Thứ Bảy, 20/02/2016 14:24 (GMT+07)
() Theo truyền thống của người Việt từ xa xưa thì trước đám cưới bắt buộc phải có đám hỏi. Phần quan trọng nhất của đám hỏi chính là mâm quả cưới, đây được xem là một nét đẹp không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi.
Tùy theo từng vùng miền, từng phong tục tập quán khác nhau mà cách chuẩn bị mâm quả cưới sao cho chu đáo, đẹp mắt đầy đủ số lượng, chất lượng cũng khác nhau. Điều này cũng không khó để thực hiện vì trước khi tiến hành ngày trọng đại, các cặp đôi cũng như 2 bên gia đình đã tìm hiểu rất kỹ càng. Để buổi lễ diễn ra suôn sẻ, vui vẻ hạnh phúc thì cả 2 bên gia đình, nhất là bên nhà trai cần nắm rõ
cách trao mâm quả.
|
Số lượng các tráp thường là số lẻ, trung bình từ 5 tráp trở lên |
Trước ngày diễn ra đám hỏi thì 2 bên nhà trai và nhà gái có gặp mặt, trao đổi và thống nhất số mâm lễ cũng như là các lễ vật theo yêu cầu của nhà gái. Và trong ngày này thì mâm quả sẽ được nhà trai chuẩn bị chu đáo và mang tới nhà gái. Đội bê tráp của nhà trai theo thứ tự sẽ trao lễ vật cho đội bê tráp của nhà gái. Những tráp lễ vật này sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên của nhà gái, và sau khi đám hỏi kết thúc thì nhà gái sẽ chia lại một phần lễ vật cho nhà trai (lại quả) theo truyền thống.
Quy trình trao mâm quả được diễn ra như sau:
1. Chuẩn bị: Hai gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất số lượng tráp (Số lượng tráp cưới thường là số lẻ và trung bình từ 5 tráp trở lên). Nhà trai chuẩn bị đội bê tráp và nhà gái cũng chuẩn bị đội đỡ tráp. Tới đúng ngày giờ đã định, đoàn đại diện nhà trai sẽ lên đường mang lễ vật tới nhà gái.
2. Trao quả: Khi tới giờ đẹp đã chọn trước, nhà trai sắp xếp đội hình theo thứ bậc trong gia đình, đi đầu là ông bà, bố mẹ, chú rể, đội bê tráp và các thành viên liên quan. Sau khi hai nhà chào hỏi, đội bê tráp nam sẽ trao lễ cho đội đỡ tráp nữ để cùng đỡ mâm quả vào nhà. Sau đó, đội bê tráp nam và đội bê tráp nữ sẽ trao phong bao lì xì (đã chuẩn bị trước) để trả duyên cho nhau. Các phong bao này do hai nhà tự chuẩn bị.
3. Nhận và mở tráp: Sau khi trao tráp, gia đình hai nhà sẽ cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Đầu tiên, gia đình nhà gái sẽ giới thiệu các đại diện trong buổi lễ. Để đáp lại, nhà trai cũng giới thiệu các đại diện của gia đình. Đại diện nhà trai sẽ phát biểu lý do. Đại diện nhà gái đứng lên cảm ơn, chấp nhận tráp hỏi của nhà trai. Mẹ chú rể và mẹ cô dâu sẽ cùng mở tráp.
4. Cô dâu ra mắt hai gia đình: Sau khi mở tráp quả thì gia đình nhà gái cho phép chú rể lên phòng đón cô dâu xuống chào gia đình nhà trai, hoặc mẹ cô dâu sẽ dẫn cô dâu ra ra mắt họ hàng 2 bên (trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi). Cô dâu sẽ xuống chào hỏi và rót nước mời thuốc gia đình chú rể, ngược lại, chú rể cũng sẽ rót nước mời gia đình cô dâu.
|
Sau khi trao và đỡ tráp thì sẽ trao lì xì cho nhau để lấy duyên |
5. Làm lễ gia tiên nhà gái: Sau khi cô dâu ra mắt, mẹ cô dâu sẽ lấy từ mâm ngũ quả một số vật phẩm và lễ đen (bao lì xì có chứa một khoản tiền nhà gái thách cưới nhà trai) để mang lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tổ tiên. Bố mẹ cô dâu sẽ đưa cô dâu và chú rể lên thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
6. Bàn bạc về lễ cưới: Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, bố mẹ hai nhà sẽ thống nhất ngày giờ đón dâu và lễ cưới. Trong thời gian đó, cô dâu chú rể mời nước quan khách và chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trong lễ đám hỏi.
7. Lại quả: Nhà gái sẽ chia đồ lại quả cho nhà trai và trả lại các mâm tráp. Lưu ý, khi chia đồ lại quả không được dùng kéo cắt mà phải xé bằng tay, đồ lại quả phải là số chẵn (thông thường là 10 lễ vật) và khi nhà gái trả lại mâm tráp phải để ngửa nắp lên, không được đóng lại. Sau khi nhận đồ lại quả thì nhà trai xin phép ra về.