Nên và không nên ăn chay giả mặn theo khía cạnh Đạo Phật

Thứ Hai, 14/09/2020 15:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Việc ăn chay giả mặn tuy là việc tốt cho sức khỏe nhưng nếu xét về khía cạnh Đạo Phật vẫn có nhiều điều phải cân nhắc thêm mà mọi người cần phải nhìn thẳng vào vấn đề.

Càng ngày có càng nhiều quán thực phẩm chay giả mặn "mọc lên" phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của mọi người nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng ăn chay rồi mà còn nghĩ tới đùi gà, thịt vịt, thị lợn thì việc ăn chay của mình có ảnh hưởng gì không?

Điểm cộng khi ăn chay giả mặn
 

Xu hướng ăn chay ngày càng phát triển rộng rãi từ miền Nam cho tới miền Bắc và tuy không phải ai cũng có thể ăn chay trường nhưng việc lựa chọn các món chay dịp Rằm và mồng 1 hoặc để hướng thiện vì một mục tiêu cầu phúc cho ai đó,... cũng là một hành động đẹp, đáng được khuyến khích.
  
Xưa kia khi Phật đi khất thực cùng các đệ tử thì ai cho gì ăn nấy, không phân biệt đồ chay hay mặn nhưng Phật giáo vẫn khuyến khích chúng ta ăn chay. Nhìn chung việc ăn chay dù là chay giả mặn thì cũng có lợi ích rõ rệt trong việc bảo vệ sinh mạng cho cá, lợn, gà, trâu, bò..., giúp chúng ta tránh quả báo xấu.

Ta chẳng thể biết để phục vụ cho những bữa ăn của mình thì ta đã giết hại bao nhiêu con vật khác đã và đang tạo ra nghiệp báo gì. Vì thế, việc tránh ăn chúng sẽ cũng giúp hạn chế được tác hại của sự vô minh đang che lấp lý trí của chúng ta ở hiện tại. Thế nên Đức Phật khuyên chúng ta đừng vì miếng ăn mà kết nghiệp ác.
  
 
Thử tưởng tượng tất cả mọi người trên thế giới này đều chuyển sang sử dụng thực phẩm chay giả mặn thì vô số chúng sinh có thể thoát được cái chết hay không. Điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn mà chúng ta không thể phủ nhận được.

Không những thế, ăn chay còn tốt cho sức khỏe, phòng ngừa các bệnh tim mạch và nhiều chứng bệnh hiểm nghèo khác. Và việc ăn chay giả mặn còn giúp cho việc ăn chay đã không còn khó khăn khi có rất nhiều loại thực phẩm tươi ngon, phong phú, đa dạng cùng với cách chế biến những món chay hết sức thơm ngon, dễ làm.

Đây là điều kiện thuận lợi để những người vốn ăn mặn có thể từ từ làm quen với việc ăn chay, giúp cho họ có lối sống hướng thiện hơn theo thời gian.

“Con người vốn chìm đắm trong sắc dục, trong đó có ham ăn ham uống. Vì thế dù có ăn chay họ cũng chưa đoạn dứt được sự thèm muốn các món ăn mặn. Nhưng dù là món chay được làm theo hình dáng của thức ăn mặn thì đó vẫn là đồ chay, vẫn giảm thiểu được sự sát sinh” – Đại Đức Thích Thanh Huân chia sẻ.

Các món ăn chay nhưng giả thành món mặn, tuy mang tính thương mại nhưng vẫn là điều rất tốt. Khi nước ta có được nhiều quán cơm chay và nhiều người ăn chay thì đó là một điều lành vì ít ra, cũng có nhiều người hướng thiện hoặc có mục tiêu hướng thiện.
 

Không nên làm gì khi ăn chay giả mặn

 

Ngược đời ăn chay mà nghĩ tới món mặn


Đức Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú: Tâm hay ý chính là đầu mối của mọi sự khổ đau. Trong vấn đề này cũng vậy, khi ăn món chay nhưng ta vẫn nghĩ tới hình ảnh các con vật bị hại trên bàn ăn của mình, để phục vụ cho đồ ăn của mình thì cái tâm này nên xem xét lại.

Nói chung, nhiều người có quan điểm hoặc sự hiểu biết chưa đúng về các món chay cho nên việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn mà vô tình đã khơi gợi ra cả chút ác tâm của người ăn.
 
Ăn chay đúng đạo theo tâm linh Phật giáo thì phải xuất phát từ tâm lành, từ bi không muốn làm hại động vật nhưng đang ăn đậu phụ, bột mì, gia vị, rau củ,... mà lại nghĩ rằng ta đang ăn thịt gà, thịt lợn, thịt chim, thậm chí có cả tiết canh chay... thì đã đi xa giá trị đạo Phật.

Nguyên lý và đạo lý cốt lõi nhất của Phật giáo là tư bi, người theo Phật, học Phật nhất định phải có tâm từ bi để thoát khỏi tham, sân, si mê khổ, thoát vòng luân hồi sinh tử, phiền não, hướng tới cuộc sống yên bình, tự tại, yêu thương mọi giống loại.

Đã ăn chay mà còn có cách nhìn tà kiến, không chân thực khi nhìn bột, rau củ, ra đùi gà, cá, thịt,... là điều không nên vì chỉ là biểu hiện của sự mu muội, không thấy được chân tướng của sự vật, điều này hoàn toàn không tốt cho việc tu học chút nào. Vì khi đã tu hành, dù mình ăn bằng bột mà hình hài động vật thì vẫn là sự sân si. 
 
 
Cho dù ta nghĩ rằng nó vẫn là một cách làm đúng đắn, nghĩ đến việc hình ảnh các con vật đã bị sát hại nằm trên đĩa để phục vụ cho việc ăn uống của mình là tâm ta đã đi sai hướng. Khi đã có thói quen ăn chay, nên hạn chế sử dụng thực phẩm chay giả mặn, vừa có lợi cho sự tu học, vừa có lợi cho sức khỏe.
 
Do vậy mà việc phát sinh ra tâm từ sẽ giúp cho việc ăn chay trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc sử dụng thực phẩm chay giả mặn cũng nên chú ý nhìn thấu suốt bản chất thực sự của chúng là làm từ nguyên liệu gì.

Ví dụ một món thịt nhưng được chế biến từ bột hoặc từ một chất liệu thực vật nào đó thì với cách nhìn như vậy, ta biết rằng mình đang sử dụng thực phẩm chay, không làm từ thịt của chúng sinh, không gây đau khổ cho chúng sinh.
 

Đồ chay giả làm đồ mặn chứa nhiều hóa chất

 
Ngày nay, thị trường đồ chay có cơ hội phát triển mạnh mẽ nên đã có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm chay giả mặn với số lượng lớn. Để có thể tạo món chay có hình dáng và hương vị giống như món mặn, người ta phải sử dụng nhiều loại hóa chất tạo mùi, tạo màu…

Để tạo nên các loại thực phẩm chay đa dạng như hiện nay, các quán ăn đã cố tạo ra vị giống đồ ăn mặn nên việc chứa nhiều hóa chất độc hại chưa được kiểm soát kịp thời, có hóa chất bảo quản để đồ ăn giữ được tươi lâu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. 
  
Nếu ăn chay nên ăn theo kiểu rau xanh, cụ quả tự chế biến đơn giản, hạn chế những món chay công nghiệp chế biến giả món mặn. Bởi những món ăn này thường được chế biến theo dạng công nghiệp và có thể sử dụng hóa chất nên không có lợi cho sức khỏe.
 
Ngoài ra, hành động ăn chay xuất phát từ tâm muốn hướng thiện, muốn sống cuộc sống hiền hòa hơn, an vui hơn. Vì thế, đừng ép ai đó phải làm theo mình và cho rằng mình có thể ăn chay là hơn người không ăn chay. Ăn chay để tránh nghiệp, kết thiện duyên, không chứng tỏ rằng ta tinh tấn hơn, tu chính đạo hơn ai. 

Chúng ta cần phải tập cho mình những thói quen tốt, đó là thiện nghiệp. Thói quen ăn chay là một trong những thiện nghiệp mà người Phật tử cần phải phụng hành.