Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Ý nghĩa và vẻ đẹp của việc các tu sĩ đi khất thực

Thứ Năm, 05/12/2019 16:55 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ý nghĩa đi khất thực rất quan trọng trong đời sống tu hành, chúng được thể hiện qua từ từng cử chỉ, từng hành động, từng suy nghĩ của họ trong việc đi xin thực phẩm từ các gia đình khác nhau.
 
Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào hình thức Khất thực vẫn khá phổ biến...

Ở Việt Nam, hình ảnh này thường thấy trong cộng đồng người theo Phật giáo nam truyền ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Sài Gòn và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, do có hiện tượng thật giả lẫn lộn nên Giáo hội đã có biện pháp tạm ngưng sinh hoạt khất thực ở Sài Gòn và một số tỉnh khác. 

Hầu hết chúng ta chỉ nghĩ rằng Khất thực như là xin ăn bình thường. Thế nhưng, đó còn là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị khất sĩ cũng như những ai cúng dường nếu được hành trì đúng mục đích. Ta có thể tìm hiểu ý nghĩa và vẻ đẹp của việc các tu sĩ đi khất thực:
 

1. Thế nào là khất thực


Khất thực có nghĩa là xin ăn. Đó là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chính mạng thanh tịnh. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác.

Đi Khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc Y và một cái bình Bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung .
 
Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm. Họ xem đây là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày, hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người.

Thời gian: Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng khoảng từ 8 giờ đến trước 11 giờ, có được vật thực hay không thì tất cả đều phải về lại chùa để cùng nhau cử hành nghi thức và thọ thực trước 12 giờ trưa. Chư Tăng Nam tông chỉ ăn ngày một bữa trưa hay còn gọi là ăn Ngọ, đây là bữa ăn chính, sau đó không ăn gì nữa. 

Hình thức đi Khất thực: Các Tỳ kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. 

Khi đi vị Khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, không bỏ qua nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên. Khi đi hết bảy nhà nếu không ai cúng dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó. 
 
cac tu si di khat thuc

Ý nghĩa đi khất thực không phải ai cũng biết 


Thức ăn
: Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Chư Tăng chỉ thọ nhận thực phẩm, ngoài ra những thứ khác như tiền bạc hay các vật dụng khác tuyệt đối không nhận. 

Sống trong tinh thần Lục hòa cộng trụ nên các vị luôn chia sẻ thực phẩm khất thực được cho nhau, người có chia cho người không, người nhiều chia cho người ít. Thông thường thức ăn được phân ra làm bốn phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người, và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. 

Khi ăn xong, họ rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ hay tịnh thất ngồi thiền định. Hằng năm, chư Tăng ni an cư vào ba tháng mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có thiện nam, tín nữ, đến tịnh xá “để bát” và lo tứ sự cúng dường. 

 
2. Ý nghĩa đi khất thực


Khi phân tích sâu vào bản chất của pháp hành trì thì chúng ta càng cảm nhận được ý nghĩa và vẻ đẹp của việc các tu sĩ đi Khất thực. Sẽ không phải là hành trì hạnh khất thực nếu như vị hành khất chỉ đi để nhận phẩm vật với tâm mong muốn mà không vì mục đích tu tập.
 

2.1. Lợi cho mình 


- Cải thiện sức khỏe: Đi khất thực với tâm không phân biệt thực phẩm là chay hay mặn, ngon hay dở, nhiều hay ít và người dâng cúng thực phẩm đó là ai. Họ ăn để đủ sức cho việc tu tập, hành thiền của mình.
 
- Thiền định là truyền thống tu tập chính của Phật giáo Nam tông, vì phần nhiều thời gian là ngồi thiền, nên buổi sáng các vị đi khất thực nhằm vận động cơ thể, giúp họ tránh được những bệnh do ngồi nhiều.

- Đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn: Trong quá trình đi khất thực, chư Tăng đi thành đoàn, ai thọ giới trước đi trước, thứ đệ cung kính nhau, vừa tập được tính khiêm cung, tự mình biết tàm quý, với những bước đi chầm chậm, mắt nhìn thẳng xuống đường không ngó qua lại, khẩu và ý thanh tịnh, thể hiện được sự bình thản, tự tại. Các yếu tố này tạo nên sự thoát tục của chư Tăng và trang nghiêm của Tăng đoàn.
 
-  Không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh nhai, họ đã giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi vật chất và tình cảm thế gian và sống một đời sống tâm linh thanh thoát ngay trong cuộc đời lắm sự trói buộc này. Khất thực là biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người. Không phân biệt sang hèn, phẩm vật ngon dỡ, nhiều ít thì làm gì có tâm tham và sân khởi lên khi nhận phẩm vật.
 
- Đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa, thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều hơn nữa. Họ có thể tránh xa sự sung sướng thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát mà không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp.
 
- Có nhiều thì giờ tu hành, Chư Tăng tu tập giới định tuệ, nên bố thí vật thực sẽ được quả báo trí tuệ, sau này sáng suốt dễ dàng phân biệt nẻo chánh đường tà, tu hành tấn phát. 
 
di khat thuc vua loi minh vua loi nguoi
 

2.2 Lợi ích cho chúng sinh như:


Trong kinh Hạnh phúc, Đức Phật có dạy rằng: “Bố thí, hành đúng Pháp/ Giúp ích hàng quyến thuộc/ Giữ chánh mạng trong đời/ Là phúc lành cao thượng”.

Thực tế thì không phải ai cũng biết Phật pháp, biết đi chùa, làm việc bố thí, cúng dường Tam bảo, tạo lập công đức. Vì thế, việc này khiến các vị tu hành và chúng sinh gần gũi với nhau hơn. 

- Đi khất thực chính là đi bằng phương pháp thiền hành, với những bước chân nhẹ nhàng, khởi niệm từ tâm, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh luôn được an vui, được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, nam nữ, lão ấu; các vị mở rộng lòng từ với tất cả, luôn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, chan chứa tình thương, nhu hòa trong ngôn ngữ, cử chỉ.
 
- Tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ. thông qua việc khất thực, chư Tăng đã mang ánh sáng Phật pháp đến cho từng nhà, từng người, để ai cũng có thể tạo lập công đức. 
 
- Tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và dù người đó dù bố thí ít ỏi, nhưng việc làm đơn giản này mang lại phước báo vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này. Khi đứng trước nhà nào, chư Tăng lại phải tịnh tâm quán tưởng thân, thọ, tâm, pháp để cho Phật tử ứng cúng được phước báo viên mãn. 
 
- Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Khi nhìn thấy và cảm nhận sự thanh tịnh trong tâm của các tu sĩ, người đời sẽ chế tác nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị hành khất và mặt khác hồi hướng cho các Phật tử cúng dường. 
 
Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực vị khất sĩ nguyện rằng: “Nguyện cho các vị Khất gia thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ. 


Tin cùng chuyên mục

X