(Lichngaytot.com) Không chỉ muốn bỏ phong tục lì xì ngày Tết mà nhiều người còn muốn bỏ luôn Tết truyền thống vì họ cảm thấy đó là gánh nặng lớn nhất trong một năm do có quá nhiều khoản phải chi tiêu, thậm chí ảnh hưởng cả tiền tiết kiệm của cả gia đình.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
1. Biến tướng của việc lì xì đầu năm
Ngày Tết cận kề, không ít người xa quê bày tỏ rằng họ đang lo ngay ngáy vì khoản tiền chi tiêu trong ngày này quá lớn. Đó bao gồm tiền cần sắm sửa trang trí nhà cửa, tiền mua quà biếu, tiền mừng tuổi...
Nhiều người càng ngày càng cảm thấy sợ Tết hoặc họ không dám về quê vì tốn quá nhiều chi phí, thậm chí không về chỉ vì không đủ tiền.
Trong khi đó, có người vừa mừng vui vì được nhận khoản thưởng Tết hậu hĩnh lại ngậm ngùi khi phải dùng toàn bộ số tiền đó để trang trải cho mấy ngày Tết. Chỉ vì để được no ấm, yên vui trong khoảng 1 tuần mà tiền thưởng của họ "không cánh mà bay", cuối cùng không tiết kiệm được đồng nào sau một năm vất vả, chăm chỉ làm ăn.
Có nên xóa bỏ phong tục lì xì ngày Tết |
Không những thế, câu nói đùa phổ biến hiện nay: "Trẻ con là "người thu nhập chính" của gia đình ngày Tết" tưởng nói cho vui nhưng lại càng gia tăng áp lực về tiền lì xì cho người lớn. Chúng vô tình trở thành rào cản không nhỏ khi cuộc sống hàng ngày đã có quá nhiều thứ phải lo lắng, bận tâm, nay lại thêm một vài ngày Tết có quá nhiều trách nhiệm cần gánh vác.
Thế nên mới đây đạo diễn Lê Hoàng nhận được sự đồng tình khi chia sẻ lên facebook cá nhân về tục lì xì ngày Tết. Theo ông, người Việt hiện nay, hỏi 10 người thì phải có 9 người sợ việc lì xì vào ngày Tết và xem đây là một "cái nợ".
Những gì đạo diễn Lê Hoàng nói cũng phản ánh một thực tế hiện nay về tình trạng biến tướng của lì xì đầu năm mới. Chúng ta không thể ngó lơ và phủ nhận được thực tế đáng buồn này.
Đó là còn chưa nói tới cảnh một đứa trẻ nhận được tiền mừng tuổi quá ít nên xé ngay trước mặt mọi người, tỏ rõ thái độ thất vọng. Cuộc gặp gỡ đầu năm vì thế trở nên mất vui.
Có thể thấy, lì xì đã không còn mang ý nghĩa tượng trưng tốt đẹp là để "mừng tuổi" mà chúng trở thành "gánh nặng" khiến mọi người sợ hãi.
Chính vì nhận thấy những thứ xấu xí mà tiền lì xì mang lại nên nhiều người đề nghị bỏ phong tục lì xì ngày Tết để có thể trút bỏ gánh nặng liên quan đến chúng.
2. Có nên xóa bỏ phong tục lì xì ngày Tết?
Ý kiến cần xóa bỏ phong tục lì xì ngày Tết là có vẻ cực đoan. Đúng là có nhiều hệ lụy không hay từ phong bao lì xì, thế nhưng chúng ta thường tìm cách đổ lỗi cho chiếc phong bì mà không hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của nó từ đâu.
Bản chất của lì xì vẫn là một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mừng tuổi đầu năm là nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống, miễn là chúng ta trả cho nó đúng ý nghĩa lì xì là chỉ là trao tiền đem lại điều hên, điều lành, tốt đẹp cho mọi người dịp đầu năm mới, đừng để số tiền trong đó làm chúng ta bị ảnh hưởng tâm lý quá nhiều.
Chiếc phong bao lì xì không có lỗi, có chăng là chính con người đã thay đổi góc nhìn của mình về nó và biến chúng thành những thứ không hay ho gì.
Ngày xưa, người lớn lì xì cho trẻ con một số tiền vừa phải nhằm hàm ý mừng chúng lớn thêm một tuổi, và cầu chúc chúng luôn mạnh giỏi, khoẻ khoắn. Ta có thể tiếp tục duy trì nét đẹp này, đừng vì "Phú quý sinh lễ nghĩa" mà cố gắng tặng nhau những món quà đắt tiền hơn, tiền lì xì có giá trị quá lớn.
Có thể nói, việc bỏ phong tục lì xì ngày Tết hay bỏ Tết cổ truyền là điều không cần thiết vì nó vẫn mang nét đẹp văn hóa, thay vào đó, ta có thể tìm giải pháp hợp lý hơn. Ví dụ như mọi người cùng thống nhất trong việc nên để số tiền trong phong bì giá trị tối đa 10, 20 nghìn để bớt đi sự so sánh, gánh nặng đối với người đưa và người nhận.
Một phong bao lì xì lấy lộc đầu năm dù chứa bao nhiêu tiền cũng đều là món quà tinh thần to lớn trong dịp ngày đầu tiên của năm mới. Đồng thời cũng là nét văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay, không nên xem đó là cơ hội để "thu hoạch".
3. Cha mẹ cần dạy con những gì?
Cha mẹ có thể nhân cơ hội này, dạy con từ việc nhận phong bao lì xì để giúp các con hiểu hơn về ý nghĩa của tiền bạc.
Bản chất của tục lì xì không xấu, vì thế, thay vì cố tìm cách xóa bỏ, bài trừ, đổ lỗi cho nó, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh từ suy nghĩ của mình, rồi dạy bảo lại con trẻ.
Mọi việc trước tiên xuất phát từ bố mẹ của trẻ, mỗi dịp Tết đến phải nói với con trước rằng chúng ta cũng không nên lì xì số tiền lớn, bên cạnh đó, khi con nhận tiền thì dù bao nhiêu cũng vui vì nhiều - ít, dày - mỏng không phải là thước đo tình cảm và tôn vinh nhau.
Thực tế cho thấy, không ít ông bố bà mẹ có suy nghĩ sai lệch và tìm cách “dạy” con để chúng biết cách gợi ý tiền lì xì của khách. Thấy con biết cách "đòi" tiền hoặc mang tiền ra so sánh thì tỏ ra thích thú.
Họ cười khi con nói những câu như người lớn: cô A, bác B vừa lì xì cho cháu 500 nghìn, cháu đang giành để góp tiền mua điện thoại, mua ô tô… Thay vào đó phải lưu ý để dạy con:
- Biết nói lời cảm ơn: Khi đưa phong bao lì xì cho trẻ em thì cần phải đợi câu chúc của trẻ em trước, điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ; sau khi trẻ em đã chúc xong, chúng ta đưa phong bao và rồi chúc trẻ phấn đấu học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô…
- Không xé phong bì trước mặt: Ngoài ra, để giữ được nét đẹp của tục lì xì, cha mẹ cũng cần dạy con không xé phong bao lì xì trước mặt khách vì sẽ khiến khách cảm thấy khó chịu và xấu hổ.
- Tránh bình luận so sánh: Cha mẹ cũng tuyệt đối không bình luận so sánh về giá trị mỗi bao lì xì.
Hãy luôn tâm niệm rằng phong bao lì xì chỉ đơn giản là món quà may mắn trao tay ngày đầu năm mới. Nếu người lớn giữ được điều này trong tâm niệm thì mỹ tục lì xì luôn luôn là nét đẹp văn hóa còn nguyên giá trị.
Tin bài liên quan cùng chuyên mục: