1. Như thế nào là dán nhãn cho con?
Chúng ta đã từng nghe đến những cái tên như Hùng thối, Hạnh tồ, Tâm ngố, Xuân khùng, Toàn mập, Minh khờ… đó là một trong những kiểu dán nhãn phổ biến mà ta dễ nhận ra nhất.
Thậm chí nhiều ông bà, cha mẹ thường xuyên dùng lời nói, hành động của mình để "dán nhãn" cho con mỗi ngày nhưng họ không nhận thức được việc làm của mình. Ví dụ như khi con làm trái ý mình liền lập tức nói: Thằng này bướng lắm, không chịu nghe lời ai cả; hay con kêu gào, ăn vạ đồng nghĩa với con hư; thấy con bị điểm kém liền hét vào mặt chúng: Sao mày dốt vậy...
Một ngày nọ, sư tử gầm thét thể hiện sự tức giận khi phát hiện ra rằng trong khi mình ngủ say có một đám thú nhỏ đã dán vào đuôi nó là “Con lừa” kèm số thứ tự, ngày tháng, có dấu đỏ, và có cả chữ ký.
- Ta có phải sư tử hay không?
- Ngươi là sư tử nhưng theo quy định, ta gọi ngươi là con lừa - Sói đáp lời.
- Bề ngoài thì đúng là sư tử nhưng thực tế ngươi có phải sư tử hay không, ta cũng không rõ nữa.
- Đồ con lừa! Lúc này mà chưa lên tiếng sao, ta không giống một loài súc vật như ngươi phải không? Ta cũng không ngủ trong chuồng gia súc bao giờ.
- Có thể ngươi không phải lừa nhưng chắc không còn là sư tử nữa rồi.
2. Tác hại của việc nhãn dán cho con
Không ít phụ huynh được khuyên đừng dán nhãn cho con liền bao biện cho thói quen xấu của mình rằng: "Trẻ con biết gì", hay "Tính nó thế rồi, đâu phải do tôi". Họ không nhận ra ảnh hưởng tiêu cực của việc nhãn dãn. Thế nhưng chính sự vô tình này mà chúng đã gây ra rất nhiều tác hại cho con cái của họ, ảnh hưởng cả tương lai của chúng.
2.1 Con tự ti về bản thân mình
Đối với người lớn, những câu nói thuận miệng như con mình hư, con mình còi, con mình nhút nhát... tưởng rằng không ảnh hưởng gì đến chúng. Thế nhưng đối với con trẻ mà nói, chúng sẽ đem cái đánh giá này tiếp thu vào tư tưởng của mình.
Một đứa bé bị chê dốt liền tự nghĩ: “Mình vốn là một người đần độn, kém cỏi”.
Tưởng rằng đó chỉ là những biệt danh nào đó, chúng ta đặt cho vui nhưng ít ai ý thức được rằng nó có thể làm suy giảm nhân cách và lòng tự tin của trẻ một cách vô thức.
Sẽ thật khó khăn cho một em bé xây dựng tự tin về bản thân khi mà xung quanh em thường xuyên là những lời chỉ trích và cái nhìn tiêu cực.
Những suy nghĩ ấy qua tháng năm đi sâu vào tiềm thức của con và thậm chí sau này trưởng thành, chúng vẫn không thể thoát ra được. Nếu con muốn thay đổi suy nghĩ tiêu cực ấy cần nghị lực rất lớn mà không phải ai cũng có thể làm được.
2.2 Con có xu hướng hành động tiêu cực hơn
Thế nên khi tuổi ấu thơ bị gắn nhãn - những cái nhãn xấu xí nhưng con lại chưa biết cách phản biện, không có cơ hội trải lòng, chẳng được người lớn hiểu, chúng càng sống khép mình, tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Chính lời nhận xét của bố mẹ như: "Con tôi nhút nhát, sợ đám đông lắm" đã khiến con của mình tìm cách thu mình lại, chúng không có động lực để thay đổi.
Theo thời gian, rất nhiều hệ lụy không đáng có diễn ra chỉ bắt đầu bằng một niềm tin vô căn cứ của các bậc phụ huynh về con mình.
3. Hãy hiểu con hơn là chê trách
Để dán nhãn những điều tích cực về con mình, chỉ có cách là bố mẹ phải hiểu con hơn, biết đâu là ưu nhược điểm và từ đó tập trung vào ưu điểm của chúng.
Trước tiên, bạn cần hiểu mỗi giai đoạn phát triển thì con phải đốt mặt với những thay đổi khác nhau. Vấn đề khi 1 tuổi khác với khi 5 tuổi hay 10 tuổi, bố mẹ phải là người tìm hiểu trước về những khủng hoảng này và học cách để "xử lý" từng vấn đề, hỗ trợ con vượt qua.
Trẻ em phá phách, nghịch ngợm, nhưng thực ra đó là một phần phát triển tự nhiên khi chúng cần được khám phá. Ngày cả việc chạy nhảy, vận động, xem xét, khám phá môi trường cũng có lợi cho việc phát triển trí tuệ, giúp con hiểu biết thế giới xung quanh.
Hơn nữa, con cũng có thể thay đổi theo thời gian, hôm nay con có thể bướng bỉnh nhưng với sự chỉ dạy phù hợp của bạn, tương lai con lại biết điều, hiểu chuyện. Hoặc một đứa bé lúc nhỏ nhút nhát nhưng lớn lên lại mạnh dạn khi bố mẹ luôn tin tưởng vào sự độc lập của con mình.
Vì thế, đừng vội đặt con trong một khuôn mẫu rồi phủ định những tiềm năng của trẻ. Các con rất cần sự đồng hành từ phụ huynh định hướng, uốn nắn và dìu dắt con bước qua chặng đường chông chênh của những đổi thay tâm sinh lý lứa tuổi.
Mỗi đứa trẻ có một nội tâm, một sự phát triển khác nhau, tính cách khác nhau là do chính bản thân chúng lựa chọn, chỉ khi được thấu hiểu chúng mới có thể tung cánh.
4. Tập thói quen dán nhãn tốt cho con
Ví dụ như ai đó vô tình nhận xét: "Sao con chị nghịch như quỷ thế kia". Bạn có thể mỉm cười nói: "Giai đoạn này con đang cần khám phá ấy mà, thêm tuổi nữa con sẽ ngoan thôi". Điều các phụ huynh cần tránh nhất đó là hùa vào cùng mọi người chê con mình.
Nhất là trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, gia đình mà có con đi cùng, tốt hơn hết không nên nhận xét về bất cứ cá tính nào của con. Tránh so sánh con mình với con của người thân, bạn bè.
Cha mẹ là người thân cận nhất của con, chúng mỗi ngày sẽ căn cứ theo thái độ của chúng ta mà tiến hành đánh giá đối với chính mình. Trách nhiệm của các bậc phụ huynh lúc này đó là giúp con cái tin tưởng vững chắc vào bản thân mình.
Khi thấy con có hành động của một đứa trẻ ưu tú, một đứa trẻ dũng cảm kiên cường, một đứa trẻ thành thật, một đứa trẻ thông minh... thì đừng ngại đưa ra những lời khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ.
Để tránh việc biến "con sư tử dũng mãnh thành con lừa" hãy luôn thể hiện sự tôn trọng cá tính của con, việc của bạn là trang bị đủ kiến thức về từng giai đoạn phát triển của con để ở bên đồng hành, uốn nắn cho chúng phù hợp và kịp thời.