(Lichngaytot.com) Chắc hẳn ai cũng từng nghe câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, thậm chí làm theo nhưng không hiểu rõ nguyên do là vì đâu. Hãy cùng Lịch ngày tốt thử tìm hiểu về một tập tục từ rất xa xưa của người Việt được lưu truyền cho đến tận ngày nay nhé.
Năm hết Tết đến, nhà nhà nô nức chuẩn bị đồ đón Tết đến xuân về. Người thì mua sắm bánh kẹo, thịt cá, nhà thì mua vôi về quét lại tường, cổng. Rồi tới những ngày đầu năm mới, chúng ta lại thấy bên đường có những sạp hàng nho nhỏ bán muối được gói trong hộp đỏ xinh, rồi cả những cô hàng rong đạp xe khắp phố cất tiếng rao “Ai muối đơiiiii!”
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là hai tập tục của người Việt xưa được lưu truyền tới tận bây giờ. Hãy cùng tìm hiểu xem ý nghĩa ẩn sâu phía sau những hành động này là gì nhé.
1. Tại sao phải mua muối đầu năm?
Muối là thứ chẳng thể thiếu được trong bất cứ gia đình nào, hết là phải mua ngay chứ tại sao phải mua vào lúc đầu năm? Có lẽ các bạn trẻ không hiểu rõ tục lệ truyền thống sẽ thắc mắc như vậy. Kì thực điều này bắt nguồn từ nhiều lý do.
Người xưa cho rằng muối là thứ mặn, có thể xua tan tà ma, chống lại xú uế, nhờ đó mà giúp gai chủ gặp hung hóa cát, đón thêm may mắn về nhà vào ngày đầu năm mới. Người ta cũng có tục rắc muối quanh nhà hay vẩy muối ra đường với mong muốn xua đuổi tà ma, có cuộc sống bình yên.
Ngoài ra, muối có vị mặn nên cũng được ví với tình cảm mặn nồng thắm thiết. Chẳng thế mà có câu ca dao “Tay bưng chén muối đĩa gừng, Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Mua muối đầu năm cũng là cầu mong sẽ luôn có được sự đậm đà trong tình cảm gia đình, tình nghĩa vợ chồng, con cái luôn keo sơn gắn bó.
Nói theo nghĩa rộng hơn thì đây cũng là mong muốn duy trì các mối quan hệ xã giao từ họ hàng, làng xóm đến quan hệ làm ăn luôn tốt đẹp, có vậy thì đời sống mới càng ngày càng phát triển, càng đi lên theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Người ta quan niệm rằng đầu năm nên mua vài đồng muối lấy may. Người bán vui vẻ xởi lởi, người mua cũng chẳng nhọc lòng mặc cả chi nhiều. Cô bán hàng nở nụ cười tươi, tay đong bát muối đầy có ngọn chứ chẳng gạt ngang như mọi khi bởi người ta cho rằng bát muối có ngọn cũng như tình cảm luôn phát triển, tài lộc đủ đầy trọn vẹn, làm ăn tấn tới, mua may bán đắt, cả năm no ấm, hạnh phúc tràn trề.
Cũng có quan điểm cho rằng hạt muối được kết tinh, lắng đọng từ nước biển, mang tính kết tinh cao, màu trắng của muối tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết, cũng giống như tình cảm thuần khiết, không vụ lợi, bền vững với thời gian. Xưa kia muối vô cùng quan trọng, không sản xuất được nhiều. Người ta quý muối vô cùng, bởi muối chỉ quan trọng, xếp sau gạo mà thôi. Mua muối cũng chính là thể hiện sự coi trọng tình cảm gia đình, anh em bè bạn như vậy đó.
Cũng có người quan niệm rằng hạt muối có sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sự sạch sẽ và tinh khiết cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp.
Cũng có người suy nghĩ thực tế hơn thì cho rằng muối mặn nên phải ăn dè, cũng là lời nhắc nhở với cả gia đình ăn tiêu tiết kiệm để dành tiền bạc “cuối năm mua vôi” xây nhà, tậu thêm đồ đạc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Ngày xưa, các nhà còn có lệ chiều 30 Tết sẽ đem bình đựng muối ra rửa sạch hong khô trước sân. Đến sáng mùng 1, cả nhà sắm sửa áo quần xiêm y sạch sẽ lên chùa cầu may, khi về sẽ mua chút muối mang về, coi như mang theo may mắn về nhà vậy.
Dù thế nào thì hạt muối bé nhỏ vào ngày đầu năm cũng mang theo ý nghĩa văn hóa phi vật thể vô cùng thiêng liêng và to lớn, không thể thiếu được khi Tết đến Xuân về.
Cái mặn mà của hạt muối nhỏ mang một nét rất riêng, rất dân dã nên cũng là sự chân thành được bày tỏ trong tình cảm chứ không bị nhiễm sự hào nhoáng mà kém tình cảm đâu đó ngoài kia.
Cách thức mua và sử dụng muối
Người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, cũng có nơi mua muối ngay sau khi giao thừa kết thúc.
Người bán muối sẽ đong một bát đầy, có ngọn chứ không đong vơi hay gạt ngang miệng. Bởi mọi người quan niệm rằng, bát muối có ngọn mới mang lại sự trọn vẹn, giúp cả năm may mắn, no đủ.
Sau khi mang muối về nhà, người ta có thể chia ra thành từng nhóm nhỏ, cho vào túi nilon hay túi vải, phong bao lì xì... vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an...
2. Cuối năm mua vôi để làm gì?
Nếu như nhà bạn đầu năm mua muối thì có lẽ không thể thiếu được cuối năm mua vôi. Nhưng tại sao không mua vôi và muối ngay vào dịp đầu năm cho tiện?
Đó là vì các cụ xưa quan niệm rằng vôi màu trắng nhưng không được thuần khiết như màu trắng của muối mà lại mang ý nghĩa bạc bẽo, “Xanh như lá, bạc như vôi” cũng là như vậy. Do đó, đầu năm mua muối chứ không mua vôi, tránh năm mới rủi ro xui xẻo, gặp phải rạn nứt trong quan hệ tình cảm, tráo trở, đổ vỡ trong công việc.
Việc mua vôi cuối năm còn được ví với “xây nhà” trong “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, tức một việc vô cùng quan trọng, không thể thiếu được.
Theo phong thủy, vôi quét nhà sẽ xua tan những điềm xui rủi, xóa đi những chuyện không vui trong năm cũ, chờ đón những điều mới mẻ sắp tới, cũng giống như căn nhà được quét vôi thay đổi diện mạo.
Ở nông thôn, nhiều nhà vẫn còn giữ lệ rắc vôi bột ở góc vườn rồi vẽ hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ, không để cho những thứ tà ma quấy nhiễu nhà mình.
Ông bình vôi
Một cách giải thích khác cho việc mua vôi ở đây là cuối năm mua vôi để tiếp thêm cho ông bình vôi. Nghe qua, có lẽ nhiều bạn sẽ thắc mắc “Ông bình vôi là ai?” Xin thưa, đó là thứ không thể thiếu trong nhà ngày xưa, khi mà các cụ còn thói quen ăn trầu.
Ông bình vôi chính là đồ đựng vôi bằng sành sứ, được coi là vật thiêng trong nhà, không nên để cho bình vôi bị thiếu hay hết vôi, sẽ giống như trong nhà hết tài lộc vậy. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tùy tiện thêm vôi vào được, bởi “bạc như vôi” nên muốn năm mới ông bình vôi no đủ thì từ cuối năm đã phải chuẩn bị sẵn sàng, mua sẵn vôi để thêm vào cho ông bình vôi “ăn”.
Xưa kia lấy vôi trong bình vôi cũng phải cẩn thận chứ chẳng thể lấy bừa, đặc biệt không được ngoáy thìa vào lòng ông bình vôi, khoét bình để lấy vôi cho tiện vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả nhà, nhất là dễ bị bệnh dạ dày, bị cồn cào ruột gan. Cách lấy vôi chuẩn là phải dùng thìa đưa thẳng vào bình vôi rồi rút ra, lấy vôi gọn gàng.
Tuy nhiên, cũng chính vì lấy vôi như vậy nên vôi trong bình cứ đùn dần ra xung quanh rồi trào lên miệng ông bình vôi, thành một vành khuyên, đến hôm trở trời, hay đúng hơn là vôi ra ngoài gặp không khí cứ thế khô dần sẽ tự lóc ra. Điều hay là ở chỗ, người xưa không đem bỏ đi mà lại dùng dao khứa chân rồi xâu vào dây treo trước cửa để trừ tà ma, xua điềm xấu.
Còn một điểm nữa là khi ông bình vôi đã đặc ruột, không thể lấy được thêm vôi nữa, người ta lại rước ông cùng xâu miệng vốn treo trước cửa nhà lên chùa, để dưới gốc cây đa cây mít hay ngay dưới chân nhang.
Thời gian qua đi, mưa nắng thất thường, sương đọng trong bụng ông bình vôi được coi là một loại thuốc để chữa bệnh. Ai ốm đau sài đẹn hay bị sơn ăn thì chỉ cần lấy nước đó uống hay bôi thì tất sẽ khỏi bệnh. Người nào sâu răng thì mua ngọc trai, đem tán ra thành bột, hòa với nước này cũng rất có tác dụng.
Thời đại phát triển, khoa học tiến bộ, có lẽ chẳng mấy người trẻ còn tin vào những tác dụng phong thủy của muối, của vôi, cho rằng những điều đó là duy tâm, là sai cách, đôi khi quên mất đi những nét đẹp phong tục truyền thống được bảo tồn từ xa xưa.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đó là những tục lệ vô cùng đáng quý, thể hiện được truyền thống văn hóa, giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Nhiều gia đình Việt vẫn luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn những điều này, duy trì tục lệ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” cho đến nhiều đời sau nữa.