Đám cưới chạy tang là gì? Có dễ bị xui xẻo không?

Thứ Ba, 22/10/2019 09:41 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Khi hiểu về đám cưới chạy tang là gì bạn sẽ biết cách tư vấn cho mọi người cách thực hiện các nghi thức phù hợp tránh trường hợp phạm lỗi vì hiểu sai bản chất của vấn đề.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Cưới chạy tang là gì?

 
Đó là lễ cưới thực hiện sớm hơn dự kiến nên được xem là "chạy" vì có đám tang của người thân như ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt vừa qua đời. Đám cưới này nếu hoãn thời gian sẽ tính bằng năm và rất lâu nên người nhà sợ tình cảm phai nhạt, hai người không thể đến với nhau. 

Một lễ cưới thường đã được dự tính và lên kế hoạch trước ít nhất là 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, gần đến ngày cưới thì gia đình cô dâu hoặc gia đình chú rể lại có người thân đau ốm nặng. Hoặc khi đám cưới đã được chuẩn bị gần xong thì cũng là lúc có người thân vừa qua đời, hoặc đang trong tình trạng nguy kịch, hầu hết các gia đình chọn hình thức cưới chạy tang. Cưới chạy tang thực chất là hình thức cưới tránh tang, tức là tổ chức hoàn tất đám cưới trước khi phát tang.

Theo nghi lễ, nếu chưa thành phục thì trong nhà chưa ai được khóc. Hàng xóm tuy có biết nhưng gia đình chưa phát tang thì chưa đến viếng, trừ thân nhân ruột thịt và những người lân cận vốn được xem như người nhà.
 
Trong khi đó, cả hai gia đình chuẩn bị gấp đám cưới cũng làm đủ lễ đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, lễ tơ hồng... nhưng lễ vật rất đơn sơ, thành phần giản lược, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời cũng miễn, sẽ thông cảm sau.
 
Công việc cưới, gả xong xuôi mới bắt đầu phát tang. Cô dâu chú rể mới, trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác.

Trong trường hợp ngày vui lại là ngày nhà hàng xóm có đám hiếu thì lễ cưới vẫn có thể tiến hành nhưng hãy hạn chế tối đa sự phô trương trong đám cưới. Không bật nhạc, loa đài ầm ĩ, tránh tình trạng kẻ khóc người cười sẽ gây khó xử cho cả gia đình hai bên và các quan khách đến dự lễ cưới hay phúng viếng đám tang. 

 

 2. Nguồn gốc cưới chạy tang

 


Việc sinh lão bệnh tử không ai định đoạt trước được, nhưng nếu hiếu và hỉ xảy ra gần như cùng một lúc là việc rất khó xử cho cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Nhưng theo nghi lễ xưa tới nay thì đang có chuyện buồn như tang lễ, trên đầu còn có vành khăn trắng, nhất là đại tang thì không nên tham gia cuộc vui của người khác kẻo gây ảnh hưởng tiêu cực.

Theo quan niệm từ xa xưa đến nay, phải để tang 3 năm khi người mất là ông bà, cha mẹ hoặc một khoảng thời gian nhất định đối với những người thân trong gia đình. Trong suốt thời gian này thì gia đình không được tổ chức lễ cưới hay ít hội họp cũng như tổ chức tiệc tùng để tỏ lòng thương tiếc đối với người đã khuất.

Hơn nữa, theo văn hóa người Việt, tức là khi ông bà, bố mẹ bệnh nặng sắp qua đời, mong muốn cuối cùng là thấy con thành gia thất, có vợ có chồng. Vì thế 2 con cố gắng sắp xếp cưới thật nhanh cho bố mẹ ông bà nhìn thấy, mãn nguyện, yên tâm rời cõi đời. Tức phải là khi người thân còn sống. 
 
Ban đầu đơn giản chỉ có thế. Sau này biến tướng và có những thay đổi nhất định. Nhưng về cơ bản việc này phù hợp vì nếu đôi vợ chồng trẻ mới cưới, mà có tang, thì toàn bộ nước mắt của cuộc hôn nhân sẽ đổ vào lễ tang đó, sau này vợ chồng sẽ yên ấm, hạnh phúc, không còn nước mắt hay đau buồn nữa.

Vì vậy, nếu gia đình đã có ý định cưới xin thì sẽ tổ chức trước gọi là cưới chạy tang.
 

3. Liệu cưới chạy tang có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc 2 bạn 
 

Chúng ta thường lo lắng khi lễ cưới và cử hành tang lễ gần như xảy ra trong khoảng thời gian quá ngắn có ảnh hưởng tới hôn nhân của cặp đôi. Tâm lý vội vã và thúc em lúc đó khiến các cặp đôi có đôi phần hoang mang vì riêng việc cưới cũng đã tạo ra không ít áp lực cho họ rồi.

Để đảm bảo cho cặp đôi không bị hoãn kế hoạch cưới trọng đại nên hai gia đình bắt buộc phải tổ chức cưới chạy tang là điều dễ hiểu, có thể thông cảm được. Hai người trong cuộc cũng nên hiểu cho hoàn cảnh gia đình của người kia và việc cưới chắc chắn sẽ diễn ra trong năm thì diễn ra sớm sẽ tốt hơn.

Thực tế thì không có gì ảnh hưởng cả, cuộc sống của cặp đôi vì họ có may mắn, viên mãn hay không là một phần nhờ sự cố gắng của cả 2 trong cuộc sống, một phần là phúc ấm tổ tiên để lại và phần nữa là cách sống của bạn đối với mọi người. Việc gia đình có tang sự vào ngày kết hôn là sự trùng hợp khá ít nhưng cũng không hiếm gặp.
 
Với việc cưới chạy tang, công việc phải chuẩn bị nhanh chóng, gấp rút trong thời gian ngắn. Nếu đã chuẩn bị hoàn toàn xong mọi thủ tục mà người thân mới mất thì công việc cưới vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có trường hợp chuẩn bị cưới mà người thân mất, lúc đó mới dẫn tới xáo trộn cả hai bên gia đình.
 
Nếu nhà cô dâu và chú rể gần nhau thì công việc sẽ thuận tiện hơn vì người mất cũng không thể để quá lâu mà không phát tang, nếu hai gia đình ở xa cũng khá bất tiện về thời gian đi lại.

MiMo (Tổng hợp)