Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe - Hiểu sẽ giúp ta chữa bệnh ngay từ tận gốc rễ

Thứ Sáu, 21/02/2020 10:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tìm hiểu về khía cạnh Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe giúp ta hiểu ra rằng việc ta xem bệnh như kẻ thù chỉ khiến ta mệt mỏi và yếu thế hơn khi chống chọi với bệnh tật.
 
Đức Phật dạy “sức khỏe là tài sản tối thượng” cho thấy sức khỏe vô cùng quý giá mà ta luôn phải có ý thức giữ gìn, nó cũng không là quà tặng từ trên trời rơi xuống mà ta phải kiên nhẫn tạo những điều kiện tốt để có sức khỏe tốt nhất có thể. 
 

Sức khỏe liên quan đến toàn bộ thể trạng 

 
Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe luôn đề cao vấn đề liên quan đến toàn bộ thể trạng của một con người gồm thân - tâm và đan quyện với nhiều yếu tố khác như kinh tế, giáo dục, môi trường văn hóa và xã hội.

Tất cả các yếu tố có tính điều kiện này cần được xem xét đánh giá đúng mức khi tìm hiểu về sức khỏe và bệnh tật. Sức khỏe, do đó, có thể hiểu trong một chỉnh thể trọn vẹn. 

Vì thế, muốn quan tâm tới sức khỏe thì không chỉ về một khía cạnh nào đó mà phải là sự hòa hợp trong chính con người mình, hòa hợp trong các mối quan hệ xã hội và hòa hợp trong liên hệ với môi trường tự nhiên.

Do vậy, hiểu sức khỏe trên mối quan hệ với một số bộ phận nhất định của cơ thể thôi là phiến diện và đạo Phật không chấp nhận quan điểm này.

Những gì đức Phật đã là một bằng chứng sinh động, Ngài cũng không thể thành tựu được trong một thân thể kiệt sức vì khổ hạnh ép xác. Một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện, đầy đủ sức khỏe và các chức năng của những cơ quan trong cơ thể vận hành hoàn hảo.  

Hoặc với một bệnh nhân dù đang uống thuốc để chữa trị nhưng người bệnh cứ rầu, cứ buồn, thì trị nổi không khi tâm người bệnh không an, không vui thì điều trị khó lành. 
 
Dao Phat noi ve cham soc suc khoe
 
Theo quan điểm Phật giáo, một thân thể khỏe mạnh được thiết lập trên sự vận hành bình thường của cơ thể và sự hòa hợp trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan bên trong. Khi một trong những cơ quan của cơ thể không vận hành hay suy nhược, bệnh tật sẽ phát sinh.

Chữa bệnh là giúp cơ thể phục hồi lại trạng thái cân bằng, chứ không chỉ phần bị tổn thương đang bệnh và gây nên đau đớn kia, trở lại trạng thái tốt nhất có thể. Vì mỗi một cơ quan trong cơ thể có quan hệ khắng khít với các cơ quan khác, để có sức khỏe tốt, toàn bộ cơ thể cần được duy trì trong tình trạng tốt. 

Thật ra, cơ thể, cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại. Do vậy, là con người thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể mãi khỏe mạnh. Chỉ khi hiểu được điều đó thì ta sẽ chấp nhận bệnh tật như là lẽ thường khi chúng xảy ra với mình. Từ đó, ta tìm được sự bình an khi biết cách thỏa hiệp với đau và khổ.

Qua những triệu chứng của cơ thể, bệnh tật đã giúp chúng ta biết chú ý đến sự mất hòa hợp này. Do đó, điều trị trong Phật giáo không chỉ là chữa trị các triệu chứng có thể cân đo đong đếm.

Bệnh về thân, nếu hiểu theo quan điểm Phật giáo thì đó chỉ là sự phá vỡ cân bằng và hòa hợp của cơ thể chứ không xem bệnh như là kẻ thù. Khi ta xem bệnh như là kẻ xâm chiếm cơ thể của các tế bào gây bệnh thù địch thì cũng dẫn ta tới cách chữa trị hoàn toàn khác. 

Nếu xem bệnh là “kẻ thù”, người ta chọn cách điều trị là dùng thuốc được chế từ các hóa chất để đánh lại bệnh. Hiệu quả của các loại thuốc này phụ thuộc vào khả năng tấn công của nó vào bộ phận cơ thể bị tổn thương chứ không phải năng lực phục hồi của tự thân như quan điểm của đạo Phật.

Cách của Phật giáo là đem lại sự hòa hợp cho cơ thể vốn đang mất hòa hợp với sự hỗ trợ của thuốc hay bằng cách thay đổi tư duy và cách sống. Thuốc chỉ được dùng để hỗ trợ khả năng tự chữa lành thân thể, phục hồi trạng thái cân bằng theo cách riêng của nó. 
 
Đạo Phật chú trọng nhiều hơn đến sự nỗ lực trong việc kết hợp giữa thân và tâm để vượt qua bệnh tật, chứ không phải chỉ duy nhất nhờ dựa vào thuốc men. Theo đó, việc ta đang cố chạy chữa cũng chỉ là phương tiện để qua đó, với sự trợ giúp của thuốc, con người nhận ra và duy trì được giá trị của sức khỏe và sự an lạc.
 

Hiểu đúng bệnh do nghiệp gây nên

 
benh la moi tuong quan tong hoa nhieu van de
 
Phật giáo luôn nhấn mạnh về vấn đề liên quan tới nghiệp và chính nghiệp cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người. Theo quan điểm của đạo Phật, sức khỏe tốt liên quan đến nghiệp tốt đã tạo trong quá khứ và ngược lại. 

Sự lý giải sức khỏe và bệnh tật dưới lăng kính nghiệp quả nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đạo đức và sức khỏe. Sức khỏe phụ thuộc vào  lối sống của chúng ta, tức là tùy vào cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của mình.

Bệnh là hậu quả của một lối sống không lành mạnh, ví dụ, sống buông thả mê đắm trong dục lạc sẽ sinh ra bệnh, hay khi bị bệnh dịch hoành hành, cùng sống trong một điều kiện, môi trường giống nhau mà có người qua khỏi, có người chết. Xem thêm: Tìm hiểu cách ngày xưa Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh

Theo quan điểm Phật giáo, sự khác nhau giữa người sống và kẻ chết khi phải trải qua cùng một trận dịch ở cùng một địa phương như thế là do nghiệp quá khứ của những người này khác nhau.

Ví dụ trong trận dịch đó có người gặp bác sĩ giỏi nhưng bệnh nhân vẫn chết trong khi đó có trường hợp không gặp được điều kiện chữa trị tốt mà bệnh nhân vẫn có thể khỏi bệnh. Trong khi đó, có trường hợp bệnh viện trả về nhưng sau đó họ phục hồi bất ngờ. 

Bệnh do nghiệp gây nên thì không thể chữa lành bằng các phương tiện y khoa, mà bệnh chỉ hết khi nào nghiệp quả được trả hết. Thế nhưng nghiệp của mỗi người là điều bí ẩn đối với chính bản thân người đó cũng như đối với người khác. Vì vậy, không một người bình thường nào có thể biết được bệnh nào là do nghiệp. 
 
Do đó, cần phải thận trọng khi đặc biệt quy kết một căn bệnh nào đó là do nghiệp, bởi vì điều này có thể đưa đến thái độ cam chịu, chấp nhận định mệnh và không nỗ lực tìm cách cứu chữa mà buông xuôi, giao phó cho số mạng chỉ vì chán nản.

Đạo Phật khuyên rằng, với mục đích thực tế, chúng ta nên xem tất cả các căn bệnh đều có các nguyên nhân từ trong thân thể. Và ngay cả khi bệnh do nghiệp mà ra, bệnh đó cũng cần được chữa trị.

Không có điều kiện nào là cố định vĩnh viễn. Và vì mối liên hệ nhân quả giữa việc đã làm với hậu quả tương ứng có tính điều kiện hơn là ấn định, nên hễ còn sống là còn có khả năng chữa trị. Mặt khác, chúng ta cũng không thể biết khi nào nghiệp xấu của mình đến lúc chín muồi.

Do đó, chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện chữa trị đang hiện hành. Các phương cách chữa trị này, ngay cả khi không thể chữa lành căn bệnh, vẫn lợi ích, vì những điều kiện hợp lý về thân và tâm là cần thiết để nghiệp vận hành. Sự hiện diện của các mầm bệnh do nghiệp quá khứ và do môi trường sống có nguy cơ gây bệnh đều có khả năng làm cho bệnh phát sinh.

Nhưng có điều trị là có góp phần ngăn cản ảnh hưởng tối đa của những nghiệp xấu. Sự chữa trị này không can thiệp được vào quá trình hoạt động của nghiệp cá nhân, nhưng có thể làm giảm đi ảnh hưởng của nó.

Lời khuyên của đạo Phật dành cho người mắc những chứng bệnh không thể chữa trị được là hãy kiên nhẫn thực hiện các việc thiện để làm vơi nhẹ ảnh hưởng của nghiệp xấu vốn đã tạo từ trong quá khứ. Ít ra, tự mình nỗ lực duy trì sức khỏe hoặc phục hồi sức khoẻ đã là nghiệp tốt rồi.
 
Tin nghiệp báo trong mối liên hệ với sức khỏe và bệnh tật không có nghĩa là buông xuôi và bi quan vì luật nhân quả không phải kiểm soát khắt khe và đáng nguyền rủa. Tin vào luật nhân quả là để có trách nhiệm cá nhân về sức khỏe của chính bản thân mình. Sức khỏe không phải do ai đó đem cho mình mà có. Sức khỏe chỉ có thể có được bằng chính sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

Nhờ thái độ và nỗ lực của mình trong hiện tại đối với bệnh, nghiệp tốt có thể phát sinh. Niềm tin vào nghiệp cũng giúp chúng ta đương đầu với những nỗi khổ trong cuộc sống. Một sự chấp nhận bình thản như vậy sẽ giúp bệnh nhân vượt khỏi sự chán chường, duy trì tinh thần tốt trong để dù cái chết đến cũng thấy bình an. Xem thêm: Nếu đi khắp nơi chạy chữa không khỏi hãy thử niệm Phật chữa bệnh
 

Mỗi người có trách nhiệm với sức khỏe của mình

 
cham soc suc khoe dung cach
 
Ngày nay, chúng ta nhờ dựa quá nhiều vào những phát minh và tin rằng các phương thuốc mà ta nghĩ ra có thể cứu rỗi cho mọi bệnh tật trên đời. Thế nhưng đó là thái độ của người đổ thừa cho các yếu tố bên ngoài nên mới đi tìm những phương tiện bên ngoài như thuốc thang với hy vọng làm vơi nhẹ khổ đau. 

Nhưng Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe thì bệnh do tự mình gây nên trên nền tảng những thói quen và cách sống của bản thân. Lý thuyết nghiệp khuyến khích mỗi người tự tìm ra nguyên nhân của bệnh, cũng như những nỗi khổ niềm đau ở chính nơi con người mình.

Ngay trong câu kinh Pháp cú đầu tiên, đạo Phật quan niệm ta là kết quả tư duy của chính mình. Do đó, nguồn sống và  nguồn hạnh phúc hay bất hạnh nằm trong năng lực của mỗi người. 

Điều này có nghĩa là cần phải nhìn những nguyên nhân gây bệnh nằm trong các mối liên hệ với cách sống, những quyết định và thái độ sống của mình để kịp nhận ra cần phải thay đổi sao cho tốt hơn. 

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đến nghiệp cá nhân hoặc trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe không có nghĩa đạo Phật quy trách nhiệm cá nhân cho tất cả các loại bệnh tật vì cò yếu tố xã hội tác động đến ta. Ví dụ như trong lãnh vực chăm sóc y tế, nghiệp xã hội được hiểu là các yếu tố môi trường có khả năng góp phần làm cho bệnh nặng thêm hay giảm nhẹ đi.
 
Do đó, tùy loại tư duy mà thân thể chúng ta khỏe mạnh hay đau ốm, cao thượng hay thấp hèn. Chính vì vậy, đạo Phật xem tư tưởng là nghiệp nhân tạo nên các hành động của thân và lời nói. Vì lẽ đó, sức mạnh tinh thần được xem là vô cùng quan trọng và đạo Phật chú trọng đến sự rèn luyện tinh thần để đạt đến trạng thái sức khỏe tốt nhất.

Sống đạo đức, hành động tốt và thiện như thế, sẽ góp phần tạo nên sức khỏe tổng thể kiện khang ở một con người. Sức khỏe tổng thể được phản ánh trong mọi phương diện cuộc sống thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động.

Quan điểm toàn diện của đạo Phậtchú trọng vào con người toàn diện và cho rằng con người không chỉ là sinh vật với thân thể vật lý mà còn là con người với đầy đủ tình cảm, tinh thần, xã hội và tâm linh.

Do đó, một khi quan tâm đến sức khỏe con người, chúng ta phải quan tâm đến toàn bộ con người, thân, tâm và tình cảm cũng như môi trường xã hội, chớ nên chỉ nhờ dựa vào y khoa hoặc các dịch vụ y tế mà thôi. 

(Tổng hợp)
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X