Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Hãy dạy con được THẤT BẠI vì đó là cách bạn cho chúng sức mạnh, đôi cánh bay xa và cao hơn

Thứ Hai, 06/09/2021 10:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dạy con được thất bại là lối tư duy mới mẻ mà các bậc phụ huynh cần tiếp cận để có một góc nhìn khác hơn trong việc giáo dục con trở thành người có ích cho xã hội.

Hãy dạy con được thất bại


Ngày nay, có quá nhiều đứa trẻ dưới áp lực học hành, tình cảm, gặp sự cố trong cuộc sống,... mà tự kết liễu cuộc đời của mình trước sự đau xót của cả gia đình, xã hội. Dù là biến cố rất nhỏ nhưng tâm hồn quá mỏng manh, non nớt nên các con hành xử thật thiếu khôn ngoan khiến chúng ta muốn ngăn sự việc xảy ra cũng không kịp.

Trong số đó, không ít đứa trẻ bị bố mẹ trách mắng mà thậm chí là gia đình không hề nói gì nhưng chính các em tự cảm thấy mệt mỏi vì không biết cách đối diện và vượt qua thất bại trong cuộc sống. Chúng đơn giản là từng quá được yêu chiều hoặc tự xem mình là nhất nên cảm thấy ê chề khi bị thất bại mà thôi.

Sự yếu đuối ấy có thể xuất phát từ việc bao lâu nay chúng ta đã gieo rắc cho trẻ suy nghĩ phải thắng, phải hơn thua nên mới có những lời khen như: "Con của mẹ xuất sắc nhất" hoặc "Con của mẹ thông minh nhất" khi chúng có thành tích tốt.

Việc chê là không tốt nhưng việc chỉ khen ngợi cũng chưa hẳn là điều hay. Vì ngay sau đó, khi con làm điều gì không tốt, kết quả không như ý là các bậc phụ huynh lại có thái độ ngược lại, thất vọng khi con không đạt được điều gì như mong đợi, khi chúng không ngoan, khiến các con cảm thấy mất phương hướng, có cảm giác tồi tệ khi trái ý bố mẹ. 

Vậy nên, những lúc cha mẹ khen ngợi con cái cần phải dùng những lời nói rõ ràng, đánh giá hành vi cụ thể. Để cho con trẻ biết rằng cha mẹ chỉ là không hài lòng với một hành vi nào của chúng, chứ không phải là bản thân hay con người chúng.

Gần đây, chúng ta không khỏi bàng hoàng về việc các con lập "Hội những người ghét cha mẹ" trên mạng xã hội, thế nhưng cũng là lúc để nhìn nhận, đánh giá lại cách dạy con của mình chứ không chỉ đổ hết tội lỗi lên con trẻ được. Điều này cho thấy cách giáo dục con của chúng ta có vấn đề nên con mới phản ứng dữ dội như thế, rút kinh nghiệm để không dạy chúng theo cảm tính, cảm xúc của mình như trước nữa.
 
Trong cuộc sống hiện thực, dù con có làm sai điều gì đừng trách mắng, chửi bới chúng quá đáng mà hãy nghĩ: Trước sự sống còn của sinh mệnh, thành tích, thành công hay thất bại của con thật chẳng đáng gì cả. Miễn là con còn sống là còn có cơ hội.

Vì thế, để trang bị cho con có tinh thần mạnh mẽ chi bằng từ sớm hãy dạy cho trẻ thản nhiên tích cực đối diện với thất bại. Để dạy con được thất bại, đừng khi nào cũng đòi hỏi điểm số ở con: "Sao cả năm không có con 10 nào", "Tại sao năm ngoái Toán được 9 mà năm nay có 8?"....
 
Với những câu hỏi căn vặn như thế mà từ lâu vô tình bạn đã hình thành cho trẻ tâm lý “không được thua”. Nên chúng hay có biểu hiển như thua trò chơi cũng liền khóc rống lên, đòi không được món đồ gì là ăn vạ, thậm chí đánh người cho bõ tức.

Cha mẹ chiều ý con trẻ, cố ý để cho chúng thắng chứ không biết rằng chỉ thắng được một lúc, chứ không thắng được cả đời. Vì thế, không chỉ dạy cho con cái thắng như thế nào, càng nên dạy cho chúng biết cách thua như thế nào.  

Mới đây, tôi được nghe về một cuộc phỏng vấn của một phụ nữ thành đạt kể rằng: Từ nhỏ, cứ mỗi cuối tuần bố sẽ gọi các anh chị em của bà lại và hỏi: Tuần này con đã thua hay thất bại những gì rồi? Nếu ai không có gì để kể nghĩa là cả tuần đó chưa thử làm việc gì mới. Theo cách đó, bố khuyến khích các con thử nghiệm và học hỏi, mở mang kiến thức, hơn là đòi hỏi chúng phải thắng lợi hay thành công khiến các con chỉ có cảm giác nặng nề chứ không phải là hứng khởi nữa.
 
Hãy dạy con được thất bại
 

Bồi dưỡng tấm lòng khoáng đạt cho trẻ

 
Trong vai trò là một phụ huynh, bạn cần tôn trọng sự phát triển không giống nhau ở mỗi đứa trẻ, không thể đòi hỏi rằng con mình phải học giỏi như tất cả những đứa trẻ khác. Chúng có thể "thua" trong học tập nhưng lại có thể "thắng" trong lĩnh vực khác mà bạn đâu có đoán biết trước được, vì thế, hãy làm bạn với con, để biết chúng thích làm gì, mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống, từ đó kịp thời khuyến khích trẻ.

Nếu chúng có thua cuộc thì hãy an ủi chúng rằng thắng - thua là chuyện bình thường. Đứa trẻ không sợ thua, mới có cơ hội chiến thắng vì cuộc sống này còn dài lắm, con chỉ đang ở giai đoạn khởi động của cuộc đời mình mà thôi.

Với thái độ, lúc nhỏ không thua được, sau khi lớn lên cũng sẽ thắng không nổi, sự hiếu thắng, cạnh tranh chỉ dẫn tới những hệ lụy tiêu cực cho trẻ mà thôi.

Có rất nhiều những đứa trẻ thiểu năng có thể là thiên tài. Thực tế đã cho thấy nhà khoa học Stephen Hawking, thời còn đi học, thành tích học tập yếu kém, lại không biết đọc, là đối tượng bạn bè chê bai, cười cợt. Thậm chí, bạn học còn đánh cược ngay trước mặt ông, nói ông cả một đời này nhất định sẽ chẳng làm nên trò trống gì.
 
Stephen Hawking không nghĩ ngợi về những lời giễu cợt và đả kích, lớn lên ông theo đuổi đam mê, một lòng chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học. Từ cậu học sinh yếu kém, Stephen Hawking chuyển mình một cái thành nhân vật lẫy lừng trong giới vật lý đương đại.

Hay Thomas Edison cũng là một trong những hiện tượng vì ông từng bị xem là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được” và còn bị đuổi học khi lên 8. Không chỉ có vậy, cơ thể của cậu yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành. Vậy mà cuối cùng ông đã trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại.

Vậy đấy, ai mà đoán biết được chuyện tương lai, cho nên con bạn còn có cả con đường rộng và dài ở phía trước để cho phép chúng thử nghiệm và sai, rồi sửa. Cách bạn có thể hỗ trợ cho con đó là trao cho chúng tình thương yêu, là bồi dưỡng cho con có tấm lòng khoáng đạt, sự lạc quan để chấp nhận mọi điều có thể xảy ra trong cuộc sống này. Từ đó, mỗi một đứa trẻ đều có thể lấy tâm thái thoáng đãng đối diện với thắng thua, làm một người mạnh mẽ để dù có thăng hay thua cũng là chuyện thường tình. 
 
Thomas Edison cũng là một trong những đứa trẻ thiểu năng
Thomas Edison từng bị đuổi học vì học quá kém 

Học biết chấp nhận thất bại trước mặt trẻ

 
Hiện nay nhiều phụ huynh đầu tư đặc biệt cho con trẻ: nào là trường học top đầu, học thêm vô vàn kỹ năng như múa, hát, đánh đàn, nào là từ bỏ công việc để kèm con trẻ học… Họ xem con cái là vật phẩm sở hữu riêng và là của để dành vì tương lai trở thành chỗ dựa của mình khi về già nên luôn đặt ra kỳ vọng thật lớn vào chúng. Nên khi con cái thua kém, phụ huynh cũng cảm thấy tức không chịu nổi.

Áp lực vô hình đặt lên con quá lớn, muốn chúng phải thắng mọi cuộc chơi nên những đứa trẻ từ nhỏ hiếu thắng, sau khi lớn lên thì không cách nào thích ứng được với xã hội rối rắm phức tạp này, từ đó mà luôn trong tâm trạng đau khổ, tự ti, có thái độ tiêu cực với cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, hành công lớn nhất của cha mẹ là dạy con được thất bại, điều này sẽ quyết định vận mệnh một đời của trẻ. 

Một sự thật mà bạn cần thừa nhận đó là những đứa trẻ “không thua được” là bắt nguồn từ phụ huynh “không thua được”. Tâm lý hơn thua của trẻ không tự nhiên mà có, chúng bị ảnh hưởng không nhỏ từ gia đình, từ bố mẹ chúng.

Muốn dạy con được thất bại thì ngay trong vai trò là bố mẹ hãy là tấm gương cho chúng, khi chính các bạn gặp phải chuyện không như ý thì cũng vui vẻ đón nhận, xem như chuyện đó là "không sao cả" và thông qua đó mà dạy trẻ. Chúng sẽ có thể học hỏi từ cách hành xử này của bố mẹ chúng mà không lời nào có thể răn dạy được.
 
Ví dụ như: "Hôm nay mẹ làm sai việc này rồi, thôi để mẹ rút kinh nghiệm lần sau mẹ biết nên làm gì”. Hay “Ôi ván này bố thua rồi, quan trọng là quá trình chơi rất vui, được tương tác với mọi người". Hoặc "Dự án này bố làm chưa tốt, thành tích kém, bố phải nỗ lực hơn rồi"...
 
Hoặc xa hơn, bạn có thể làm bạn, tâm sự với con về những thất bại về những gì mình chưa làm được nhưng vẫn đang cố gắng hoàn thiện bản thân. 
  
Bố mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh con trẻ, hơn nữa một đời của con trẻ cũng không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Điều duy nhất cha mẹ có thể làm, chính là dẫn dắt con trẻ đối diện với thất bại một cách điềm tĩnh với tâm thế khoáng đạt, lạc quan mà thôi.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X