Đức Phật nói về việc cúng tế: Người thân có nhận được tiền và đồ ăn không?

Thứ Sáu, 23/08/2019 10:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nói về việc thờ cúng, tế lễ còn nhiều tranh cãi vì thế chúng ta thử khám phá xem Đức Phật nói về việc cúng tế để có thêm kiến thức và hiểu rõ hơn về nét đẹp truyền thống của người Việt nói riêng và châu Á nói chung.
  

Đức Phật nói về việc cúng tế? 


Từ xa xưa, chúng ta thực hiện việc cúng tế theo ông bà, cha mẹ và đó là nét truyền thống tốt đẹp để tưởng nhớ người đã khuất. Nhưng bên cạnh đó có những người phân vân không biết người thân của họ có nhận được những gì mình cúng tế hay không. Chúng ta thử tìm hiểu xem Đức Phật nói về việc cúng tế này như thế nào nhé.

Một thời đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên, thành Vương-xá. Bấy giờ có Phạm chí Sanh Văn đi đến chỗ Phật, cùng Phật thăm hỏi an ủy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
 
- Thưa Cù-đàm! Con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế tôn, người ấy có nhận được không?
 
Phật bảo Bà-la-môn:
 
- Không phải nhất định phải được. Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm.

Nếu nó sinh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.
 
- Này Bà-la-môn! Trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông.
 
Bà-la-môn bạch Phật:
 
- Nếu người thân tộc của con không sinh vào trong đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được?
 
Phật bảo Bà-la-môn:
 
- Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng. 
 
 
 
Bà-la-môn bạch Phật:
 
- Thưa Cù-đàm! Nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và cũng không có các thân tộc quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?
 
Phật bảo Bà-la-môn:
 
- Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và lại cũng không có những người quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-sấn. 
 
Vì thế, để giải đáp thắc mắc cho những ai không biết người thân có nhận được những gì họ cúng tế hay không, có thể tạm kết luận thế này: Việc cúng tế vẫn có một phần ý nghĩa nào đó và những gì chúng ta cúng thì sẽ có những ai thuộc về Nhập xứ ngạ quỷ
 vẫn nhận được. 
 
Theo góc nhìn Phật giáo, khi một người qua đời, vẫn còn thân trung ấm là một dạng sống có thân thể với cấu trúc vật chất vi tế mà mắt thường của chúng ta không thể thấy được. Tùy theo biệt nghiệp của mỗi loài mà thọ thân trung ấm với hình dáng khác nhau. Xem thêm: Đức Phật nói về tái sinh, cuộc sống sau khi chết
 
Ngoài ra, còn rất nhiều loài chúng sinh khác hiện hữu trong thế giới, đan xen như Chư Thiên cõi Dục giới và Chư Thiên cõi Sắc giới có thân thể đẹp đẽ, trang nghiêm; các Ngã Quỷ có hình dáng xấu hay dữ tợn tùy loài. 
 
Hầu hếu chúng ta không đủ duyên để thấy thế giới vô hình (chỉ vô hình với chúng ta - người không nhìn thấy họ). Giác quan của họ nhạy bén và thù thắng hơn loài người rất nhiều. Họ vẫn ăn uống bình thường, có khả năng nghe nhìn rất xa, di chuyển cực nhanh và hiểu được tâm niệm (ý nghĩ) của loài người. 

Cho nên, các loài mà ta gọi thế giới vô hình vẫn thọ dụng các phẩm vật dâng cúng hay tự tìm kiếm một cách bình thường. Có điều, tùy theo nghiệp của mỗi loài mà có cách ăn uống, thọ dụng khác nhau.

Làm phước để hồi hướng quả lành cho người thân
 

Chúng ta thường e sợ khi nói đến cảnh khổ ở bốn cõi: Súc sanh, A tu la, Ngạ quỉ và Địa ngục, nhưng hầu hết không hiểu nguyên nhân nào mà phải sanh vào cảnh ấy hoặc làm sao cho thoát khỏi cảnh ấy.

Đã từng có quan điểm cho rằng không thể hồi hướng công đức nhằm cứu độ kẻ khác. Bởi lẽ, nghiệp do ai gây ra thì người đó phải nhận lấy kết quả. Đó cũng là lời khẳng định của Đức Phật trong kinh Tập (Sn. 112): Cha không cứu được con/ Hay bà con cứu nhau.

Với Phật giáo, theo lý thuyết nhân quả nghiệp báo không ai có thể làm thay đổi được quy luật nhân quả. Tạo nhân ngạ quỷ tất phải có ngày sống trong quỷ giới, đó là quy luật không thay đổi và không ai có thể thay thế, dù quan hệ mẹ - con gắn bó như thế nào đi nữa.
 
Tuy nhiên, lý thuyết nhân quả của Phật giáo không thể hiểu một cách cứng nhắc, thô mộc như chúng ta vẫn nghĩ, vẫn tính toán, để đi từ nhân đến quả là cả một quá trình dài với sự tham gia của vô số nhân duyên.

Do đó, hãy cứ nỗ lực tạo ra nhiều duyên tốt, có thể góp phần thay đổi sự tiêu cực của kết quả ở hiện tại và ngay cả tương lai.
 
Ngay như Đức Phật, sau khi thọ trai, Ngài cũng hồi hướng công đức cho thí chủ. Ngoài việc hồi hướng công đức cho người trực tiếp cúng dường, trong một số trường hợp, người đứng cúng yêu cầu hồi hướng cho đối tượng ở ngôi thứ ba. Đây là một thực tế diễn ra trong sinh hoạt thiền môn ngày nay, và truyền thống này vốn có mặt rất lâu trong kinh điển.
 
Có thể nói, khi hương linh đang bị đọa trong loài ngạ quỷ tích tập công đức, sau đó hồi hướng công đức cho ngạ quỷ quyến thuộc, cũng là một trong những phương cách cứu độ khả thi. Qua đó ngạ quỷ thân quyến tạm thời hồi tâm, chuyển ý, bới tham đắm mà thoát ly những nỗi khổ vốn có.
 
 
Thế nhưng việc này có giới hạn nhất định, việc tạo công đức nhằm hồi hướng cứu độ ngạ quỷ quyến thuộc chỉ là phương cách biểu đạt tình người, trong hữu hạn nhất thời, mà chưa phải là giải pháp gốc rễ.

Thế nên, có những người làm lễ lớn, mua sắm đồ đạc bằng giấy, tiền thật đổi tiền giấy để đốt với quan niệm gửi xuống âm phủ cho người nhà sinh hoạt chi tiêu thì lại không đem lại sự lợi ích cho người thân mà chỉ làm dấy thêm lòng tham và sân hận.
 
Theo Phật giáo nếu muốn làm phước để hồi hướng quả lành cho thân nhân quá vãng, cho được thành tựu thì phải đúng theo 3 việc như sau:
 
1. Làm phúc đến những bậc đáng thọ lãnh vật cúng dường (Dakkhinadàna) là chư Tăng thọ cụ túc giới đúng chánh truyền.
 
2. Thí chủ tuyên bố hồi hướng quả lành rõ rệt.
 
3. Thân nhân đã quá vãng được hay, đến thọ lãnh (Anumodàna) phước lành ấy.
 
Nếu ai làm phước mà được đầy đủ cả 3 chi, thì nếu thân nhân bị đoạ, mới có thể được thoát khỏi cảnh ngạ quỷ chuyển sang cảnh giới tốt hơn còn không sẽ phải chịu thọ khổ đời đời kiếp kiếp cho đến khi nào hết quả mới được tái sanh làm người. 

Kết luận

 
Người không giữ trọn vẹn năm giới, sau khi chết phần lớn phải tái sanh vào ba khổ cảnh là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Chỉ riêng loài Nhập xứ ngạ quỷ thuộc ngạ quỷ mới có thể thọ nhận cúng phẩm từ sự tế tự của người thân.
 
Về cơ bản việc thờ, cúng tế cho người đã khuất là biểu hiện của lòng tri ân, báo ân, mà còn là phương cách thể hiện lòng thương yêu đối với chúng sanh đang khổ đau trong quỷ giới.

Phẩm vật không nên quá cầu kỳ, nên đơn giản với tâm thành kính là chính, quan trọng nhất là phải trong sạch, không được sát sanh cũng như không chứa đựng sự đau khổ, đòi hỏi, mong cầu...
 
Muốn cứu độ chúng sanh trong quỷ giới thì phải tạo nhiều công đức lành như giữ giới, hành thiền, bố thí… và hồi hướng cho chúng, là những giải pháp có cơ sở từ kinh điển. 

Minh Minh (Tổng hợp)