Khổng Tử hay còn gọi là Khổng Phu Tử (551 - 479 trước Công nguyên) là triết gia và là chính trị gia người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu.
Ông được người đương thời cũng như hậu thế tôn vinh là nhà hiền triết mẫu mực nhất Trung Quốc và được mệnh danh là “vạn thế sư biểu” - khuôn mẫu cho vạn đời sau bắt chước. Những lời dạy và triết lý của ông đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông.
Sách Luận ngữ có chép câu nói của Khổng Tử: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”.
(Tạm dịch: Ta 15 tuổi mới có chí học hành. 30 tuổi thì (tự) đứng vững được (tự lập), 40 tuổi chẳng nghi hoặc (vì trí tuệ đã mở mang), 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi biết phán đoán mọi sự, 70 tuổi theo lòng mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý).
Theo đó, Khổng Tử chia cuộc đời con người thành 6 giai đoạn như sau:
1. Thập hữu ngũ nhi chí vu học
Chữ “hữu” ở đây có nghĩa là “thêm” (thập hữu ngũ: mười thêm năm, tức là 15), nghĩa là 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học. Điều này có nghĩa là khoảng 15 tuổi các bạn trẻ mới để tâm tới việc họ và hiểu vai trò của nó.
Trước lứa tuổi này thì hầu hết trẻ con thường mải chơi, không thích việc học cũng là điều dễ hiểu. Bố mẹ nhận ra được vấn đề này không phải để thả lỏng mà phải kiên trì từng chút một để định hướng, hỗ trợ và đồng hành cho con từ trước.
Đến lúc con bước sang tuổi 15 chúng có thể tự ý thức việc học hành quan trọng như thế nào để tu dưỡng bản thân, tích lũy kiến thức chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn hơn sau này.
Để đồng hành cùng các con không phải là việc dễ dàng gì, các bậc cha mẹ cần phải đem hết kiên nhẫn, khéo léo, bao dung, yêu thương để con vượt qua giai đoạn học hành khó khăn, vất vả, tích lũy kiến thức cho mình.
2. Tam thập nhi lập
Theo đó, Khổng Tử khuyến khích khi đã 30 cần chú ý 3 cái cần lập: lập thân, lập nghiệp, lập gia. Theo đó, bước sang giai đoạn 30 tuổi là độ tuổi khá chín chắn để một người có thể tự lập, gây dựng sự nghiệp cho mình, có khả năng nuôi sống bản thân và xác lập một vị trí nhất định của mình trong xã hội.
2.1 Lập thân
Nói về khía cạnh lập thân tức là việc biết cách thể hiện sự độc lập, phát triển năng lực bản thân. Chính điều đó mới hình thành sự mạnh mẽ trong ý chí của con người. Khi không sống nhờ dựa ai, chúng ta có thể vượt qua thử thách để trở nên mạnh mẽ, kiên cường, từ đó có thể phát triển bản thân mạnh mẽ.
Ngược lại, việc gì cũng nhờ tới bố mẹ, khó khăn là có người cứu giúp thì chúng ta đang tự làm mình yếu đuối, luôn cảm thấy hoang mang, mất phương hướng về cuộc sống của mình.
2.2 Lập nghiệp
Tức là có được sự nghiệp để nuôi sống bản thân và nếu có thể giúp đỡ được những người khác càng tốt. Để có được điều đó ở độ tuổi 30 nghĩa là trước đó chúng ta phải trải qua quá trình tập trung cho sự nghiệp, theo đuổi đam mê, phát triển năng lực của mình.
Sự nghiệp lúc này vững chắc hơn khi bản thân được thể hiện đam mê và năng lực phù hợp, từ đó có thu nhập ổn định, độc lập tài chính và hướng đến giá trị bản thân và xã hội.
Có như thế thì ở tuổi 30 này, công việc mới có thể vững vàng, ổn định để có thể trở thành điểm tựa cho bản thân và mọi người.
2.3 Lập gia
ở đây có nghĩa là gia đình. Với sự phát triển trong xã hội hiện nay khiến cho người trẻ phải phấn đấu và cạnh tranh không ngừng để tồn tại. Chính vì vậy, những người này có xu hướng lập gia đình muộn để phát triển sự nghiệp bản thân.
Nếu không có chí tự lập thì dù cha mẹ có săn sóc và giáo dục cũng vẫn không tự lập được. Họ là những người ăn bám gia đình và xã hội.
3. Tứ thập nhi bất hoặc
Tứ thập nhi bất hoặc nghĩa là khi 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu, phân biệt được việc gì nên làm, việc gì không nên. Khi có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, ta không còn nghi ngờ (bất hoặc) kiên định với ý chí của mình.
Đó là mục tiêu mà chúng ta nên có để đạt được ở độ tuổi này và muốn như thế thì ngay từ trước đó ta phải tự mình cố công học hỏi, không ngừng thu lượm kiến thức, thử nghiệp, hành động, đối mặt với sai lầm và sửa sai.
4. Ngũ thập nhi tri thiên mệnh
Ở giai đoạn này, chúng ta bình tĩnh sống hơn, có căn bản vững vàng về nền tảng văn hóa và kinh nghiệm sống, thế nên thường không giận, không oán trách mà sống khiêm nhường.
Ở tuổi này không nên dễ dao động, khiến tâm trạng thất thường hay thay đổi vì bất kỳ chuyện gì. Trải qua nhiều năm vất vả gây dựng sự nghiệp đến tuổi 50 cũng có một điều kiện kinh tế nhất định vì vậy cần giảm bớt ham muốn về tiền tài, danh vọng.
5. Lục thập nhi nhĩ thuận
Tuổi trẻ nông nổi không hiểu chuyện nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình, phản ứng ngay bằng lời nói hoặc hành động. Thế nhưng đã 60 tuổi thì thấu tỏ mọi sự trên đời nên không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn, không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ).
Có thể nói khi người ta 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn hảo về mặt tri thức và kinh nghiệm về cuộc đời. Nhờ đó, họ hoàn toàn có thể dự đoán chính xác một người, sự vật, hiện tượng,... vì họ hiểu rõ quy luật, hiểu thấu ngay mọi lẽ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được trình độ "nhi nhĩ thuận" ở tuổi 60 nếu những năm tháng trước đó không tự mình giáo dục bản thân, rèn giũa đạo đức, gia tăng kinh nghiệm, trải đời về cho mình.
6. Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ
Ở 70 tuổi được xem là đỉnh cao về sự nhận thức của đời người, họ sẽ đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử thế ở đời, nói hay làm điều gì cũng thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ (bất du củ = không vượt ra ngoài quy tắc).
Thực tế thì không có quy định, công thức chung nào cho tất cả mọi người, có người thành công sớm, thành công muộn, lập gia đình sớm, gia đình muộn,... nhưng cách giai đoạn cuộc đời của Khổng Tử cũng rất quan trọng để cho chúng ta có cái nhìn tổng quan nhất về một đời người để có được định hướng tốt cho cuộc sống của mình dù bạn đang ở giai đoạn nào đi chăng nữa.
Mỗi lứa tuổi 15, 30, 40, 50, 60, và 70 mà Khổng Tử nói trên là kết quả của học hành, cải thiện bản thân không ngừng nghỉ. Nếu không được giáo dục đúng cách và nếu không biết tự tu tâm dưỡng tánh, tự trau dồi kiến văn cho hoàn hảo, và tự rút tỉa kinh nghiệm trường đời càng sống lâu càng ngu và càng làm hại dân hại nước dù rằng có bằng cấp cao đến thế nào đi nữa.