(Lichngaytot.com) Cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp là một trong những phong tục truyền thống, là nghi lễ quen thuộc không thể thiếu đối với người Việt vào dịp cuối năm. Dù không ai còn xa lạ với lễ này nhưng để chuẩn bị đầy đủ mâm cúng tiến Táo Quân về trời thì không phải ai cũng nắm được đâu nhé.
Người phương Đông tin rằng, Táo Quân là vị thần chủ quản bếp lửa, coi sóc bếp núc gia đình và biết rõ tất cả mọi chuyện trong nhà. Quanh năm Táo ở hạ giới, tới ngày 23 tháng Chạp sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình trình tấu với Ngọc Hoàng chuyện cả năm, điều hay điều dở. Vì thế mà người ta làm lễ cúng ông Táo về trời, giống như tiễn năm cũ qua đi và chuẩn bị đón mùa xuân mới về.
Tục cúng ông Công ông táo của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng thể hiện sự đoàn kết gắn bó gia đình và cộng đồng. Coi trọng bếp lửa là coi trọng những giá trị của thân tình, mọi người luôn quây quần sum vầy trong hơi ấm của những bữa cơm. Theo phong thủy, bếp lửa đại diện cho tài lộc nên nghi lễ này còn là sự gửi gắm tâm tư nguyện vọng về ấm no sung túc đủ đầy của con người trong cả năm.
Mâm cúng ông Công ông Táo gồm đồ mã và mâm cúng mặn, Lịch Ngày Tốt xin liệt kê tất cả các vật dụng cần thiết để bạn đọc tiện chuẩn bị.
1. Đồ mã cúng ông Công ông Táo
Là vị thần bếp quanh năm sống nơi bếp lửa, gần gũi với con người, lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của gia đình nên vào ngày 23 tháng Chạp, khi ông Công ông Táo về trời người Việt muốn cung tiến những bộ quần áo mới, đẹp đẽ và chỉn chu để khi lên thiên đình vị thần bếp này sẽ nói tốt cho nhà mình, mang tới điều may mắn trong năm mới.
Bởi vậy lễ vật không thể thiếu đồ mã, bao gồm 3 mũ ông Táo, 3 bộ quần áo có đai đi kèm và 3 bộ hia giày. Trong đó 2 bộ nam, 1 bộ nữ theo đúng truyền thuyết 2 ông 1 bà. Các bộ lễ này màu sắc thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào ngũ hành. Bên cạnh đó có thêm thoi vàng để làm lộ phí cho Táo.
Hầu hết các gia đình sẽ chuẩn bị 1 hoặc 3 con cá chép vàng trong lễ cúng vì táo cưỡi cá chép về trời. Sau khi cúng xong người ta mang cá ra ao hồ phóng sinh. Nhưng với gia đình không sử dụng cá chép thật thì sẽ chuẩn bị thêm 1 hoặc 3 con cá chép mã để cúng và đốt, làm phương tiện cho Táo về trời.
2. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Cúng ông Táo không thể thiếu được mâm cỗ gồm những món ăn truyền thống mang đậm hương sắc ngày Tết. Bắt đầu từ ngày 23 là người Việt đã chính thức bước vào kì lễ quan trọng nhất trong nắm – Tết Nguyên Đán. Mâm cúng bao gồm: gạo, muối, thịt mồi, giò, chả nem, bánh chưng, canh măng miến hoặc canh mọc, xào thập cẩm, xôi gấc, hoa quả, trầu cau, rượu chè. Ở nhiều nơi người ta còn cúng cá chép rán.
Thêm vào đó, với nhà có trẻ con thì người ta còn chuẩn bị một con gà luộc để cúng Táo. Gà này là gà cồ mới lớn, đang tập gáy, ngụ ý xin Táo về trời tâu Ngọc Hoàng cho đứa trẻ trong nhà lớn lên mạnh khỏe bình an, dồi dào sinh khí, mạnh mẽ vững vàng giống như chú gà trống.
Các món ăn trong mâm cúng không quá cầu kì, chủ yếu là các món đã quen thuộc và thường xuyên được sử dụng trong các lễ cúng của người Việt. Cúng Táo Quân phải cúng trong bếp vì đây là nơi thần cư ngụ. Nổi lửa lên cho bếp sáng rực, chuẩn bị đồ lễ tươm tất và bắt đầu dâng hương, khấn nguyện tới thần, mong cho gia đình sung túc no đủ, ấm áp đoàn viên. Tham khảo Văn khấn cúng ông Táo chầu trời (23/12 âm lịch)
Tâm Lan