(Lichngaytot.com) Ở bất cứ ngôi chùa nào đều có sự xuất hiện của chuông. Chiếc chuông chùa là biểu tượng của sự linh thiêng, tiếng chuông gióng lên như lời nguyện an sinh của Phật pháp.
Kinh Phật thường nhắc tới việc sử dụng chuông trong lễ nghi Phật giáo và ý nghĩa của tiếng chuông đối với sự siêu thoát, an vui. Kinh Tăng Nhất A Hàm có bàn về vấn đề này: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui”.
Cũng có thuyết khác, theo Truyện Cảm Thông là khi Đức Phật tu luyện đã tạo ra một chiếc chuông bằng đá xanh vào buổi bình minh, chuông ngân lên trong ánh sáng sớm mai thì các vị hóa Phật hiện ra. Từ đó, tiếng chuông là lời cảnh tỉnh, thỉnh mời tâm linh của đạo Phật.
Hay trong kinh Nghiêm Lăng, Đức Phật thường lệnh cho La Hầu La đánh chuông để bắt đầu buổi giảng lý, giảng pháp của mình.
Cũng bởi có nhiều ý nghĩa khác nhau về chuông và tiếng chuông của Phật giáo nên theo quy định của nhà Phật, mỗi chùa viện đều có 3 loại chuông: chuông đại hồng, chuông báo chúng và chuông gia trì.
Chuông đại hồng hay còn có tên gọi là chuông u minh, là chiếc chuông lớn thường được gióng vào đầu đêm và cuối đêm. Tiếng chuông đầu đêm nhắc nhở mọi người buông bỏ cơn vô thường, an yên bản thân để nghỉ ngơi. Tiếng chuông cuối đêm thức tỉnh mọi người, tỉnh táo trở dậy để tấn tu, bắt đầu một ngày mới.
Mỗi lần chuông đại hồng ngân lên, đánh đủ 108 tiếng, đại diện cho việc đoạn trừ 108 phiền não (88 kiến hoặc, 10 tư hoặc, 10 triền: Vô tàm, vô quý, hôn trầm, ác tác, não, tật, trạo cử, thùy miên, phận, phú) của chúng sinh. Nghe chuông này tâm hồn thanh tịnh, tâm trí nhẹ nhàng, trút bỏ khổ buồn, tiến tới an nhiên.
Vì sao ngôi chùa Phật nào cũng có chuông? |
Để đạt tới cảnh giới này, khi nghe tiếng chuông hãy thong thả niệm bài kệ: “Văn chung thanh phiền não khinh, trí huệ trưởng bồ đề sanh, ly địa ngục xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật độ chúng sanh, án già ra đế gia toá ha”. Tâm tĩnh, miệng tu, muôn đời hưởng lạc.
Chuông đại hồng còn được gióng lên trong ngày đầu năm mới, ngày Rằm Tháng Giêng cầu quốc thái dân an. Đây là nghi lễ linh thiêng, đánh dấu sự cảnh tỉnh trời đất, chúng sinh hướng thiện, làm điều lành, khởi đầu tươi tốt, may mắn và rũ bỏ hết phiền não, khổ sở, khó khăn của một năm đã qua.
Chuông báo chung hay còn gọi là chuông tăng đường, dùng để thông báo trong nội bộ chùa viện khi họp nhóm, thọ trai và khóa tụng.
Chuông gia trì sử dụng khi lễ Phật, tiếng nhỏ nhẹ thanh thúy, có tác dụng điều hòa và ra hiệu giữ nhịp khi tụng kinh.
Nếu tu tại gia, có thể tự sắm một chiếc chuông nhỏ, đánh lên mỗi sáng tối hoặc khi có khổ não, khi bắt đầu tụng kinh niệm Phật. Tiếng chuông sẽ mở ra không gian tịnh tu, yên ổn tâm hồn, hướng tâm tới thiện, có rất nhiều lợi ích.