Thứ Hai, 09/11/2020 17:45 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những câu chuyện về sự tức giận sau đây giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn để bạn nhận thức được rằng sự nóng nảy thường khiến ta dễ phạm sai lầm nghiêm trọng mà chính ta còn không nghĩ tới.
1. Vị vua tức giận một con rối
Ngày xưa, một nghệ nhân múa rối có con rối là phương tiện mưu sinh giúp ông trang trải cuộc sống. Đặc biệt, con rối được làm bằng gỗ khá tinh xảo và trông không khác người thật là bao, ông thậm chí còn mặc quần áo đẹp cho nó khiến con rối trông rất thần thái.
Trong mỗi buổi biểu diễn, mọi người cứ ngỡ rằng nó biết múa, biết ca nhưng thật ra là lời ca của nghệ nhân và ông điều khiển mọi động tác của rối nhuần nhuyễn, nhịp nhàng hòa cùng với tiếng hát. Mọi người không ngừng trầm trồ và đã không tiếc gì tiền thưởng cho ông khi xem con rối biểu diễn.
Tiếng lành đồn xa, Quốc vương biết chuyện nên muốn mời nghệ nhân vào cung biểu diễn. Trong ngày người nghệ nhân trổ tài, vua và hoàng hậu cùng ngồi trên lầu cao nhìn xuống để cùng thưởng thức.
Cả hai người cũng rất hào hứng khi thấy chú rối có các điệu ca vũ còn hay hơn cả người thật. Nhưng không may, trong quá trình biểu diễn, người gỗ thường xuyên hướng về phía Hoàng hậu, khiến Quốc vương tưởng rằng người gỗ đang để ý đến Hoàng hậu.
Ngài nóng giận, nổi cơn ghen khi nhìn cách biểu diễn thấy như chú rối suốt buổi chỉ quay mặt nhìn hoàng hậu, Vua nổi nóng quát tháo:
- Tại sao con rối lại cứ ngắm nhìn Hoàng hậu suốt buổi thế, hãy chém đầu con rối gỗ vì chúng đang có ý đồ xấu.
Bác nghệ nhân lo lắng, khóc lóc quỳ xuống tâu đức vua tha cho con rối:
- Thần chỉ có một con rối này kiếm sống, thần cũng không dám nghĩ nó có hành động sai lầm như thế. Nếu bệ hạ chém đầu nó thì thần không có đồ dùng để đi kiếm tiền. Xin bệ hạ sinh phúc mà tha cho nó.
Vua đang trong cơn giận dữ nên không thèm nghe lời nghệ nhân và nhất quyết yêu cầu đao phủ hành quyết con rối theo lệnh vua. Bác nghệ nhân tiếp tục cầu xin:
- Nếu bệ hạ quyết ý chém đầu nó, không cho nó sống thì xin bệ hạ cho phép thân này được tự tay giết nó.
Vua bằng lòng. Bác nghệ nhân bèn rút một cái chốt ở vai con rối, tức thì mọi bộ phận của con rối đều rời ra thành một đống những mẩu gỗ rơi xuống đất. Thấy thế, vua kinh ngạc nói:
- Ồ, ta thật ngốc khi tức giận với một đống gỗ vụn thế này.
Câu chuyện về sự tức giận của vị vua trên cho thấy dù là một người sáng suốt nhưng lúc nóng giận ta dễ có quyết định sai lầm mà không hề cân nhắc đủ lâu để hiểu mình đã sai tới mức nào.
Xem thêm:
Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận: Tâm tốt nhưng miệng không tốt, phú quý nào rồi cũng tiêu tan
2. Con rắn tức giận vì bị chiếm chỗ
Một chú rắn thấy tủi thân khi quanh năm suốt tháng vất vả kiếm sống ở ngoài đồng. Nó không chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt được nữa nên muốn chuyển tới ở nhà con người.
Nó liền rời đồng ruộng để tới ở nhà người thợ rèn trong làng với suy nghĩ ở đó sẽ rất mát mẻ vào buổi ngày còn buổi tối sẽ rất ấm áp, mà thức ăn lại dồi dào.
Mới chuyển đến nhà mới nên rắn thấy thứ gì cũng lạ. Nó phấn khích đi dạo khắp nơi trong nhà cho tới khi phát hiện ra có một con rắn khác đang nằm trên bàn trông rất thảnh thơi.
Nó lại gần quan sát và thấy con rắn kia không hoảng hốt với sự hiện diện của nó, không cuộn tròn cũng không nghểnh cổ lên, chỉ nằm dài một chỗ.
Tức giận vì có kẻ đến trước và chiếm chỗ của mình nên con rắn vì không muốn quay về đồng ruộng nên quyết định đuổi con rắn kia đi. Nó cuộn mình lại, nghển cổ lên và nhe hàm răng nhọn hoắt nhưng dường như không dọa được con rắn kia.
Thấy con rằng chẳng có phản ứng gì với nó mà vẫn nằm im một chỗ, nó càng tức giận phóng đến và cắn đối phương. Nó cố gắng ngoạm lấy con rắn kia nhưng không làm sao cắn được vẩy của đối thủ. Nó có nhe răng thế nào thì đối thủ cũng không phản ứng gì.
Nó không ngừng tấn công cho tới khi răng của mình dần dần bị gãy hết. Mão sau nó mới nhận ra rằng đối thủ của nó không phải là con rắn thật mà chỉ là một chiếc giũa dài hình con rắn. Nó cảm thấy vô cùng hối hận.
3. Sự tức giận và tự ái khiến quạ cả đời không biết hót
Ngày xưa, tất cả các loài chim trong rừng đều không biết hót. Ngày nọ, có một con sơn ca từ đâu bay đến. Sơn ca hót rất hay, giọng hót của nó du dương trầm bổng làm xao xuyến mọi loài vật trong rừng.
Thế là tất cả các loài chim đều nhất trí mời sơn ca dạy chúng hót. Không thể từ chối lời khẩn cầu tha thiết của các bạn nên sơn ca đã nhận lời.
Ngày đầu tiên, sơn ca quyết định dạy hót. Nó hót lên một tiếng, các loài chim khác cũng hót theo một tiếng. Dạy được một lúc, sơn ca muốn kiểm tra tình hình học tập của các học trò nên yêu cầu từng con đứng lên hót thử.
Quạ được chỉ định đầu tiên. Nó bẽn lẽn đứng dậy và khẽ hót một tiếng. Do quạ quá ngượng ngùng nên nốt nhạc mà nó phát ra bị lạc điệu. Tất cả các loài chim có mặt đều cười ồ lên. Quạ xấu hổ đến nỗi đỏ mặt tía tai, nó thầm nghĩ: “Ôi! Thật mất mặt quá! Ngượng muốn chết được!”.
Chim sơn ca ngăn không cho các loài chim khác cười. Để sửa lỗi của quạ, nó mời quạ hót to lên một lần nữa. Quạ nghĩ thầm: “Đây chẳng phải là cố tình làm mình mất mặt sao? Mình không muốn bị xấu hổ thêm một lần nữa!”.
Lòng đầy tức giận, nó im lặng bay đi. Từ đó, nó không bao giờ bén mảng đến lớp học của chim sơn ca nữa.
Sau đó chim sơn ca lại bảo những con chim khác hót. Rất nhiều loài chim cũng bị lỗi như quạ. Chúng phát âm bị lạc giọng trong những lần đầu và cũng bị các loài khác chế giễu. Thế nhưng, những con chim đó không bay đi như quạ mà ở lại rút kinh nghiệm, chăm chỉ nghe theo lời chỉ bảo của sơn ca, nhẫn nại học tiếp.
Về sau, các loài chim trong rừng đều biết hót. Chúng hòa điệu cùng nhau tạo nên những bản nhạc thật vui tai. Duy chỉ có một mình quạ đến bây giờ vẫn không biết hót, thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng lạc giọng như ngày xưa.
Xem thêm:
Bài học cuộc sống về sự giận dữ khiến bạn hiểu im lặng là khó nhưng đáng giá như kim cương
4. Nóng giận nên giết nhầm chim ưng muốn bảo vệ mình
Mờ sáng hôm ấy, Đại Hãn, vị hoàng đế vĩ đại và là chiến binh dũng cảm nhất thảo nguyên Mông Cổ, cùng những chiến tướng cận thần phóng ngựa vào rừng bắt đầu một chuyến đi săn mới.
Khu rừng mọi hôm yên tĩnh, bỗng hôm nay rộn lên tiếng cười nói, tiếng vó ngựa, tiếng chó sủa. Trên cổ tay Đại Hãn ngất nghểu con chim ưng mà ông rất mực yêu quý.
Vào thời đó, chim ưng được huấn luyện để đi săn. Chỉ cần nghe hiệu lệnh của chủ nhân là con chim bay vút lên cao nhìn dáo dác xung quanh tìm kiếm con mồi. Nếu phát hiện thấy nai hoặc thỏ, nó sẽ lao xuống như tên bắn và tấn công chúng.
Mặt trời bắt đầu khuất dần sau các dãy núi nhưng Đại Hãn và đoàn tùy tùng vẫn chưa săn được nhiều con mồi như mong đợi. Nóng lòng, Đại Hãn thúc ngựa vượt lên phía trước tách khỏi đoàn. Trong khi mọi người tiếp tục đi theo con đường cũ thì ông lại chọn con đường xa hơn, chạy xuyên qua thung lũng giữa hai dãy núi.
Sau nhiều giờ quần thảo trên ngựa dưới sức nóng của buổi chiều hè, Đại Hãn bắt đầu cảm thấy khát nước. Con chim ưng vụt khỏi cổ tay ông và lao vút đi, ông tin là nó sẽ tìm được đường quay về.
Chợt ông thấy có nước rỉ ra từ một ghềnh đá. Đại Hãn xuống ngựa, lấy từ trong túi săn một cái cốc nhỏ bằng bạc rồi bước đến hứng những giọt nước đang rỉ ra. Ông kiên nhẫn và biết rằng phải lâu lắm cốc nước mới đầy.
Miệng ông khát đắng nên không kịp chờ nước đầy ly, ông vội đưa ngay lên miệng chuẩn bị uống. Bất thình lình, một âm thanh vút lên từ trên không và một vật xẹt ngang tay ông, chiếc ly rơi xuống đất. Thì ra đó là con chim ưng yêu quý của ông. Con chim ưng bay tới bay lui thêm vài lần rồi buông cánh đậu giữa các vách đá bên khe nước.
Đại Hãn nhặt chiếc ly lên và một lần nữa đưa vào hứng lại từng giọt. Lần này ông không đợi lâu hơn. Khi hứng được gần nửa ly, ông nâng ly lên miệng nhưng trước khi chiếc cốc chạm vào môi, con chim ưng lại bay vụt xuống và làm rớt ly nước khỏi tay ông.
Đại Hãn bắt đầu nổi giận. Ông tiếp tục lần nữa và lần thứ ba con chim ưng lại đánh đổ ly nước. Đại Hãn vô cùng giận dữ, hét lớn:
- Con vật khốn kiếp kia, sao ngươi dám làm như thế? Đừng để ta bắt được ngươi, không thì ta sẽ vặn cổ ngươi đó!
Và rồi ông hứng lại ly nước khác. Lần này trước khi đưa lên miệng uống, ông rút gươm cầm sẵn trên tay. Ông hết lên: "Đây là lần cuối cùng nếu không ta giết ngươi".
Ông vừa dứt hết câu, con chim lao nhanh xuống và hất mạnh ly nước. Nhà vua nóng giận chém trúng con chim và cho rằng nó quá láo xược.
Khi chiếc ly bị rơi vào giữa hai tảng đá và ông không thể với lấy nó được, ông tự nhủ “Ta sẽ uống nước tại con suối”. Và ông bắt đầu leo lên sườn đá dốc, ngược theo dòng nước chảy để lần đến con suối.
Khi đến nơi, con suối mà ông nghĩ thực ra chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng vật nằm trong đó đã làm nước trào hẳn ra ngoài. Và chính vật này khiến Đại Hãn hoảng sợ thật sự: một con rắn lớn, nổi tiếng là loài cực độc, đang nằm chết rữa giữa vũng nước.
Đại Hãn đứng khựng lại, quên cả cơn khát cháy cổ. Ông đau đớn khi nghĩ đến hành động vừa rồi của mình, cơn tức giận nhất thời đã khiến ông vung gươm giết chết con chim yêu quý - chỉ vì nó muốn cứu mạng ông. Kể từ đó, hình ảnh con chim ưng giẫy chết trong vũng máu luôn nhắc nhở ông đừng bao giờ hành động điều gì trong cơn nóng giận khiến người khác sợ mà xa lánh.