Chùa Hà - nơi cầu duyên linh thiêng nhất miền Bắc

Thứ Tư, 28/06/2017 14:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Không chỉ trong ngày lễ mà cả các ngày trong năm, đông đảo nam thanh nữ tú tới chùa Hà cầu duyên vì niềm tin vào ngôi chùa và họ cùng chung duyên nợ với chữ “tình”.
 
  

Chọn nơi chốn linh thiêng Chùa Hà cầu duyên 
 

Chùa Hà tên chữ là Thánh Đức tự, ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 
 
Về thời điểm có chùa Hà có hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất: vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự. Vua Lý Thánh Tông đột ngột mất năm 50 tuổi, thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Nhân Tông.
 
Truyền thuyết thứ hai: Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460. 
 
 
Tương truyền chùa được xây dựng rất lâu đời, đến năm 1680 chùa được xây dựng lại và đặt tên là Chùa Hà. Chùa thờ Phật, thờ Tổ và thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Đây là một trong những chùa ở Hà Nội không có sư cũng như trụ trì, hiện tại chùa được quản lý trực tiếp của phường Dịch Vọng.
 
Cho đến nay, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, ngày càng to đẹp, hoàn toàn bằng tiền thập phương công đức, được xem là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nội. 
 
Đến lễ chùa Hà, ngoài việc cầu đức, cầu tài, chùa còn linh thiêng trong cầu nguyện tình duyên. Không hiểu bắt đầu từ đâu và từ khi nào, mọi người cùng nhau tới đây để cầu mong có được một nửa ưng ý, từ đó, tên tuổi chùa Hà gắn liền với niềm tin rằng nơi đây rất linh nghiệm, được xem là chùa cầu được ước thấy đối với những lời cầu xin về tình duyên. Vì thế, nếu như các chùa khác trên địa bàn Hà Nội thu hút nhiều người trung niên và người cao tuổi thì Chùa Hà lại thu hút một lượng khách lớn các bạn trẻ đến để cầu duyên. 
 
Các cụ có câu "đức ông chùa Hà, đức bà chùa Hương" là muốn nói đức ông chùa Hà rất thiêng. Họ đến chùa Hà cầu duyên, cầu cưới được nhau. Thậm chí, có người bị người yêu bỏ cũng đến xin quay lại hay một số người xem chùa Hà là nơi linh ứng để thề thốt không chia lìa. Chính vì thế, phật tử tìm đến chùa ngày càng đông và mở rộng.
 
Nhiều người đến lễ, thấy linh ứng nên rỉ tai nhau. Vì thế, chùa Hà có lượng khách trẻ tuổi đến rất đông. Người cô đơn mong sớm có chồng có vợ, đôi lứa trắc trở mong sớm đến với nhau, người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi... 
 
Chẳng ai biết, chùa có thiêng như lời đồn không, nhưng dòng người đủ các lứa tuổi vẫn nườm nượp đổ về chùa Hà để “cầu tình”.
 
Người đến chùa không chỉ cầu duyên mà còn cắt duyên. Các cụ ở chùa giải thích, cắt tiền duyên là khi bị một người âm đi theo, cản trở việc lập gia đình, hoặc có gia đình rồi nhưng không hạnh phúc. Cắt duyên âm đi sẽ giúp người trần tìm được tình duyên.

 
 
 

Hướng dẫn xin duyên cơ bản ở Chùa Hà 
 

Mỗi Chùa 1 cách khác nhau và đây chỉ là hướng dẫn khi cầu duyên ở chùa Hà, nếu áp dụng theo nên thay đổi trong trường hợp có sự khác biệt:
 
Khi đi lễ xin ăn mặc tử tế, áo có tay qua vai, quần dài đến mắt cá, tránh mặc váy, tránh mặc đồ ren, tránh đi lễ khi đến tháng.
 
Tắt tiếng điện thoại trước khi vào chùa, khi trong chùa xin đừng nói tục, chửi bậy…

 
Các bước xin duyên:
 

Bước 1: Chuẩn bị đồ lễ gồm 3 mâm (bắt buộc)
 

- Lễ Ban Tam Bảo (để cầu an) - gồm hương hoa, nến (bắt buộc), bánh kẹo hoa quả tuỳ tâm, phẩm oản, lưu ý ban Tam Bảo kính Phật không cúng đồ mặn, tiền vàng.
 
- Lễ Ban Đức Chúa Ông (cầu công danh tài lộc) gồm tiền vàng, rượu thuốc chè, đồ mặn tuỳ ý (trước cúng sau ăn, muốn ăn gì thì cúng nấy, có thể là xôi, giò, bánh chưng thịt) (chai rượu phải mở ra khi dâng mâm lễ).
 
- Lễ Ban Mẫu (rất quan trọng, để cầu duyên) gồm tiền vàng, hoa, trầu cau (phải có) bánh kẹo, tiền lẻ (để sau đó công đức).
 
 

Bước 2: Hướng dẫn đi lễ
 

- Chọn ngày đi lễ rất quan trọng, ngoài ngày mồng 1 và 15 thì nên là ngày đẹp, tốt cho việc cầu cúng. Nên nhớ là khi lễ cầu duyên cần quỳ trước Ban Mẫu, tốt nhất nên đi vào ngày đẹp, vắng vẻ, thanh tịnh.
 
- Đầu tiên trước khi vào chùa bạn nên viết sớ, lễ lần đầu thì cần 3 sớ.
 
1 sớ ban Tam Bảo
 
1 sớ ban Đức Chúa Ông
 
1 sớ ban Mẫu
 
Dâng sớ cùng đồ lễ từng ban
 
- Sau khi đã dâng đồ lễ chỉ thắp 5 nén hương (nên thắp ngoài sân gần chỗ hoá vàng - cạnh hồ nước).
 
- Từ hồ nước vào trong có 5 bát hương lớn, đi 1 vòng cắm mỗi bát 1 nén, vái 3 vái.
 
- Sau khi đã cắm hương xong vào khấn đầu tiên từ Ban Đức Chúa Ông qua (xin công danh tài lộc), rồi qua Ban Tam Bảo (xin cầu an), vái 3 vái bên Ban Đức Thánh Hiền (hoặc có thể khấn xin khai tâm khai sáng, kết quả học tập tốt nếu bạn đang đi học).
 
Rồi vái 3 vái mỗi Đức Hộ Pháp trái phải, vái cả Thập Nhị Diêm Vương ở 2 bên.
 
Công đức tuỳ tâm

Xem thêm ngày tốt xấu TẠI ĐÂY 
 

Bước 3: Xuống nhà Mẫu
 

Nhà Mẫu ở bên dưới, ban chính giữa nhà. Đầu tiên xuống nhà Mẫu bạn phải quỳ, chắp tay mặt hướng lên, sau đấy khấn. Bạn có thể tham khảo: Văn khấn CẦU DUYÊN trước ban thờ Mẫu
 
Sau khi xin mẫu xong tiếp tục quỳ, mặt hướng xuống, vái ban Ngũ Hổ các Quan Âm Dinh ở ngay dưới Ban Mẫu.
 
Sau đấy đứng lên vái 3 vái ban thờ Sư Tổ bên phải, rồi vái nốt ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát ở bên trái.
 
Xong lễ nhà Mẫu thì đi lên Đình Bối Hà nhà trên bên tay phải (nhà đầu tiên đập vào mắt lúc bạn vào chùa)
 
Lễ Đức Đô Nguyên Soái (cầu duyên)
 
Sau đấy bạn đi ra khỏi chùa vái 3 vái 2 Ngài trông coi cửa chùa 2 bên 
 
Lưu ý:
 
+ Việc dâng 3 ban đầy đủ là nên làm cho bạn đủ 3 thứ sức khoẻ bình an, công danh tài lộc và chuyện tình yêu. Tùy vào tâm từng người và duyên số mà việc đc chứng sẽ nhanh hay chậm.
 
+ Trọng điểm khi xin duyên không phải là xin yêu cho xong mà xin người để mình yêu trọn vẹn, toàn tâm toàn ý, tâm đầu ý hợp, chung thuỷ, gặp được người có tài có đức có lòng vị tha có sự thấu hiểu.
 
Xem video:

Minh Minh (Theo Thiên An (Tấm) và Wiki)