Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tháng Chạp là tháng mấy? Tháng kết thúc một năm có điều gì đáng lưu ý?

Thứ Sáu, 10/12/2021 09:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tháng Chạp là tháng mấy? Cái tên "tháng Chạp" bắt nguồn từ đâu? Tháng này có những ngày lễ tết nào quan trọng? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Tháng Chạp là tháng mấy?

 
Tháng Chạp chính là một cách gọi khác của tháng 12 âm lịch, tức tháng Sửu hay còn được dân gian gọi là tháng Củ Mật.

Đây là tháng cuối cùng của năm âm lịch, có thể là tháng thứ 12 đối với các năm âm lịch bình thường hoặc tháng thứ 13 đối với những năm âm lịch nhuận. Đáng chú ý, tháng Chạp luôn diễn ra sau ngày Đông Chí (tức 21-22/12 hàng năm). 

Thang Chap la thang may?
 
Đây là một trong những tháng âm lịch quan trọng nhất trong một năm, khi mỗi người đều hướng tới cái Tết đầm ấm, đoàn viên bên gia đình.

Tháng này cũng là thời điểm mà ai nấy đều hối hả, dốc sức hoàn tất các nhiệm vụ và kế hoạch đã đặt ra trong năm cũ, chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để đón năm mới đến. 

Ở Việt Nam, tháng Chạp là tháng diễn ra nhiều lễ lạt cúng bái, chủ yếu là các hoạt động thăm nom, chăm sóc mồ mả cha ông, thu dọn nhà cửa, sắp đặt bàn thờ để năm hết tết đến mời tổ tiên về nhà.
 

- Tháng Chạp là tháng mấy dương lịch?

 
Thông thường tháng Chạp sẽ rơi khoảng từ cuối tháng 12 năm trước đến đầu tháng 2 của năm mới dương lịch. Khoảng thời gian này không cố định vì còn tùy thuộc vào sự chênh lệch giữa lịch âm và lịch dương của mỗi năm.
 

2. Tại sao gọi là "tháng Chạp" hay "tháng Củ mật"?

 

- Nguồn gốc tên “tháng Chạp”

 
Người Trung Quốc xưa gọi tháng 12 âm lịch là "Lạp nguyệt".  Chữ "lạp" có xuất xứ từ thịt, vì từ thời xưa người Trung Quốc đã thích ướp thịt khô vào dịp mùa đông để dành ăn quanh năm. Việc ướp thịt thường rộ lên vào tháng 12, vì thế người Trung Quốc gọi thời điểm này là Lạp nguyệt. 
 
Có quan điểm cho rằng tháng 12 âm lịch cũng là lúc người dân Trung Quốc bắt đầu thực hiện các nghi lễ cúng bái thần linh với mong muốn cầu xin mưa thuận gió hòa, đón năm mới bình an. Mà người Việt Nam cũng thường tổ chức giỗ chạp, nên tên gọi tháng Chạp được xuất phát từ đây.
 
Trong Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt do Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, “tháng Chạp” là do người Việt đọc chệch từ “Lạp” thành “Chạp” mà thành. 
  

- Vì sao gọi tháng Chạp là tháng Củ Mật?

 
Người xưa gọi tháng Chạp là "tháng Củ Mật" bởi tháng ấy nhiều trộm đạo. 
 
Theo chiết tự, "củ" là củ soát, kiểm soát, còn "mật" là cẩn mật, nghĩa của cả cụm từ “củ mật” vốn là kiểm soát cẩn mật. 
 
Thuở xưa, đến thời điểm này trong năm, các quan phủ thường hay nhắc nhở người dân cần giữ gìn tài sản cẩn thận, các tuần đinh phải tăng cường kiểm soát để phòng ngừa trộm cắp.
 
Đến ngày nay, nhân dân ta vẫn quen gọi tháng Chạp là "tháng Củ Mật". Đây là tháng làm ăn không chỉ của người lương thiện mà của cả người bất lương vì cuối năm ai cũng có nhu cầu sắm sửa cho ngày Tết.

Thời điểm này, ai cũng vội vã thu gom tiền bạc sau một năm cố gắng làm việc, lại thêm việc tất bật sắp xếp, lau dọn nhà cửa nên kẻ trộm thường nhân lúc chủ nhà sơ hở để trộm cắp tài sản.
 
Ngoài ra, nhân dân ta còn quan niệm "tháng Củ Mật" là tháng xui xẻo vì dễ mất mát tiền của, hay bị "tai bay vạ gió" vì đủ những lý do khác nhau. Đây là hậu quả của việc ai cũng có công có việc, phải đi lại thường thường xuyên, khiến tinh thần mệt mỏi, căng thẳng, lơ là.
 

3. Tháng Chạp có bao nhiêu ngày?

 
Thông thường, các tháng âm lịch chỉ có từ 29 đến 30 ngày, tùy thuộc vào từng năm, và tháng Chạp cũng không phải ngoại lệ.
 
Việc xác định ngày bắt đầu của tháng cũng như số ngày trong tháng tùy theo thời điểm diễn ra hai kỳ trăng non kế tiếp nhau theo giờ địa phương.
 
Để biết chính xác tháng Chạp có bao nhiêu ngày ở các năm, tra cứu dễ dàng tại mục LỊCH ÂM DƯƠNG trên Lịch Ngày TỐT. Bảng dưới đây thống kê số ngày trong tháng Chạp cũng như thời điểm bắt đầu và kết thúc tháng Chạp trong 10 năm tới để bạn tiện theo dõi.
 

Tháng Chạp các năm

Số ngày

Ngày bắt đầu – Ngày kết thúc

2022

30

23/12/2022 – 21/1/2023

2023

30

11/1/2024 – 9/2/2024

2024

29

31/12/2024 – 28/1/2025

2025

29

19/1/2026 – 16/2/2026

2026

29

8/1/2027 – 5/2/2027

2027

29

28/12/2027 – 25/1/2028

2028

29

15/1/2029 – 12/2/2029

2029

29

4/1/2030 – 1/2/2030

2030

29

25/12/2030 – 22/1/2031

2031

29

13/1/2032 – 10/2/2032

2032

30

1/1/2033 – 30/1/2033


4. Các ngày lễ quan trọng trong tháng Chạp

 

4.1. Rằm tháng Chạp

 
Theo quan niệm của nhân dân ta, thực chất, Rằm tháng Chạp (tức 15/12 âm lịch) cũng không khác mấy so với các ngày rằm khác.
 
Tuy nhiên, chính yếu tố thời điểm đã khiến cho ngày này có ý nghĩa khác biệt hơn, bởi đây là ngày rằm cuối cùng trong năm, là dịp để tổng kết những điều đã qua, sẵn sàng chào đón những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới.

Vì thế, người ta thường bảo nhau chú trọng đến ngày này hơn để ngày rằm cuối cùng trong năm được trọn vẹn, tươm tất nhất có thể.
 
Thông qua lễ cúng rằm, các gia đình đều muốn thể hiện sự thành kính, chu toàn của mình trong suốt một năm. Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp, không khí Tết cũng bắt đầu được khởi động.
 

4.2. Tết ông Công ông Táo

 
Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một trong những lễ cúng quan trọng trong dịp trước Tết Nguyên Đán. Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Công ông Táo. 
 
Trong tín ngưỡng dân gian, Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Ngày thường, ông Công ông Táo ghi lại những công tội của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng phạt mỗi người. 
 
Do đó, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau. 
 
Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt cổ chuyển hóa thành sự tích Táo Quân bao gồm “2 ông 1 bà” là thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. 

Xem thêm: Kiêng kị khi cúng ông Công ông Táo.
 

4.3. Lễ tất niên

 
Ngay le quan trong trong thang Chap
 
Ngày tất niên là ngày cuối cùng của năm cũ, ngày kết thúc năm cũ. Ngày này thường rơi vào 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).
 
Tất niên là một nghi thức không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam. Theo nghĩa Hán Việt thì "tất" có nghĩa là hết, hoàn thành, xong; còn "niên" có nghĩa là năm. Vì thế, tất niên được hiểu đơn giản là kết thúc một năm.
 
Theo thông lệ, đây là ngày mà mọi thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón năm mới sang. Cũng trong ngày này (thường là buổi tối), người ta làm cỗ cúng lễ tất niên.

Xem thêm: Sự khác biệt khi cúng tất niên 3 miền.
 
Những năm gần đây, các bữa tiệc Tất niên không còn gói gọn trong phạm vi gia đình mà còn diễn ra với phạm vi rộng hơn, ví dụ như Tất niên công ty, Tất niên làng xóm, Tất niên với bạn bè…

Thời gian diễn ra tiệc Tất niên cũng linh động và chủ yếu được đẩy lên sớm hơn vào một vài ngày trước đó tùy theo kế hoạch của mỗi người.
 

5. Kiêng kị trong tháng Chạp

 
- Không gây mâu thuẫn, hạn chế đưa điều tiếng thị phi: Người ta quan niệm tháng Chạp là lúc ngày cùng tháng tận, nên hạn chế việc mâu thuẫn, tranh chấp với người khác, nếu không dễ ảnh hướng tới năm mới.
 
- Không để nhà cửa bừa bộn: Nếu như để nhà cửa lộn xộn, không dọn dẹp gọn gàng, thậm chí để nấm mốc thì dễ bị tà khí xâm nhập, bệnh tật nảy sinh. Hơn nữa, nhà cửa bừa bộn luôn tạo cho chúng ta cảm giác mọi việc ngổn ngang, chưa được hoàn tất.
 
- Không vay mượn ngày Rằm tháng Chạp: Ngày này còn được gọi là ngày Vọng vong, cần giữ cho tâm hồn thanh tịnh, sạch sẽ. Vay tiền vào ngày này có thể trở thành khoản nợ lớn, ảnh hưởng đến vận trình tài lộc trong năm mới của bạn. Nó sẽ khiến cho việc kiếm tiền khó khăn trắc trở, làm ăn dễ thua lỗ, nợ nần.
 
- Không nhặt tiền rơi ngoài đường: Tiền rơi ngoài đường trong tháng Chạp thường là tiền cúng lễ, chúng ta lại nhặt về dùng tức là mang vận rủi ấy theo mình, những điều xui xẻo sẽ cứ thế mà tới.
 
- Cẩn thận khi tìm chỗ ngủ: Tháng Chạp thường là thời điểm nhiều người đổ về quê ăn Tết, khiến việc lỡ tàu lỡ xe, phải ngủ tạm ở bên ngoài thường xuyên xảy ra. Lưu ý khi lựa chọn chỗ ngủ là không ngủ nhờ ở những căn nhà cũ tối tăm ẩm ướt hoặc những nơi đất miếu để tránh nhiễm tà khí.
 

6. Những việc nên làm trong tháng Chạp

 
- Hoàn thành những công việc còn dang dở: Điều này sẽ giúp bạn có được những khởi đầu trong năm mới thuận lợi hơn. Hơn nữa, hoàn thành công việc cũng sẽ giúp tâm lý của bạn được thoải mái, nhẹ nhõm hơn.
 
- Lập kế hoạch cho năm mới: Để năm mới gặt hái nhiều thành công rực rỡ, những ngày cuối năm ta nên dành thời gian để lập một kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Khi có một kế hoạch chi tiết, bạn sẽ có phương hướng phấn đấu và tự tin vững vàng hơn trong năm mới.
 
- Thu dọn nhà cửa: Đây là thời điểm thích hợp để mọi gia đình dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ những đồ đạc đã cũ, không còn giá trị sử dụng, thay vào đó là những đồ đạc mới được mua sắm cho những ngày Tết.
 
- Tạ mộ trước ngày Tết: Đây là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Phong tục này thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Bạn có biết tạ mộ cuối năm vào ngày nào?
 
- Đón giao thừa bên gia đình: Dù cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng trở nên bận rộn hơn, nhưng dịp cuối năm hãy sắp xếp thời gian để ở bên gia đình, cùng ôn lại những kỉ niệm đẹp và đón chờ những điều tốt đẹp trong năm mới.
 
Xem các bài viết khác:


Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X