(Lichngaytot.com) Từ bao lâu nay, Giỗ Tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng đã trở thành một ngày lễ truyền thống, một ngày Giỗ trọng đại mà tất cả mọi người con đất Việt đều ghi nhớ trong lòng. Dù đi xa đến đâu, dù ở phương trời nào, người dân Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, một lòng hướng về quê hương đất nước.
Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương, hay còn được biết đến với tên gọi khác là “Lễ hội đền Hùng”. Đây là ngày lễ trọng đại của dân tộc, là ngày mà tất cả mọi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước, ghi công biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ bờ cõi biên cương đất Mẹ, để ngày nay con cháu được hưởng cảnh thái bình.
Lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam cũng bắt đầu từ những ngày tháng xa xưa ấy. Dòng máu chảy qua bao thế hệ vẫn còn mãi, tạo nên một đất nước Việt Nam với bề dày truyền thống và văn hóa, tạo nên những con người Việt Nam trọng tình trọng nghĩa, giàu lòng yêu nước.
Lễ hội đền Hùng là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc |
Lịch sử tổ chức Lễ hội Đền Hùng
Thời kì Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, ghi dấu ấn to lớn về công cuộc dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Chính từ thời kì này, truyền thống yêu nước cùng nền tảng văn hóa Việt đã được xây dựng, hình thành nên một đất nước anh hùng, chưa bao giờ cúi đầu khuất phục bất cứ một thế lực ngoại xâm nào. Đây cũng chính là niềm kiêu hãnh, niềm tự tôn dân tộc của mọi người dân đất Việt.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam, với lễ hội Đền Hùng được con cháu hàng năm long trọng tổ chức, thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, biểu trưng cho tinh thần văn hóa Việt Nam.
Theo dòng lịch sử, từ xa xưa lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người dân Việt Nam. Trên bản ngọc phả từ đời Trần lưu tại Đền Hùng, được đời vua Lê Thánh Tông và Lê Kính Tông sao chép đóng dấu, có viết rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”
Dân gian truyền lại, việc cúng Tổ được cử hành vào ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm. Con cháu ở xa về làm giỗ thường tổ chức sớm 1 ngày, tức ngày 11 tháng 3 âm lịch. Đến đời nhà Nguyễn, nhà vua định lệ 5 năm mở hội lớn 1 lần (vài các năm thứ 5 và thứ 10 của các thập kỉ). Vào dịp này, quan lại triều đình sẽ về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và vị chủ tế người địa phương. Theo lệ, việc cúng tế diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, kể từ đó, ngày tổ chức giổ Tổ, mở lễ hội Đền Hùng được ấn định là ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam |
Trình tự tổ chức lễ hội Đền Hùng
Cũng như mọi lễ hội khác ở Bắc Bộ, lễ hội Đền Hùng cũng được tổ chức thành 2 phần: phần Lễ và phần Hội.
Phần tế lễ được cử hành vô cùng trọng thể, theo trình tự của Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng lên các vua Hùng được gọi là “Lễ tam sinh” (gồm 1 lợn, 1 dê và 1 bò), ngoài ra còn có bánh chưng, bánh dày, bánh trôi bánh chay và xôi ngũ sắc, nhạc khí biểu diễn trong lễ hội là trống đồng cổ.
Một hồi trống đồng vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu, các vị chức sắc lần lượt vào tế lễ theo sự điều khiển của vị chủ tế vào. Tiếp theo là các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh khu vực Đền Hùng vào dâng hương tế tổ. Sau cùng tới nhân dân vào du khách hành hương cùng vào tế lễ trong các đền thờ để tưởng niệm các vua Hùng.
Phần Lễ kết thúc thì đến phần Hội. Cứ tới gần ngày lễ hội đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương là các làng xung quanh lại chuẩn bị thi kiệu. Từ trước đó vài ngày, thanh niên các làng đã tập trung đưa cỗ kiệu của làng mình đến dự thi. Tới ngày lễ hội, các kiệu sẽ được rước về Đền Hùng. Sự xuất hiện của các đám rước linh đình với các cỗ kiệu được trang trí lộng lẫy và những người khiêng kiệu nổi bật với màu áo dân tộc khiến cho lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn.
Cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của năm nay thì đến kì hội sang năm sẽ được đại diện tất cả các cỗ kiệu khác, rước lên đền Thượng để cử hành quốc lễ. Vì thế mà các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy đều được dân làng chuẩn bị công phu và chu đáo từ nhiều tháng trước. Dân làng không cho đó là vất vả, bởi với họ, cỗ kiệu là vật thể hiện lòng thành kính với vua cha, kiệu đoạt giải nhất là niềm tự hào và vinh dự lớn lao không gì tả xiết. Họ cho rằng làm vậy sẽ được các vua Hùng cùng chư vị thần linh phù hộ cho dân làng được nhiều may mắn, nhân khang vật thịnh. Đó là đời sống tâm linh, và truyền thống văn hóa lâu đời được gìn giữ thông qua hình thức sinh hoạt văn hóa, thể hiện tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm và cộng mệnh sâu sắc.
Cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của năm nay thì đến kì hội sang năm sẽ được đại diện tất cả các cỗ kiệu khác, rước lên đền Thượng để cử hành quốc lễ. Vì thế mà các cỗ kiệu đẹp lộng lẫy đều được dân làng chuẩn bị công phu và chu đáo từ nhiều tháng trước. Dân làng không cho đó là vất vả, bởi với họ, cỗ kiệu là vật thể hiện lòng thành kính với vua cha, kiệu đoạt giải nhất là niềm tự hào và vinh dự lớn lao không gì tả xiết. Họ cho rằng làm vậy sẽ được các vua Hùng cùng chư vị thần linh phù hộ cho dân làng được nhiều may mắn, nhân khang vật thịnh. Đó là đời sống tâm linh, và truyền thống văn hóa lâu đời được gìn giữ thông qua hình thức sinh hoạt văn hóa, thể hiện tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính cộng cảm và cộng mệnh sâu sắc.