Thứ Năm, 08/10/2015 16:57 (GMT+07)
Muốn tìm hiểu nguồn gốc Thần Tài, vị thần mang lại tài lộc, sự thịnh vượng, phát đạt này, ta có thể tìm hiểu thông qua truyền thuyết của các nước Á Đông, bởi đây là một trong những vị thần có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.
1. Truyền thuyết ở Trung Quốc
Thần Tài là ai? Người ta ghi nhận rằng nguồn gốc Thần Tài đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc và có khá nhiều dị bản khác nhau. Dưới đây là hai truyền thuyết được nhiều người biết đến nhất.
Truyền thuyết thứ nhất cho rằng thuở xa xưa, có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện.
Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt. Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ.
Người ta cho rằng Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ. Cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.
Theo truyền thuyết thứ hai, hình tượng Thần Tài thường gắn liền với Phạm Lãi, một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc.
Sử sách ghi chép, Phạm Lãi là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn, có công giúp vua trong cơn hoạn nạn, phò tá vua diệt trừ Ngô Phù Sai. Ông chính là người đã giúp Việt Vương đưa một đất nước đã bị diệt vong trở nên hưng thịnh.
Tuy nhiên, khi đất nước đã trở nên ổn định, Phạm Lãi hiểu rõ con người của Việt Vương Câu Tiễn, cho rằng vua là người có thể chia hoạn nạn mà không thể chung giàu sang, sau khi đánh bại quân địch cứu đất nước, vua sẽ không cần những người có công như vậy nữa.
Phạm Lãi rất thông minh, sau khi giúp cho Câu Tiễn phục hồi đất nước thì lặng lẽ bỏ trốn, không một lời từ biệt. Ông thay tên đổi, vốn từ họ Phạm đổi thành họ Đào, khiến mọi người hoàn toàn không thể đoán được thân phận của mình.
Từ đó người ta chỉ biết ông tên là Đào Châu Công, làm nghề buôn bán. Ông buôn bán mấy năm thì trở thành người giàu có, dù tiền tài rất nhiều nhưng ông không tích của mà đem phần lớn bố thí cho những người nghèo khó, số còn lại chỉ giữ cho bản thân làm ít vốn nhỏ.
Sau đó ông lại chăm chỉ làm việc, làm qua mấy năm lại phát tài nữa, phát tài lớn, phát tài lớn lại bố thí nhiều. Và chính nhờ đức hạnh bố thí của ông mà người đời tôn sùng ông là một vị thần mang đến tài lộc cho mọi người, gọi đó là Thần Tài.
2. Truyền thuyết ở Việt Nam
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Thần Tài là một dạng thổ thần kiểu Thần Đất (Thổ Địa), vị thần hộ mệnh của xóm làng, cai quản đất đai, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng.
Khi những người dân Việt đi khai hoang, bước đầu họ gặp nhiều khó khăn và ý niệm về các vị thần hình thành từ đó làm chỗ dựa tâm linh của họ trên con đường mưu sinh.
Thần Đất là vị thần bảo hộ cây trái, hoa màu thể hiện tính nông nghiệp và là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc. Đây cũng là dấu ấn của thời kỳ kinh tế thương nghiệp.
3. Truyền thuyết ở Ấn Độ
Ấn Độ cho rằng nguồn gốc Thần Tài vốn là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả (là một trong thập bát La Hán).
Ông là người chuyên bắt rắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi.
Do đó có tượng Thần Tài đứng có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công. Xem thêm về hình tượng
Thần Tài trong Phật giáo.
4. Truyền thuyết ở Tây Tạng
Phật giáo Tây Tạng thờ phụng 5 vị Thần Tài hay còn gọi là Thần tài Ngũ sắc, gồm có Bạch Thần Tài, Hoàng Thần Tài, Hồng Thần Tài, Lam Thần Tài và Hắc Thần Tài.
Trong đó, Hoàng Thần Tài được coi là vị Thần Tài đứng đầu trong chư vị Thần linh cai quản tài bạch phương Bắc, chủ quản bảo khố, là Thần Tài tối cao trong danh sách các vị Thần Tài được người dân cung dưỡng.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc Thần Tài này, tuy nhiên sự tích phổ biến nhất và nhiều người biết đến nhất là chuyện Hoàng Thần Tài đã bảo vệ cho Đức Phật khỏi yêu ma quấy nhiễu.
Hoàng Thần Tài vốn là Đại Bồ Tát đã chứng 5 đạo 10 đất. Một ngày nọ, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang truyền giảng kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa ở đỉnh núi Griddhakuta ở vùng Rajgir thuộc Trung Ấn thì gặp yêu ma quỷ thần từ khắp nơi đến gây chuyện khiến cho núi thiêng sụp xuống.
Khi ấy Hoàng Thần Tài đã dũng mãnh hiện thân để bảo vệ cho Đức Phật cùng chúng đệ tử được bình an vô sự.
Sau này, Đức Phật ủy thác cho Hoàng Thần Tài dùng Phật pháp và thần lực của mình để giúp cho chúng sinh nghèo khổ cũng có thể đi theo con đường Phật Pháp, cũng trao cho Hoàng Thần Tài làm Đại Hộ Pháp, bảo hộ cho tất cả các dòng truyền thừa.
Trong kinh Phật, Ngài được ghi chép lại là vị Bồ Tát từ bi, chuyên ban phát của cải vật chất và tinh thần cho chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh đói nghèo, lầm thanh.
Muốn tìm hiểu kỹ hơn về hình tượng Hoàng Thần Tài cũng như nhiều yếu tố xoay quanh, hãy tham khảo ở bài viết:
Tụng niệm thần chú Hoàng Thần Tài để cầu tài lộc dồi dào, kinh doanh phát đạtHàng ngày tụng niệm thần chú Hoàng Thần Tài để cầu may mắn về tài lộc, sự giàu có, thịnh vượng – Điều mà không phải ai cũng biết.
Xem các bài viết khác: