(Lichngaytot.com) Ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch (7/7 âm lịch) được cho là phong tục bắt nguồn từ văn hoá Trung Hoa. Giới trẻ truyền tai nhau rằng, ăn một bát chè đậu đỏ vào ngày này, người độc thân sẽ sớm tìm được người thương, còn những đôi yêu nhau sẽ có một tình cảm bền chặt. Điều này liệu có thật chăng?
1. Ngày Thất Tịch là ngày nào?
Nếu như phương Tây có ngày 14/2 là ngày Valentine - lễ Tình Nhân thì ở một số nước phương Đông, người dân cũng có ngày lễ Tình Nhân riêng của mình, đó là ngày Thất Tịch.
Lễ Thất Tịch rơi vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm hay còn được coi là lễ Tình Nhân của người Phương Đông.
Vào ngày này, người dân một số nước như Việt Nam, Trung Quốc dành sự tưởng nhớ đến chuyện tình yêu bị chia cắt, phải sống trong cảnh nhung nhớ nhau cả đời và họ chỉ được gặp nhau duy nhất 1 lần trong lễ Thất Tịch của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ.
2. Truyền thuyết ngày lễ Thất Tịch
Ngày Thất Tịch được coi là ngày "ông Ngâu bà Ngâu" hay ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
Theo truyền thuyết thì Thất Tịch là ngày duy nhất trong năm mà lũ quạ "dệt" cầu Ô Thước cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp lại nhau sau 1 năm xa cách.
Ở Việt Nam, tích Ngưu Lang - Chức Nữ có nhiều dị bản, nhưng về cơ bản đều cho rằng Ngưu Lang là một chàng trai chăn bò hiền lành, có duyên kỳ ngộ gặp và đem lòng yêu nàng tiên Chức Nữ (con út của Ngọc Hoàng).
Tuy nhiên tình cảm của cả hai vị bị ngăn cấm và chia cắt, không thể gặp nhau bởi dòng sông Ngân Hà. Quá đau lòng, cả hai khóc than bên dòng sông.
Cuối cùng, vì cảm động tình cảm đôi lứa ấy, Ngọc Hoàng liền sai đám quạ kết cánh tạo thành cây cầu Ô Thước, bắc qua sông, để cặp đôi gặp nhau mỗi năm 1 lần vào ngày 7/7 âm lịch.
Khi gặp nhau, Ngưu Lang - Chức Nữ rất vui và hạnh phúc. Dân gian quan niệm rằng, nếu ngày này xuất hiện mưa ngâu, chứng tỏ 2 người họ đã gặp nhau thành công. Những hạt mưa chính là những giọt nước mắt hạnh phúc của đôi vợ chồng phàm tiên. Từ đó, người ta còn gọi Ngưu Lang - Chức Nữ là "ông Ngâu, bà Ngâu".
Tại Hàn Quốc, Thất Tịch được gọi là lễ Chilseok. Ở Nhật Bản cũng có lễ Tanabata để kỉ niệm ngày lễ hội này, nhưng là vào 7/7 dương lịch.
Bất kể có bao nhiêu dị bản đi chăng nữa thì từ thời xa xưa, ngày này vẫn có điểm chung là nam thanh nữ tú cùng nhau ước nguyện cầu duyên, mong ước tình yêu và hạnh phúc. Những người lận đận đường tình thì mong tìm được ý trung nhân, còn các cặp đôi đến được với nhau thì cầu cho tình cảm thêm bền chặt, gắn bó.
3. Ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch có ý nghĩa gì?
Khoảng một vài năm trở lại đây, không ít bạn trẻ ở Việt Nam bỗng xôn xao về một trào lưu đình đám trong
ngày lễ Valentine châu Á này, đó chính là: ăn chè đậu đỏ trong ngày lễ Thất Tịch.
Thế là đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa Thất Tịch hằng năm, khắp nơi trên mạng xã hội tràn ngập những bức hình đậu đỏ kèm theo lời nhắn: "7/7 nhớ ăn đậu đỏ cầu duyên!"
Ai cũng tin rằng trào lưu này có ý nghĩa mong cầu tình yêu bền chặt với các cặp đôi, còn người độc thân mong sẽ sớm tìm được người chung lối. Theo thông tin trên mạng xã hội, trào lưu này bắt nguồn từ thông tin cho rằng đây là tập tục lâu đời có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tương truyền, nếu ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch đồng nghĩa với việc cầu nhân duyên gặp nhiều may mắn, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Vậy là chưa cần biết truyền thuyết này có thực sự linh nghiệm hay không, nhưng hội chị em vẫn rủ nhau đi mua đậu đỏ rầm rầm với quan niệm “thà ăn nhầm còn hơn bỏ sót”! Nhiều người còn đùa vui rằng, nhỡ đâu trên đường đi mua đậu đỏ lại va phải chồng tương lai thì sao?
Một số người cho rằng đậu đỏ mang duyên đến, còn muốn xua duyên thì cứ ăn đậu đen. Nếu Thất Tịch ăn đậu đỏ mà trời mưa thì lại càng viên mãn hơn nữa, bởi trời mưa chứng tỏ đàn quạ đã dệt thành công cầu Hỉ Thước cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
Cho nên vào ngày Valentine phương Đông này, đừng ai dại mà mong trời đừng mưa để đi hẹn hò nhé, riêng Thất Tịch phải mưa gió ầm ầm mới tốt. Nằm nhà ôm người yêu ăn chè đậu đỏ, còn gì hạnh phúc hơn!
4. Thực hư về trào lưu thoát ế nhờ ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch
Bắt đầu từ một sự nhầm lẫn
Trào lưu “thoát ế” nhờ ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch một vài năm trở lại đây được các bạn trẻ tại Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt.
Dần dà nhiều người cũng tin rằng đây quả thực là một tập tục có từ lâu đời của Trung Quốc và liên tục truyền miệng về ý nghĩa cầu duyên của trào lưu này. Những người còn đang lẻ bóng mong sẽ sớm gặp được ý trung nhân, còn những ai đã có đôi có cặp sẽ càng thêm bền lâu.
Tuy nhiên, sự thật đằng sau trào lưu ăn chè đầu đỏ ngày Thất Tịch có thể sẽ khiến nhiều người bẽ bàng đến bật ngửa. Thực tế, đây chỉ là "tin vịt" và người khơi nguồn tin đồn này cũng đã khóa luôn trang Fanpage từ khi sự việc bị cư dân mạng bóc là không trung thực vào 2 năm trở lại trước.
Hóa ra đây chỉ là một "truyền thuyết mạng" được sáng tạo ra để "câu like, câu tương tác" nhưng vô tình lại tạo nên một hot trend vô cùng thú vị.
Mọi việc bắt đầu khi một blogger chuyên đăng tải các bài viết về Hoa ngữ là Q.A trên Facebook đã làm hẳn bài đăng về tục ăn đậu đỏ thoát ế trong ngày đoàn viên của Ngưu Lang Chức Nữ.
Lập tức, hàng loạt Fanpage lớn nhỏ đã đăng lại bài viết của Q.A khi hiểu rằng lực lượng “thanh niên ế” trên Facebook vô cùng đông đảo, càng khiến tin đồn thất thiệt được lan truyền xa và “ngoi” lên mỗi mùa Thất Tịch đến.
Sở dĩ blogger này “sáng tạo” ra trào lưu ăn đậu đỏ Thất Tịch là bởi cô đã có một sự nhầm lẫn tai hại. Loại đậu mà có thể Q.A hiểu lầm đó chính là đậu tương tư hay còn gọi là hồng đậu ở Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, loại này mọc dại và người ta hay gọi nó là trạch quạch hay muồng cườm. Và tất nhiên, nó chỉ dùng để trang trí chứ không ăn được.
|
Cây muồng cườm mọc dại ở Việt Nam |
Nhầm lẫn tai hại này đã khiến Q.A bị cư dân mạng phẫn nộ rất nhiều vì đăng tin giả. Một bộ phận không nhỏ cư dân mạng đến tận bây giờ vẫn tin sái cổ chuyện ăn đậu đỏ thoát ế. Bằng chứng là dù trào lưu này đã bị bóc trần sự thật nhưng vài năm nay các hàng chè vẫn đều bán sạch đậu đỏ từ rất sớm.
“Hồng đậu” chứ không phải đậu đỏ
Như vậy có thể khẳng định, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch hoàn toàn không phải là tập tục lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc và người ở xứ tỷ dân cũng không ai ăn chè đậu đỏ vào ngày này cả.
|
Hạt đậu đỏ vốn chẳng liên quan đến truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ |
Loại "đậu đỏ" được xem là biểu trưng cho Thất Tịch tại Trung Quốc vốn tên là đậu tương tư hay hồng đậu.
Theo Hán Việt, hồng đậu dịch ra quả thực là đậu đỏ, nhưng nó hoàn toàn không phải loại đậu đỏ hạt to ăn được ở nước ta.
Có lẽ do sai sót trong việc dịch thuật và một phần do thiếu hiểu biết dẫn đến truyền bá thông tin sai lệch về ngày lễ Thất Tịch của blogger nêu trên nên dẫn đến việc nhiều bạn trẻ bị ngộ nhận rằng, đậu tương tư chính là đậu đỏ ở Việt Nam.
Thực tế, đậu tương tư có kích thước nhỏ, chỉ cỡ đầu ngón tay út, dáng thon thon như hình trái tim, vỏ bóng. Do hạt đậu có màu đỏ đặc trưng khó phai, ít bị hư hại, lại rắn chắc nên được xem như biểu trưng cho tình yêu chân thành, thuần khiết.
Tại Trung Quốc, đậu tương tư thường được kết thành vòng tay, dây đeo hoặc bỏ vào lọ thủy tinh, túi vải nhỏ rồi trang trí cho thật đẹp để làm vật kỉ niệm hay quà tặng đối phương. Ở một số nơi, người ta còn để đậu tương tư dưới gối sau khi kết hôn để nguyện cầu tình nghĩa vợ chồng bền lâu.
|
Vòng tay hồng đậu tương tư |
Như thế, "đậu đỏ" hay đậu tương tư tại Trung Quốc chỉ là vật để trang trí, tặng nhau vào lễ Thất Tịch chứ không phải là nguyên liệu của món "chè tình nhân" hay chè "thoát ế" ở Việt Nam như nhiều năm nay.
Nếu muốn có lý do để gợi ý người ấy dẫn mình đi chơi trong ngày Valentine phương Đông này bằng chuyện rủ đi ăn đậu đỏ cũng là một cách "thả thính" khá đáng yêu của các bạn trẻ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề đây là "tin giả", việc gán ghép nó một truyền thuyết tất nhiên là điều không nên.
5. Ngày Thất Tịch nên làm gì để tình cảm thăng hoa?
- Đi chùa cầu duyên:
Không chỉ riêng ngày Thất Tịch, vào bất cứ dịp nào trong năm, đi chùa được xem là cách mà nhiều người vẫn làm để cầu bình an và hạnh phúc cho gia đình mình.
Sau những ngày làm việc mệt mỏi thì bạn cần thời gian tĩnh tâm để mang lại cảm giác thoải mái và thư giãn, không gian linh thiêng của đền chùa quả thực rất thích hợp để tâm hồn lắng đọng, lấy lại năng lượng sau những bộn bề của cuộc sống.
Ngoài ra, với những bạn chưa gặp được "nửa kia" thì đến chùa cầu duyên cũng là việc làm để thể hiện mong muốn cũng như cầu cho con đường tình duyên của bản thân gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
- Vẫn có thể ăn chè đậu đỏ:
|
Ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch tốt cho sức khỏe |
Dù trào lưu ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất Tịch đã bị bóc mẽ là tin thất thiệt nhưng việc ăn một bát chè đậu đỏ trong ngày này cũng không gây hại gì nên bạn hoàn toàn vẫn có thể ăn món này.
Hơn nữa, màu sắc của loại đậu này cùng với chữ “đỏ” trong tên của nó được coi là mang nhiều ý nghĩa may mắn.
Hãy cứ coi như chè đậu đỏ là một nguồn động lực về mặt tinh thần giúp cho chuyện tình cảm thêm phần ngọt ngào và thú vị.
Còn với các bạn độc thân, đừng nên quá tin tưởng rồi thất vọng nếu sau khi ăn xong một bát chè mà tình yêu thì vẫn... chưa đến nhé. Chuyện tình yêu đủ duyên sẽ gặp được người thương thôi. Yêu đương có niềm vui của yêu đương, còn độc thân vẫn có những niềm vui riêng của độc thân mà.
Ngoài ra, chè đậu đỏ cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể, vừa giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, lại vừa được bổ máu do trong chè đậu đỏ có bổ sung vitamin B12 nên vào ngày này bạn cũng nên thử thưởng thức nhé!
6. Ngày Thất Tịch không nên làm gì để giữ bình an?
Ngày Thất Tịch được cho là một ngày mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và theo quan niệm dân gian thì ngày lễ này có một số điều cần tránh như:
- Không nên làm đám cưới:
Trong ngày Thất Tịch, một trong những kiêng kỵ cần tránh chính là tổ chức đám cưới.
Nguyên nhân chính bởi bắt nguồn từ câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, đây là ngày họ được đoàn tụ sau một năm xa cách, hạnh phúc ngắn ngủi đánh đổi bằng rất nhiều tháng ngày đằng đẵng đợi chờ và những giọt nước mắt.
Thế nhưng chưa được đoàn tụ bao lâu thì lại phải xa cách và mang theo nhiều nỗi buồn, thương nhớ. Chính vì thế, nhiều người quan niệm ngày này không may mắn, mang ý nghĩa chia ly, không nên tổ chức đám cưới.
- Không nên xây nhà dựng cửa:
Có nhiều câu chuyện để lý giải cho vấn đề không nên xây dựng nhà cửa trong ngày này.
Đầu tiên, theo thời tiết Việt Nam thì vào ngày 7/7 âm lịch, rơi vào mùa mưa ngâu hàng năm nên thường sẽ có mưa và sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc thi công nhà cửa.
Cùng với đó, tháng 7 thường được gọi với tên "
tháng Cô hồn" - thời điểm ma quỷ thường quấy phá, nhiễu nhương cuộc sống con người nên sẽ kiêng kỵ cho những việc trọng đại trong đó có xây dựng nhà cửa.
- Tránh làm những điều ác:
Làm việc thiện lành và tránh làm những điều ác là việc mà ai cũng nên làm, không chỉ riêng vào ngày Thất Tịch.
Tuy nhiên, vào ngày này việc tránh làm điều ác là đặc biệt cần thiết để cầu bình an cho bản thân và gia đình, thêm vào đó sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp với người mình thương yêu.
Dân gian cũng quan niệm rằng tránh xa những điều ác trong ngày này sẽ giúp bạn may mắn hơn trên con đường tình duyên của mình.
7. Ngày Thất Tịch trong văn hóa các quốc gia
+ Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc:
Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ bắt nguồn từ Trung Quốc nên lễ Thất Tịch vẫn luôn là ngày đặc biệt với xứ sở Trung Hoa.
Trước đây, ngày Thất Tịch cũng là lúc các cô gái chưa chồng cầu nguyện với Chức Nữ với mong muốn sở hữu đôi bàn tay khéo léo trong việc thêu thùa dệt vải. Ngoài ra, một số cô gái cũng cầu nguyện sau này sẽ lấy được một người chồng tốt, đồng thời tham gia các cuộc thi như tạo hình dưa hấu, thêu thùa…
Cũng có một số nơi ở Trung Hoa đại lục có
phong tục trong lễ Thất Tịch là 7 người cùng nhau làm bánh bột nhào. Trong số những chiếc bánh, người ta sẽ giấu 1 cây kim, 1 đồng xu và 1 tờ giấy đỏ.
Người nào ăn nhầm cái bánh có cây kim sẽ trở nên khéo léo, người ăn cái bánh có đồng xu sẽ giàu có và người có tờ giấy đỏ trong bánh sẽ sở hữu một tình yêu đẹp, hôn nhân hạnh phúc.
+ Ngày Thất Tịch ở Hàn Quốc:
Tại Hàn Quốc, ngày Thất Tịch còn được gọi là lễ Chilseok. Ý nghĩa của ngày này cũng khác so với Trung Quốc vì thường rơi vào mùa mưa.
Sau khi trải qua một giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt thì việc tắm dưới nước Chilseok (nước mưa) giúp cầu mong một sức khỏe tốt.
Bên cạnh đó, vào mùa này các loại nông sản phát triển mạnh nên dưa chuột, dưa hấu hay bí ngô được sử dụng rất nhiều trong mùa lễ.
Đặc biệt, vào dịp lễ Chilseok, người dân xứ sở kim chi còn hay ăn mì và bánh nướng, thưởng thức các món ăn ngon làm từ lúa mì. Vì người dân nơi đây cho rằng sau khi lễ Chilseok qua đi thì những cơn gió lạnh ập tới, làm hỏng hương vị của lúa mì.
+ Ngày Lễ Thất Tịch ở Nhật Bản:
Tại Nhật Bản, khi văn hóa Trung Quốc bắt đầu du nhập vào thời Nara (710-784), người Nhật Bản cũng có ngày lễ tên gọi là Tanabata gắn với truyền thuyết về nàng tiên dệt vải Orihime (Chức Cơ, tức là sao Chức Nữ) và anh chàng chăn trâu Hikoboshi (Ngạn Tinh tức là Ngưu Lang) tương tự câu chuyện ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, khác với các quốc gia châu Á khác, ngày lễ Thất Tịch của người Nhật Bản rơi vào ngày 7/7 dương lịch chứ không tính theo lịch âm.
Vào ngày này, người Nhật Bản sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc, rồi treo lên cây trúc đặt ở trước nhà hoặc trong nhà để xin Orihime giúp họ trở nên "nữ công gia chánh" hơn và Hikoboshi sẽ mang đến cho họ những vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng, còn các cặp yêu nhau sẽ lên đền thờ cầu nguyện.
Đặc biệt đối với trẻ em, lễ Tanabata Matsuri là một ngày hội lớn và có ý nghĩa. Ở trường và ở nhà, các em sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc mà ở đó chúng sẽ treo những mảnh giấy ghi rõ mơ ước của mình.
+ Ngày Thất Tịch ở Việt Nam:
Tại Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu” - cách gọi Ngưu Lang và Chức Nữ trong văn hóa người Việt.
Trong ngày lễ Thất Tịch, trời thường mưa rả rích trong suốt một ngày, gọi là mưa ngâu. Tương truyền đó cũng chính là nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ khi được gặp nhau.
Truyền thuyết này ở nước ta cũng gắn với một tích từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Tương truyền, lúc này nhà vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con, nên đã vào một ngôi chùa để cầu tự vào ngày 7 tháng 7 âm lịch và sinh ra Thái tử Càn Đức.
Do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này và đây chính ngôi chùa Hà nổi danh Hà thành thời nay. Từ đó, mùng 7 tháng 7 (âm lịch) hằng năm đều tổ chức lễ hội ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Cho đến nay, ở Hà Nội, vào ngày này, giới trẻ thường đổ về chùa Hà để cầu duyên, cầu tình rất đông đảo vì tin vào tính linh nghiệm của việc cầu duyên “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi” tại chùa.
Như vậy bài viết trên đây đã phần nào giải đáp giúp bạn thắc mắc về nguồn gốc của trào lưu ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch. Hy vọng qua đó bạn đã có cái nhìn chính xác hơn về trào lưu “hot” của giới trẻ mỗi mùa Thất Tịch.