Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tiểu phú do nhân, đại phú do Thiên: Muốn sang chảnh thì khó nhưng no đủ là hoàn toàn trong tầm tay!

Thứ Hai, 11/10/2021 10:36 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng ta vì vốn không hiểu: Tiểu phú do nhân, đại phú do Thiên cho nên mới mải miết đi tìm hư vinh, nỗ lực không đúng chỗ, không biết đủ nên cứ mãi luẩn quẩn trong sự nghèo khó và buồn bực.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Tiểu phú do nhân, đại phú do Thiên


Người xưa có câu: "Tiểu phú do nhân, đại phú do Thiên" hoặc có người lại nói "Đại phú nhờ vào mệnh, tiểu phú nhờ vào cần".

Nhưng tất cả chúng đều mang ý nghĩa rằng một người có thể trở thành đại phú đại quý hay không là do Ông Trời đã định, chúng ta không có cách nào để thay đổi được. Trong khi đó, một người muốn trở thành tiểu phú - người có cuộc sống khá giả thì cần phải có nỗ lực cá nhân, cần kiệm mà thành.

Hay tạm hiểu rằng, trong mệnh mình có cái gì thì dù hiện tại chưa như ý nhưng sau này mình cũng sẽ được hưởng mà thôi, ngược lại, trong mệnh không có thì dù có cưỡng cầu cũng không ích gì.
 
Ví như ai có số trung lưu, do có phước tích từ kiếp trước nên dù thế nào cũng không đến nỗi nghèo đói. Nếu họ gặp vấn đề sẽ có quý nhân giúp đỡ, tuy nhiên, bản thân dù cố gắng hết sức thì cũng ở mức no đủ, không lên đến đại phú.

Còn số nghèo thì có thể dùng ý chí để cải thiện số mệnh, nhưng khi cố gắng thì hay gặp trắc trở không thuận lợi như những người khác, cứ hay lận đận, mà không làm thì không trông chờ được có nhiều sự giúp đỡ, cố gắng hết sức thì cũng dừng ở mức tiểu phú.

Còn người nào số đại phú, họ thường được đưa tới những cơ hội để không ngừng vươn lên, tiền bạc cứ thể đổ về, họ muốn ngừng làm việc cũng không được.

Thế nên thông qua câu nói này, người xưa muốn răn dạy chúng ta rằng hiện tại của ta dù thế nào cũng không quá quan trọng, chưa giàu thì đừng buồn sầu mà đang sung sướng cũng đừng vội kiêu căng. Dù bạn là ai cũng cứ sống cần kiệm, liêm chính, cứ làm tốt việc của mình là đủ rồi. Cái gì là của mình rồi sẽ đến.
 
Câu nói trên rất đề cao việc chúng ta sống cần kiệm nhằm đảm bảo cuộc sống an vui, tránh xa nghèo khó nhưng cũng phải biết đủ. Trang Tử dạy ta phải biết đủ để tâm thôi mệt mỏi vì thậm chí trường sinh bất lão hay của cải chất đầy có khi là vô nghĩa.

Cũng đừng mong làm giàu nhanh chóng vì phước đức của ta cũng chỉ nằm trong một giới hạn nào đó. Trong “Lễ ký”, Khổng Tử viết: “Dục vọng bất khả phóng túng.” (Dục vọng, ham muốn không thể phóng túng) cũng là để khuyên mọi người sống biết đủ, chớ đuổi theo những dục vọng đời thường mà tự đẩy mình vào hoạn nạn.

Nhìn xa hơn về lịch sử nhân loại, những quốc gia hưng thịnh đều là biết cần kiệm, còn suy vong đều là vì hoang phí, không biết nghĩ cho tương lai. Người phóng túng dục vọng sẽ gặp nguy, người tiết chế dục vọng sẽ an.
 
Do đó xem người đứng đầu một gia đình, một đất nước nếu họ không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế thì sẽ khó đảm bảo cho dòng tộc, quốc gia đó được hưng thịnh. Còn một quốc gia suy vong thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng.

Người cần kiệm tiết chế dục vọng, người xa xỉ phóng túng dục vọng. Cần kiệm, kiềm chế lòng tham là một loại mỹ đức. Điều này đối với tu thân, tề gia, trị quốc là điều kiện tất yếu cần có. 
 
Không chỉ là cá nhân mà còn đối với một đất nước mà nói, để sinh tồn và phát triển tất yếu phải tiết kiệm. Đây mới là con đường sung túc lâu dài.
 
Tieu phu do nhan, dai phu do Thien

 Người xưa răn dạy: Tiểu phú do nhân cũng là muốn con cháu sống cần kiệm

2. Giàu sang phú quý là do vận mệnh


Người xưa đã trải qua cả đời người để đúc rút kinh nghiệm truyền lại cho ta, họ lại càng hiểu rõ tài vận của đời người là đến từ đâu nên mới nhận định việc giàu sang phú quý không đơn giản đến từ nỗ lực hiện tại mà thành.

Nghe tới từ "mệnh" ta hay nghĩ đó là do Trời ban, thế nên mới có câu “Sống chết có số, phú quý do Trời”, “Trong mệnh chỉ có tám phần đấu gạo thì dù có đi khắp thiên hạ cũng không thể làm đầy được cả đấu“.

Theo đó, ta tin rằng ai cũng có mệnh của mình, và vận mệnh của mỗi người là khác nhau. Mạnh Tử từng nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc chi trí nhi chí giả, mệnh dã". (Tạm dịch: Việc mình không có ý làm, mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy.)

Nói là Trời định cũng là để hình dung rằng việc này khó thay đổi, mọi thứ diễn ra theo tự nhiên, ta không thể tác động. Thực ra, bản chất của mệnh lại là do chính chúng ta tạo ra từ muôn kiếp trước, ngàn đời trước mà ta chẳng thể nào nhớ nổi, đó chính là NHÂN kết chằng chịt từ kiếp này sang kiếp khác, tạo thành QUẢ chắc chắn, khó lay chuyển, thay đổi ở trong kiếp này.

Vì thế, nếu ta có cố gắng đi ngược lại, trở nên tham lam, vơ vét của cải của mọi người về mình, sẵn lòng hại người, bất chấp luân thường đạo lý để khiến bản thân giàu có thì đó cũng là thứ tạm bợ. Nếu có đạt được thì sẽ có lúc gặp họa và tiền bạc tiêu tan hết.

Người xưa tin rằng, toàn bộ tài sản của con người có được trong cuộc đời này là vì phúc báo mà có, chúng cũng là đã được định sẵn từ trước. Một người có nhiều của cải, hơn nữa phải có đức hạnh thì của cải ấy mới được lâu dài.

Thực tế là những ai giàu trong một đêm thì người đó không thấy tiếc tiền khi mua sắm so với tiền do sức lao động của mình làm ra. Họ có vung tiền cho bất cứ việc gì cũng không thấy xót xa, những đồng tiền ấy nhanh đến và nhanh đi. Điển hình nhất đó là nhiều người trúng số độc đắc, nhưng không hạnh phúc, ngược lại cuộc sống lại trở nên tồi tệ hơn. Bởi vì cuộc sống không có đường tắt, hạnh phúc phải được vun đắp từng bước mới thành.

Nên hiểu rằng bản thân chỉ bê được hòn đá 5kg nhưng tham lam muốn bê tới 20kg thì cẩn thận nó rơi gãy chân, cuối cùng chỉ vì không biết lượng sức mà tự gây tai ương cho mình, muốn tham lam, trục lợi, ắt hẳn chẳng thể dài lâu.

Đúng là nghị lực cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện vận mệnh nhưng thực ra trong phạm vi một kiếp thì cũng cải thiện ở một mức độ nhất định, khó có thể vượt quá ngưỡng. Tuy nhiên, người nào lúc đầu có nhiều phước về tiền bạc cũng đừng vì thế mà chủ quan, nếu trở nên lười nhác, không lo làm ăn, không làm mà có ăn thì tiêu hao hết phước lúc nào không hay, cuối đời nghèo khó, cô độc.

3. Biết tiết kiệm cuộc sống ắt no đủ

Luoi nhac thi khong bao gio thoat ngheo
 
 
Muốn đại phú thì phụ thuộc vào mệnh, vậy chẳng lẽ sinh ra trong nghèo khổ thì ta cứ buông xuôi vì không thể làm giàu được?

Không phải vì nhìn thấy hy vọng mới kiên trì, mà là vì kiên trì nên mới nhìn thấy hy vọng. Hoa sen ngày thứ 29 mới bung cánh được một nửa, nhưng ngày thứ 30 lại nở rộ đầy đầm. Dù sao mỗi chúng ta đang trong hoàn cảnh nào cũng cần nỗ lực, dù không đại phú thì ta tiểu phú cũng là may mắn lắm rồi.

Chỉ tiếc cho những người không nỗ lực tới cùng như người không đủ kiên nhẫn để ngắm những bông hoa sen. Họ vội dừng lại ở ngày thứ 29 và bỏ cuộc nên không thấy nó nở rộ ở ngày 30. Thành công tưởng như xa xôi vô vọng, kỳ thực chỉ cần sải một bước chân cuối cùng mà thôi. 
 
Người nghèo nếu như cố gắng cần kiệm, khắc chế tham dục, làm nhiều việc thiện thì cuộc sống cũng sẽ đổi khác, được tôn trọng và đặt định tương lai tốt đẹp cho bản thân mình.

Cách thay đổi vận mệnh của người xưa đó là tập trung tích phước. Để có cuộc sống vương giả thì khó, cần có phước đức nhiều đời tích lũy không ngừng, chỉ một đời không thay đổi được nhiều. Thế nhưng, để thoát khổ, vươn lên vị trí của người trung lưu lại dễ dàng hơn, là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của hầu hết chúng ta.

Để cuộc sống khá giả, chỉ có hai con đường, thứ nhất là mở rộng tài nguyên, thứ hai là tiết chế nguồn lực. Và điều quan trọng nhất đó là cần TIẾT KIỆM vì cần kiệm có thể mở rộng tài nguyên, tiết kiệm có thể tiết chế nguồn lực.

Mỗi cá nhân chỉ cần chăm chỉ làm lụng thì dù nhiều dù ít, chắc chắn cũng sẽ kiếm được tiền, đảm bảo cuộc sống. Tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được (cũng chính là không sử dụng hết phước đức mình tạo ra) thì lâu dần tích tiểu thành đại, cuộc sống sẽ no đủ. 

Nhất thời ta có thể nghèo khó, nhưng sẽ không vĩnh viễn nghèo khó. Cứ chăm chỉ làm tròn phận sự, nỗ lực làm tốt mỗi việc mình đảm trách, năng lực sẽ không ngừng đề cao lên, dần gọt giũa bản thân thông qua lao động hăng say.

Một tấm gương mà chúng ta có thể thấy đó là Gia Cát Lượng cho đến chết cũng cần kiệm, những quý tộc thời ông qua đời thường chôn theo vàng bạc, đá quý nhưng trong phần mộ của ông chỉ có cỗ quan tài, quần áo ông mặc thường ngày.
 
Khi còn sống, Gia Cát Lượng đã để lại cho con trai ông là Gia Cát Chiêm một bức thư dạy con rằng phải lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức, sống đạm bạc để trí tuệ được khai thông, ý chí được rèn giũa. Câu nói: "Lấy tĩnh tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức" cho đến nay vẫn là danh ngôn quý giá được người đời truyền lại cho muôn đời sau. 
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X