Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Phong tục lạ ngày Tết một số vùng Việt Nam

Chủ Nhật, 05/01/2020 13:25 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có khá nhiều phong tục lạ ngày Tết một số vùng Việt Nam mà khi lần đầu được nghe đến bạn vừa ngạc nhiên vừa tò mò với nét đẹp truyền thống đặc biệt của người dân tộc thiểu số.


Người Mường

 
- Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường
 
Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.
 
Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.
 
- Xem bói chân giò

Người dân nơi đây thường xem giò (chân gà đã luộc chín) ngày đầu năm để biết điềm tốt xấu cùng sự làm ăn thế nào. 
 
 
phong tuc la ngay Tet
 

Hà Giang


Đóng cửa chặt cài then chắc đón thời khắc giao thời
  
Vào đêm ba mươi Tết những người dân ở Hà Giang cùng đóng hết các cửa đi ra vào, cửa sổ, cửa trước cửa sau, cửa hậu, cửa nách, ô thoáng đều phải bịt, che kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, gia chủ lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới.

Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu. Cùng trong đêm giao thừa cửa đóng then cài đó, trong nhà thường bí mật nấu một nồi cháo gà để cả gia đình cùng ăn.

Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài. Theo tín ngưỡng của bà con nếu lộ ra thì trong năm mới gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm đau bệnh tật.
 
Sáng sớm mùng 1 Tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn 3 phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới. Lúc này, tục lệ giữ bí mật đêm giao thừa mới được cởi bỏ.
 
Bánh chưng đen cúng năm cũ, bánh chưng trắng cúng năm mới
 
Người Pù Péo miền rẻo cao Hà Giang vào tối ngày 29 Tết, bà con Pù Péo gói bánh chưng đen cúng tiễn năm cũ. Vẫn là lá dong gạo nếp nhân đỗ nhưng gạo được nhuộm màu đen của nước lá cây rừng không độc hại, nhân bánh được làm bằng đậu đen hoặc vừng đen.

Bánh chín trong đêm được cúng lễ tiễn năm cũ vào sáng sớm 30 Tết, lúc tinh mơ gà gáy - bà con tin rằng như vậy sẽ khép lại những đen đúa, rủi ro của năm cũ.
 
Đêm 30 Tết, họ sẽ cùng gói bánh chưng trắng gồm nếp trắng, nhân đậu xanh đãi vỏ vàng ươm hoặc nhân đậu trắng. Bánh được luộc trong đêm vớt ra lúc gà gáy sáng để cúng tổ tiên đón năm mới. Bà con tin rằng với bánh chưng trắng sẽ được tổ tiên mang lại cho họ điều may mắn phúc lộc của cả năm.
 
Đợi cho gà gáy sáng mới đón giao thừa
 
Người Lô Lô ở miền biên giới Hà Giang có một phong tục lạ là trong đêm 30 Tết chờ cho tiếng gà gáy sáng đầu tiên trong bản cất lên lúc ấy cả cộng đồng mới thực sự tưng bừng đón phút giao thừa.
 
Quan niệm của người Lô Lô ngày 30 Tết là quan trọng nhất. Nhà nhà quét dọn tống khứ rác rưởi ra xa nhà, xa làng bản nhằm xua đuổi rủi ro, uế tạp. Buổi chiều, mọi người làm bữa cúng tất niên, cúng sức khỏe, hồn sống cho mọi thành viên gia đình.

Trong lễ cúng này, đàn ông được cúng bằng gà mái còn đàn bà cúng bằng gà trống. Các công cụ sản xuất như cuốc, xẻng, dao rựa, cày bừa, chuồng trại đều được dán giấy quét màu vàng, màu bạc để cầu may và không được di chuyển động chạm tới trong ba ngày Tết.
 
Đêm giao thừa, cả cộng đồng Lô Lô giỏng tai, sốt ruột chờ đợi tiếng gà đầu tiên gáy sáng. Bất kể lúc nào dù sớm hay muộn, cứ hễ tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm giao thừa đó chính là thời khắc thiêng liêng đón Tết của bản. Lúc đó, chủ nhà thắp hương cúng năm mới, cử người gánh nước cầu may, cử người đánh thức các con vật nuôi dậy cùng người đón Tết.

Người Thái

 
nguoi Thai goi hon ngay Tet
 
- Gọi hồn vào dịp Tết  
 
Để gọi hồn từ tối 29 hoặc 30 Tết mỗi gia đình đã chuẩn bị bằng việc làm thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.
 
Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà bó chặt một đầu với nhau và vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy mang ra đầu làng gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2, 3 lần, thầy cùng về chân cầu thang của gia đình này để gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay của từng thành viên trong gia đình để trừ tà ma.
 
Người ta lấy máu gà bôi lên vựa thóc sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà nọ để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui.
  

Người Thái trắng ở Sơn La


- Gội đầu bằng nước gạo chua 
 
Lễ hội gội đầu bằng nước gạo chua vào chiều 30 Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt với người dân người Thái trắng ở Sơn La.

Họ chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua rồi xối từ từ lên tóc. 

Tập tục này để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm, mang ý nghĩa gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Xem thêm: Năm Canh Tý nói về phong tục kỳ lạ liên quan đến Chuột: Cúng thịt chuột ngày Tết, cúng Thần Rắn bằng tiết canh chuột
 

Người Cao Lan


- Dán giấy đỏ trong nhà

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.
 
Công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ trong nhà (tiếng Cao Lan là Chí dịt).
 
Khoảng trước Tết 2 ngày là ngày "niêm phong" tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. 
 
- Bánh vắt

Cũng theo phong tục dân tộc Cao Lan, ngày mồng 1 sẽ đi thăm họ hàng, mồng 2 là làng xóm. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác).
 
Ngày Tết, bất kỳ gia đình nào cũng làm bánh vắt vai. Đó là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường. Trong dịp Tết, người Cao Lan dùng bánh này để đi lễ Tết họ hàng nội ngoại ở xa. Vì bánh được cấu tạo theo chiều dài, có thể vắt trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai. 
 

Người Mông


- Vỗ mông ngày Tết  
 
Theo phong tục từ xưa, các chàng trai, cô gái Mông sẽ diện trang phục truyền thống nô nức tìm đến các bãi đất rộng, khoảng trống dưới các chân núi để vui chơi, tâm tình. Họ đi thành từng tốp, gặp nhau cùng với những lời thăm hỏi, chúc tụng đầu năm.
 
Các chàng trai mạnh mẽ trong trang phục truyền thống và thể hiện bản lĩnh của mình qua các trò chơi: Đẩy gậy, kéo co, múa khèn… Những thiếu nữ miền sơn cước thướt tha trong tà áo mới, e lệ trong những câu hát giao duyên, trữ tình. Xem thêm: Khám phá nơi phong tục phụ nữ ngủ với bất cứ ai khiến mọi người tò mò
 
Khi những ánh mắt đã tìm được nhau, cô gái e thẹn sẽ tách khỏi đám đông chờ đợi. Chàng trai ngay lập tức tiến tới, dùng tay vỗ vào mông các cô gái. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời đường mật.
 
Cứ như vậy, đôi trai gái vừa đi chơi hội và vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ 9 cặp, tức là hai bên đã chấp thuận nhau, trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, các đôi trai gái nắm tay nhau lên núi tìm chỗ tâm sự, trao gửi những yêu thương hứa hẹn.
 

Người Hà Nhì

 
nguoi ha nhi xem boi bang gan lon
 
- Xem bói bằng gan lợn thiến
 
Một trong những Phong tục lạ ngày Tết một số vùng Việt Nam đó là người Hà Nhì xem bói vận trình trong năm mới bằng việc xem gan lợn thiến.

Mỗi gia đình đều có thịt lợn dâng cúng tổ tiên xem như lễ vật bất kể hoàn cảnh gia đình là giàu hay nghèo, họ cùng nhau mổ lợn để chào đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. 

Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng của người Hà Nhì. Trong quá trình mổ lợn, người Hà Nhì chú ý giữ gìn phần gan của con lợn một cách cẩn thận.

Họ nhìn vào lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Kathy (Tổng hợp)
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X