Thứ Sáu, 13/01/2023 17:29 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy sớm xây dựng mục tiêu tiền bạc trong năm mới để bạn vừa tiết kiệm vừa có được cuộc sống như ý, lại có động lực để chăm chỉ, gia tăng tài sản trong tương lai.
Đầu năm, ai cũng có ước mơ giàu có, sung túc nhưng sẽ không thực tế nếu chúng ta không lên kế hoạch một cách chi tiết hơn để có thể an tâm tập trung hành động để hoàn thành mục tiêu.
Thời gian đầu năm thường là lúc phù hợp nhất để chúng ta lên kế hoạch chi tiêu cho cả năm sắp tới. Đó là lúc lý tưởng để xác định mục tiêu tiền bạc trong năm mới, giúp chúng ta đi đúng hướng, tránh lãng phí thời gian, công sức của mình.
1. Có kế hoạch tài chính ngay khi bạn ít tiền
Đợi có tiền nhiều mới tiết kiệm, đợi có nhiều tiền mới có thể lên kế hoạch về tiền bạc,... là những quan niệm sai lầm của hầu hết mọi người. Thực tế là ngay cả khi trong túi chỉ có một chút tiền cũng phải biết một phần để tiết kiệm, một phần để chi tiêu.
Chúng ta cần có ý thức trong việc xây dựng kế hoạch tiền bạc cho mình phù hợp trong từng năm để có cái nhìn rõ ràng về việc điều gì mình cần làm, điều gì cần tập trung nhất để có thể đạt được số tiền mong muốn. Nếu không bạn sẽ trở thành người nói nhưng không làm vì thấy cái gì cũng khó thực hiện hoặc làm nửa với, cuối năm nào cũng không hoàn thành được mục tiêu.
Ngoài ra, khi không biết dùng tiền tiết kiệm để làm gì thì bạn sẽ cảm thấy không có động lực để dành dụm tiền mỗi tháng. Nếu có việc là ngay lập tức bạn dùng chúng mua sắm ngay. Vì thế, việc tập trung lên kế hoạch tài chính cho cả năm rất quan trọng, nó cho bạn thấy bức tranh toàn cảnh trước khi đi vào chi tiết để biết bản thân cần làm gì để cải thiện tình hình hiện tại.
Mục tiêu cơ bản của việc quản lý tài chính cá nhân là có thói quen ý thức hơn về khoản tiền bạn đang sở hữu và biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan nhất có thể. Vì thế dù số tiền là ít hay nhiều đều có thể phát huy sức mạnh của chúng.
|
Những mục tiêu tiền bạc trong năm mới |
2. Ước lượng các khoản chi trong năm
Trước khi muốn xây dựng mục tiêu tiền bạc trong năm mới khả thi nhất có thể thì đòi hỏi bạn phải nhìn lại năm cũ, đánh giá lại các khoản tiền đã sử dụng trong năm vừa qua.
Thời gian đầu năm bạn có thể ngồi lại ước lượng những khoản chi thường có mỗi tháng như tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền mua nhà, nợ gốc và lãi, phí bảo hiểm, hóa đơn điện, nước, đi lại, giải trí, học phí của các con...
Bạn cần ghi lại cụ thể từng khoản, cố gắng liệt kê đầy đủ nhất có thể, từ đó bạn sẽ dễ dàng biết mình đang chi tiêu quá tay cho những món nào và rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong các tháng tiếp theo của năm mới. Bạn cần trung thực với bản thân để xem khoản nào là không cần thiết, có thể giảm bớt hoặc thay thế bằng cách nào khác cho tiết kiệm hơn không.
Ngoài ra, còn có các khoản như đi thăm người bệnh, đám cưới, sinh nhật, đám hiếu,... tuy không thể viết ra chi tiết được nhưng bạn cũng nên áng chừng một khoản nào đó để dự phòng. Việc có khoản dự phòng sẽ phòng tránh việc cần gấp lại dùng tiền tiết kiệm của mình.
Việc có kế hoạch trước sẽ giúp đảm bảo tình hình tài chính luôn được duy trì ở mức ổn định. Một kế hoạch chi tiêu tốt có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng “rò rỉ chi tiêu”.
Ví dụ như các khoản như phí rút tiền từ ATM hoặc phí dịch vụ hàng tháng nếu cộng lại cũng có thể tiêu tốn của bạn kha khá tiền trong một năm. Như thế bạn có thể cắt luôn một số thẻ không cần thiết.
Tránh mua nhiều đồ giá rẻ mà không dùng đến. Ví dụ mỗi khi muốn mua đồ giảm giá, hãy suy nghĩ trong một ngày đã. Thường thì tâm lý hào hứng muốn mua ban đầu sẽ dần biến mất. Cách này rất hiệu quả để tiết kiệm tiền.
Nhìn chung, khi bạn phân biệt được chi phí cần thiết so với chi phí theo sở thích, từ đó cố gắng chia phần trăm tỷ lệ cao hơn cho những ưu tiên quan trọng hơn. Nhờ vậy, những quyết định trong tương lai có liên quan mật thiết tới tiền bạc cũng dễ dàng được xử lý.
Hãy thực sự nghiêm khắc để xóa bỏ khoản chi nào không cần thiết, lãng phí và nằm ngoài mục tiêu của bản kế hoạch tài chính. Ví dụ như nếu khoản tiền dành cho việc giải trí quá nhiều thì cắt giảm bớt đi, ngược lại, nếu chưa có khoản này thì nên cho thêm vào.
3. Ước lượng thu nhập trong năm
Sau khi liệt kê các khoản chi thường xuyên kể trên bạn tiếp tục ghi lại những thứ bạn có thể làm để gia tăng thu nhập trong tương lai. Đã đến lúc bạn đánh giá lại năng lực của mình để tìm ra đâu là điểm mạnh của mình để có thể phát huy nó trong năm mới.
Hầu hết, chúng ta có 3 nguồn thu chính bao gồm:
- Công việc chính: Các khoản lương, thưởng, làm thêm ngoài giờ, các khoản thưởng Tết, tiền hoa hồng, học bổng, chi phí được hỗ trợ từ các cộng đồng,... trong năm dự kiến là bao nhiêu.
- Việc phụ: Kế hoạch tài chính của bạn có thể bao gồm việc bắt đầu một công việc kinh doanh tại nhà, hoặc làm nghề tay trái dựa vào chính các sở thích hoặc điểm mạnh của bạn.
- Đầu tư: Đầu tư là hoạt động có thể khiến những khoản tiền nhàn rỗi của bạn tiếp tục sinh sôi. Thường xuyên theo dõi các thông tin và đánh giá cẩn thận để biết năm nay nên đầu tư vào đâu, như cổ phiếu, vàng, hay nhà đất, tiền ảo…
Một bước quan trọng của bạn nên làm nữa đó là so sánh thu nhập và chi phí: dựa trên tổng số tiền thu nhập và tổng số tiền cần chi tiêu để so sánh và nhận định tình trạng thu - chi có cân đối không.
Việc so sánh giúp bạn thực tế hơn với hiện trạng tài chính của bản thân và gia đình. Nhờ thế mà bạn sẽ bớt mơ mộng làm giàu khi mà khoản chi nhiều hơn cả khoản thu. Từ đó bạn mới có thể xác định chiến lược cho các kế hoạch: trong trường hợp các khoản cần chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập, bạn sẽ cần phải xác định chiến lược và giải pháp để cân đối thu - chi.
Theo đó, bạn có thể suy nghĩ đến những cách để tăng thu nhập hoặc giảm bớt chi phí, thậm chí là kết hợp cả hai phương pháp này. Còn nếu có kế hoạch làm giàu thì bạn cũng cần phải có mục tiêu rõ ràng hơn để làm sao khoản thu luôn lớn hơn rất nhiều khoản chi phí ở trên.
Việc để trở nên giàu có không dễ dàng gì với tất cả chúng ta vì thế bạn phải kiên trì thực hiện và không ngừng tìm cách để khai thác các khả năng tiềm ần của bản thân và biến chúng thành tiền bạc, mang lại cuộc sống sung túc cho bản thân và gia đình.
4. Đặt ra các mục tiêu cụ thể
Nhờ viết ra các khoản thu - chi trong một năm bạn cũng biết được số tiền tổi thiếu và tối đa có thể tiết kiệm là bao nhiêu, từ đó xây dựng mục tiêu khả thi cho bản thân và gia đình.
Trước hết bạn xác định lại xem cách kiếm tiền trước đây của mình có thực sự hiệu quả hay không, nếu tốt thì nên tiếp tục phát huy và cải thiện thêm ở những nguồn thu cũ.
Bên cạnh đó, bắt đầu tìm cách mở rộng cách kiếm tiền mới trong khả năng của mình. Xét xem bản thân có khả năng gì có thể kiếm được tiền mà bao lâu nay bạn đã lãng quên mất chúng. Có thể bắt tay thực hiện từng bước nhỏ một hoặc hỏi xin làm công việc phụ trong thời gian rảnh rỗi.
Ngoài ra, nếu cảm thấy chưa có đột phá với cách thức cũ thì bên cạnh số tiền đảm bảo cho cuộc sống an toàn thì bạn cũng nên bắt đầu tìm cách thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Ví dụ như cải thiện kỹ năng cần thiết để "nhảy việc" sang một việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn, học hỏi được nhiều hơn.
Hơn nữa, nếu cách thức kiếm tiền cũ khiến bạn mãi loay hoay trong sự luẩn quẩn mà không thoát ra được thì nên năng động hơn, thử áp dụng hướng kiếm tiền mới xem sao. Đừng ngại thử thách, có thể ban đầu bạn đi sai hướng nhưng sau một thời gian bạn sẽ tìm ra con đường riêng của mình trong việc gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng đó là bạn cần phải hiểu bản thân, từ đó ưu tiên cho những hướng hành động phù hợp với sở thích và sở trường của bản thân bạn.
Một trong những lý do khiến
kế hoạch tiền bạc thất bại đó là không có mục tiêu rõ ràng. Nếu có mục tiêu mua nhà mới cũng phải cụ thể hóa, đừng lo sợ rằng mình không thể làm nổi mà phớt lờ, trốn tránh mục tiêu này.
- Mục tiêu về nhu cầu sống: Năm nay bạn muốn đi đâu du lịch, tận hưởng những thú vui giải trí gì, mua sắm thiết bị tiện ích gì. Số tiền dành cho các khoản này cũng cần được nghĩ đến.
- Mục tiêu về hưu: Đừng đợi tới khi lớn tuổi, không còn sức lao động mới nhận ra rằng mình không có chút tiền tiết kiệm nào. Hãy lên kế hoạch cho khoản tiền về hưu càng sớm càng tốt. Hầu hết các lời khuyên của các chuyên gia là 10 đến 15% thu nhập, nhưng điều này còn phụ thuộc vào thu nhập và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người.
- Mục tiêu về học hành: Năm nay bạn sẽ gửi con đến trường nào, cho con học thêm gì. Không được để lẫn lộn khoản dành cho hưu trí với khoản tiết kiệm dành cho con cái lúc học đại học. Không phải đứa trẻ nào cũng đủ khả năng dành một khoản học bổng để đỡ tiền cho cha mẹ.
Hãy chia mục tiêu thành các mục nhỏ hơn, có những mục tiêu ngắn hạn, dễ thực hiện hơn như mua điện thoại, máy tính mới, sau đó là các mục tiêu xa hơn như mua xe, nhà. Với các mục tiêu dài hạn, cần có khung thời gian ngắn hạn, dài hạn để hoàn thành từng phần mục tiêu.
Tuy nhiên, nhớ rằng bạn kế hoạch này là mục tiêu, ngay cả khi bạn đã nghiên cứu kỹ các thông tin trước đó, các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch của bạn vẫn hoàn toàn có thể thay đổi.