Giờ đây người ta đã quá quen với việc các nhân viên người Nhật trong mục tiêu cuộc sống không nhắm đến các vị trí quản lý, họ sẵn sàng từ chối khi được đề xuất thăng chức. Theo một cuộc thăm dò, 77% công dân Nhật Bản cho biết họ không muốn trở thành nhà quản lý.
Sau đây là một số lý do cụ thể vì sao người Nhật trẻ không muốn được thăng chức.
1. Thăng chức không phải khi nào cũng kèm lợi ích
Dù bạn có tin hay không nhưng một trong những chiến lược hiệu quả nhất để thăng tiến ở trong các công ty Nhật Bản đó là "trở thành người lười biếng". Lý do là vì hầu hết các công ty này vẫn tuân thủ hệ thống thâm niên lỗi thời mà không thực hiện đánh giá nhân viên một cách hiệu quả.
Hầu hết các công ty xứ sở hoa anh đào vẫn tuân theo hệ thống thâm niên khi xét đến lương thưởng và tăng lương. Thông thường, họ sẽ không được trở thành "sếp" cho đến khi sắp bước vào tuổi 40, dù họ làm việc chăm chỉ đến đâu.
Người Nhật hiếm khi sử dụng các chỉ số hiệu suất chính liên quan đến năng suất lao động. Người quản lý tập trung vào thành tích tổng thể mà không theo dõi hiệu suất của từng cá nhân. Họ tập trung vào ý thức làm việc nhóm và thời gian làm việc đủ lâu, mặc dù chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy cải cách phong cách làm việc.
Nhiều người trẻ Nhật Bản đã nhận ra rằng việc có nhiều trách nhiệm và thăng chức không đồng nghĩa với việc kiếm nhiều tiền hơn. Thông thường ở Nhật Bản, việc leo lên bậc thang công ty càng chậm, người lao động càng có nhiều cơ hội kiếm thêm tiền.
Nhiều nhân viên được trả lương làm thêm giờ, trong khi người quản lý của họ thì không. Vì vậy, thế hệ trẻ không muốn hy sinh gia đình và thời gian rảnh rỗi để làm việc nhiều hơn với số tiền ít hơn.
Ngoài ra, theo văn hóa của người Nhật, nếu đồng nghiệp và người quản lý làm việc muộn vào ban đêm, hầu hết mọi người đều cảm thấy xấu hổ khi cúi chào để về trước vì điều đó có thể bị coi là thiếu cống hiến.
2. Người quản lý dễ bị kiệt sức vì quá nhiều trách nhiệm
Khi các công ty Nhật Bản được thúc đẩy bởi sự quản lý chặt chẽ từ trên xuống thay vì giao tiếp từ dưới lên thì mọi gánh nặng trách nhiệm đổ lên vai các nhà quản lý.
Với văn hóa doanh nghiệp mang tính tập thể này, rất khó để thiết lập trách nhiệm giải trình rõ ràng cho từng nhân viên. Các bộ phận và cả nhóm phải cùng gánh vác thành công hay thất bại và các "sếp" là những người phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề nhất.
Điều này tạo ra áp lực lớn cho những người quản lý, vì họ phải chịu trách nhiệm về mọi sai lầm của cấp dưới và phải thể hiện sự bao dung trong vai trò lãnh đạo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Một ví dụ điển hình là một nữ nhân viên văn phòng ở Tokyo đã từ chối một cơ hội thăng tiến lớn vì sẽ không được trả mức lương xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Thay vào đó, cô đã lựa chọn thương lượng để tăng lương và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhờ đó cô vẫn có thể quay lại trường học để lấy bằng MBA mà không phải nghỉ việc.
3. Người trẻ đang định nghĩa lại thành công
Những người quản lý người Nhật thường phải làm việc suốt ngày đêm, gửi email ngay cả vào cuối tuần. Giờ đây họ không còn muốn hy sinh thời gian riêng tư của mình cho công việc.
Người Nhật trẻ đang dần hình thành khái niệm mới về thành công. Họ không chỉ tập trung vào việc thăng tiến và danh tiếng công ty, mà còn quan tâm đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Họ đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, định nghĩa lại thành công theo cách riêng của mình. Việc này đòi hỏi sự dũng cảm và quyết đoán, nhưng có thể dẫn đến một tương lai hạnh phúc hơn và có ý thức hơn về mục đích sống.
Thậm chí, ngày càng có nhiều người trẻ rời bỏ nơi làm việc vì những vấn đề cá nhân và gia đình. Họ đang tìm kiếm khái niệm mới về mục đích sống của mỗi cá nhân và sự hài lòng trong công việc.
4. Khả năng thay đổi công việc thấp
Trong suốt cuộc đời, số lần thay đổi công việc trung bình của người Nhật là khoảng 1,5 lần, ít hơn nhiều so với người Mỹ từ 3 đến 7 lần.
Chuẩn mực văn hóa của họ vẫn ủng hộ sự cống hiến trọn đời cho một công ty duy nhất, điều này dẫn đến việc không cần phải có một bản lý lịch ấn tượng và mạng lưới hoạt động tích cực bên ngoài công ty.
Nhân viên người Nhật Bản là những người tận tâm trong nhóm và không dễ bị ảnh hưởng bởi những lời đề nghị của nhà tuyển dụng và những chức danh hấp dẫn hơn. Thế nên từ lâu họ giữ tâm thế khá thụ động trong công việc, ít có ý chí vươn lên hay thay đổi.
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: