Giúp đỡ người nhưng chớ kể công
Có phải bạn đã từng không ít lần trải qua cảm giác khó chịu khi ai đó giúp bạn xong họ ra sức kể công khắp nơi, thậm chí có lúc bạn cảm thấy ái ngại vô cùng. Thực ra, bạn cũng ghi nhận công lao của họ trong lòng và chờ ngày báo đáp đấy chứ, thế nhưng thái độ của người này vẫn khiến bạn cảm thấy không vui.
Bạn thầm nghĩ rằng: Giá như họ vô tư giúp mình thì mình đã càng trân trọng hơn lòng tốt của họ.
Khi có thiện tâm rồi ai cũng muốn làm được nhiều việc tử tế cho đời. Việc tử tế trở thành niềm vui sống của người đạo đức. Thế nhưng ta nên học thêm một điều đó là giúp ai thì giúp một cách vô tư.
Hãy học cách giúp đỡ người nhưng chớ kể công vì vốn lợi ích của việc giúp đỡ người khác không hề nhỏ, ngay lúc đó chính ta cảm thấy tự hào về chính mình, thấy yêu đời hơn. Việc làm tử tế tự nó cung cấp sức mạnh trở lại cho bạn. Do đó, ai càng làm điều thiện nhiều thì sẽ có sức mạnh tiềm tàng cả thân và tâm.
Khi ta luôn ý thức là cần giúp ai đó, trong ta luôn dấy lên sự tự hào, kiêu hãnh, tự khen mình để thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Thế nhưng nếu quá đáng thì nó trở thành kẻ đi khoe khoang công lao chỉ làm mọi người khó chịu.
Khi ta làm điều thiện thì ta có phúc, nhưng khi ta kể công thì cái Phúc đó bị trừ dần, tịnh tiến về dần tới 0 và thậm chí là âm. Thế mới thấy nhiều người tốt nhưng vẫn khổ vì họ có cố tạo phúc nhưng phúc bị âm vẫn còn rất nhiều, dù họ làm phúc mãi mà đời vẫn cứ khốn khổ là như vậy.
Làm việc thiện là tiến lên, nhưng chấp công lao tức là đi lùi vì thế làm việc thiện thì cố gắng làm đến cùng, rồi tạm quên nó đi, phải vượt qua những chướng ngại tinh thần của lòng kiêu hãnh, phù phiếm hiện hữu trong tâm mình.
| Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn có hai bàn tay, một là để giúp đỡ chính mình, và một là để giúp đỡ những người khác. Sam Levenson | |
Giúp việc vừa sức với mình
Có người khi tuyệt vọng, khi bạn cho họ bát cơm, chai nước, sau này khi họ thành công nhất định sẽ không quên lòng tốt của bạn ngày đó, thậm chí họ sẽ có thể quay lại giúp bạn thì tốt nhưng nghĩ mà xem, nếu họ không giúp lại bạn thì cũng không sao.
Khi thấy ai đó gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn có thể cho họ một vài lời khuyên hoặc giúp họ một tay, nhưng không phải ai cũng cần tới sự hỗ trợ này của bạn.
Một trong những sai lầm tiếp theo mà chúng ta hay mắc phải đó là giúp người quá sức. Vì ta quá tốt, quá lành nên thấy ai cần gì cũng muốn hỗ trợ, giúp đỡ, thậm chí không biết lường sức mình, thậm chí không còn gây họa. Thế mới nói, nhiệt tình cộng với sự ngu dốt thành phá hoại!
Có một khối đá lớn, nếu đã không nhấc nổi thì đừng nhấc, kết quả của việc cố gắng nhấc lên là dễ bị đập vào chân mình. Người có trí cũng biết lượng sức mà làm, như con sư tử già bình tĩnh quan sát rồi chỉ cần một cú vồ dứt điểm là xong chứ không như chú sư tử non cứ mải miết chạy qua, chạy lại chỉ là tốn công vô ích.
Theo
lời Phật dạy về giúp đỡ người khác thì tuy việc đơn giản nhưng mang lại phúc báo lớn tới mức bạn không thể ngờ tới. Thế nhưng làm việc quá sức so với bản thân thì đừng trách vì sao chẳng thấy lợi lộc ở đâu mà còn tự làm khổ mình.
Do đó, việc tự lường sức mình cũng là một điều rất đáng lưu tâm vì thực tế đã chứng minh rằng giúp đỡ một ai đó khi bạn không đủ khả năng là điều vô cùng tồi tệ.
Cung cấp sự trợ giúp khi bạn không thể làm tốt công việc sẽ là lợi bất cập hại. Bạn sẽ khiến cho mọi người bỏ lỡ cơ hội để tìm sự giúp đỡ khác tốt hơn. Và lòng tốt của bạn cũng có thể làm tổn thương người khác, làm hỏng mối quan hệ, mất đi sự tin tưởng.
Vậy nên, đừng quá dễ dàng gật đầu trước khi nhận một yêu cầu trợ giúp nào vì một khi đã làm thì phải làm tới cùng mới thôi. Đừng cố tỏ ra mình là người tốt mà cuối cùng lại làm hại cả người lẫn mình.
Chuyện kể lại rằng có một vị cao tăng ẩn cư trọng một ngôi chùa cổ nằm trong núi sâu, danh tiếng của ông được lan xa và nhiều người mong tìm đến để học hỏi.
Có vài người cùng tìm tới núi sâu, vô tình gặp vị ấy đang đi gánh nước ở khe núi. Họ tưởng rằng ông cao siêu thì phải gánh được hai thùng nước đầy ắp là chuyện thường, thế nhưng thực tế thì cả hai thùng nước khá vơi.
Những người này liền bày tỏ thắc mắc với vị cao tăng:
- Tại sao ngài lại gánh ít nước như vậy?
Vị cao tăng đó nói:
- Gánh nước thực ra không nhất thiết phải gánh nhiều, mà chỉ nên gánh đủ là được. Nếu ai cứ thích phải thật đầy, thật nhiều cuối cùng không đạt được mục tiêu của mình.
Mọi người cảm thấy khó hiểu. Cao tăng chọn một người ra, bảo người đó đi gánh hai thùng nước đầy từ khe núi. Người đó gánh rất khó khăn, thùng nước đầy lắc lư, chưa đi được mấy bước thì đã bị ngã, nước đổ hết ra ngoài, đầu gối thì trầy xước.
Vị cao tăng ôn tồn nói:
- Vậy là nước đã bị đổ hết, con lại phải đi gánh lại từ đầu, lúc này đầu gối lại đang bị đau, việc đi lại vô cùng khó khăn. Có thể thấy, như vậy sẽ gánh được càng ít nước hơn mà thôi!
- Thế xin hỏi cao tăng, nên gánh bạo nhiêu nước mới là đủ và làm sao biết được bao nhiêu là đủ ạ?
Vị cao tăng cười nói:
- Mọi người xem thùng nó đang có một vạch kẻ. Vạch kẻ này là mức độ tối đa, nước không được vượt quá, quá vạch này thì sẽ quá khả năng và nhu cầu của mình.
Ban đầu cần phải đánh dấu một đường, nhưng về sau gánh nước nhiều rồi thì không cần phải nhìn vạch kẻ này nữa, tự mình sẽ cảm nhận được nước nhiều hay ít. Vạch kẻ này nhắc nhở mình, bất cứ làm việc gì đều nên hết sức mình và lượng sức mình mà làm.
Mọi người lại hỏi:
- Thế mức độ tối đa nên là bao nhiêu?
- Thường là càng thấp càng tốt, vì mục tiêu thấp dễ thực hiện hơn, như vậy sẽ không ảnh hướng đến dũng khí của mọi người, mà còn khiến mọi người càng có hứng thú và nhiệt tình, cứ kiên trì như thế, dần dần sẽ gánh được nhiều hơn, đi được chắc hơn.
Bất cứ là cao tăng hay là người bình thường, về khả năng đều sẽ có mức giới hạn, nếu quá mức này, làm những chuyện quá khả năng của mình, dù là người mạnh mẽ thế nào cũng sẽ gục ngã.