cũng không có tác dụng gì.
Mỗi người khi tới tham dự Đại Lễ Phật Đản 2017 nên bỏ qua thói đố kị, ghen tị, thoái thác tham sân si và những ích kỉ nhỏ nhen. Sống hiền lành, vị tha, yêu thương, tích phúc đức cho bản thân, gia đình. Bước vào cửa chùa nên để mọi bon chen ở lại, chỉ mang tâm hồn thanh sạch nhất, thuần khiết nhất vào và sẵn lòng mở ra để thẩm thấu điều lành.
Như bất cứ nghi thức nào của Phật giáo, Phật Đản luôn hướng tới sự đơn giản, tiết kiệm nhưng chân tâm thành kính. Mọi hoạt động diễn ra trong không khí vui mừng và trang nghiêm, đúng tinh thần Phật giáo. Hi vọng rằng, những hoạt động tôn giáo tâm linh lành mạnh như vậy sẽ ngày càng được mở rộng để đông đảo người dân cùng tham gia.
Tâm Lan