Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Mấy ai hiểu đúng về Niết bàn, tránh hiểu sai kẻo hậu quả khó lường!

Thứ Ba, 29/06/2021 11:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bậc tu hành hiểu đúng về Niết bàn để tránh lầm đường lạc lối, người bình thường tránh hiểu sai để thấy Phật pháp gần gũi và dễ hiểu vô cùng, không hề có màu sắc ma mị ở đây.

Từ lâu Niết bàn bị bao trùm bởi một bức màn của sự huyền bí và đó được xem là nơi đến của tất cả những người theo đạo Phật mong muốn để có thể thoát khỏi luân hồi sanh tử.

Hiểu đúng về Niết bàn


Theo Phật giáo tự do tuyệt đối chính là làm chủ thân tâm, sống với thực thể vạn pháp. Trạng thái ấy được Đức Phật dùng với khái niệm Niết bàn. Như vậy, Niết bàn là một trạng thái không còn khổ đau, phiền não. Niết bàn chính là sự chấm dứt mọi khát ái nơi tâm của mỗi con người.

Quan niệm về Niết bàn cũng có sự sai khác


- Phật giáo Nam tông chia Niết bàn thành hai loại là Vô dư y và Hữu dư y. Vô dư y là Niết bàn diệt luôn cả phiền não lẫn ngũ uẩn. Hữu dư y là Niết bàn diệt được phiền não nhưng vẫn còn lại ngũ uẩn.

+ Hữu dư y: Là trạng thái tâm của các bậc thánh nhân đã dứt sạch phiền não, đoạn tận tham sân si, không còn tái sinh trong ba cõi… Nhưng vì còn sống trên thế gian, còn thân của nghiệp báo dư thừa, nên vẫn phải chấp nhận khổ do chịu nghiệp cũ để lại.

+ Vô dư y: Vị A-La-Hán đã dứt sạch phiền não hữu lậu, tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện tham sân si, xa lìa tất cả si mê, đạt sự tĩnh lặng, chứng Niết bàn khi còn sống. Sau khi thân hoại mạng chung không còn mang thân nghiệp báo sẽ không còn tái sinh, nhập Vô dư Niết bàn. Loại Niết bàn này trong kinh còn gọi là Bát-Niết-bàn (parinirvãna).
 
Hiểu đúng về Niết bàn
 
 
- Phật giáo Bắc tông bổ sung thêm hai loại Niết bàn nữa, đó là Tự tính Niết bàn và Vô trụ xứ Niết bàn. Thực chất đây chỉ là sự khai triển thêm của Hữu dư y. 

+ Tự tính Niết bàn: Mỗi người chúng ta đều có sẵn thể tánh thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, chỉ vì vô minh phiền não che lấp nên tánh sáng không hiển lộ. Khi mê lầm chấp ngã biến mất thì đó là Niết bàn. Cho nên mới nói Niết bàn vốn sẵn có, nó không phải là kết quả của tu tập mới có. Nhưng nếu con người không nhận ra tự tánh của mình thì không bao giờ biết được Niết bàn là như thế nào.

+ Vô trụ xứ Niết bàn: Quan niệm mở rộng của Niết bàn dựa trên khái niệm Bồ tát. Vô trụ xứ Niết bàn là quan niệm Bồ tát chứng đắc Niết bàn không trụ vào một nơi, một chốn nào. 

Không có nghĩa là vô tâm với cuộc đời


Nói Niết bàn chính là sự chấm dứt mọi khát ái nơi tâm của mỗi con người nhưng không có nghĩa là cứ đắc Niết bàn là xem chuyện có cũng như không, hờ hững hay vô cảm với cuộc sống.

Chứng đắc Niết bàn là khi ta không còn chấp ngã, chấp pháp để phân biệt mình và người trên tinh thần trí tuệ, do đó không có nghĩa là sự ngừng hoạt động của tâm mà ngay trên niệm khởi đó không dính mắc với nó. Nếu chấp vào ngã nên khi chúng có sự thay đổi, thì sẽ dẫn ta tới phiền não, đau khổ. Nếu chấp vào ngã là đang đi ngược lại con đường đưa đến hạnh phúc chân thật mà ta gọi là Niết bàn.
 
Đức Phật cho rằng: “Này các Tỳ kheo, trong tất cả pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết bàn” (Kinh Tăng chi bộ I, chương IV - Bốn pháp, phẩm Bánh xe) hay “Đoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết bàn” (Kinh Tương ưng bộ III, thiên Uẩn, chương II - Tương ưng Ràdha). 

Không phải chết đi mới được ở cõi Niết bàn


Chúng ta đã thường quá quen thuộc với cụm từ “Phật nhập Niết bàn” để chỉ cho việc Phật qua đời, đi về cõi Niết bàn khiến cho hầu hết chúng ta hiểu sai và tưởng rằng Niết bàn là một cảnh giới đạt được sau khi chết.

Đây là một trong những lầm tưởng phổ biết nhất về Niết bàn. Do đó, cần hiểu đúng về Niết bàn để tránh sai lệch trong đường hướng tu tập, rời xa tính thiết thực, thực tế của giáo lý nhà Phật.

Niết bàn tức “vô sinh” tức là ta sẽ không còn bị sinh tử trói buộc, bởi khi thấy sinh tử là giả thì bất tử vô sinh. Như vậy Niết bàn là vô sinh có nghĩa là vẫn còn sinh tử nhưng không bị sinh tử trói buộc, hay bị lệ thuộc. Điều này xuất phát từ tâm mình chứ không phải ở một hình thức cụ thể như là một nơi, một vị trí nào đó cần đến như cách hiểu thông thường.
 
Như vậy không phải khi chết mới chứng Niết bàn mà khi còn sống cũng có thể chứng Niết bàn. Sống hay chết chỉ là hiện tượng, khi mê gọi là sinh tử khi ngộ thì hiện tượng đó gọi là Niết bàn.
 
Niết bàn ngay cõi ta bà này
 

Ta có thể "biến" nơi đây thành Niết Bàn

 
Niết bàn không phải là một nơi chốn, không phải là cảnh giới trong không gian hay thực tế ngoài đời. Niết bàn không ở trên trời, không ở trong mây, không ở trên không... Niết bàn không ở đâu cả vì đó không phải là một thực thể, nếu nó là một vật thì nó sẽ là tạo tác, hữu vi, vô thường chi phối mà đó là một trạng thái của tâm. 

Trong việc thiền tập, thường sử dụng hình ảnh con trâu đen chuyển thành trâu trắng. Con trâu trắng tượng trưng cho Niết bàn, con trâu đen tượng trưng cho sinh tử, như vậy bản chất chỉ có một con trâu mà thôi. Khi chúng ta giác ngộ chúng ta chỉ nhìn nhận thân tâm, con người và thế giới bằng cái nhìn khác mà thôi. 

Niết bàn là trạng thái ở tâm phát sinh từ sự buông bỏ, nghĩa là biết buông bỏ thoát khổ đau càng nhiều thì hạnh phúc, an lạc trong tâm càng lớn, làm cho ta càng gần với Niết bàn hơn. Nhưng ta cũng cần có trí tuệ để hiểu đúng về chữ buông của đạo Phật để tránh phí hoài một đời vô nghĩa.

Ngay tại thế giới này, chúng ta giác ngộ không chấp ngã thì cũng chính là Niết bàn. Điều đó có nghĩa là khi ta đang sống ngay cả cõi Ta bà này cũng có thể là Niết bàn khi mà chúng ta nhận ra, buông bỏ mọi chấp trước về ta và của ta, kết thúc sự vô minh, thiếu hiểu biết để biến các chất liệu khổ đau thành hạnh phúc.

Thực ra, không chỉ ở cõi Ta bà mà bất cứ nơi đâu, ta có thể duy trì trạng thái sống được với tự tính thanh tịnh của chính mình, thì ở đó đều là cõi thanh tịnh của tâm cũng được xem là Niết bàn. Dù ta hiện vẫn tồn tại trong cõi luân hồi này, nhưng vẫn tự do tự tại, làm chủ bản thân mình, đồng thời, giúp đời, giúp người trong khả năng của mình.

Xem cõi này là Niết bàn của chính mình cũng chính là điều các hàng Bồ tát hướng tới với phương châm “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Phật pháp tại thế gian, không rời thế gian mà giác ngộ).
 
Lúc này có thể khẳng định, Niết bàn không hề thần bí nếu còn có suy nghĩ sai lệch như thế thì dễ lầm đường lạc lối. Quá trình chấm dứt khổ đau để đạt được trạng thái an lạc, hạnh phúc mà ta gọi là Niết bàn, không chỉ là một lý thuyết suông, mà nằm trong chính sự thực tập hàng ngày.

Điểm chính yếu của Niết bàn đó chính là tính giải thoát. Giải thoát ngay trong lòng thực tại này chứ không phải ở một nơi nào khác. Nên chúng ta chỉ cần quay trở về, sống với bản tâm ấy nhưng không còn tham ái nơi cảnh trần. Từ đó, không nảy sinh sự dính mắc, chấp thủ với bất cứ điều gì nữa.

Giải thoát còn là sự trở về sống trọn vẹn với hiện tại, sống có chánh niệm, tỉnh giác với sự soi chiếu của trí tuệ nơi bản tâm, từ đó có được hạnh phúc và chính hạnh phúc này sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong ta.


Tin cùng chuyên mục

X