Câu chuyện cuộc sống về cách dạy con: Cậu bé muốn bơi sông và cách xử lý bất ngờ của ông bố

Thứ Sáu, 28/10/2022 14:10 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu chuyện cuộc sống về cách dạy con sau đây giúp ta học hỏi về cách ứng xử với những mong muốn bộc phát của những đứa trẻ. Thay vì cáu gắt thì ta đặt ra những câu hỏi khôn ngoan hơn để cho con tự tìm ra câu trả lời cho mình.


Câu chuyện cuộc sống về cách dạy con


Một người đàn ông cùng con trai 5 tuổi đi qua một cái cầu, cậu bé nhìn xuống dòng nước dưới cầu và reo lên thích thú:

- Ôi nước đẹp quá bố ơi! Con muốn nhảy xuống bơi ở dòng sông kia.
 
Ông bố có phần ngạc nhiên nhưng sau đó ôn tồn nói với cậu bé:

- Tốt thôi, vậy hai bố con mình sẽ cùng nhảy xuống sông nhé. Nhưng trước tiên chúng ta cần về nhà và thay quần áo trước đã.

Chú bé vui vẻ vâng lời vì sắp làm được điều mình thích. Sau khi hai bố con thay đồ, họ chuẩn bị đi ra sông thì đi ngang qua một cái nồi nước. Người bố quay sang nói với con trai:
 
- Này con trai, mỗi khi bơi, mặt con sẽ tiếp xúc với nước phải không?

Cậu bé suy tư một chút rồi gật đầu đồng ý với bố mình. Người đàn ông nói tiếp:

- Thế thì nên thử xem con có thể đặt mặt mình ở dưới nước bao lâu.
 
Bé trai hào hứng làm theo lời bố, cúi mặt mình xuống nồi nước nhưng chỉ 10 giây sau, nó nâng khuôn mặt lên khỏi mặt nước và nói:

- Con không thở được nữa, khó chịu lắm bố ạ. 
 
- Vậy nếu con nhảy xuống sông, con sẽ cảm thấy còn tồi tệ hơn thế rất nhiều đấy. 

Cậu con trai nhanh nhảu:
 
- Bố ơi, vậy chúng ta sẽ không nhảy xuống sông nữa.
 
- Được rồi, vậy chúng ta quay về thôi.
 
Kể từ đó, cậu bé thận trọng hơn với những mong muốn của mình và suy nghĩ lại trước khi có một hành động táo bạo nào đó.

Bài học: Câu chuyện cuộc sống về cách dạy con không chỉ mang lại bài học cho các con mà cho cả chính bậc phụ huynh như chúng ta. Nếu trong các trường hợp thông thường, khi con bày tỏ mong muốn nhảy xuống sông tắm thì hầu hết ta sẽ tìm cách ngăn cản con bằng cách nói những lời cấm đoán như: Bố cấm con bơi sông, bố cấm con bơi những chỗ nguy hiểm, con phải biết bơi đã chứ...

Cách áp đặt và ép buộc tuân theo mệnh lệnh sẽ không làm cho bọn trẻ hiểu vấn đề mà chỉ càng gia tăng sự tò mò, ví dụ như cấm con bơi chúng sẽ tìm cách trốn bố mẹ để đi bơi với bạn bè của mình chẳng hạn.

Vì thế, thay vì cố gắng giải thích rông dài hoặc cấm đoán thì nên thuận theo ý trẻ (nhưng tất nhiên trong tầm quan sát của chúng ta), nếu có thể cho trẻ thử trải nghiệm của một phần nhỏ vấn đề như cách ông bố ở trên để chúng tự nhận ra mức độ nguy hiểm và rút kinh nghiệm. Đôi khi chúng cần tự làm và tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng nghe lời bố mẹ bằng những câu mệnh lệnh như: Cái này thì được, cái kia thì không. Chúng nghe xong sẽ để đó như "nước đổ đầu vịt" và càng khiến cho các bậc phụ huynh tức giận hơn mà thôi.

Phải làm thế nào với con hư? Nghe Phật dạy có 3 hạng con trai sau để tìm giải pháp ngay!
Tất nhiên có nhiều dạng người với nét tính cách khác nhau nhưng Phật dạy có 3 hạng con trai cũng là muốn đúc rút mọi thứ cho ngắn gọn, dễ hiểu. 
 

Càng cấm đoán con sẽ làm ngược lại
 

Con cũng là một cá nhân độc lập như chúng ta nên không thích bị sai bảo, ép buộc. Hãy nghĩ lại cảnh ta từng bị bố mẹ thúc ép làm những gì mình không thích và muốn ta phải tuân theo mệnh lệnh của họ mà xem. Lúc đó bạn sẽ thấy rằng con của mình không nên phải chịu cảnh tương tự.

Bố mẹ sẽ không phải là những tay độc tài chỉ biết ra lệnh và bắt con làm theo ý muốn của mình. Thay vào đó hãy lắng nghe mong muốn của con, đưa ra gợi ý nhưng cho con tự quyết định theo mong muốn của mình.

Bố mẹ cũng sẽ không bao giờ giám sát con liên tục, xuất hiện mọi lúc mọi nơi bên con mà sẽ để trẻ tự do trong khuôn khổ an toàn của riêng mình.
 
Hiển nhiên đây là một cách giáo dục sẽ có hai mặt, với những nhận định non nớt của trẻ thì chắc chắn chúng sẽ thường xuyên gặp thất bại và những lựa chọn sai lầm. Hãy dạy con được thất bại vì đó là cách bạn cho chúng sức mạnh. Lúc đó hãy ở bên để lắng nghe, đưa ra những chỉ dẫn phù hợp và giúp đỡ con để chúng vững tin bước tiếp.

Ví dụ như nếu con bị điểm thấp ở trường lớp, thay vì quát mắng, chê bai về sự yếu kém của con thì hãy cùng con tìm ra vấn đề và giải quyết nó. Nếu con chưa có số điểm đạt tiêu chuẩn ở môn nào đó có thể vì chưa đủ kiến thức và cần phải chăm chỉ học thêm, bổ sung những gì còn thiếu. Hãy đồng hành cùng con, tránh thái độ chỉ trích hay tức giận quát tháo.

Chính bố mẹ cũng cần phải học cách kiên nhẫn, không nên quá nóng vội, hãy chậm rãi, tôn trọng trạng thái cảm xúc và khả năng thực hành của trẻ. Hãy để trẻ làm việc gì mà chúng sẽ thành công, hơn là ép chúng thực hiện một thử thách khó khăn.
 
Ta có thể bắt đầu với những điều cơ bản như yêu cầu chúng tự đưa ra lựa chọn đơn giản, tự quyết định đôi giày muốn đi, chọn một món quà giành tặng người bạn thân...

Việc đưa ra ra những quyết định nhỏ sẽ giúp chúng cảm thấy tự tin hơn khi đảm nhận những quyết định quan trọng hơn. Bên cạnh đó, kết hợp trách nhiệm với một đặc ân sẽ giúp trẻ cảm thấy hài lòng về sự thay đổi.

Ví dụ như con từng rất thích đi học múa và bạn đã chiều lòng đăng ký lớp học cho con, thế nhưng được vài buổi con lại về nhà vùng vằng: Con không muốn học nữa đâu.

Có thể lúc này bạn rất tức giận và muốn đánh vì thói đỏng đảnh của con. Thế nhưng hãy giữ bình tĩnh, lại gần con để hỏi:

- Con không thích học nữa à, thế từ buổi sau con ngừng học nhé.

Cách tỏ ra đồng thuận với con sẽ khiến chúng cởi mở hơn, con sẽ bắt đầu tự tin hơn, giải thích lý do không muốn đi học là vì cãi nhau với ai đó. Bạn tiếp tục lắng nghe và tỏ ra đồng thuận, không nên hỏi nhiều. Con tiếp tục nói và cuối cùng nhận ra đi học vẫn vui nên sau đó lại quyết định.

- Mai con vẫn đi học mẹ ạ.

Cha mẹ nên cho trẻ có cơ hội tự do và tự đưa ra lựa chọn. Khi có thể tự lựa chọn, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để trải qua những hậu quả, từ đó tự học được những kinh nghiệm. Việc tự lựa chọn cũng là cách để trẻ cảm thấy được tôn trọng sở thích, mong muốn cũng như nhu cầu của bản thân. 
 
Ngoài ra, nhắc nhở trẻ biết về việc lập kế hoạch công việc, lịch trình gia đình là những điều tuyệt vời nhất để dạy trẻ làm việc theo kế hoạch và có trách nhiệm với những gì mình đã sắp xếp.
 
Đồng thời cha mẹ nên cho trẻ cơ hội đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn bằng cách tổ chức những cuộc họp gia đình và khuyến khích con làm những công việc phù hợp. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng không chỉ thấy tự hào mà còn phấn chấn vì đã góp phần giúp gia đình trở nên gắn kết hơn. 
 
 

Che chở con quá đà là làm hại con


Cũng qua câu chuyện cuộc sống về cách dạy con trên đây ta đã rút thêm kinh nghiệm cho mình trong cách ứng xử với con hàng ngày, không nên bảo bọc, che chở chúng quá mức kẻo cái gì chúng cũng phải phụ thuộc vào chúng ta.

Một câu chuyện người Do Thái thường truyền tai nhau để nhắc nhở các bậc phụ huynh tránh việc chăm sóc con quá mức, đó là chuyện về ba mẹ con sư tử sống bình yên trong một khu rừng nọ.

Bà mẹ sư tử cùng hai người con của mình hàng ngày cùng đi săn, kiếm mồi nhưng có một lần không may anh sư tử vì chạy quá nhanh và ngã, lăn xuống núi và bị thương.

Kể từ đó, anh sư tử ở nhà để dưỡng thương trong khi đó mẹ và em sư tử vẫn đi săn mồi. Họ mang cả thức ăn về cho anh sư tử, nhờ thế mà anh sư tử có cuộc sống thoải mái khi mà không đi kiếm mồi nhưng vẫn đủ ăn mỗi ngày.

Thế nhưng mọi việc không mãi suôn sẻ như thế, khi cả hai sư tử trưởng thành cũng là lúc mẹ sư tử qua đời. Hai anh em phải tự đi săn mồi nhưng có lần vì mải chạy theo con mồi nên lạc mất nhau. Anh sư tử ít kinh nghiệm nên khó khăn trong việc kiếm mồi, có lần bị thương và không qua khỏi. Trước khi chết sư tử anh đã thốt lên rằng: “Con hận mẹ”.

Có thể thấy không phải cứ chăm lo, yêu chiều cho con quá mức là sẽ được ghi nhớ công ơn mà ngược lại còn mang lại hận thù. Vì thế, mỗi bậc phụ huynh hãy nghĩ đến cảnh ngày mình không còn trên đời, không thể chăm lo cho con nữa để ngay từ bây giờ chuẩn bị cho con đầy đủ kỹ năng sống giúp chúng có thể hoàn toàn tự lập.
 
Luôn nhắc nhở bản thân mình nhớ rằng, con cần học cách tự lập để có thể sinh tồn. Nếu ba mẹ yêu thương và bảo vệ con quá mức, thì đó là cũng chính là đang hại đến con mà thôi.

Ngoài việc học hành còn phải cho con nhận thức được vai trò lớn hơn của mình trong gia đình và cộng đồng. Cha mẹ có thể cho trẻ tương tác với người khác trong siêu thị như giúp mở cửa cho người đứng sau hoặc nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ... Những kỹ năng đó không chỉ là phép lịch sự mà còn là cơ sở xây dựng mối quan hệ cân bằng trong tương lai.