Có gì làm cho tâm chúng ta bức xúc, hối hận nhất bằng những ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện, hại người, hại vật? Cũng không gì làm cho tâm chúng ta bất an bằng những ham muốn không thỏa mãn? Vì thế, Phật dạy an tâm là con đường chân chính để sống vui vẻ, hạnh phúc và thanh thản.
Phương pháp cơ bản để giữ cho tâm bình lặng là không làm điều ác, không hại người đồng thời cũng không ham muốn nhiều và biết đủ. Điều đó có nghĩa, bạn phải sống đạo đức, giữ đúng giới luật để định tâm, đảm bảo cho tâm được bình lặng.
Hơn nữa, theo đúng luật nhân quả nghiệp báo, kẻ làm điều ác mà không biết hối cải thì nhất định sẽ rước lấy quả báo ác và đau khổ. Nhưng cái gì thúc đẩy chúng ta nói điều ác và làm điều ác? Đó chính là tâm chúng ta. Trái lại, khi chúng ta nói lời thiện và làm điều thiện, thì cũng đều do tâm chúng ta nghĩ thiện.
Có tâm thuần thiện, không bao giờ nghĩ tà, nghĩ bậy là chuyện rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Vì khi bạn nghĩ thiện, làm điều thiện thì chỉ giúp cho ta tránh không tái sinh vào cõi ác, được tái sinh vào các cõi lành. Hơn nữa, chỉ an tâm mà không dưỡng tâm thì tâm sẽ thui chột.
Vì vậy, gốc rễ Phật dạy an tâm là dưỡng tâm, tu tập, sửa mình. Khi tâm ta được tu dưỡng, giáo hóa thì tự khắc sẽ chỉ tới điều lành, điều thiện, chỉ làm điều lành, điều thiện.
Phương pháp định tâm, cũng gọi là phương pháp Thiền, nếu thực hành kiên trì, đúng pháp thì sẽ giúp chúng ta đạt tới chỗ tâm hoàn toàn không còn vướng mắc, được giải thoát.
Cái tâm vô trú và không chấp thủ đó, có sách gọi là cái tâm vô niệm, cái tâm dứt bỏ các niệm, các ý nghĩ, cái tâm hoàn toàn bình lặng và thanh tịnh, lâu dài và ổn định, thì có thể nói đó là một bước tiến bộ rất lớn trên con đường tu tập để thành con người lý tưởng, con người hạnh phúc.