Phong thủy học rất coi trọng đường lưu thông của khí hay “chỗ thông khí”. Đây chính là đường cho khí vào nhà. Trước đây, nó vốn chỉ lỗ thủng hay chỗ lõm thấp xuống của dãy núi phía trước đền chùa, nhà ở, đồng thời cũng là nơi đón không khí trong lành. Vì thế, cửa lớn cần hướng thẳng vào đó, để hứng lấy khí tốt. Sau này, “chỗ thông khí” để chỉ cửa lớn của nhà ở.
Ngày nay, cùng với việc nhà cửa tập trung hay quy hoạch theo kiểu chung cư, cửa ra vào, cửa sổ nhiều và to hơn. Vì thế, “chỗ thông khí” là cửa ra vào và cửa sổ, các phần hở hay chỗ lõm thấp của các tòa nhà lân cận, nơi có thể lấy được không khí trong lành.
- Tuy nhiên, chỗ thông khí cũng có nhược điểm là có thể xảy ra hiện tượng khí tản mất hoặc dễ gặp gió mang họa. Nguyên nhân là do tốc độ gió quá lớn, môi trường không khí thay đổi quá nhiều, con người khó thích ứng, gây mất sự cân bằng giữa môi trường trong cơ thể và môi trường bên ngoài, gây cảm giác khó chịu, thậm chí tổn khí sinh bệnh.
Ngược lại, không có gió lại gây nên khí chết và khí độc. Mỗi ngày cơ thể con người đều cần thải ra lượng khí lớn. Nếu không khí không tốt, sẽ bị mất đi sự trao đổi trong và ngoài phòng, khí độc lưu cữu, khiến môi trường bị ô nhiễm.
Nhìn một cách tổng quát, phong thủy học tuân thủ nguyên tắc “vẻ đẹp hài hòa” của Chu Dịch, phản đối 2 thái cực là gió quá lớn hoặc gió quá ít, tức là muốn không khí thông thoáng vừa đủ để bảo đảm có sự tươi mới nhất định.
Môi trường sống lý tưởng nhất là nơi có những cơn gió mát nhè nhẹ thổi đến, giúp con người có cảm giác thư thái, sảng khoái. Tránh để gió mạnh, gió lùa vừa bất lợi cho sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến tài vận và các mặt đời sống khác của gia chủ.
(Theo 100 điều nên tránh khi xây nhà)