Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tìm hiểu cách ngày xưa Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh

Thứ Hai, 10/02/2020 11:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Khi mọi người càng hoang mang càng khiến cuộc sống nhiễu loạn thì chúng ta tìm về cách Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh để thử tìm ra bài học nào đó mong có thể tự cứu lấy chính mình.
 

Đi tìm nguyên nhân của dịch bệnh


Nếu xét về khía cạnh Khoa học chẳng ai cho rằng dịch bệnh liên quan tới đạo đức con người. Theo đó, nguyên nhân được nói đến mà ai ai chúng ta cũng biết là do vi khuẩn hoặc virus gây ra sự lây nhiễm, tuy nhiên, đặc điểm của loại virus ấy không phải ai cũng xác định được nó một cách rõ ràng, cho dù tới khi cả dịch bệnh đã chấm dứt sau đó.

Thế nhưng khi đi ngược dòng lịch sử trở về những thời điểm có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, ta sẽ nhận thấy rằng chúng có liên quan chặt chẽ tới xã hội tại thời điểm đó. Ví như sự tiêu vong của các triều đại Trung Quốc hay sự suy bại của đế quốc La Mã.
 
- Trung Quốc: Dịch bệnh hoành hoành liên quan đến sự thay đổi triều đại nơi đây. Đó là khi người trị vì thường là kẻ vô đạo, quan lại chỉ lo vơ vét của cải về mình, không quan tâm đến người dân.

Hậu quả là dân chúng đói kém, lầm than lại cộng thêm thiên tai nhân họa không dứt, lũ lụt hạn hán địa chấn thường xuyên rồi dịch bệnh lan tràn.

- La Mã: Đế quốc La Mã hùng mạnh bức hại tín đồ Cơ Đốc khiến nơi đây đã phát sinh bốn lần đại dịch không ngừng diễn ra. Lần thứ nhất khiến dân số giảm 1/3, riêng thủ đô La Mã thời bấy cư dân chết quá nửa.
 
Sau bốn lần phát sinh dịch bệnh, đế quốc La Mã đã diệt vong mà chỉ càng khiến Cơ Đốc giáo lan truyền rộng khắp thế giới.

Vì thế, không nói về khía cạnh khoa học mà chỉ nói về khía cạnh Nhân Quả từ những việc nhỏ đã thấy vô kể những người đã chết trong thiên tai, dịch bệnh cũng đủ chấm dứt triều đại đều có những vị vua tham lam vô độ chỉ muốn vơ vét về mình.

Trong kinh Phật nói, có những trường hợp nạn dịch của cả một địa phương, một quốc gia là do nghiệp báo chung của cả địa phương, quốc gia ấy, khiến cho những loài quỷ ác đủ nhân duyên tạo tác.

Có thể sẽ có người phản đối về quan niệm này và không muốn áp dụng những lời Phật dạy vào hoàn cảnh như thế vì họ không chấp nhận sự thật rằng bệnh dịch, tai họa có liên quan tới vấn đề đạo đức hay khả năng lãnh đạo hoặc những gì tương tự. Thế nhưng, thay vì có suy nghĩ chống đối bạn hãy suy ngẫm một chút nhé.
 
Duc Phat hoa giai thien tai dich benh
 
 

Đôi khi phải "đón nhận" dịch bệnh như là việc đương nhiên sẽ xảy ra


Có vẻ buồn cười khi nói chúng ta nên "đón nhận" những thiên tai, dịch bệnh như là điều tất nhiên. Thực tế, đó là Quả mà chúng ta nhận được do gieo Nhân xấu từ bao lâu nay.

Dịch bệnh cũng như tất cả chu kỳ của cuộc sống của chúng ta đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có tính lặp đi lặp lại khi con người vẫn giữ những thói quen cũ, cũng giống như vòng luân hồi cứ lặp đi lặp lại như thế.

Vì thế, thay vì cố gắng chống đối hay hoảng loạn thì chúng ta cần phải đón nhận nó như là một điều "tất lẽ dĩ ngẫu" sẽ xảy ra trong cuộc đời.

Nếu có thể làm được điều gì hay thậm chí là sự hi sinh mà bạn có thể đóng góp để thế giới này có thể tốt hơn, bạn hãy cứ làm để giúp đỡ mọi người xung quanh thay vì cố vun vén mọi lợi lộc về mình trong thời gian dịch bệnh.

Những ai tìm hiểu về những lời dạy của Đức Phật đều có niềm tin sâu dày rằng: Không có món nợ nào trong vũ trụ mà không phải trả. Vũ trụ có một hệ thống tính toán sổ sách rất hoàn hảo, và tất cả mọi thứ là sự trao đổi qua lại bất kể ta có nhớ hay quên "món nợ" của mình hay không. Dịch bệnh cũng vậy, cũng là cách chúng ta đang "trả nợ" cho mẹ Trái đất này mà thôi.

Có thể thấy, Trái đất cung cấp miễn phí cho chúng ta, và không đòi hỏi gì hơn là gìn giữ với sự chăm sóc nhẹ nhàng, nâng niu. Thế nhưng, con người chỉ biết tận dụng những gì đang có, ngày càng tàn phá tài nguyên để phục vụ cho những lợi ích của mình bất chấp việc đó có đi trái ngược lại với tự nhiên tới mức nào.
 
bac si ly van luong canh bao ve Corona
Có những người "hi sinh" khi dịch bệnh xảy ra để người khác được sống như gương bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, 34 tuổi), một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra ở Vũ Hán

Chuyện kể lại ở Tây Tạng rằng có một vị tu sĩ khá giản dị sống trong làng, có năm trong vùng xảy ra dịch đậu mùa, vị tu sĩ qua đời cùng vô số người khác.

Mùa Đông lạnh giá, củi khan hiếm nên xác của vị tu sĩ được khiêng thả xuống một cái hồ đang đóng băng. Mùa Xuân tới, bệnh dịch đã ngừng hẳn và người ta thấy cầu vồng nơi mặt hồ họ thả xác vị tu sĩ.
 
Có người lại gần và thấy xác vị tu sĩ vẫn còn nguyên vẹn đang nổi trên mặt hồ, họ liền đưa xác về tu viện và được làm lễ hỏa táng theo nghi thức tăng sĩ.

Nơi dàn hỏa xuất hiện nhiều cầu vồng bay thẳng lên bầu trời khi xác được thiêu và trong đống tro người ta tìm thấy các xá lợi.

Lúc ấy, mọi người hiểu rằng đó là vị tăng xuất chúng và người ta khen tặng ông đã nhận lãnh căn bệnh hiểm nguy để thanh tịnh hóa các nghiệp xấu tạo nên cơn dịch.

Trong Phật giáo Tây Tạng, bệnh hoạn có thể là một biểu hiện của sự thành công về mặt tâm linh, và sự hy sinh chính mình để cứu những người khác. 

Bệnh tật và đau khổ được xem là cách giải thoát đặc thù, cho ta cơ hội để trải nghiệm sự liên hệ chặt chẽ giữa ta và những chúng sinh khác, cảm nhận nỗi đau, nỗi mất mát và sợ hãi mà chúng ta chưa từng trải qua.
 
Những người chết trong dịch bệnh cũng như là sự hi sinh khi họ đã lãnh nghiệp xấu cho những người đang được sống sót, điều đó được tạm hiểu như là tình yêu đang được trải rộng như một người mẹ có thể cho đi sự sống của mình để nuôi nấng các con - những người ở lại.

Vì thế, ta hãy xem những khổ ải đang trải qua cũng như bệnh dịch hiện tại như một cây chổi quét sạch hết nghiệp xấu. Ta giữ tâm thế đón nhận, nếu có bệnh hãy chạy chữa trong khả năng có thể, bớt gây hoang mang dư luận, bớt cố giành sự sống về mình mà làm hại người khác bằng cách này hay cách khác.
 

Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh như thế nào?


Những lời dạy, những kinh điển mà Đức Phật dạy đã được kết tập lại thành kho tàng Tam tạng kinh điển đồ sộ của Phật giáo nhưng khi ta học tập, nghiên cứu cần phải căn cứ vào nội dung ấy trong bối cảnh lịch sử, nếu không ta sẽ có cảm giác những lời dạy mâu thuẫn với nhau.

Khi nói về dịch bệnh, thời Phật tại thế, cũng có lần xuất hiện thiên tai, dịch họa khiến dân chúng lúc ấy đói khổ, người chết la liệt khắp thành Tỳ Xá Ly. 
 
Lúc này, dù miền Nam sông Ganga trời hay mưa nhưng suốt bốn năm tháng, phía Bắc không có một giọt mưa khiến khắp nơi, nhất là kinh thành Tỳ Xá Ly rơi vào khủng hoảng.

- Nạn đói: Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng khô cằn, không đủ lương thực dự trữ không đủ sức cầm hơi, thế là đói khát trầm trọng xảy ra.

- Người chết: Vì đói nên người chết rất nhiều nhưng người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa nên họ đành để xác ra ngoại thành.

- Dịch bệnh lan tràn: Vì xác chết bốc mùi hôi thối nên dịch bệnh lan tràn, mọi người có gì ăn nấy nên càng bị bệnh, bệnh dịch tả (các nguồn nước cạn kiệt bị ô nhiễm) càng làm cho người chết nhiều thêm nữa.

Khi ấy, các đức vua và hội đồng tướng lĩnh lo lắng tột độ, họ bèn cử một viên quan và đoàn tùy tùng đến thành Vương Xá, dâng lễ cúng dường Đức Phật mong Ngài cứu giúp dân chúng.

Đức Phật cho biết ba thảm họa ở thành Tỳ Xá Ly đều có nguyên nhân và có tác động lẫn nhau:

- Nạn đói là do nắng nóng khô hạn.

- Nguyên nhân thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo.

- Thứ ba là do Thần linh bỏ đi, không ai che chở, giúp đỡ.

Với sự chỉ dẫn của Đức Phật, Ngài A Nan và 500 vị Tỳ kheo học thuộc kinh Tam Bảo mà Đức Phật dạy; vua Tần Bà Sa La giúp đỡ 1000 tấn lương thực, thuốc men và cử các vị lương y giỏi nhất cứu giúp dân chúng đang đói khổ và bệnh tật.

Không chỉ có thế, Đức Phật cử Ngài A Nan cùng các vị Tỳ kheo đi ba vòng quanh thành phố suốt đêm tụng kinh để xua tan không gian u ám của Tỳ Xá Ly, dường như những lời Kinh thắp sáng để làm ấm lên không gian sống ở đây.

Hôm sau, một trận mưa rất lớn đổ xuống đã cứu nạn muôn dân, trận mưa lớn kéo dài cả ngày khiến cho bao nhiêu xú uế tan đi mất.

Dường như cơn mưa đã cuốn trôi đi hết các thứ ô nhiễm, bẩn thỉu và bầu không khí trở nên trong lành, mát mẻ. Nhờ đó, dịch bệnh cũng được tiêu trừ một thời gian ngắn sau đó.

Nhân dân vui mừng, hò reo không ngừng và họ quỳ lạy bên chân Đức Phật để bày tỏ sự biết ơn.

Đức Phật cũng thuyết Pháp cho vua quan tướng lĩnh dạy họ cách sống làm sao để luôn được lòng dân, được Trời Phật che chở. Mọi người bao gồm cả người dân tin và nghe theo những lời dạy của Đức Phật để có cuộc sống an yên, hạnh phúc hơn. Kể từ đó, thành Tỳ Xá Ly trở nên yên ổn, phát triển.

Có thể thấy, Đức Phật chỉ là người hướng dẫn, chỉ đường để giúp dân chúng thoát khỏi cảnh lầm than nhưng chính mỗi người dân cũng như vua quan, tướng lĩnh mới là người thực sự tự cứu lấy mình bằng những hành động thiết thực như giúp đỡ người khác và không ngừng tu tâm, mang tới điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

(Tổng hợp)
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X