- 1. Nên làm gì với những câu hỏi khó của trẻ?
- 2. Cách trả lời những câu hỏi khó của con
- 2.1 Con được sinh ra như thế nào?
- 2.2 Tại sao người lớn hay cãi nhau?
- 2.3 Tại sao việc đó mẹ được làm còn con thì không?
- 2.4 Sao mẹ đi làm không ở nhà chơi với con?
- 2.5 Lớn lên con muốn cưới bố/mẹ được không?
- 2.6 Mẹ yêu em hơn con phải không?
- 2.7 Chết là gì hả mẹ? Ai cũng phải chết sao?
- 2.8 Bác sĩ có làm con đau không?
- 2.9 Có quái vật dưới giường của con đúng không mẹ?
- 2.10 Mẹ không thương con nữa hả?
- 2.11 Tại sao bác kia béo thế ạ?
- 2.12 Tại sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ ấy ạ?
1. Nên làm gì với những câu hỏi khó của trẻ?
Hầu hết các bậc phụ huynh trốn tránh, không muốn trả lời những câu hỏi khó của con vì nghĩ rằng chúng không biết gì. Thế nhưng việc con hỏi lại là dấu hiệu cho thấy chúng đang tò mò về mọi thứ xung quanh mình và muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, đây là cơ hội để giao tiếp với trẻ.
Một tấm gương đáng học hỏi cho chúng ta đó là bà mẹ Trần Mỹ Linh - phụ nữ thành đạt người Hong Kong nuôi dưỡng thành công cả 3 đứa con vào học trường ĐH Stanford, Mỹ. Bà cho biết bất khi con hỏi vấn đề gì, cho dù bà đang nấu ăn cũng tắt lửa để lắng nghe và trả lời con.
Thực tế là ít ai làm được như bà mẹ ấy, thế nhưng lời khuyên cho chúng ta khi đối mặt với nhiều câu hỏi của con thì nên học cách trả lời phù hợp, không nên cố tình phớt lờ hay chọn cách trả lời đại khái cho xong câu hỏi của trẻ.
Những câu hỏi của trẻ liên tục và hỏi bất cứ lúc nào là một cơ chế hoàn toàn tự nhiên để trẻ lấy thông tin. Nếu những câu hỏi được trả lời một cách quan tâm, có hướng dẫn và có nội dung thì trẻ sẽ phát triển rất tốt về nhận thức. Sau 10 tuổi kỹ năng này sẽ giảm dần, chuyển sang giai đoạn tiếp thu.
Điều này có nghĩa là giai đoạn đặt câu hỏi của trẻ là nền tảng quan trọng cho những giai đoạn sau, nó giúp trẻ nhận thức, đánh giá về thế giới tốt hơn. Một đứa trẻ biết đặt câu hỏi từ nhỏ sẽ biết tìm tòi đọc sách, sẽ biết trình bày diễn thuyết tốt vấn đề.
Trước khi đến với những câu hỏi cụ thể mà con thường hỏi nhất, các mẹ nên nhớ quy tắc quan trọng khi trả lời câu hỏi của con đó là:
- Không nói: "Mày thì biết gì?" hay "Lớn rồi con sẽ biết" và tuyệt đối không nói dối bọn trẻ. Khi không biết câu trả lời hãy nói rằng mẹ/bố cũng không biết, để lát nữa mẹ/bố tìm hiểu cùng con nhé. Nói xong câu này bạn cũng phải giữ lời hứa với con.
- Tránh nói chuyện với con bằng những câu sai khiến, trịch thượng, quá nghiêm túc, hãy trò chuyện nhẹ nhàng, từ tốn với con.
- Nếu bé hỏi lúc bạn đang bận, như đang viết bài, đang nấu ăn, hoặc đang chơi game trên máy tính, bạn hãy dừng 5 phút để trả lời bé hoặc cho bé lời giải thích là “mẹ sẽ tìm câu trả lời của con sau khi mẹ xong việc nhé”.
- Không trả lời một câu không có nội dung hoặc phớt lờ câu trả lời của trẻ. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng cần trả lời nghiêm túc nhưng cần phải truyền tải thông điệp nào đó cho con.
- Đừng cười nhạo cho dù câu hỏi của chúng có ngớ ngẩn thế nào đi chăng nữa. Hãy thể hiện sự tôn trọng trẻ.
2. Cách trả lời những câu hỏi khó của con
2.1 Con được sinh ra như thế nào?
Quả là khó khăn khi đề cập tới việc có vẻ nhạy cảm này với trẻ nhỏ. Thế nhưng chúng ta vẫn thể hiện sự trung thực cộng chút hài hước khi giải thích cho con, không nên nói dối và cũng không nên trốn tránh.
Bạn có thể nói: "Con là kết quả của tình yêu của bố và mẹ. Bố mẹ kết hợp với nhau để sinh ra con. Lúc đầu, con còn nhỏ xíu trong bụng mẹ, cứ thế con lớn dần lên trong đó, cho tới khi bụng mẹ không còn đủ chỗ cho con nữa, con muốn ra ngoài. Thế là từ đó con sống bên bố mẹ".
Khi con lớn và hiểu biết nhiều hơn, nếu con hỏi lại câu này, chúng ta có thể giải thích cụ thể hơn về nguyên tắc hoạt động của trứng và tinh trùng.
2.2 Tại sao người lớn hay cãi nhau?
Nếu con hỏi: "Tại sao người lớn hay cãi nhau?" có thể lúc đó bạn không giải thích cho con ngay được nhưng hãy dành một thời gian khác và nói cho trẻ biết rằng việc tranh cãi của bố mẹ chỉ là do ý kiến bất đồng, không phải bắt nguồn từ lỗi của chúng.
2.3 Tại sao việc đó mẹ được làm còn con thì không?
Chắc chắn các ông bố/bà mẹ cảm thấy ngượng ngùng khi bản thân vừa có hành động không đúng trước mặt con. Thế nên khi con hỏi câu này đừng ngại thừa nhận sai sót của mình và khuyên con không nên phạm sai lầm như thế.
Ví dụ như đứa trẻ thắc mắc rằng tại sao bố hút thuốc, uống rượu. Bố có thể nói: "Đúng là bố đã hút thuốc, uống rượu, bố cũng đang cố gắng sửa sai. Bố không muốn con lặp lại các sai lầm của bố… Đây là những thói quen xấu và bố đang muốn từ bỏ".
2.4 Sao mẹ đi làm không ở nhà chơi với con?
"Mẹ cũng muốn ở nhà với con nhưng vẫn phải đi làm vì công việc rất quan trọng với tất cả chúng ta. Chiều mẹ sẽ về và chúng ta lại chơi đùa cùng nhau. Vì thế con ở nhà chơi ngoan đợi mẹ về nhé".
2.5 Lớn lên con muốn cưới bố/mẹ được không?
Khi con tỏ mong muốn lấy bố/mẹ khi lớn lên, bạn hãy ôn tồn nói với con rằng: "Không được đâu con. Mỗi người trong gia đình đều có vai trò riêng, bố và mẹ có vai trò của mình, và con cũng có vai trò của riêng mình, không ai giống ai. Sau này con lớn lên con kết hôn với người khác, con vẫn có thể yêu thương, chăm sóc cho mẹ, việc này giống như bố lấy mẹ, yêu mẹ nhưng không quên chăm sóc bà nội vậy".
2.6 Mẹ yêu em hơn con phải không?
Anh chị em luôn tranh giành tình yêu thương từ bố mẹ cho dù khi đi ra ngoài đứa lớn vẫn hay bảo vệ đứa nhỏ. Thế nên trong sinh hoạt hàng ngày, không nên so sánh các con với nhau, cũng không nên bắt đứa lớn nhường đứa nhỏ kẻo chúng ghét nhau.
2.7 Chết là gì hả mẹ? Ai cũng phải chết sao?
Có thể một con vật chết hoặc trong nhà có người thân qua đời sẽ là lý do để con tò mò về sự sống và cái chết, về sự tồn tại của thế giới.
Hầu hết các phụ huynh trốn tránh câu hỏi về cái chết vì nghĩ rằng giải thích thì chúng cũng không hiểu gì. Thế nhưng hãy cho chúng biết sự thật, vui vẻ trả lời con theo các hình ảnh gần gũi nhất.
Ví dụ: "Con yêu, từ con người, con vật, cho tới cây cối sẽ có lúc phải chết đi, đấy là quy luật của tự nhiên, cái này chết nghĩa là mất đi để cái khác được xuất hiện. Như mẹ hay bố cũng sẽ già đi, trong khi đó con trưởng thành, lớn lên, có gia đình, lúc đó mẹ lớn tuổi hơn, đúng thời điểm mẹ cũng sẽ ra đi.
Nhưng đừng lo lắng, cho đến tận lúc đó xảy ra, cả mẹ và con vẫn còn nhiều năm để vui chơi, để tận hưởng và khám phá cuộc sống này".
2.8 Bác sĩ có làm con đau không?
Nếu trẻ lo lắng việc bác sĩ có làm mình đau hay không, hãy giải thích cho trẻ rằng bác sĩ sẽ giúp chúng khỏe mạnh.
2.9 Có quái vật dưới giường của con đúng không mẹ?
Mẹ có thể nói: "Con thử kể cho mẹ nghe về con quái vật mình đã nhìn thấy xem nào. Quái vật sợ phép thuật, con hãy dùng chiếc điều khiển tivi này, khi nó xuất hiện con ấn nút chúng sẽ biến mất, hãy để điều khiển vào cạnh giường của con nhé. Những em bé ngoan sẽ biết cách tự lập ngủ một mình. Bố mẹ sẽ luôn bên con mà".
Dạy con quản lý tài chính như thế nào, vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt, bao nhiêu tuổi thì cho con biết về tiền... là những câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh
2.10 Mẹ không thương con nữa hả?
Lúc đó, bố mẹ nên giải thích một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc để trẻ biết được cái sai của mình nhưng tình yêu cha mẹ dành cho trẻ là không thay đổi.
Ví dụ, mẹ có thể trả lời con: "Vì sao con lại nghĩ như vậy? Mẹ rất thương con. Nhưng con phạm lỗi thì không được tái phạm nữa, nếu không sẽ trở thành đứa trẻ hư. Cha mẹ luôn yêu thương con nên mới chỉ ra lỗi sai cho con, để con trở nên tốt hơn. Không phải con sai là mẹ không thương con đâu. Con là con nên cha mẹ luôn yêu con".
2.11 Tại sao bác kia béo thế ạ?
Bắt trẻ im mà chưa giải thích được cho chúng sẽ khiến chúng chống đối, nhấn mạnh thêm: "Con thấy vậy mà, con có làm gì sai đâu".
Bạn có thể trả lời trẻ: "Mọi người đều khác nhau, ngoại hình cũng không giống nhau, có người cao, thấp, béo và gầy, da đen, da trắng, da vàng,.. Con cũng không giống với rất nhiều người xung quanh mình, thế nên không nên nhận xét ngoại hình người khác, càng không nên chỉ tay vào họ và hét lên sẽ làm người ta buồn và bị tổn thương. Con nên nói cho mẹ biết khi chúng ta về nhà để không làm họ buồn".
2.12 Tại sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ ấy ạ?
Câu trả lời bố/mẹ có thể tham khảo: "Con trai và con gái khác nhau vì khác biệt giới tính. Con trai có dương vật và hai tinh hoàn. Con gái có âm đạo và tử cung. Khi lớn lên, con trai và con gái yêu nhau, kết hôn và kết nối với nhau giống như hai miếng ghép, và sinh con một đứa bé giống con ra đời, họ cùng tạo nên một tổ ấm mới".