Tiến sĩ giấy là gì? Ý nghĩa đẹp đẽ của tiến sĩ giấy trong ngày Trung Thu

Thứ Ba, 06/09/2022 16:53 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Không phải ai cũng biết tiến sĩ giấy là gì khi mà món đồ chơi từng rất thịnh hành vào mỗi dịp Trung Thu xưa nhưng nay đang dần bị lãng quên và bị thay thế bằng những món đồ nhựa khác.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Tiến sĩ giấy là gì?​


Tiến sĩ giấy là món đồ chơi dân gian truyền thống được làm bằng giấy thường xuất hiện trong mỗi mâm cỗ trong dịp Tết Trung ngày xưa.

Cụm từ "Tiến sĩ giấy" hiểu theo nghĩa đen chính là những đồ chơi cho trẻ em làm bằng giấy phác họa theo hình dạng các vị Tiến sĩ ngày xưa. 

Ông Tiến sĩ giấy thường được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ, dưới chân áo được trang trí cờ quạt, họa tiết ông hổ. Khuôn mặt ông Tiến sĩ được vẽ đơn giản toát lên vẻ hiền hậu để trẻ con cảm thấy dễ gần, nhìn vào là thích.
 
Trong mâm cỗ Trung Thu, Tiến sĩ giấy thường được đặt ngay vị trí trung tâm trang trọng nhất, và xung quanh là mâm ngũ quả và bánh Trung Thu và các món đồ chơi khác như đèn ông sao, tò he.

Sau khi phá cỗ, các bé sẽ rước ông Tiến sĩ đi quanh làng quanh xóm cùng với đoàn rước đèn đầy màu sắc, lung linh. Sau đó các bé sẽ mang Tiến sĩ giấy về trưng bày tại bàn học, khuyến khích tinh thần học tập ở trẻ. 
 
Tuy nhiên, với xu thế ngày càng phát triển, trên thị trường dần xuất hiện thêm nhiều món đồ chơi hiện đại bắt mắt, những thú vui đồ chơi dân gian cũng như ông Tiến sĩ dần bị mai một, lãng quên. Thế nên ngày nay, hình ảnh ông Tiến sĩ dần vắng bóng để lại nhiều tiếc nuối về một nét văn hóa đẹp của dân tộc. 

Những năm gần đây, nghề làm ông Tiến sĩ giấy dịp Tết Trung Thu đang được khôi phục lại. Với sự hỗ trợ của các nghệ nhân đang cố gắng giúp “hồi sinh” lại đêm Trung Thu rằm tháng Tám mang bản sắc, phong tục truyền thống của người Việt.

Đây là một trong những trò chơi dân gian Việt Nam đang được khôi phục lại với mong muốn cho các cháu nhỏ biết đến ký ức tuổi thơ ngày xưa từ thời ông bà tổ tiên. 
 

Tiến sĩ giấy là gì?

2. Ý nghĩa Tiến sĩ giấy Trung Thu


Trong mâm cỗ xưa thường xuất hiện ông Tiến sĩ giấy - biểu tượng cho những người học hành giỏi giang, đỗ đạt được làm quan trong triều.
 
Dịp Rằm tháng 8 xưa, các gia đình thường mua ông Tiến sĩ làm bằng giấy để thắp hương cùng với mâm cỗ Trung Thu sau đó tặng lại cho con cháu như lời chúc mong cho các con học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt.

Theo đó, ý nghĩa Tiến sĩ giấy Trung Thu là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Còn hai ông đánh gậy đi bên cạnh là biểu tượng khi con cháu mình thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở bên cạnh.

Ông Tiến sĩ thường được để trước bàn học còn hai ông đánh gậy được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió để các ông nhảy múa, trước kia thời chiến tranh hai ông múa gươm, nhưng thời bình được thay bằng gậy cho các ông múa, thể hiện tinh thần rèn luyện sức khỏe.

Tết Trung Thu cũng là lúc trẻ bắt đầu cắp sách tới trường, ông Tiến sĩ giấy chính là đồ chơi Tết Trung Thu ý nghĩa nhất đối với các bạn nhỏ, đặc biệt là các bé đã đến tuổi đi học, mong muốn con chăm ngoan, làm những việc có ích cho xã hội. 

Đây cũng là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta ẩn chưa trong món đồ chơi Trung Thu nhỏ xinh cho các bé.
 
Nếu tìm hiểu thêm, ta biết rằng "Tiến sĩ giấy" dùng theo nghĩa bóng xuất phát từ bài thơ "Tiến sĩ giấy" (hoặc Vịnh Tiến sĩ giấy) của nhà thơ Nguyễn Khuyến:
 
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
 
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
 
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
 
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
 
 
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
 
Cái giá khoa danh ấy mới hời!
 
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
 
Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi!
 
Nội dung chính của bài thơ Tiến sĩ giấy:
 
Nguyễn Khuyến chỉ mượn món đồ chơi Tiến sĩ giấy để nói về thời cuộc khi bên cạnh những Tiến sĩ có tài năng thực sự thì vẫn có không ít những tiến sĩ đi học, đi thi, hoặc mua quan bán tước tìm mọi cách đỗ đạt làm quan cốt để hưởng lộc vua chúa, vơ vét nhân dân, ăn của đút lót...
 
Trong quan niệm của Nguyễn Khuyến, những Tiến sĩ ấy chỉ là kẻ có hư danh chứ không thực lực là "Tiến sĩ giấy" mà thôi.

Đi tìm ý nghĩa từng loại quả trong mâm cỗ Trung Thu
Một mùa trăng nữa lại về, người lớn lại làm mâm cỗ Trung Thu dâng cúng tổ tiên, cho trẻ nhỏ vui vầy. Nhưng bạn đã thực sự hiểu hết ý nghĩa của từng loại trái
 
 

3. Truyền thuyết về tiến sĩ giấy

 
Khi tìm hiểu tiến sĩ giấy là gì mà chưa biết tới truyền thuyết về hình ảnh người đã truyền cảm hứng để người xưa tạo ra những tiến sĩ được làm từ giấy này quả là thiếu sót lớn.
 
Hình mẫu của ông tiến sĩ giấy trong ngày Trung Thu được lấy cảm hứng từ chính bậc đại khoa Đỗ Kính Tu rất nổi tiếng thời bấy giờ. 
 
Dưới thời nhà Lý, Đỗ Kính Tu được sinh ra trong một gia đình hiếu học thuộc làng Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội - làng nghề làm tiến sĩ giấy nổi tiếng thời xưa. 

Ông nổi tiếng vì học giỏi với thành tích 13 tuổi đỗ tú tài, đỗ kỳ thi võ năm 18 tuổi, đỗ đầu kỳ thi Tam giáo năm 23 tuổi và được vua phong chức Hàn Lâm Viện Đại học sĩ kiêm Võ sư.
 
Được lòng vua bao nhiêu thì ông lại bị đám gian thần ganh ghét bấy nhiêu, chúng luôn tìm cách để hãm hại Đỗ Kính Tu bất cứ khi nào có cơ hội. Có thời điểm, mưa nhiều ngày khiến cả làng Hậu Ái ngập úng, mùa màng mất trắng, người dân lầm than.

Dân làng muốn có con ngòi dẫn nước đổ ra sông Nhuệ, hạn chế khả năng bị ngập úng, thế nhưng không làm được vì phải đi qua nhiều làng. Ông Đỗ Kính Tu đã nghĩ mọi cách và ông quyết định tự mình thương lượng với các địa phương.

Sau đó ông còn lấy hơn 10 mẫu ruộng vua ban để đền bù cho các chủ đất có con ngòi đi qua. Từ đó, người dân thoát khỏi nạn ngập úng trước đây, an tâm làm ăn.
 
Thế nhưng, bọn gian thần biết chuyện liền rỉ tai nhau rằng ông dẫn ngòi để luyện tập thủy binh, mở đường đánh vào kinh thành. Vua Lý Huệ Tông vội tin theo, kết tội và ban cho ông tự quyết án. Đỗ Kính Tu vô cùng uất hận cưỡi ngựa cùng hai quan bộ hạ ra sông Hồng tuẫn tiết. 
 
Vua lúc này mới biết rằng mình đã mắc bẫy, kết tội oan cho ông nên rước ông về quê để mai táng. Để tưởng nhớ công lao của ông khi xưa nên người dân làng đã suy tôn ông thành Thánh và thờ làm thành hoàng làng tại Đình Hậu Ái.
 
Con cháu của làng cũng noi gương ông để trở nên hiếu học hơn, trải qua nhiều triều đại nơi đây luôn có rất nhiều người đỗ tiến sĩ, cử nhân, tú tài.
 
Do vậy, để tưởng nhớ công lao của Đỗ Kính Tu nên vào đêm Rằm Trung Thu người dân nơi đây thường làm “ông tiến sĩ giấy” với “hai ông lính đánh gậy trông trăng” (tượng trưng cho hai quân hầu đã cùng ông tuẫn tiết) trong mâm cỗ trông trăng.

(Tổng hợp)

Tin liên quan cùng chuyên mục: