Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

5 nguyên nhân hàng đầu về tiền bạc gây ra mâu thuẫn vợ chồng

Thứ Tư, 23/11/2022 09:28 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Vợ chồng mâu thuẫn về tiền bạc là điều thường thấy ở rất nhiều gia đình hiện đại nhưng ta vẫn xem nhẹ và cố tình lảng tránh khiến vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng tới mức không thể cứu vãn nổi.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Chuyện tiền bạc thường là nguyên nhân hàng đầu gây ra những rắc rối trong hôn nhân. Nó là vấn đề nhạy cảm nên hầu hết chúng ta tìm cách trốn tránh hoặc không muốn nói đến.
 
Một khảo sát liên quan đến việc chi tiêu trong gia đình đã chỉ ra rằng có tới 1/3 các cặp vợ chồng cho rằng tiền chính là yếu tố chính gây ra những mâu thuẫn. Vì thế, nên nhận diện rõ đâu là nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn về tiền bạc từ đó tìm cách phòng ngừa càng sớm càng tốt.
 
vo chong mau thuan ve tien bac

Cẩn thận khi vợ chồng mâu thuẫn về tiền bạc

1. Tiền ai nấy tiêu

 
Ngày nay nhiều gia đình chọn phương án tiền ai nấy tiêu: chồng giữ tiền riêng, vợ cũng giữ tiền riêng cho mình. Sau đó, họ chia ra ai trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền học phí cho con,...

Việc này được rất nhiều cặp vợ chồng hiện đại sử dụng với cái "mác" là công bằng nhưng trong quá trình thực hiện họ vẫn cảm thấy không vui, không hài lòng và không ít mâu thuẫn xảy ra từ đây. 
 
Có thể thấy việc tiền ai nấy tiêu khiến cho việc cùng nhau quản lý tài chính, tôn trọng các mục tiêu chung khó khăn hơn. Ví dụ như khoản nào để cùng mua nhà, mua xe? Hay tiền nào hỗ trợ bố mẹ, anh em hoặc đâu là khoản chi cho bố mẹ đi nghỉ mát, du lịch cùng gia đình?...
 
Hoặc việc gia đình mỗi bên trợ giúp cho vợ chồng với điều kiện khác nhau cũng dễ gây ra sự so sánh bên nội, bên ngoại và từ đó gây ra những mâu thuẫn. 
  
Giải pháp: Một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch tiền bạc thất bại là vì thiếu đi sự thống nhất giữa vợ và chồng. Vì thế, nếu là tiền trước hôn nhân thì có thể không tính đến, nhưng sau khi kết hôn hai người nên cân nhắc, bàn bạc kỹ về chuyện tiền nong, thậm chí nếu cần thì cả hai cùng tham gia các khóa học liên quan đến việc hoạch địch tài chính cho gia đình.

Thực tế ai cũng có thể nhận ra rằng việc tiền ai nấy tiêu cho thấy sự phân chia trong ngân sách, tiền bị chia nhỏ ra, phá vỡ sức mạnh liên kết trong tài chính gia đình. Trong khi đó, nếu gộp số tiền của cả hai lại là cách tuyệt vời để tăng gấp đôi thu nhập, dễ đạt mục tiêu mua nhà, mua xe hơn. 

Cách tốt nhất là hai tìm được giải pháp để có thể "quy về một mối" một cách hợp lý sẽ có thể hòa hợp với các mục tiêu của gia đình, bạn có thể đạt được chúng nhanh hơn gấp nhiều lần so với thời điểm độc thân.

Để tránh việc một người giữ tiền nhưng không giỏi chi tiêu có thể gây ra thất thoát thì hai người nên có tài khoản chung. Hãy để dành ra một tài khoản để cả hai cùng chuyển tiền vào đó, xác định rõ số tiền tiêu mỗi tháng.

Có tài khoản chung thì cả hai cũng dễ dàng biết có những khoản tiền nào ra vào, mọi thứ cũng trở nên minh bạch hơn. Bên cạnh đó, để có sự tự do nhất định thì giới hạn số tiền hợp lý mà mỗi người có thể dùng không cần hỏi ý kiến. 
 
Thế nhưng, nếu cả hai vẫn không thể gộp được thì hai người nên có những buổi nói chuyện với nhau để bàn bạc về việc làm gì khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Khi một trong hai nguồn tiền bị mất hoặc gián đoạn do thất nghiệp thì nên xử lý sẽ như thế nào. 
 
Nếu thu nhập hai người chênh lệch hoặc có khoản dư lớn, hai bạn nên đề ra mức đóng góp phù hợp vào quỹ chung. Số tiền này đảm bảo hoàn thành tất cả nhu cầu thiết yếu và mục tiêu chung của gia đình. Số tiền còn lại của mỗi người được tự do chi tiêu cho các dự án cá nhân. 
 

2. Các khoản nợ 

 
Không phải ai cũng thành thật với các khoản nợ của mình trước hôn nhân và thậm chí là sau hôn nhân. Thực ra, những khoản nợ có trước thời điểm đăng ký kết hôn sẽ được tính riêng cho vợ/chồng bạn. Khoản này bạn chỉ có thể hỗ trợ trong khả năng của mình mà thôi, đừng quá áp lực cho mình về việc này khiến cả hai căng thẳng thêm.

Bên cạnh đó, nếu vợ hoặc chồng có nhiều khoản nợ hơn người còn lại, sự xung đột cũng có thể xảy ra. Điều này khó tránh khỏi khi gia đình bị áp lực tiền bạc kéo dài và không có giải pháp rõ ràng. 
 
Giải pháp: Hai người phải thắng thắn với nhau về những khoản nợ đang có. Tránh giấu giếm, bớt xén thu nhập, các khoản cho vay hay nợ nần vì điều này có thể gây nên những bất hòa lớn ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và kế hoạch tài chính sẽ bị đảo lộn, kinh tế gia đình mất cân bằng.

Lúc này tránh việc chỉ trích, chê bai ai đó tồi tệ vì những quyết định thiếu khôn ngoan liên quan đến tiền bạc của họ. Nếu muốn biết rõ sự thật, hãy thảo luận một cách trung thực với bạn đời, đồng thời không phán xét những khoản chi tiêu hoang phí hay thói quen xấu về tiền bạc. 

Khi nắm bắt được tình hình hiện tại có thể giúp hai người quyết định được nên làm như thế nào với các khoản nợ đó.
 
Gia đình bạn cũng nên hạch toán các khoản nợ và áp dụng một số chiến lược hoàn trả nợ phổ biến như trả hết nợ lãi suất cao trước hoặc trả các khoản vay nhỏ trước.
 

3. Khác biệt về thái độ với tiền bạc

 
Trước khi kết hôn, mỗi người sống trong một gia đình có văn hóa tiêu dùng khác nhau nên thái độ với tiền của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Ví dụ như vợ có "khẩu vị" rủi ro cao trong khi chồng lại thích an toàn, ổn định cũng có thể là nguyên nhân hai người cãi cọ thường xuyên.

Hoặc vợ là người sống tiết kiệm còn chồng thì hoang phí, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Khi đó vợ muốn kiểm soát chồng khiến cả hai đều cảm thấy khó chịu về nhau. Mỗi khi cần ra quyết định tiền bạc từ khoản lớn cho tới khoản nhỏ đều rất khó thống nhất.

Giải pháp: Thay vì chỉ trích hay tức giận, cả hai nên cùng thảo luận về những khác biệt này một cách cởi mở. Hãy hiểu cho thói quen của nhau và biết rằng không thể thay đổi tình hình trong một sớm một chiều. Hai người cần tin tưởng lẫn nhau và có tiếng nói chung trong vấn đề này. 

Từ đó có những phương án giải quyết phù hợp theo từng bước nhỏ một. Điều này không có nghĩa là người này phải làm theo ý của người kia mà nên có một hướng hợp lý như người tiêu hoang thì được giới hạn trong một khoản vừa phải, người tiết kiệm thì có thể nới rộng chi tiêu của mình một chút khi cần.
Cổ nhân tiết lộ: Người làm giàu chính cho gia đình bạn là ai?
Bạn có thể bất ngờ khi biết người làm giàu chính cho gia đình trong quan niệm của người xưa có vẻ như không hoàn toàn tương đồng với cách nghĩ thông thường 

4. Chênh lệch quá lớn về thu nhập 

 
Vo chong dau dau voi tien bac trong gia dinh
 
Có không ít gia đình rơi vào tình trạng một người có thu nhập vượt trội hơn hẳn, có thể gấp mấy lần so với người kia, hoặc một người thất nghiệp, hay vợ/chồng xuất thân từ một gia đình có quyền thế, địa vị và người còn lại thì không. 
 
Lúc này, người có nhiều tiền hơn thường có xu hướng áp đặt các khoản chi tiêu trong gia đình. Họ cho rằng bản thân vất vả kiếm ra tiền nhiều hơn thì có đặc quyền quyết định mọi thứ liên quan đến gia đình, việc làm của bạn đời và nhiều vấn đề khác; trong khi đó, người có thu nhập ít hơn phải chịu sự chi phối từ họ. Điều này cũng là một trong những lý do khiến hôn nhân rạn nứt dẫn đến đổ vỡ.

Thực ra, không phải ai có thu nhập cao hơn thì có quyền chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu mua sắm phụ thuộc vào thói quen của mỗi người. Sự khác biệt lớn giữa thu nhập, bất kể ai có thu nhập cao hơn, có thể làm trầm trọng thêm những xung đột trong gia đình.

Giải pháp: Một khi là người một nhà, hai người phải hợp tác với nhau như một nhóm,  vì thế không nên cư xử với nhau như một đối thủ hay một trận chiến, mà hãy giúp đỡ lẫn nhau. Do đó, làm gì bao gồm cả quyết định liên quan đến tiền cũng bàn bạc và thống nhất, đừng để cho người kia cảm giác tự ti. Các chuyên gia khuyên rằng nên ủy thác các quyết định chi tiêu cho người có thu nhập thấp hơn.

Nếu bạn là người có nhiều thu nhập, hãy tinh tế hơn trong cách trình bày những quyết định chi tiêu. Hãy chứng minh cho cô/ anh ấy biết rằng, họ luôn giữ một vị trí quan trọng trong gia đình và trong trái tim của bạn.

Còn nếu bạn không có tiền, hãy chuẩn bị cho những căng thẳng này bởi nó rất khó để tránh khỏi, ngay cả khi cả hai cảm thấy rất yêu thương nhau. 
 
Nếu bạn và bạn đời không thể đi đến một thỏa thuận thì có thể sử dụng hợp đồng tiền hôn nhân. Tuy nhiên, cần cẩn thận nếu không người ấy sẽ cảm thấy bị tổn thương, do đó nên cân nhắc kỹ.
 

5. Chi tiêu cho con trẻ 

 
Học phí của các con chiếm một khoản lớn trong việc chi tiêu trong gia đình. Vì thế, việc cho con học trường này hay trường kia cũng có thể là vấn đề gây ra mâu thuẫn. 
 
Giải pháp: Cũng như những vấn đề trên, hai người không được trốn tránh hay đùn đẩy trách nhiệm cho người kia mà nên cùng liệt kê các chi phí như thực phẩm, đồ ăn, quần áo, đồ chơi, các khóa học, học phí, công cụ học tập... để chọn ra đâu là lựa chọn hợp lý nhất với gia đình mình.

Ngoài ra, cả hai cũng đừng quên việc dạy chúng về tiền bạc từ sớm. Hãy chuẩn bị cho trẻ một tương lai có trách nhiệm về tài chính và điều này sẽ làm giảm sự ảnh hưởng của trẻ vào kế hoạch tài chính cũng như kế hoạch tiết kiệm của vợ chồng. 
 
Tóm lại: Để giải quyết các vấn đề vợ chồng mâu thuẫn về tiền bạc thì cả hai cần chia sẻ và trung thực về những mục tiêu cũng như lo lắng đối với tài chính.

Hai người hãy dành thời gian theo tuần, tháng, năm để đánh giá lại, chia sẻ một cách trung thực và không phán xét các vấn đề tiền nong trong gia đình, từ đó bàn bạc về các mục tiêu ngắn và dài hạn. 
 
Đừng làm điều này khi bạn cảm thấy bực bội, không tỉnh táo. Sau đó hai người cùng thống nhất một giải pháp nào đó một cách cụ thể, nhắc nhở nhau đi đúng hướng.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X