Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Ý nghĩa của đèn Trung Thu truyền thống và cách tự tay làm ra một chiếc đèn sẽ như thế nào?

Thứ Ba, 12/09/2017 09:35 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ngày nay có quá nhiều kiểu đèn điện đẹp mắt, bày bán khắp các khu phố nhưng khi ý nghĩa của đèn Trung thu truyền thống vẫn không thể phai nhạt trong tâm trí chúng ta.
Mỗi dịp Tết trung thu khắp những con phố nhỏ rộn ràng khúc hát: “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan! Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh..."

Đã từ lâu mặt nạ giấy bồi, đèn Trung thu hình ngôi sao là những món đồ không thể thiếu đối với trẻ em trong dịp Tết trung thu ngày trước. Ngày nay, tuy nhiều loại đồ chơi hiện đại xuất hiện nhưng những món đồ chơi này vẫn có một ý nghĩa đặc biệt với trẻ nhỏ.
 
Y nghia cua den Trung thu truyen thong
 

1. Ý nghĩa các loại đèn lồng Trung Thu


Lồng đèn ông sao


Đây là loại lồng đèn phổ biến nhất đối với người Việt Nam trong dịp rằm tháng Tám. Không khó để bắt gặp những chiếc lồng đèn đủ sắc màu với hình dáng ngôi sao năm cánh được bao bởi một vòng tròn được bày bán ở hầu hết các cửa hàng. Ý nghĩa đèn Trung thu đèn ông sao này có cách tạo khá đơn giản, ban đầu được làm từ loại giấy nilon ngũ sắc và về sau này thì các nghệ nhân còn trang trí thêm các hoạt tiết, dây kim tuyến đủ màu trông bắt mắt và hợp thời đại hơn.
 
Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương trong phong thủy, vì thế chiếc lồng đèn này tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với người và giữa người với thiên nhiên vạn vật.
 

Đèn cá chép

 
Đèn cá chép là một trong những lồng đèn truyền thống và mang nhiều ý nghĩa đối với trẻ em. Hình ảnh cá chép không chỉ gắn liền với những truyền thuyết thời xa xưa mà còn hiện diện trong đời sống của người dân Việt Nam từ bao đời nay.
 
Cá chép xuất hiện trong truyền thuyết vượt vũ môn để hóa rồng, là phương tiện đưa ông Táo về trời vào ngày 28 tết âm lịch hằng năm,...

Ý nghĩa đèn Trung thu này là biểu trưng cho sự cố gắng không ngừng và vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh. 
 

Lồng đèn kéo quân
 

Có nguồn gốc từ Trung Hoa nên chiếc lồng đèn kéo quân này gắn liền với ý niệm tưởng nhớ đến vua Lục Đức, một người vừa tài giỏi mưu lược lại còn giàu lòng hiếu nghĩa trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ.
 

Lồng đèn tròn
 

Ở Việt Nam, lồng đèn tròn là loại thường được bán suốt cả năm, giống như đèn ông sao, vì thế nó không chỉ phục vụ cho hoạt động vui chơi rước đèn của trẻ em trong dịp Trung thu mà còn được dùng để trang trí.

Với hình dáng tròn và lấp lánh bởi ánh nến phát ra từ bên trong, người ta cho rằng đây là biểu tượng cho mặt trăng vào ngày rằm tháng Tám, vừa tròn lại vừa sáng rực. Hiểu rộng ra thì đây còn thể hiện cho sự tôn vinh nét đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên (ánh trăng) cùng ước nguyện cảm tạ trời đất cho một mùa màng bội thu. 
 

2. Cách làm đèn Trung Thu 


den trung thu truyen thong
 
 Để làm một chiếc đèn Trung thu hoàn toàn bằng thủ công, người thợ phải làm nhiều công đoạn chi tiết và phức tạp, từ chẻ tre, vót tre, cắt khung, làm xương đèn, lắp cán đến in hoa văn, màu sắc trên giấy kính… mới tạo thành một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh.

Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối nhiều ngày để chống mối mọt, sau đó phơi khô, chuốt nan tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Giấy dán lồng đèn có nhiều màu, khi căng ra dán người thợ cần phải khéo léo để giấy thẳng góc và không bị rách.

Những công đoạn như: chẻ tre, cột khung, ráp hình đã được chuẩn bị trước hàng tháng trời. Đến khi giáp Tết trung thu người ta chỉ cần dán giấy, nhấn nhá thêm vài nét vẽ nữa là hoàn thành. Từng chiếc lồng đèn hình con bướm, con cá, giỏ hoa, xe tăng… đủ màu sắc và ngộ nghĩnh được gia chủ treo lên trước cửa tiệm đã thu hút mọi ánh nhìn của người qua đường.

Làm lồng đèn là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời. Nét đẹp đó chỉ có thể duy trì nếu mỗi thế hệ biết giữ gìn, trân trọng. Đó là truyền thống kết tinh từ tình yêu, sức sáng tạo, từ đó nuôi dưỡng lòng tự hào, hướng thiện trong mỗi con người.
 
Những đồ chơi này tuy không được gắn những con chíp điện tử để có thể phát sáng hoặc phát ra một đoạn nhạc như đồ chơi hiện đại ngày nay, nhưng chúng có một ý nghĩa đặc biệt đối với trẻ em.

Đặc biệt là trước đây, nhiều gia đình thường tự làm những chiếc đèn Trung thu cho con cái, điều này mang lại những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ với con trẻ.

Dụng cụ và vật liệu cần để làm lồng đèn trung thu truyền thống: 
  • 10 thanh tre đã vót dẹp dài bằng nhau khoảng 50cm/thanh.
  • 5 thanh tre dẹp dài khoảng 8cm/thanh để chống tạo độ dày.
  • Dây kẽm: cắt thành khúc vừa đủ làm dài khoảng 8cm.
  • 1 Khúc kẽm dài khoảng 10cm quấn xung quanh cây đũa thành lò xo để cắm nến.
  • Giấy bóng màu, hoặc giấy gói quà tùy ý thích.
  • Hồ dán, kềm, kéo, súng bắn keo silicon. 
Cách làm lồng đèn truyền thống ngày Tết Trung Thu: 
  • Bước 1: Đầu tiên, xếp 10 thanh tre lại với nhau để tạo thành 2 ngôi sao. Dùng dây chun buộc cố định các đỉnh của cánh ngôi sao.
  • Bước 2: Dùng 5 thanh tre ngắn dựng giữa các điểm giao nhau của hai ông sao với nhau tạo thành khung sao 3D.
  • Bước 3: Quết keo dán lên bề mặt các thanh tre, chú ý phải quết đều để giấy bóng màu dính chặt vào thanh.
  • Bước 4: Dùng giấy màu trong suốt dán lên trên bề mặt thanh tre, chỗ vừa được quết hồ trước đó.
  • Bước 5: Lồng cán cầm vào ngôi sao, chú ý giữ cân trước khi buộc và dùng dây kẽm (hoặc thép) uốn thành vòng tròn buộc cố định vào 5 đỉnh của ngôi sao là đã hoàn thành có trong tay chiếc đèn ông sao xinh xắn. 
Với cách làm đèn lồng hình ngôi sao truyền thống này, cả nhà chỉ mất một chút ít thời gian thực hiện các thao tác đơn giản là có ngay sản phẩm yêu thích do chính mình tạo ra để trang trí cho đêm Trung Thu lung linh.

Lựa chọn Tết Trung thu để tạo kỷ niệm đẹp với con cái là một điều tuyệt vời. Con trẻ bao giờ cũng hiếu kỳ, thích khám phá. Cho nên các con sẽ vô cùng háo nức khi cùng cha mẹ làm lồng đèn. Nhờ đó, bé biết hy vọng vào một điều gì đấy, giống như việc chờ đợi ngày chiếc lồng đèn hoàn thành. Đơn giản vì trong tâm trí trẻ thơ, chúng tin rằng chiếc đèn lồng này là duy nhất và chỉ dành cho mình.
 
Đây là một dịp để gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui của ngày hội. Sau khi chiếc lồng đèn “ra lò”, mọi người trong gia đình hãy cùng nhau thắp đèn, hát 1 bài vui nhộn hay kể một câu chuyện ý nghĩa nào đó. Chắc chắn, kỷ niệm ngọt ngào này sẽ luôn được các thành viên nhớ về mỗi khi gặp chuyện không vui trong cuộc sống.

Việc mua lồng đèn có sẵn sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng quá dễ có được, thậm chí trẻ sẽ không biết quý trọng những gì mình đang có, lại còn muốn đòi mua liên tục ba bốn cái khác nhau. Tuy nhiên lồng đèn do tự tay trẻ làm ra sẽ được trẻ giữ rất kỹ. Bởi lẽ trẻ cảm nhận được tình yêu, sự tâm huyết của mọi người dành cho trẻ. Thậm chí qua khỏi mùa Trung thu, trẻ vẫn giữ chiếc lồng đèn để tiếp tục thắp sáng trong những đêm thường.
 
Khi quan sát hoặc tự làm lồng đèn sẽ giúp trẻ có tư duy nhạy bén hơn. Đứa trẻ nào cũng rất tò mò, vậy nên nó sẽ xem xét lỹ lưỡng mọi thứ mà nó cảm thấy lạ. Và biết đâu trẻ sẽ “sáng chế” ra những chiếc lồng đèn mà hiện nay chưa có trên thị trường.

Chỉ với những vật liệu đơn giản là bạn đã có thể làm ra những chiếc lồng đèn trung thu cho chính mình hoặc mang tặng cho mọi người rồi. Dù thành quả thế nào, cuối cùng thì chiếc lồng đèn này vẫn là chiếc đèn lồng độc nhất trên hành tinh. Giống như tình cảm gia đình thiêng liêng được duy trì qua mỗi thế hệ.

Kate Nguyễn

Tin cùng chuyên mục

X