Thứ Năm, 10/06/2021 10:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chỉ cần với những lời khuyên tiền bạc của chuyên gia Harvard sau đây, bạn đã có thể hạn chế việc đánh mất tiền chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình rồi đấy.
Không cần phải trở thành nhà đầu tư lão luyện hay một chuyên gia hàng đầu, chỉ với một số kiến thức cơ bản được chỉ dẫn sau đây bạn có thể ngay lập tức áp dụng vào cuộc sống của mình hàng ngày và tránh xa những bẫy tiền bạc đang bày ra trước mắt bạn.
Hãy lắng nghe và ghi nhớ những
lời khuyên tiền bạc của chuyên gia Harvard bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền cho mình đấy:
1. Nghĩ về lãi suất thực
Thường trong những giao dịch tín dụng có liên quan đến việc tính lãi suất như vay vốn, gửi tiền tiết kiệm… chúng ta sẽ được nghe đến cụm từ "lãi suất" khá thường xuyên, nhưng thứ mà hầu hết chúng ta quan tâm chỉ là lãi suất danh nghĩa chứ không phải là lãi suất thực.
Ví dụ như nếu một nhà đầu nhận được 5% lãi trong 1 năm và dự đoán rằng lạm phát là 2% thì họ hy vọng sẽ nhận lại lãi thực là 3%. Về cơ bản, lãi suất thực được tính bằng cách lấy lãi suất danh nghĩa để trừ đi tỉ lệ lạm phát. Và đây là con số bạn nên nghĩ đến khi quyết định đầu tư hay vay mượn, thay vì nghĩ đến con số 5% (lãi suất danh nghĩa).
Giả sử khi bạn cho bạn bè mượn tiền không lấy lãi, nhưng lạm phát lên đến 4% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là trên thực tế, các bạn đã bị mất 4% số tiền cho mượn rồi đấy.
2. Tránh tâm lý mua cho tương lai
Rất nhiều phụ nữ có tâm lý mua thật nhiều đồ, mua "cả lố" một lúc để đỡ phải đi mua nhiều lần, ví dụ như mua cả mấy bịch xà phòng tắm, nước giặt, nước lau nhà,... với lý do kiểu gì chẳng hết thì phải mua thêm.
Hoặc nhân dịp có các chương trình giảm giá của shopee, lazada,... diễn ra hàng tháng, các bạn mua thật nhiều những món đồ rẻ chất đống trong nhà với tâm lý "kiểu gì chẳng dùng", và sự thật là không ít món đồ tưởng là cần đó nhưng mua về rồi lại chẳng được ai động tới.
Thực ra, chúng ta ít ai nhận ra rằng đó là cái bẫy tâm lý khiến ta tiêu tốn tiền bạc không cần thiết vì theo các chuyên gia chúng ta thường đánh giá sai nhu cầu của mình về một món hàng trong tương lai.
Do đó, lần tới khi quyết định mua, đặc biệt là vật phẩm có giá trị lớn, bạn nên dành thời gian để đánh giá đúng hơn nhu cầu của mình, tránh việc mua bằng cảm giác nhất thời.
3. “Đâm lao thì phải theo lao” trong đầu tư
Rất nhiều người vì dồn tâm dồn sức làm việc gì đó nên đến khi không được như ý vẫn cố tiếp tục, ví dụ như đổ tiền vào việc kinh doanh nhưng tình hình không khả quan lại đổ tiếp tiền vào để mong có thể cứu vãn tình hình mà không biết khi nào nên dừng lại nên cuối cùng họ càng mất nhiều hơn
Hoặc giả như bạn đang dành tiền của mình để theo đuổi một cổ phiếu, và giá cổ phiếu đang xuống rất mạnh nhưng không dám chốt lỗ vì tin rằng tương lai sẽ khả quan hơn. Kết cục là dự đoán của bạn đã hoàn toàn sai lầm.
Về khía cạnh tâm lý, con người hay sợ thua lỗ, đồng thời mang tư tưởng “đâm lao thì phải theo lao”, nghĩa là đã lỡ đầu tư vào rồi thì phải theo đến cùng. Chính tâm lý này khiến người đầu tư đưa ra các quyết định ngược lại với lý trí, dẫn đến hậu quả là càng thêm lỗ.
Vì thế, trước khi đầu tư, kinh doanh bạn cũng phải nghĩ tới trong trường hợp tồi tệ nhất và có kế hoạch lên phương án chốt lỗ nếu nó xảy ra.
Xem thêm:
Bao nhiêu tuổi thì nên đầu tư? Có phải đầu tư càng sớm càng tốt?
4. Không làm gì không có nghĩa là không mất
Ta luôn thấy người ta đề cao việc tiết kiệm tiền bạc nhưng đó cũng chỉ là bước khởi động mà thôi vì sau khi tích lũy bạn phải tìm cách đầu tư thông minh, nếu không đồng tiền của bạn nằm im một chỗ được xem là "đồng tiền chết" trong khi vai trò của chính của tiền là phải đưa vào lưu thông.
Giả sử bạn có một số tiền nhất định nhưng sợ rủi ro nên giữ tiền trong két và nghĩ rằng mình không mất mát gì nhưng thực ra với tình hình lạm phát như hiện nay thì giá trị của nó vẫn bị hao hụt.
Đó là còn chưa tính tới khái niệm kinh tế gọi là “chi phí cơ hội” ví dụ như khi lựa chọn một hành động gì, chi phí cơ hội là những lợi ích đạt được từ lựa chọn tốt nhất mà bạn đã không chọn. Ví dụ với số tiền đang có bạn có thể sinh lời gấp 2, gấp 3 hoặc nhiều hơn nếu đầu tư đúng chỗ.
Không làm gì cũng là một dạng mất, bạn mất đi cơ hội đầu tư để sinh lời, tất nhiên sẽ có rủi ro khi bạn tham gia đầu tư nhưng việc đó còn có cơ hội thu lại số tiền lớn hơn khi bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, còn hơn là giữ khư khư một số tiền nhất định trong túi mình.
5. Tránh xa bong bóng thị trường
Ngày nay, người người nhà nhà cùng thi nhau đầu tư bất động sản, chứng khoán, họ vô tình làm giá chứng khoán, giá nhà tăng lên nhanh chóng theo cầu của thị trường. Điều này hoàn toàn không phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu hay nhà đất, trong khi người mua sau cứ tiếp tục hi vọng rằng giá tăng mãi.
Cho tới khi bong bóng vỡ ra, người cuối cùng giữ sẽ phải chịu hậu quả vì đã mua với giá cao, trong khi giá trị thực lại thấp hơn nhiều.
Hầu như trong thị trường nào cũng có bong bóng khi quá nhiều người tập trung sự chú ý vào đó. Và khi người ta càng ít hiểu về tài chính, lại theo tâm lý đám đông thì họ càng thấy bong bóng như là cơ hội kiếm tiền nhanh và dễ dàng mà không biết rằng đang đẩy mình vào rủi ro.
Khi họ không kịp "lướt sóng" để kiếm tiền thì chiếc bong bóng ấy có thể vỡ ra khi bạn đang là người cầm nó trong tay. Hầu hết chúng ta là người muốn đầu tư tiết kiệm bình thường, hãy tránh xa những cơ hội mà bạn nghi là bong bóng bằng việc tìm hiểu giá trị thực của tài sản, chứng khoán mình định mua.
6. Đừng cố tiêu thụ chỉ vì lỡ mua
Một lời khuyên tiền bạc của chuyên gia Harvard liên quan tới tâm lý "tiếc của" của chúng ta. Ví dụ như bạn chi tiền ra mua vé đi xem ca nhạc với số tiền khoảng 3 triệu nhưng ngay ngày hôm sau lại có cuộc hẹn quan trọng mà bạn chưa sắp xếp đồ đạc cho chuyến đi đó.
Tuy nhiên, sợ bỏ phí số tiền nên bạn vẫn đi xem và về muộn, sáng hôm sau không dậy nổi và không ra sân bay đúng giờ và lỡ mất cuộc hẹn quan trọng. Chỉ vì sợ cảm giác mất tiền nên bạn lại đưa ra một quyết định không phù hợp.
Nhiều người cũng gặp lỗi tương tự khi cố ăn thật nhiều chỉ vì mua quá nhiều, hoặc tiếp tục theo đuổi một dự án thất bại vì đã lỡ dành nhiều thời gian công sức.
Hãy nhớ rằng, tiền đã chi, thời gian đã trôi qua, công sức đã bỏ ra không lấy lại được, việc của mình là hãy bước tiếp, xem những điều mình đã mất là bài học kinh nghiệm đáng giá.