Cúng Rằm tháng Chạp có điều gì đặc biệt hơn các ngày Rằm khác?

Thứ Sáu, 03/04/2020 14:36 (GMT+07)
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Tháng Chạp hay là 12 âm lịch (tháng Sửu), là tháng cuối cùng của một năm (năm thường) và tháng thứ 13 (nếu là năm nhuận). Trong tháng Chạp, ngoài hai lễ cúng quan trọng là cúng ông Công, ông Táo và cúng Tất niên thì lễ cúng rằm tháng Chạp cũng được dân gian rất coi trọng.


 
Tùy từng tập tục của địa phương hay nếp sống của mỗi gia đình mà lễ cúng Rằm tháng Chạp có khác nhau về thời gian, đồ lễ, về nghi lễ cúng khấn… Tuy nhiên vẫn có những nét chung trong lễ cúng ngày Rằm tháng Chạp này.
 

1. Thời gian cúng Rằm tháng Chạp 


Tuy gọi là lễ cúng ngày Rằm tháng Chạp, nhưng có thể tiến hành vào ngày 14 hoặc 15 âm lịch tháng Chạp. Thông thường người dân tiến hành nghi lễ cúng Rằm này trong 2 ngày 14 và 15 âm lịch.

Lưu ý: Không nên tiến hành lễ cúng ngày Rằm tháng Chạp quá sớm hoặc quá khuya. Nên tiến hành trước khi trời tối là tốt nhất.
 
 Cúng rằm tháng Chạp có điều gì khác biệt?

2. Đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp


Tùy theo cách thức tiến hành lễ cúng là lễ chay hay mặn mà có sự chuẩn bị khác nhau. Nhìn chung thường đồ lễ cúng ngày Rằm tháng Chạp thường có:
 
- Với lễ cúng chay: Hương, hoa, quả, trầu cau, nước sạch, nến hoặc đèn dầu…
 
- Với lễ cúng mặn: Thịt gà luộc, bánh chưng hoặc xôi, giò hoặc chả, và một số món mặn khác…
 
Nhìn chung đồ lễ cúng trong Rằm tháng Chạp không quá cầu kỳ hay coi trọng về số lễ vật cúng, miễn sao thể hiện thành tâm của gia chủ.

 

3. Văn khấn cúng rằm tháng Chạp


Cũng như tất cả các lễ cúng rằm khác trong năm, văn khấn được xem như phần “thủ tục” khá quan trọng và thường được tiến hành theo bài mẫu nhất định. Dưới đây là các bài cúng rằm tháng Chạp chuẩn văn khấn cổ truyền.
 
- Văn khấn Thổ Công cùng chư vị thần khác:
 
Nam mô A Di Đà Phật ! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông thần quân.
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long mạch.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức tôn thần.
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
 
Tín chủ con là: …
Ở tại: …
Hôm nay ngày … tháng … năm … , gặp tiết rằm tháng Chạp, Tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, kim ngân, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long mạch tôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Con cúi xin các giáng lâm trước án, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến, tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
 
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ trước án, cúi xin được các các Ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
 
- Văn khấn cúng gia tiên:
 
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).
 
Tín chủ (chúng) con là: …
Ở tại: …
Hôm nay là ngày… tháng… năm, gặp tiết rằm tháng Chạp. Tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời các ngài: Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
 
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội, ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
 
Tín chủ con lại kính mời chư vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho chúng con gia đình hòa thuận, sức khỏe dồi dào, công việc phát tài, vạn sự tốt lành.
 
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật ! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
 

4. Một số lễ tục khác trong dịp rằm tháng Chạp

 
Trong dịp rằm tháng Chạp, ngoài việc biện sửa lễ vật cúng rằm, tùy theo phong tục từng địa phương mà một số gia đình còn tiến hành làm sớ cầu an.

Việc này được tiến hành tại chùa và gồm tất cả 7 lá sớ, mục đích cầu bình an cho các thành viên trong gia đình.