Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Ghé thăm chùa Hương linh thiêng say đắm lòng người

Thứ Năm, 23/02/2017 14:27 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Trong những ngày đầu năm mới, hàng triệu người dân khắp tứ phương lại nô nức hành trình linh thiêng về miền đất Phật, nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Trong suốt những ngày hội là sự thành kính, hoan hỷ của các bậc cao niên, sự nồng nhiệt của tuổi trẻ cùng du khách trong và ngoài nước khắp nơi tụ về.
 
Tới thăm Chùa Hương, chúng ta như lạc vào cõi Tiên khi ngồi thuyền trên dòng suối Yến uốn lượn mềm mại, vãng cảnh non xanh núi biếc. Tới đâu cũng thấy các dấu tích lịch sử vẫn còn in trên các triền núi, các hang động, lẫn cả vào thiên nhiên đầy thơ mộng, huyền diệu. Người và cảnh hòa quyện vào nhau càng tạo nên nét riêng rất thơ của Hương Sơn. 
 
 
 
 

1. Chùa Hương là một quần thể di tích tâm linh.
 

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là quần thể kiến trúc văn hóa tâm linh cổ kính của người Việt Nam. 
 
Chùa Hương gắn liền với biết bao huyền thoại, truyền thuyết linh thiêng. Nơi đây là một quần thể văn hóa Phật giáo, tập hợp nhiều hang động, chùa chiền, đình đền… Nơi thờ Phật, thờ thánh thần, thờ mẫu, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. 
 
Trước đây, các bậc Thiền sư đã về đây dựng thảo am, mở chùa – động thờ Phật để truyền bá đạo Phật. Ngày nay, chùa Hương đã trở thành một Sơn môn lớn quy tụ một hệ thống 18 các đền chùa hang động nằm ở 4 thôn: Yến Vỹ, Hội Xá, Đục Khê, Phú Yên. Các chùa động ở đây phần lớn được xây dựng vào thế kỷ XV, XVIII, XIX với địa thế đẹp khi dựa lưng vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng.
 
 
Lễ Chùa Hương luôn gắn liền với lễ hội truyền thống Quán Thế Âm Bồ Tát, là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt. Hàng năm, Lễ hội được tổ chức vào ngày 18 – 19 tháng Hai âm lịch. Đêm 18 rạng sáng 19 là đêm quan trọng nhất, linh thiêng nhất và cũng đông vui nhất ở Động Hương Tích. 
 
Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện nhiều ứng hóa thân, là hiện thân của lòng từ bi – đoạn trừ khổ đau, đem lại an lạc cho chúng sinh. Sự hiện thị của nàng công chúa Ba – Phật Bà Chùa Hương đã nhắc nhở mọi người lấy tâm đức, hiếu nghĩa làm trọng, lấy sự hy sinh quên mình đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. 
 
 
 
 

2. Sự kết hợp tín ngưỡng và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.
 

Chùa Hương đã gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba: Theo truyền thuyết vào thế kỷ đầu tiên, chính nơi đây công chúa Diệu Thiện, tục gọi là Chúa Ba là ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào đây tu hành 9 năm, sau đó đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh.
 
Chùa Hương mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian — đạo Phật với nền văn hóa nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén…) và phảng phất cả văn hóa phồn thực (bầu sữa mẹ, núi Cô, núi Cậu…). Du khách đến chùa Hương để mong cầu những điều tốt lành như cầu của, cầu con, cầu bình an...
 
 
 

Theo các nhà nghiên cứu dãy núi đá vôi Hương Sơn đã có từ cách đây khoảng hơn 200 triệu năm. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở hang Sũng Sàm, Hang Luôn (thuộc quần thể thắng cảnh Hương Sơn) những chứng tích của người xưa cách ngày nay trên một vạn năm.
 
Thêm vào đó, những khu rừng nguyên sinh với những thảm động, thực vật phong phú và quý hiếm, tạo nên môi trường sinh thái độc đáo, đa dạng sinh học. Chùa Hương càng nên thơ với những dòng suối quanh co, uốn lượn, bồng bềnh như mái tóc người thiếu nữ. 
 
Trong bức tranh đẹp đẽ ấy, con người đóng vai trò là nhân tố chủ đạo. Họ có mặt ở đây từ rất sớm và chính sức sáng tạo lao động của họ đã làm cho thiên nhiên vùng Hương Sơn trở nên trường cửu. 

HaTra

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X