Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cây lưỡi hổ phong thủy có tác dụng gì, hợp tuổi nào mệnh nào, có độc không?

Thứ Hai, 08/03/2021 16:19 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cây lưỡi hổ có bao nhiêu loại, cách phân biệt thế nào, tác dụng gì với sức khỏe và phong thủy, lưỡi hổ có độc không, lưỡi hổ kỵ tuổi nào, cách chăm sóc lưỡi hổ ra sao...? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp chi tiết dưới đây.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Cây lưỡi hổ là cây gì?


Trước khi tìm hiểu về cây lưỡi hổ phong thủy có tác dụng gì, hợp tuổi nào mệnh nào, cần tìm hiểu đây là loại cây gì.

Cây lưỡi hổ hay còn gọi là cây lưỡi cọp, lưỡi hùm, hổ vĩ mép lá vàng… thuộc loài thực vật có hoa trong họ Măng tây, hình dáng thân dẹt, mọng nước. Sở hữu cái tên có vẻ “hổ báo”, lại thêm vẻ ngoài có vẻ sắc nhọn nhưng thực chất thân cây rất mềm, không làm đứt tay khi chạm vào.
 
Loài cây này có nguồn gốc từ Nigeria, nổi bật với lá có màu xanh đậm kèm đốm màu xám, mép lá có viền màu àng. Nhiều người nhầm tưởng cây lưỡi cọp chỉ có lá mọc thẳng lên từ rễ nhưng sự thật cây vẫn có hoa màu trắng lục nhạt và quả tròn.
 
Loài cây này có khả năng chịu khô hạn và nóng rất tốt. Cây còn có khả năng sống rất bên bỉ, ngay cả trong môi trường ít có ánh sáng mặt trời, không cần tốn nhiều công chăm sóc.
 
Có tới hơn 70 loài khác nhau như lưỡi hổ thái, lưỡi hổ xanh, lưỡi hổ vằn, lưỡi hổ cọp, lưỡi hổ vàng lửa… nhưng phổ biến nhất hiện nay là lưỡi hổ thái và lưỡi hổ cọp. 
 
Cây lưỡi hổ phong thủy có tác dụng gì
 

2. Cây lưỡi hổ phong thủy có tác dụng gì?


- Tác dụng với không gian chung:

 
+ Làm đẹp không gian sống:
 
Cây lưỡi cọp có tác dụng làm đẹp không gian mà bạn muốn trang trí, giúp không gian sống thêm gần gũi với thiên nhiên, thoáng mát và tăng cảm hứng.
 
Chỉ với một chậu cây lưỡi cọp, bạn có thể đặt ở phòng khách, bên cạnh giá sách, cửa sổ, ban công, sảnh tòa nhà, công ty… đều được. Với dáng vẻ cứng cáp, khoẻ mạnh và màu sắc trang nhã, loài cây này phát huy tác dụng cao trong việc trang trí, làm cây cảnh.
 
Vì vậy nếu bạn muốn thay đổi thiết kế nội thất không gian gia đình, công ty thì việc lựa chọn lưỡi hổ là vô cùng hợp lý.
 
+ Thanh lọc không khí, hấp thụ độc tố:
 
Lưỡi hổ là loài cây được Nasa chứng minh có tác dụng thanh lọc sạch không khí, hấp thụ tới 107 loại khí độc, trong đó có cả những loại độc tố gây ung thư như nitrogen oxide, formaldehyde, xylene đem lại không gian trong sạch cho ngôi nhà của bạn.
 
Đó là lý do nếu phòng làm việc có nhiều máy tính hay các thiết bị điện tử, người ta thường đặt cây lưỡi cọp để thanh lọc không khí.
 
Các nơi như nhà máy sản xuất xe hơi, máy bay, gỗ dán, thảm trải, sản xuất sơn, máy in, hóa chất… cũng được khuyến cáo nên đặt lưỡi hổ xung quanh để giảm bớt tác động của các chất độc thải ra trong quá trình hoạt động.
 
+ Giảm căng thẳng, mệt mỏi:
 
Cũng nhờ tác dụng thanh lọc không khí này, nhiều người còn sử dụng lưỡi hổ để hạn chế hội chứng sợ nhà cao tầng hay còn gọi là hội chứng nhà kín – SBS (Sick Building Syndrome). 
 
Đây là tình trạng cơ thể dễ sinh ra cảm giác mệt mỏi, uể oải, ngột ngạt, khó chịu ở mũi, cổ họng, ho, ngứa… nặng hơn nữa là thắt ngực, mỏi cơ khi phải sống và làm việc trong những chung cư cao tầng hoặc văn phòng không thoáng khí. Tuy nhiên, các triệu chứng đó sẽ biến mất khi rời khỏi đó.
 
Chính vì vậy mà hầu hết các văn phòng công ty trong các tòa cao ốc đều ưa trồng cây lưỡi cọp để đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
 
+ Cung cấp oxy, tạo giấc ngủ ngon:
 
Lưỡi hổ có thể nói là loài cây vô cùng đặc biệt khi chúng có khả năng tăng cường oxy vào ban đêm. Cho nên khi trồng lưỡi hổ thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm đặt cây này trong phòng ngủ cả đêm.
 
Khác với đa số các loài cây quang hợp thải oxy vào ban ngày nhưng lại hấp thụ oxy và nhả CO2 và ban đêm nên việc đặt trong phòng thì cực kỳ nguy hại, thì đêm đến, lưỡi hổ vẫn hấp thụ CO2 và nhả oxy tinh khiết ra ngoài, góp phần tạo môi trường trong lành cho giấc ngủ ngon.
 
Điều này có được là nhờ CAM - Crassulacean Acid Metabolism, một cơ chế quang hợp đặc biệt chỉ có ở một số loài, trong đó có loài lưỡi hổ này. Cơ chế này bảo rằng cây sẽ mở các lỗ khí vào ban đêm để giảm thiểu việc mất nước, và việc này lại đòi hỏi phải có CO2 thì cây mới thực hiện được.
 
Trong quá trình diễn ra CAM, ngoài oxy, cây có giải phóng hơi ẩm ra ngoài không khí, và tiêu diệt các chất gây dị ứng. Vì đặc điểm này nên lưỡi hổ là cây lý tưởng để đặt trong phòng ngủ. 
 
Thường nếu phòng kín ít lưu thông không khí thì bạn nên đặt chậu lưỡi hổ khoảng 6-8 lá.
 

- Tác dụng trị bệnh:

 
Ít ai biết rằng, chẳng những là loài cây trang trí nhà cửa quen thuộc, lưỡi hổ còn có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe không thể bỏ qua. Vậy lưỡi hổ trị bệnh gì?
 
Theo Đông y, loài cây này có thể trị được một số bệnh sau đây:
 
+ Làm giảm dị ứng ở da, trị bỏng: 
 
Lá của lưỡi hổ cũng có tác dụng tương tự như lá nha đam, có tính sát khuẩn và kháng viêm hiệu quả nên thường được dùng để điều trị một số chứng dị ứng ở da hoặc trị các vết bỏng rộp. 
 
Khi da của bạn bị bỏng, cháy nắng hay bị xước do va chạm bạn có thể cắt lát lá lưỡi hổ và đắp lên sẽ giúp vết bỏng dịu hơn và không để lại vết thâm.
 
Ngoài ra, chiết xuất từ lá của loài cây này có thể điều chế thành các loại kem dưỡng da, kem chống nắng giúp làm sáng da, căng mịn và se khít lỗ chân lông.
 
+ Chữa hôi miệng: 
 
Với khả năng kháng khuẩn và mùi thơm dễ chịu đặc trưng của thảo dược, lưỡi hổ có thể được điều chế thành dung dịch nước súc miệng, có tác dụng làm giảm sâu răng, hôi miệng và trị các chứng chảy máu chân răng rất hiệu quả.
 
+ Trị hen suyễn: 
 
Theo Đông y, lưỡi hổ có tác dụng cắt cơn hen suyễn khá hiệu quả. Đối với những người mắc căn bệnh này. Lấy gel từ lá cây lưỡi cọp pha với nước nóng, sau đó hít lấy hơi nước đang bốc lên.
 
Các tinh chất chống viêm bám lên niêm mạc mũi, họng sẽ giúp ngăn chặn được cơn suyễn kéo dài và giúp hô hấp thuận lợi hơn, làm giảm các cơn hen suyễn kéo dài.
 
+ Điều trị bệnh đường tiêu hóa: 
 
Loài cây này cũng được chứng minh là rất tốt cho đường tiêu hóa. Các hoạt chất Aloin, aloe-emodin và barbaloin trong lá lưỡi hổ có khả năng giúp dạ dày được co bóp đều, kích thích tiêu hóa tốt.
 
Bạn có thể dùng lá cây ép lấy nước uống sẽ giúp trị được chứng đầy bụng, khó tiêu và cả những người bị dạ dày cũng có thể sử dụng phương thuốc này. Thường xuyên sử dụng nước từ lưỡi hổ còn giúp nhuận tràng, lợi gan và giảm nóng trong người.
 
+ Chữa khàn tiếng, ho, viêm họng:
 
Để chữa ho, viêm họng hoặc khàn tiếng, bạn có thể dùng 6-12g lá lưỡi hổ, rửa sạch sau đó nhai chung với muối hạt, cho đến khi ra nước thì ngậm nuốt dần, có tác dụng thông nhuận họng rất hiệu quả.
 
+ Chữa viêm tai giữa:
 
Cách chữa viêm tai giữa từ lá lưỡi hổ như sau: Hơ lá trên lửa cho nóng, đến khi hơi héo thì đem đi giã lấy nước rồi dùng nhỏ vào tai sẽ giúp tan các cục mủ trong tai.
 

3. Cây lưỡi hổ có độc không?

 
Trước tiên cần khẳng định rằng, trong lưỡi hổ có chứa độc tố ở thể nhẹ, nếu ăn trực tiếp và nhiều sẽ gây ngộ độc với các triệu chứng ban đầu như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài… người nào nhạy cảm sẽ gặp tình trạng kích ứng da.
 
Các triệu chứng trúng độc từ cây này giống gần như bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Kể cả vật nuôi như chó mèo nếu ăn lá cây lưỡi cọp cũng sẽ bị các triệu chứng tương tự. Đây có thể nói là tác hại duy nhất của lưỡi hổ được biết đến hiện nay. 
 
Do đó, chỉ nên dùng loài cây này để trang trí bên ngoài, nếu dùng làm thuốc uống cần tham khảo ý kiến thầy thuốc. Nhà có trẻ em cần để ý không cho bẻ lá và nuốt phải.
 
Ý nghĩa phong thủy của cây lưỡi hổ
 

4. Cây lưỡi hổ phong thủy có tác dụng gì?

 
Bên cạnh những lợi ích to lớn cho sức khoẻ và đời sống, lưỡi hổ còn mang lại ý nghĩa về mặt phong thuỷ.
 

- Tượng trưng cho quyền uy, may mắn:

 
Trong phong thủy, lưỡi hổ tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy, may mắn. Lá của cây mọc thẳng đứng thể hiện sự quyết đoán, ý chí tiến lên của con người. Dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn của lưỡi hổ là biểu tượng của sự uy quyền, danh gia vọng tộc, phú quý và may mắn.
 
Loại cây này được trưng bày trong nhà với mong muốn công danh sự nghiệp của gia chủ phát triển bền vững.
 
Người ta tin rằng những ai trồng lưỡi hổ sẽ được Bát tiên tặng cho 8 món quà, được gọi là “Bát công đức thuỷ” (8 phẩm hạnh tốt đẹp) gồm: Thịnh vượng, sắc đẹp, sống lâu, thông minh, sức khỏe, nghệ thuật, sức mạnh và thơ ca.
 
Cho nên tại Trung Quốc, người ta đặt cây ở gần cửa ra vào để tỏ ý đón rước Bát công vào nhà.
 
Trong kinh doanh và trong cuộc sống thường ngày, lưỡi hổ là món quà thường xuyên nhằm gửi lời chúc tốt đẹp đến đối tác, bạn bè… mong đem lại may mắn tài lộc và rủ bỏ những điều xấu, hoặc như món quà biểu tượng cho sức mạnh cá nhân, rắn rỏi và không ngừng tiến lên.
 
Chính vì thế, đây là một món quà tặng phát tài phát lộc cực kì tuyệt vời, rất thích hợp sử dụng trong những dịp đặc biệt như mừng tân gia, khai trương, năm mới...
 

- Trừ tà, xua đuổi ma quỷ:

 
Theo phong thủy lưỡi hổ, bên cạnh ý nghĩa may mắn, loài cây này còn có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và chống lại những điều xui xẻo trong cuộc sống. 

Xem thêm: Cây phong thủy nên trồng trong nhà, cả đời vượng vận, cát lành
 

5. Cây lưỡi hổ hợp tuổi nào, mệnh nào?

 
Để đảm bảo yếu tố phong thủy thì khi mua hoặc tặng lưỡi hổ cho bất kỳ ai, bạn cũng nên tìm hiểu xem tuổi, mệnh của người đó có hợp với cây không. 
 
Vậy cây lưỡi hổ phong thủy hợp tuổi nào, mệnh nào? 
 
Theo các chuyên gia phong thủy, với đặc điểm nổi bật của cây là 2 dải màu xanh lá cây và vàng dọc từ gốc đến ngọn, hai màu này tương ứng với mệnh Mộc và mệnh Thổ.
 
Chính vì vậy, lưỡi hổ sẽ hợp nhất với người mệnh Mộc và Thổ. Trồng loài cây này trong nhà sẽ giúp cho hai mệnh này phát huy được vận thế tốt, sự nghiệp thành công, nhiều việc thuận lợi và hanh thông. 
 
Lưỡi hổ kỵ tuổi nào? Theo phong thủy thì lưỡi hổ không kỵ tuổi nào, vì thế bạn có thể yên tâm trồng trong nhà. Tuy nhiên, để giúp mang đến tài lộc và may mắn cho gia đình thì bạn có thể chọn các loại cây hợp với mệnh của mình.
 
+ Mệnh Thổ: Mậu Dần, Kỷ Mão, Bính Tuất, Canh Tý, Tân Mùi…
 
+ Mệnh Hỏa: Đinh Mão, Ất Tỵ, Mậu Tý, Kỷ Sửu... 
 
+ Mệnh Kim: Tân Hợi, Canh Tuất, Quý Mão, Nhâm Dần...
 
+ Mệnh Thủy: Nhâm Thìn, Giáp Thân, Ất Hợi, Quý Tỵ...
 
+ Mệnh Mộc: Kỷ Hợi, Mậu Tuất, Tân Mão, Nhâm Tý...
 
Ngoài ra, nếu có sở thích sưu tầm, trồng cây cảnh thì bạn vẫn có thể sử dụng loại cây này để bài trí và có thể hóa giải bằng các màu sắc của chậu cây cùng đá rải bề mặt phù hợp với mệnh của mình là được.
 

6. Cây lưỡi hổ nên đặt ở đâu trong nhà?

 

- Phương hướng đặt cây:

 
Phương hướng tốt nhất để đặt lưỡi hổ phong thủy trong nhà hoặc trong văn phòng là phương thuộc hành Mộc gồm hướng Đông và Đông Nam.
 

- Vị trí đặt cây:

 
+ Đặt ở phòng khách:
 
Trong phong thủy, phòng khách là vị trí thu hút tài lộc cho gia đình. Đồng thời, đây cũng là nơi để thể hiện cá tính, phong cách hay sở thích của gia chủ, nhằm gây ấn tượng đối với các vị khách ghé thăm. 
 
Cho nên đặt cây lưỡi cọp ở phòng khách rất thích hợp, nhất là nơi góc phòng hoặc bên cạnh kệ tivi, bên cạnh ghế sô-pha sẽ giúp gia đình gặp nhiều may mắn, thành công hơn.
 
Bạn nên tránh đặt cây ở chính giữa nhà, vừa gây cản trở, khiến việc đi lại bất tiện vừa có thể cản trở những điều tốt đẹp đến với gia đình, đồng thời gây những rắc rối về vấn đề tài chính hoặc đường công danh.
 
Hai chậu lưỡi hổ đặt ở hai bên lối cửa ra vào cũng là cách án ngữ, xua đuổi vận xui và mang vận may đến cho căn nhà của bạn.

Đặt cây lưỡi hổ trong phòng khách
 
 
+ Đặt ở ban công:
 
Nếu gia đình bạn có ban công thì không thể bỏ qua việc lựa chọn lưỡi hổ làm cây trang trí cho không gian này.
 
Đặt lưỡi hổ ở ban công không chỉ giúp không gian thêm xanh mát, mà còn giúp gia chủ thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
 
+ Đặt trong phòng ngủ:
 
Chính vì tác dụng hấp thụ khí độc, lại thêm cơ chế sinh học ngược, nhả khí oxy và hút cacbonic vào ban đêm nên loài cây này là lựa chọn hàng đầu cho việc trồng cây trong phòng ngủ, vừa giúp thanh lọc không khí phòng ngủ vừa cải thiện giấc ngủ ngon hơn.
 
+ Đặt trong phòng tắm:
 
Lưỡi hổ là cây ưa bóng râm, có thể sống trong phòng thiếu ánh sáng một khoảng thời gian dài, lại có thể hút bớt hơi nước, khí độc hại có trong không khí nên có thể đặt một chậu nhỏ trong phòng tắm và nhà vệ sinh. 
 
Kể cả khi độ ẩm và áp suất trong phòng tắm cao, thì điều ấy cũng không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
 
Tuy nhiên, khi trồng cây trong phòng tắm thì bạn nên lưu ý lau lá thường xuyên, phòng trừ côn trùng sâu bệnh phát triển, vì đây là môi trường ẩm thấp dễ sinh bệnh cho cây.
 
+ Đặt ngoài sân, ngoài cổng:
 
Nhiều người thích đặt cây ngoài sân, ngoài cổng vì cây có tác dụng trừ tà, xua đuổi bùa chú, ma quỷ khá tốt. 
 

7. Cây lưỡi hổ ra hoa là điềm gì?

 
Cây lưỡi hổ ra hoa là điềm gì?
 
Thông thường chúng ta thường hiếm khi thấy hình ảnh hoa của cây lưỡi cọp. Trên thực tế, loài cây này có ra hoa, hoa màu trắng đục, có sáu cánh và dài từ 2 – 4cm. 
 
Hoa của lưỡi hổ có hương thơm đặc trưng nhưng rất ít khi ra. Vậy khi cây lưỡi cọp ra hoa là điềm tốt hay xấu? 
 
Với những ý nghĩa phong thủy tốt đẹp đã kể bên trên lại thêm việc hiếm khi trổ bông, có thể khẳng định lưỡi hổ ra hoa là điềm báo cực kỳ may mắn với gia chủ.
 
Cụ thể, phong thủy khoa học quan niệm, khi lưỡi hổ ra hoa thì gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc sớm đến, thành công trong cuộc sống. Công việc suôn sẻ, thuận lợi hơn, sự nghiệp ổn định, phát triển vững vàng hơn, tình cảm đi lên và mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. 
 
Vì vậy nếu bạn đang trồng lưỡi hổ thì có thể lưu ý cách chăm sóc để cây sớm có hoa nhé.

8. Lưỡi hổ có bao nhiêu loại, cách phân biệt thế nào?


Ước tính có khoảng hơn 70 loài lưỡi hổ trên toàn thế giới. Để phân biệt chúng thì cần dựa vào hình dáng, cách mọc và màu sắc của lá. 

Dưới đây là cách phân biệt những loại lưỡi hổ phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.

Lưỡi hổ vằn

Cây này còn có tên gọi khác là lưỡi hổ cọp vàng hay lưỡi hổ Laurentii. Đặc điểm nhận dạng của loài lưỡi hổ này có sọc vằn xanh đậm và xanh lơ xen kẽ. Lá bản nhỏ, khá dài, vươn thẳng như thanh kiếm và có viền vàng ở 2 bên mép lá, chạy song song từ gốc cho đến ngọn.

Cây lưỡi hổ hợp tuổi nào mệnh nào?
 
 

Lưỡi hổ vằn xanh

Lưỡi hổ vằn xanh được một số nơi gọi là lưỡi hổ cọp hay lưỡi hổ Moonshine. Cây này cũng khá giống lưỡi hồ vằn nhưng có sọc vằn xanh đậm và xanh lơ xen kẻ nhau; không có viền ở 2 bên mép lá. Lưỡi hổ vằn xanh thường được trồng trong nội thất nhiều hơn.

Cây lưỡi hổ vằn xanh
 

Lưỡi hổ vàng

Cây này còn được nhiều người hay gọi là lưỡi hổ hoàng kim, lưỡi hổ thái vàng hày lưỡi hổ Gold Flame. Để phân biệt loài này với các loài lưỡi hổ khác ta dựa vào màu sắc của lá cây.
 
Lá lưỡi hổ loại này có màu vàng và đôi khi màu vàng chiếm đến 2/3 bề mặt của lá, phần còn lại là màu xanh nhạt hoặc có khi lá của chúng chỉ toàn màu vàng hoặc bề mặt trong của lá vàng, bề mặt ngoài có thêm màu xanh nhạt.
 
Đặc biệt ở loài lưỡi hổ này còn có khả năng đổi màu khi trưởng thành; lá sẽ chuyển từ màu vàng đồng sáng sang màu xanh đen đậm. Lá bản rộng, to dài như hình mũi mác.

Cây lưỡi hổ vằn vàng
 

Lưỡi hổ búp sen

Loài này còn được nhiều người hay gọi bằng cây lưỡi mèo hay lưỡi hổ lùn. Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là vì có hình dáng tương tự như một đóa hoa sen đang nở.

Lá loài lưỡi hổ này có bản lớn nhưng ngắn; dựa vào màu sắc của lá, lưỡi hổ búp sen có 3 loại cơ bản là: lưỡi hổ búp sen xanh, lưỡi hổ búp sen vằn, lưỡi hổ búp sen viền vàng. 

Cây lưỡi hổ búp sen
 

Lưỡi hổ thái vằn


Cây này thường được gọi bằng một số tên gọi khác là: Lưỡi hổ thái sọc, lưỡi hổ Futura Superba.

Chúng cũng có màu sắc tương tự như lưỡi hổ vằn nhưng bản lá to hơn; chiều dài của lá lại ngắn hơn nhiều; bản lá hơi cong. Cây rất khó phát triển chiều cao, nhưng bù lại là đẻ cây con nhanh. Cây con mọc sát bên gốc cây mẹ, có thể tách ra trồng thành cây mới.

Cây lưỡi hổ thái vằn
 

Lưỡi hổ thái xanh

Cây này còn gọi là lưỡi hổ Black Gold Superba. Chúng có hình dáng giống lưỡi hổ thái vàng vằn tuy nhiên lá có màu xanh đen đậm, có viền vàng ở 2 bên mép và chạy song song từ gốc cho đến ngọn hoặc không có viền.

Cây lưỡi hổ thái xanh
 

Lưỡi hổ thái trắng

Tên gọi khác của loại này là lưỡi hổ bạc; lưỡi hổ bạch kim hay lưỡi hổ Silver Queen.

Để phân biệt loài lưỡi hổ này với các loài khác ta chú ý vào bản lá của cây to; hình dáng thì cũng gần giống như lưỡi hổ thái nhưng có màu trắng bac hoặc xanh bạc cực kì thu hút ánh nhìn. Loài lưỡi hổ này cũng được xem là nữ hoàng của các loài lưỡi hổ. 

Cây lưỡi hổ thái trắng
 

Lưỡi hổ đỏ

 
Lưỡi hổ đỏ có nguồn gốc từ Nigeria, nổi bật với màu đỏ, ở giữa có thêm màu xanh, có kích thước ngắn, lá không thẳng đứng mà thường tỏa ra xung quanh. Lưỡi hổ màu đỏ thường được trồng theo bụi và không được phổ biến như các loại khác.
 
Cây lưỡi hổ đỏ
 
 

9. Cách trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ dễ sống nhất


Hướng dẫn cách trồng lưỡi hổ phong thủy đơn giản, dễ sống nhất


Lưỡi hổ có thể sống được cả ở môi trường đất và nước (thủy sinh). Dưới đây Lịch Ngày Tốt hướng dẫn chi tiết cách trồng lưỡi hổ trong đất và trong nước.

Trồng lưỡi hổ trong chậu đất
 
Đây là cách được áp dụng phổ biến nhất vì vô cùng đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng. Kỹ thuật trồng này cần lưu ý:
 
Đất trồng cây: Lưỡi hổ là loại cây dễ trồng và chăm sóc nên khi chọn đất trồng, chỉ cần lựa chọn loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Hoặc có thể mua đất và trộn thêm phân bón để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Hạt giống cây: Có thể gieo trồng bằng hạt hoặc qua giâm cành, tuy nhiên gieo hạt thường mất nhiều thời gian hơn mà năng suất không cao như giâm cành. Vì thế mà phương pháp giâm cành được áp dụng nhiều hơn.
 
Cách giâm cây: Vì là loại cây thường sống theo bụi nên cây sẽ đẻ ra các nhánh mới chứa các cây con, vì thế có thể đợi cây lớn khoảng 2 – 4 tuần để tách chúng ra các chậu riêng để chăm sóc.
 
Có thể sử dụng phương pháp giâm cành: Lựa chọn lưỡi hổ sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh và chọn một lá để cắt ngang gốc (nên chọn những lá to khỏe, không quá già hoặc quá non). Sau đó cắt thành các đoạn dài khoảng 5cm để cho các lát cắt héo khô rồi đem đi chôn với độ sâu khoảng 1/2 đất. Đặt chậu cây ở nơi có nắng, thỉnh thoảng tưới nước để cây có độ ẩm và mọc rễ.
 
- Trồng lưỡi hổ trong nước
 
Ngoài việc trồng lưỡi hổ bằng cách giâm cành, còn có thể trồng thủy sinh cũng vô cùng đơn giản. Lưu ý kỹ thuật trồng thủy sinh:
 
Bước 1: Cây con khi lớn được từ 2 – 4 tuần thì tách ra khỏi bụi cây bố mẹ.
Bước 2: Cây sau khi tách thì đặt vào trong lọ thủy tinh vào đổ nước khoảng 2/3  bình (ngập rễ là được). Bổ sung thêm ít phân bón pha với nước để cây có thêm chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển tốt.
Bước 3: Chăm cây cho đến khi lớn.
 

Bệnh thường gặp ở lưỡi hổ và cách chữa hiệu quả

Bệnh thường gặp ở cây lưỡi hổ
 
 
Cây bị đốm lá

Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm về lọc không khí nhưng lưỡi hổ lại rất dễ bị bệnh đốm lá, xuất hiện các chấm nhỏ màu nâu trên lá, xung quanh vết bệnh thường bị lõm xuống nếu để lâu ngày thì sẽ bị cháy lá. Nguyên nhân gây ra căn bệnh đốm là nấm Colletotrichum sp ký sinh trên cây và lây truyền từ mùa này qua mùa khác, cây này qua cây khác.
 
Cách chữa: Để phòng trị bệnh đốm lá trên lưỡi hổ, nên làm sạch cách mảnh vụn trên đất trồng, đảm bảo không có nơi cho nấm trú ẩn, thường xuyên cắt tỉa lá để không gian thông thoáng, nấm không thể phát triển. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc như: Antracol 75WG Vimacoz 80WP, Score 250EC, Ortivar 600SC,… để phun cho cây.

Cây bị thối lá
 
Thối lá là một trong những căn bệnh thường gặp nhất của lưỡi hổ. Nguyên nhân thường là do tưới quá nhiều nước hoặc cây được đặt ở những nơi có độ ẩm cao khiến lá bị úng và thối rữa. Nếu không được xử lý kịp thời có thể khiến vùng thối lan rộng và khiến cây bị chết.
 
Cách chữa: Nếu phát hiện lưỡi hổ trong nhà bị thối lá thì hãy lập tức cắt bỏ lá bị thối. Lưu ý là cắt sát gốc và kiểm tra vùng thối đã bị lan xuống gốc hay chưa.

Tiếp theo hãy thay đất mới cho cây. Đất trồng cần đảm bảo tơi xốp, có độ ẩm vừa phải và giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nên đặt cây ở những nơi có ánh nắng vừa phải, chỉ nên tưới nước cho cây 1 lần/1 tuần với một lượng không quá nhiều. Vào mùa mưa ẩm thì có thể tưới 1 lần/1 tháng.
 
Cây bị vàng lá
 
Ngược lại với thối lá, nếu cây lưỡi cọp bị vàng lá, đặc biệt là lá đổi màu vàng nâu và có dấu hiệu khô dần thì nguyên nhân có thể là do bạn không cung cấp đủ nước cho cây.
 
Cách chữa: Cắt bỏ những lá cây bị vàng, khô. Đồng thời cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây, đặc biệt nếu thấy đất khô nứt thì cần tưới ngay. Thời điểm tưới cây thích hợp nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Cách chăm sóc lưỡi hổ tươi tốt - Tưới bao nhiêu nước, chế độ dinh dưỡng?


Nên tưới bao nhiêu nước?

Lưỡi hổ chịu hạn rất tốt, nên chỉ cần tưới nước một tuần 2,3 lần vào mùa khô. Còn với mùa mưa, tưới 2 lần/ tháng. Để lưỡi hổ ra hoa nên lưu ý lượng nước khi tưới cho cây. Tránh tưới nước quá thường xuyên dễ gây ngập úng cho cây.
 
Để cây trong ánh sáng nào?
 
Cây không cần ánh sáng mạnh, chúng sống tốt trong bóng râm, kể cả trong nhà. Nên cho cây ra phơi nắng nhẹ buổi sáng hoặc chiều muộn khoảng 2 đến 3 lần trong một tháng. Cây sẽ khỏe hơn, xanh hơn và chống được sâu bệnh.
 
Cần bón bao nhiêu phân?
 
Đối với lưỡi hổ Việt khi bón phân quá nhiều sẽ khiến cây phát triển rất nhanh, chúng lớn vượt tầm. Bởi thế tùy vào mục đích mỗi người mà sử dụng phân bón cho lưỡi hỗ ở mức độ khác nhau.
 
Đối với cây cảnh đẹp để bàn thì mình bón rất ít phân, vì muốn giữ mãi thân hình nhỏ nhắn của chúng sao cho phù hợp với bàn làm việc.

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của Lịch Ngày Tốt về CÂY LƯỠI HỔ PHONG THỦY cũng như hướng dẫn chi tiết cách trồng và chăm sóc cây... Mong rằng chúng hữu ích đối với bạn!

Tin cùng chuyên mục

X