(Lichngaytot.com) Phong tục lì xì ngày Tết đã không còn xa lạ với người Việt, những lời chúc mừng và phong bao đỏ thắm như góp phần làm nên không khí mùa xuân rộn ràng tưng bừng, thắm đương yêu thương và sẻ chia.
Cứ mỗi dịp Tết đến là trẻ em lại háo hức bởi ngoài bánh kẹo và những lời chúc thì chúng còn được người lớn lì xì những bao bao đỏ chót. Phong tục này là nét đẹp văn hóa của người phương Đông, gửi gắm rất nhiều giá trị của tình yêu và sự gắn kết giữa các thế hệ.
1. Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết
Tục này có nguồn gốc từ truyền thuyết của Trung Quốc. Tương truyền, vào đêm giao thừa thường có con yêu quái tới trêu chọc, quấy nhiễu giấc ngủ của trẻ nhỏ khiến chúng bị giật mình hoảng sợ và lâm bệnh nên các bậc cha mẹ thường phải thức đêm canh chừng.
Có cặp vợ chồng hiếm muộn, ngoài 50 mới có được câu con trai nên vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con mình trong đêm cuối năm. Tết năm ấy Bát Tiên vô tình ngang qua nhà gia đình này, thấy trước đứa bé sẽ gặp họa yêu quái nên hóa thành 8 đồng tiền, người cha lấy giấy đỏ gói lại rồi đặt ở bên giường.
Đêm ấy đúng như dự đoán yêu quái tới định chọc quấy đứa bé thì 8 đồng tiền lóe sáng bảo vệ khiến yêu quái hoảng bỏ chạy. Tiếng lành đồn xa, từ đó hình thành tục lì xì ngày Tết, bỏ chút tiền vào phong bì đỏ và tặng cho trẻ nhỏ để trừ tà, bảo vệ những đứa trẻ khỏi tai ương ma quý, lớn lên khỏe mạnh bình an.
Việt Nam có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với Trung Quốc dần du nhập vào nước ta. Tuy nhiên, với bản sắc dân tộc và những giá trị văn hóa mạnh mẽ, phong tục lì xì ngày Tết của người Việt có những dấu ấn rất riêng và phát triển trở thành phong tục truyền thống với những giá trị tốt đẹp.
2. Phong tục mừng tuổi ngày Tết của người Việt
Ngoài tên gọi lì xì, người Việt còn gọi việc tặng tiền trong phong bì đỏ cho trẻ nhỏ những ngày đầu năm là mừng tuổi. Cái tên chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp của hành động nhỏ này. Khi cùng bố mẹ tới nhà họ hàng người thân bạn bè chúc Tết thì người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ chút tiền bỏ trong bao đỏ với mong muốn tặng thêm tuổi, tăng thêm may mắn cho chúng.
Đây là lời chúc sức khỏe, bình an và là sự trao truyền giữa càng thế hệ, người lớn luôn che chở cho trẻ nhỏ để chúng phát triển thuận lợi nhất. Số tiền trong phong bao đỏ nhiều ít không quan trọng bởi đây là tiền may mắn, tiền chúc mừng, mừng cho tuổi mới, chia sẻ tình cảm yêu thương của người lớn tới trẻ nhỏ.
Hành động trao đi cũng tượng trưng cho sự gắn kết cộng đồng của người Việt, trẻ con trao đi câu chúc Tết, người lớn trao đi bao lì xì, tạo thành mối quan hệ hài hòa sum vầy đầm ấm. Người ta tin rằng càng cho đi nhiều thì càng nhận lại được nhiều, hạnh phúc may mắn tài lộc càng dồi dào.
Tiền được đựng trong phong bao đỏ - màu của cát tường, hỉ sự và rạng rỡ thể hiện không khí mừng vui phấn chấn ngày Tết nhưng vẫn không quên đi sự kín đáo tế nhị. Mỗi đứa trẻ đều được nhận phong bao như nhau, không so bì ganh tị, không quan trọng số tiền mà tất cả đều là lời thân thương với biết bao hi vọng tốt lành nhất, bình an nhất.
Và đặc biệt, không chỉ người lớn mừng tuổi trẻ con mà con cháu cũng sẽ mừng tuổi cho ông bà cha mẹ, những người lớn tuổi trong gia đình để tri ân, chúc thọ, chúc mừng năm mới. Người Việt có truyền thống tôn trọng người già, ngày mùng 1 đầu năm cả gia đình quây quần đón xuân, chúc tụng và con cháu đưa phong bao đỏ để chúc người lớn trong nhà dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng, phúc lộc lâu dài.
Phong bao thể hiện chân tâm thành ý, tình cảm yêu thương gắn bó của những người thân trong gia đình. Trẻ kính giá, già yêu trẻ; người lớn chúc con trẻ hay ăn chóng lớn, bình an giỏi giang, hiền lành lương thiện; con trẻ mong cha mẹ ông bà sống lâu trăm tuổi, viên mãn trọn vẹn.
Thông qua phong tục lì xì ngày Tết tưởng như nhỏ bé mà thể hiện được tinh thần, tạo nên mối dây kết nối mạnh mẽ về gia đình. Đó là giá trị vững bền của ngày Tết Nguyên Đán mà dù thời gian chảy trôi, năm tháng qua đi cũng không bao giờ bị xóa nhòa, không bao giờ bị mai một.