Phật dạy về nguyên tắc của sự giàu có: Thực hành được còn có thêm hạnh phúc

Thứ Năm, 20/10/2022 17:13 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lời Phật dạy về nguyên tắc của sự giàu có hoàn toàn dựa vào những cơ sở thực tế cuộc sống mà khi nhận ra rồi chúng ta mới bất ngờ vì sự đơn giản của nó. Thế nhưng không phải ai cũng có thể làm được nếu không đủ quyết tâm.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
Tầng lớp trung lưu trong xã hội rất nhiều nhưng để trở thành người giàu - tức là của ăn của để nhiều hơn mức bình thường thì không phải ai cũng có được. Phật dạy về nguyên tắc của sự giàu có sau đây có sự gắn kết chặt chẽ với việc tu tập của bản thân mỗi người. 
 

1. Chọn nghề phù hợp

 
Trước khi nghĩ tới giàu có thì ta cũng phải có được một công việc và thông qua đó mang lại ích lợi cho xã hội. Đó là bước đầu tiên rất quan trọng mà Đức Phật dạy về vai trò của bố mẹ với con cái từng nhắc tới. Người khuyên cha mẹ nên gắng sức để tạo điều kiện cho con học hành, mai sau  con có được công việc nuôi sống bản thân.

Vì thế, với sự hỗ trợ của cha mẹ mình, mỗi cá nhân cần học hành chăm chỉ  để sau này có được sự nghiệp bền vững, từ đó mới có cơ hội tích lũy tiền bạc, tài sản. Những gì cha mẹ cho chỉ là nền tảng, cơ sở, còn có thể phát triển được tới đâu là còn do chính năng lực của các con.  

Việc chọn nghề phù hợp còn phải lưu ý tránh xa những công việc đang gây ra thêm nghiệp xấu như sát hại động vật, buôn gian bán lận, buôn người,... Có rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng đừng vì tiền mà chấp nhận làm những việc gây ra cái ác và khổ đau cho muôn loài.
 
 

2. Không ngừng học hỏi


Con người xuất sắc hơn những động vật khác là ở khả năng học hỏi những thứ hay ho để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày. Từ xa xưa đến nay, chính nhờ điều cốt lõi này mà chúng ta trở nên tiến hóa hơn, thông minh hơn. Thế hệ sau luôn tạo ra những thứ tuyệt vời hơn thế hệ trước cũng nhờ vào khả năng học hỏi không ngừng này.

Đức Phật đã chỉ cho ta biết rằng, chúng ta đang dùng thân người này để học bài học của trần gian. Nó chỉ là phương tiện để chúng ta học hỏi những thứ trong cuộc sống này, vì thế hãy biết tận dụng chúng một cách khôn ngoan, không nên lãng phí bất cứ thời gian quý giá nào trong cõi người.

Học hỏi không chỉ ở việc đọc thêm sách, nghiên cứu tài liệu mà còn ở việc noi gương những người đã thành công hoặc rút ra các bài học về sự thất bại từ những người bạn xung quanh mình.

Tích lũy kiến thức để từ đó tạo ra của cải, xây dựng sự giàu có cho mình rất quan trọng. Còn làm giàu nhanh thì rất nguy hiểm, sự giàu có đó liệu có tồn tại mãi trong sự vô thường của mọi vật vốn do duyên sinh hay không? Câu trả lời ai cũng rõ đó là: Không.

Thực tế đã chứng minh rằng không ít người giàu nhưng đã phải bán hết mọi thứ để chữa bệnh hoặc có người tích lũy cả đời nhưng cuối cùng con cái lại phá hết chúng chỉ trong vài năm. Hoặc không ít nghệ sĩ tiền bạc không đếm xuể trong thời kỳ hoàng kim nhưng khi về già thì trong túi không có một đồng...

Tiền bạc, của cải đó cũng chỉ là thứ tạm bợ, thế nên không ngừng học hỏi thì mới có cơ hội tìm kiếm lại tiền bạc bằng chính trí tuệ của mình.

Người Do Thái chỉ ra rằng thứ bền vững nhất đó là trí tuệ vì chính nhờ vào trí tuệ mà dù khi bản thân không còn gì trong tay đi chăng nữa ta vẫn có thể gầy dựng lại tất cả từ đầu.

Có thể nói, vai trò của trí tuệ, tư duy trong tiến trình phát triển của xã hội nói chung và trong việc làm ăn kinh doanh làm giàu của mỗi con người nói riêng là hết sức quan trọng. Vì thế, đừng bao giờ xem nhẹ việc học hỏi cho dù bạn đang ở bất cứ lứa tuổi nào đi chăng nữa. 
 

3. Chăm chỉ, kiên nhẫn

 
Nếu hỏi bí quyết làm giàu của những người thành công bạn sẽ nhận ra mẫu số chung của hầu hết họ đó là từ khó khăn, vất vả mà đi lên. Quá trình đó họ phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt. Còn những ai làm giàu nhanh thì tiền của ra đi cũng nhanh, chóng vánh như cách nó đến vậy.

Thế nên để có được sự giàu có bền vững Đức Phật luôn khuyên chúng ta đó là luôn chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại. Làm việc gì cũng phải hết mình, tận tâm thực hiện đến cùng mới mong có được kết quả. Mới thấy khó mà bỏ cuộc thì không có cơ hội chinh phục các thử thách, cũng không có cơ hội tiến bộ về trí tuệ.

Hãy lấy lao động làm vinh quang vì qua đó chúng ta mới khai mở trí huệ của mình. Nhưng cũng phải đủ kiên nhẫn cho tới khi thấy được thành quả thực sự chứ không nên "đứng núi này trông núi nọ".

Dù có ước mơ làm giàu nhưng không kiên trì, nhẫn nại thì chỉ xôi hỏng bỏng không. Dù đã hoàn thành 90% quá trình làm giàu chỉ còn thiếu 10% nữa nhưng ta vì quá chán nản mà bỏ cuộc, không chịu tiến bước thì cuối cùng vẫn bị rơi vào cảnh nghèo khó trong nay mai mà thôi. Như vậy, chỉ uổng phí thời gian và công sức suốt 90% đó mà cuối cùng không thoát ra được vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Hãy nhớ lời Phật dạy về nguyên tắc của sự giàu có này để luôn chăm chỉ, nhẫn nại trong suốt hành trình của mình. Đừng vì chưa thấy chút thành quả nào đã nản chí, bỏ cuộc. Nếu gặp khó khăn thì kiên trì tháo gỡ từng chút một, tin rằng ta đang phải giải một bài toán khó, giải được rồi ta sẽ thông minh lên và giàu có gấp bội. Đó cũng là việc rất thú vị trong quá trình làm giàu mà ai cũng phải trải qua và không có ai là ngoại lệ.

4. Tư duy đôi bên cùng có lợi


Người làm ăn kinh doanh nên nhớ vững tư duy: Đôi bên cùng có lợi thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua các khó khăn trong hành trình làm giàu hơn bao giờ hết.

Ví như khi đang phân vân không biết chọn loại vật liệu nào để tạo ra thành phẩm cho khách hàng thì bạn ưu tiên mặt hàng có chất lượng tốt, với giá cả đôi bên thống nhất hợp lý. Tránh được việc mưu mẹo, tham lam tạo ra sản phẩm không đúng quy cách, nguy cơ bị hủy hợp đồng rất cao.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nếu bí quá, nếu không thể cùng thắng thì chấp nhận bản thân chịu thiệt một chút nhưng giữ được chữ tín mới là điều nên làm. Thực tế là dù hiện tại tưởng là thiệt thòi đấy nhưng lại là cơ hội gia tăng lợi nhuận gập bội trong tương lai.
 
Làm gì cũng nghĩ tới cái lợi của người bên cạnh cái lợi của mình, luôn giữ chữ tín nếu không sự giàu có trên cơ sở tư lợi về bản thân rất dễ lung lay, nhanh chóng biến mất theo thời gian.
 
Do đó, hãy làm giàu bằng con đường chân chính, đôi bên cùng có lợi, có như vậy mới bản thân ta, người thân của chúng ta mới an lạc và tài sản có được mới bền lâu.
 

5. Thực hành tiết kiệm 

 
Thói đời nực cười ở chỗ càng kiếm được nhiều ta càng tiêu nhiều hơn. Nếu có lương chục triệu thì sống theo kiểu chục triệu nhưng lên tới gấp 5 lần số đó thì lại "gánh" thêm tiền nợ mua nhà, tiền học trường quốc tế cho con, tiền mua điện thoại, ô tô mới,... cuối cùng con số vẫn là âm chứ không tiết kiệm được chút gì.

Thế nên muốn làm giàu thì cũng phải biết tiết kiệm nếu không tiền núi cũng hết với thói quen tiêu xài hoang phí, không xác định rõ thứ gì là cần thứ gì là muốn.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không quên tích lũy thì mới mong có ngày được tận hưởng hạnh phúc của một người giàu có.

Đừng chê đồng tiền lẻ, miễn đồng tiền nào làm cho tài khoản của bạn dương cũng đều xứng đáng để bỏ công bỏ sức cả. Việc tích tiểu thành đại luôn là cách làm của người thông thái, không hề giống những kẻ ngốc thích "làm giàu nhanh" ngoài kia. 

Nếu tập trung vào việc dùng tiền để thỏa mãn cuộc sống thì chỉ càng dễ sa vào những dục vọng sai lầm. Trong khi đó để làm giàu thì phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo tiền bạc của mình trong việc đầu tư cho tương lai.

Như vậy, sự giàu có thật sự suy cho cùng là khả năng giữ được tài sản một cách an toàn và một tâm hồn an lạc trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống. 
 

6. Không quên bố thí

 
Lời Phật dạy về may mắn đã chỉ ra rằng mỗi người tự mình tạo ra vận may cho mình. Nghĩa là mỗi người sinh ra đều có sẵn một "ruộng phước" riêng. Có người có ít, có người có nhiều, không thể hoán đổi, không thể cho đi, có muốn sang "ăn trộm" cũng không được.

Một trong những cách để ruộng phước thêm tươi tốt đó là thực hành bố thí. Việc bố thí không cần đợi đến khi giàu có mới có thể làm được vì có rất nhiều cách khác như: cho lời khuyên, kiến thức hay nói pháp cho người được lợi ích; trao cho họ sự vui vẻ,...

Nhìn chung, đừng quá nghĩ tới điều gì quá cao siêu về hạnh bố thí, hãy quan sát trong cuộc sống thường nhật, thấy ai đó cần giúp đỡ gì thì cứ vui vẻ hỗ trợ trong khả năng của mình, không mong cầu ai đó phải đáp trả lại.
 

7. Luôn biết đủ 

 
Trong lời Phật dạy về nguyên tắc của sự giàu có nhắc tới sự biết đủ vì đó là cơ sở của sự giàu có bền vững. Nếu không lòng tham sẽ thiêu rụi hết công đức, phước báu mà chúng ta đã tạo ra trước đó.

Trong cuộc sống đời thường chúng ta đã thấy, người có vài tỷ thì mơ về giấc mơ triệu đô, người có triệu đô lại muốn trăm tỷ, nghìn tỷ,... và lòng tham đó thường kéo họ đi xa mãi với vòng xoáy tiền bạc mà đánh rơi những giá trị quan trọng khác của cuộc sống.

Theo đó, Đức Phật không phải khuyến khích thái độ của một người an phận mà thay vào đó là luôn hiểu vai trò của mình, nỗ lực từng bước một, không vội vàng để rồi dễ phạm sai lầm, lúc đó là bước lùi chứ không còn là bước tiến nào nữa.

Khi biết đủ ta mới có thể giữ trạng thái thăng bằng: sống không phung phí cũng không quá tham lam với bản thân và người khác. Biết đủ là để biết rằng hành trình kiếm tiền là hành trình vui vẻ, an lạc chứ không phải là đánh mất hạnh phúc để chạy theo tiền bạc.