Đừng kêu ca ở Việt Nam, tới những quốc gia này đừng dại gì mà uống rượu bia

Thứ Ba, 07/01/2020 10:44 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có khá nhiều các quốc gia cấm rượu bia trên thế giới bất chấp những ý kiến phản đối của những người dân, nhưng có thể thấy lợi ích của việc này là không thể bàn cãi trong nhiều năm qua.

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều rượu bia nhất nhì thế giới và không ít người ngạc nhiên khi việc áp dụng quy định xử phạt người uống rượu bia được áp dụng chỉ sau 2 ngày ban hành.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 1/1/2020, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao.

Có nhiều ý kiến trái chiều rằng mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô và xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nâng lên rất nhiều so với trước đây. Có thể thấy, đấy là mức phạt ngang bằng mức lương của một số người dân, đây thực sự là biện pháp mạnh không chỉ hạn chế mà có thể loại bỏ được hoàn toàn tình trạng này trong tương lai.
 
Việc uống rượu bia khi điều khiển xe là nguyên nhân gây ra rất nhiều tai nạn thương tâm, đáng tiếc cho không chỉ chính họ mà cả những người bị nạn. Và Việt Nam không chỉ là quốc gia duy nhất mà từng có rất nhiều các quốc gia cấm rượu bia bằng nhiều hình thức khác nhau:

1. Mỹ


Trong tổng số 50 bang ở Mỹ có 43 bang đã ban hành “luật chống chai rượu mở nắp”. Luật này không cho phép những lon bia hoặc chai rượu có độ cồn hơn 0,5% được mở nắp tại nơi công cộng. Riêng bang Mississippi không có bất cứ quy định, 6 bang còn lại không cấm tuyệt đối nhưng có đặt ra hạn chế sử dụng rượu bia trong những trường hợp nhất định. 

Dù Mississippi không có bất cứ quy định và hạn chế nào về việc tiêu thụ rượu bia tại nơi công cộng nhưng người dân vẫn luôn giữ thói quen cũ - không uống rượu bia như là cách để thể hiện lối sống văn minh.
 
Về mức phạt, mỗi bang cũng có quy định khác nhau. Ví dụ, ở Kansas – bang có quy định nghiêm ngặt nhất trong phương diện này, vi phạm quy định “chống chai rượu mở nắp” sẽ được coi là một khinh tội. Người vi phạm sẽ bị phạt tối đa là 200 USD và phạt tù tối đa là 6 tháng nếu bị kết tội.
 
Nếu tái phạm trong vòng 5 năm kể từ lần vi phạm đầu tiên, người vi phạm sẽ bị tước bằng lái trong một năm. Ngoài ra, người vi phạm dưới 21 tuổi sẽ phải tham gia chương trình theo dõi tình trạng sử dụng rượu bia và phải chữa trị bắt buộc.
 
Người vi phạm ở New York sẽ phải đối diện với mức phạt tiền 150 USD, 15 ngày phạt tù cho vi phạm đầu tiên, bị phạt 300 USD và 45 ngày phạt tù cho hành vi tái phạm lần thứ 2 trong vòng 18 tháng kể từ lần thứ nhất và bị phạt 450 USD và 90 ngày phạt tù cho lần tái phạm thứ 3 trong vòng 18 tháng.
 
 

2. Singapore

 
Singapore cũng là một trong các quốc gia cấm rượu bia và nên ghi nhớ rằng nếu đến đây du lịch, bạn sẽ không được phép mua bán và uống rượu bia nơi công cộng hàng ngày từ 22:30 - 07:00 hôm sau.

Để nới lỏng luật, họ cho phép người dân uống rượu bia tại nhà, trong một số sự kiện nhất định cũng như tại một số hàng quán bán thức uống có giấy phép và thời gian giới hạn việc uống rượu bia có thể thay đổi thành 00:00 - 07:00 hàng ngày thay vì 22:30 tại các địa điểm này.
 
Đặc biệt khách nước ngoài trót lỡ mang bia ra nơi công cộng, xử phạt lần 1: Phạt 1.000 SGD. Lần 2, chấp nhận nộp phạt gấp đôi và lần 3, sẽ phải đi tù. Mọi lý lẽ đều không được chấp nhận. 

3. Maldives

 
Đồ uống có cồn bị cấm ngoài các khu nghỉ dưỡng: Khách du lịch đến quốc gia đạo Hồi này phải tuyệt đối tuân thủ truyền thống. Đồ uống có cồn bị cấm ở mọi nơi, trừ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhập khẩu các đồ cấm như thịt lợn và các chế phẩm làm từ thịt lợn là phạm pháp.

Trong tháng Ramadan, du khách phải tránh ăn uống và hút thuốc lá trong ngày ở nơi công cộng. Khỏa thân hay bán khỏa thân ở các bãi biển, khu nghỉ dưỡng hoàn toàn bị cấm. 
 

4. Ấn Độ

 
Một số bang ở Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì luật cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn. Một số bang của Ấn Độ như Kerala, Gujarat, Nagaland, và Bihar thực thi lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các hoạt động mua bán và tiêu thụ đồ uống có cồn. 

Ở Gujarat, nếu muốn uống rượu, du khách phải mua vé xin uống rượu trong 30 ngày, thường bán ở khách sạn hoặc sân bay. Tại bang Manipur và Lakshadweep, lệnh cấm được áp dụng tại một số khu vực nhất định.

Quy định ngày không rượu bia có hiệu lực vào những dịp festival đặc biệt tại một số bang, hoặc áp dụng trên cả nước trong dịp bầu cử và các ngày lễ tết như ngày cộng hoà (26/1), quốc khánh (15/8), Gandhi Jayanti (2/10).
 
 

5. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất

 
Thức uống có cồn được bán tại UAE phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Những nhà hàng, quán bar, khách sạn có thể bán hoặc phục vụ rượu, miễn là có giấy phép hợp lệ. Luật pháp nghiêm cấm uống rượu bia hoặc say xỉn nơi công cộng. 

Hành vi tiêu thụ, mua bán hay bất kỳ hình thức sử dụng thức uống có cồn nào tại nơi công cộng đều bị nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị phạt tù, phạt roi...

Trừ tiểu vương quốc Sharjah - nơi hoàn toàn cấm rượu bia. Tại Sharjah, chỉ những người được chính phủ cấp giấy phép tiêu thụ đồ uống có cồn mới có thể sở hữu rượu bia. Những người này thường không theo đạo Hồi và cũng chỉ có thể uống rượu bia trong nhà riêng.
 
Khách nước ngoài không được mang quá 4 lít đồ uống có cồn hoặc hoặc 2 thùng bia (mỗi thùng gồm 24 lon, không quá 355 ml cho mỗi lon hoặc tương đương) khi nhập cảnh UAE. 
 

6. Brunei

 
Người dân ở Brunei không dám dùng rượu bia vì nơi đây ban hành luật cấm rượu và hình phạt rất nặng nề. Chỉ một số người giàu khi họ sở hữu những chai rượu hiếm trong hầm.

Ở Brunei, người bán hàng không được phép bán rượu và du khách không theo đạo Hồi cũng chỉ được mang 2 lít rượu hoặc 12 lon bia. Họ cũng phải mua giấy phép để được uống rượu. Khách nước ngoài cần khai báo với hải quan tại sân bay và chỉ uống rượu trong không gian riêng.
 

7. Bangladesh

 
Rượu bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này, tuy nhiên bạn vẫn có thể gọi rượu trong những khách sạn hay một vài quán bar sang trọng.

Ở Bangladesh chỉ có người nước ngoài mới được phép mua rượu mang về nhà, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số cửa hàng bán chui rượu cho dân địa phương.
 
 
 

8. Pakistan

 
Người Pakistan từng được phép uống rượu bia từ hơn 40 năm trước, kể từ khi quốc gia này độc lập. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ uống có cồn đã bị cấm hoàn toàn từ khi cựu thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto lên nắm quyền, và vẫn còn hiệu lực ngay cả khi ông bị hạ bệ vào năm 1977.

Hiện tại người dân Hồi giáo tại quốc gia này không được phép nấu rượu bia, buôn bán hay tiêu thụ đồ uống có cồn. Những người không theo đạo Hồi có thể mua đồ uống có cồn nhưng chỉ tại các khách sạn 4 hoặc 5 sao ở các thành phố lớn. Ở chợ đen, các tay buôn cũng bán rượu nhưng loại rượu tự chế này đã bị coi là nguyên nhân khiến hàng trăm người thiệt mạng.
 

9. Iran 

 
Những người theo đạo Hồi bị cấm uống rượu hoàn toàn, nếu vi phạm, họ sẽ phải chịu hình phạt hết sức nặng nề. Một cặp vợ chồng ở đây phải chịu mức án tử hình do 3 lần bị phát hiện vi phạm luật. 

10. Saudi Arabia

 
Là nơi thánh địa Mecca tọa lạc, vương quốc Hồi giáo này thực thi lệnh cấm hoàn toàn rượu bia. Mọi hành động sản xuất, nhập khẩu, mua bán và tiêu thụ rượu bia đều bị coi là phạm pháp tại đây. Lực lượng hải quan sẽ kiểm tra hành lý gắt gao để đảm bảo không ai có thể nhập cảnh mà mang theo thức uống có cồn.

(Tổng hợp)