Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Top 8 cách bố mẹ hỗ trợ để con thành công: Cần rất nhiều nỗ lực

Thứ Ba, 19/12/2023 17:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Muốn áp dụng các cách bố mẹ hỗ trợ để con thành công sau đây phải thực sự kiên trì, không chỉ vì vài lần con không hợp tác mà bỏ cuộc quá dễ dàng. Hãy quyết tâm vì một tương lại tươi sáng của các con.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Hạn chế nói "không" với con


Não bộ của trẻ em phát triển rất nhanh trong thời kỳ thơ ấu. Trong giai đoạn này, trẻ đang có mong muốn khám phá thế giới, việc bố mẹ liên tục nói "không" sẽ ngăn cản sự tò mò, học hỏi ở trẻ. Ví dụ cả một ngày bạn chỉ ngăn cản con như: Không được đến đó; Không được động tay đến dao; Không được ăn cái đó, Không được chạy;... chỉ làm trẻ sợ hãi với mọi thứ theo mệnh lệnh của bố/mẹ mình.

Nhiều người không thích con chạy nhảy vì khó trông, lo lắng trẻ bị tổn thương. Trên thực tế, trẻ sẽ nhận biết thế giới thông qua xúc giác và vị giác, nếu cha mẹ ngăn cản nhiều sẽ cản trở sự phát triển trí tuệ của con.

Hầu hết các bậc phụ huynh không nhận ra rằng mình đang mắc sai lầm trong việc nuôi dạy con. Việc thường xuyên chỉ dùng từ "không" đang ngăn trở sự phát triển độc lập của trẻ.

Việc quan tâm, lo lắng cho con không có gì là sai, thế nhưng nếu thái quá sẽ hạn chế mong muốn học hỏi và sự sáng tạo của con. Trẻ em cũng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, do đó, hãy quan tâm con đúng mức và để con tự khám phá thế giới xung quanh.

Ví dụ như thấy con chạm tay vào nước nóng thì bạn chỉ cần nói: Nước nóng, con sắp làm gì nguy hiểm thì chỉ nói: Nguy hiểm,... Việc của bố mẹ đó là tạo cho con môi trường an toàn để được khám phá, chúng ta chỉ nên là người quan sát, nếu trong tình huống không an toàn mới hỗ trợ.

Những vận động của trẻ là cần thiết để phần nào giúp kích thích sự phát triển của não bộ, mặc dù trẻ có thể bị ngã, bị va đập trong quá trình khám phá, do đó nên để trẻ thử, miễn đảm bảo là không nguy hiểm. 

Ngay cả việc trẻ thích thú với việc làm lộn xộn căn phòng thì cũng đừng vì thế mà phiền lòng, tức giận. Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng căn phòng của trẻ càng lộn xộn thì càng có nhiều tế bào thần kinh trong não được kết nối, trẻ càng thông minh và sáng tạo hơn.
 
Vì vậy, khi cha mẹ thấy con bày bừa trong phòng, đừng vội đứng ra chỉ trích, điều này có thể cản trở sự phát triển các liên kết thần kinh của trẻ.
 
Cung cấp các phươg pháp phát triển trí tuệ phù hợp cho con có nghĩa là bạn đang đặt nền móng vững chắc cho cuộc sống tương lai của trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này sẽ có trí thông minh và có khả năng sáng tạo vượt trội.

Cach bo me ho tro de con thanh cong
 

2. Phát triển khả năng quan sát


Ngay cả Darwin thành lập thuyết tiến hoá sinh học nhưng ông cho rằng không phải mình tự nghĩ ra mà đó là sự đúc kết từ những gì ông quan sát được. Ông chỉ ra rằng, những người có chỉ số IQ cao thực tế có óc quan sát.

Trau dồi kỹ năng quan sát không chỉ tốt cho người lớn mà còn đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ. Khả năng này sẽ tốt lên theo thời gian khi được tích luỹ dần trong quá trình tăng trưởng và cha mẹ có thể trau dồi một cách có ý thức và tối ưu hoá các kỹ năng quan sát của mình.

Thế nên khi các con đã có hiểu biết cơ bản về thế giới, cha mẹ có thể bắt đầu tập trung rèn luyện kỹ năng này. Nếu bạn đang ở công viên, có thể chỉ cho con cách quan sát thái độ của mọi người và hỏi con: "Con nghĩ người đó đang cảm thấy thế nào?".

Ban đầu có thể hỏi lại con đã thấy những gì qua một sự vật, hiện tượng, sau đó khi con lớn hơn thì cho con viết nhật ký từng ngày. Đây là phương pháp tăng khả năng quan sát cho trẻ hiệu quả nhất.

Ngoài ra, nên thường xuyên "đổi cảnh" bằng việc cho con tới những địa điểm khác nhau. Cùng một sự vật, hiện tượng có trẻ quan sát được nhiều, có trẻ quan sát được ít, điều này phụ thuộc vào trí thức và sự hiểu biết của trẻ. Trẻ hiểu biết càng nhiều, liên hệ được với thực tế, ấn tượng để lại trong trẻ càng lâu, trẻ sẽ quan sát tốt hơn.

3. Cho phép con được thất bại 

 
Chẳng ai muốn mình đối mặt với thất bại cả nhưng nó là những viên gạch lát nên con đường thành công của tất cả chúng ta. Thế nên cho con "nếm mùi thất bại" là điều bố mẹ nên làm.

Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ đó là "xót" con nên không muốn nhìn thấy cảnh chúng thất bại nhưng đó là quá trình cần thiết để rèn luyện nghị lực cho trẻ. Thế nên ngay cả các bậc phụ huynh cũng cần phải trang bị cho mình một trái tim mạnh mẽ để đón nhận những điều như thế xảy ra trong cuộc sống của trẻ.

Khi hiểu rằng thất bại là một phần của thành công thì chúng ta sẽ chẳng có gì phải sợ hãi hay né tránh cả. Quan trọng nhất đó là thất bại chính là cơ hội để trẻ học cách sửa chữa sai lầm. Bố mẹ phải biết cách giúp trẻ không được nản chí và đứng lên từ chính nơi chúng vấp ngã. Thế nên hãy dạy con được thất bại vì đó là cách bạn cho chúng sức mạnh, đôi cánh bay xa và cao hơn
 

4. Tiền do công sức mình làm ra mới đáng quý


Bức thư của Abraham Lincoln gửi thầy giáo con trai mình có đoạn: "Xin thầy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô la nhặt được trên hè phố".

Điều này cho thấy tiền mà do công sức của mình bỏ ra mới thực sự đáng quý. Trong khi đó tiền do cơ may, vận may mang tới không nên xem trọng vì nó luôn tiềm tàng mối họa.

Thế nên bố mẹ cần phải dạy con lao động, yêu thích việc đó và biết quý trọng sức lao động của mình từ sớm bằng cách hướng dẫn con làm việc nhà. Đừng vì muốn chúng tập trung học hành nên việc gì cũng làm hộ, cuối cùng chúng lại trở thành "gà công nghiệp", không biết tự chăm sóc bản thân.

5. Khuyến khích sở thích đọc sách của con


Những lợi ích của đọc sách là không thể phủ nhận, thế nhưng để con yêu thích việc đọc thì phải khợi gợi niềm đam mê này của trẻ từ nhỏ. Phụ huynh có thể khuyến khích để các em tràn đầy niềm yêu thích đọc sách từ sớm bằng việc mua những cuốn sách đúng lứa tuổi để trẻ được khám phá.
 
Thói quen đọc sách này không chỉ là một cách giải trí mà còn là một hình thức trau dồi và nâng cao trí tuệ. Sách giúp trẻ có thể tiếp xúc với lượng kiến thức, thông tin phong phú, giúp trẻ phát triển tư duy và kỹ năng tư duy logic. Trẻ đọc sách hàng ngày có khả năng từ vựng, hiểu ngôn ngữ và trí nhớ tốt hơn. 
 
De Scudery từng nói: "Không có gì nguy hiểm bằng lời khuyên tốt đi kèm với gương xấu". Thế nên việc mỗi bố mẹ cầm điện thoại chặt trên tay nhưng miệng vẫn cứ khuyên con đọc sách thì chúng sẽ chẳng nghe mà chỉ làm theo đúng thói quen của bố mẹ chúng - nghiện điện thoại.

Vậy nên, chính các phụ huynh cũng cần làm gương bằng việc có thói quen đọc sách ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để con được nhìn thấy và dễ dàng noi gương.

Khuyen khich tinh yeu doc sach o tre
 

6. Học tương tác với mọi người 

 
Một nghiên cứu ở Mỹ đã dành 20 năm để quan sát 700 trẻ em chỉ ra rằng nếu được trang bị kỹ năng xã hội từ sớm, tương lai trẻ sẽ trở thành người thành đạt. 
 
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ biết hợp tác, giúp đỡ mọi người, hiểu cảm xúc của chính mình, tự giải quyết các vấn đề có khả năng tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm ổn định trước năm 25 tuổi cao hơn những đứa trẻ bị hạn chế các kỹ năng xã hội. Trong khi đó, những đứa trẻ có kỹ năng hạn chế cũng có nguy cơ cao vướng phải các tệ nạn xã hội.

Thực tế là muốn thành công trong tương lai, con cần phải có mối quan hệ tốt với những người khác. Sức mạnh của các kỹ năng xã hội của một người đã có thể được phản ánh trong giai đoạn nhạy cảm với xã hội từ 3-6 tuổi, vì vậy đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tương tác với mọi người xung quanh mình.
 
Ở giai đoạn này, cha mẹ nên tạo cơ hội cho con chơi với những trẻ khác, khuyến khích giao lưu với những người xung quanh, rủ bạn bè đến thăm nhà. Ngoài ra, cha mẹ nên hướng dẫn con học một số kỹ năng xã hội như chia sẻ, khen ngợi người khác, hợp tác,...
 

7. Khuyến khích con bộc lộ cảm xúc


Trong mỗi giai đoạn trưởng thành của trẻ, con sẽ học hỏi từng loại cảm xúc mới, thế nhưng bố mẹ vì không hiểu nên thường ngăn chặn con bộc lộ cảm xúc của mình. Ví dụ như con trai khóc họ sẽ nói: "Con trai ai lại khóc nhè".

Họ không hiểu rằng ai cũng cần bày tỏ cảm xúc của mình, nếu không việc kìm nén này không tốt cho quá trình phát triển của những đứa trẻ lành mạnh, khi những cảm xúc tiêu cực tích tụ, trẻ dần trở nên tự ti, thu mình và ít nói.
 
Trẻ cũng thường nổi cơn thịnh nộ vì không thể diễn đạt cảm xúc bằng lời nên thường đánh đập bố mẹ, đồ vật xung quanh, đánh người khác,... Thế nên con cần sự thấu hiểu, đồng cảm hơn là những câu nói ngăn chặn bộc lộ cảm xúc.

Thực tế là mỗi khi chúng ta dạy trẻ cách xử lý cảm xúc, cha mẹ sẽ thấy trẻ trưởng thành hơn rất nhiều. Khi gặp một vấn đề tương tự, trẻ sẽ biết cách giải quyết ổn thỏa.

Ngay cả cựu Abraham Lincoln - Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ gửi thư cho thầy của con nhắn nhủ rằng: "Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt..."
 
Michele Borba là một nhà tâm lý học về lĩnh vực giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái chia sẻ rằng, những đứa trẻ thành công vì cha mẹ chúng thường xuyên thể hiện sự đồng cảm bằng những câu nói như: "Nhìn con vui quá" hoặc "con có vẻ buồn lòng".
 
Vì thế, đừng ngại hỏi con bạn về cảm xúc của chúng, giúp con nhận diện cảm xúc của mình, con có thể thể hiện bản thân mà không xấu hổ. Hoặc có thể hỏi con: "Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?" hoặc "con có vẻ sợ hãi đúng không?".
 
Bố mẹ cũng nên chia sẻ về cảm xúc của mình để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của chúng với cha mẹ và không quên yêu cầu con chú ý đến cảm xúc của những người xung quanh. 

8. Khen ngợi thành tích của con

 
Không chỉ người lớn mà những đứa trẻ cũng rất thích được khen ngợi, khích lệ. Việc khen ngợi giúp con cảm thấy con có giá trị, được tôn trọng, được yêu thương. Thế nhưng số đông trong chúng ta lại chỉ thấy điểm con chưa làm được và cảm thấy phiền lòng.

Có thể vì quá quan tâm tới kết quả học tập của trẻ nên khi con không có thành tích như ý thì thay vì cùng con tìm ra giải pháp thì chúng ta lại chí trích, mắng mỏ, coi thường con. Điều này không làm cho kết quả học tập khá lên mà còn khiến cho bọn trẻ bị tổn thương tinh thần, suy giảm lòng tự trọng.
 
Trong khi bố mẹ chỉ muốn trút giận thì những từ ngữ "nhãn dán" như "ngốc nghếch, vô dụng, ăn hại..." lại ăn sâu trong tâm trí bọn trẻ, khiến chúng mất tự tin, kết quả học tập ngày càng sụt giảm. Ngược lại, nếu chúng ta nhấn mạnh lòng trung thực, sự sáng tạo và phẩm chất tích cực khác của trẻ sẽ giúp chúng lớn lên một cách lành mạnh.

Thế nên nếu để con có thể trở thành một người thành công trong tương lai thì các bậc phụ huynh cần phải điều chỉnh ngay cách giao tiếp với con. Hãy học cách khen ngợi thành tích của chúng đúng cách.

Jennifer Breheny Wallace một chuyên gia về lĩnh vực nuôi dạy con cái người Mỹ từng khuyên rằng, thay vì nêu bật thành tích như thi đạt điểm tốt, hãy tập trung vào đặc điểm tính cách cụ thể dẫn đến thành công của trẻ ví dụ như tự tin, sáng tạo, có quyết tâm...

Nhìn chung, việc xác định điểm mạnh của trẻ rất khó và áp lực nhưng để hoàn thành nhiệm vụ này bố mẹ cần kiên nhẫn để củng cố những điều tốt đẹp trong bản thân các con.
 
Nhưng để khen trẻ thế nào để con lớn lên tự tin và thành công hơn là điều mà bố mẹ cũng cần phải học hỏi từ chuyên gia hoặc từ cha mẹ thành công khác. 

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X