(Lichngaytot.com) Trong Tử vi có nói rất nhiều đến ngày Không Vong nhưng ít ai biết ngày Không Vong là ngày gì và tại sao không nên làm những việc quan trọng trong những ngày này.
Trong lĩnh vực học thuật có nhiều môn dự đoán nói về “Không Vong”. Tử vi Đẩu số có vị trí của Triệt, Tuần. Lục nhâm có Không Vong,
Phong thủy phân ra là Đại Không Vong, Tiểu Không Vong... Phương pháp chọn ngày tốt cũng đề cập đến ngày Không Vong.
Vậy Ngày Không Vong là ngày gì? Ý nghĩa bản chất và ảnh hưởng của ngày Không Vong ra sao?
1. Không Vong là ngày gì?
Không Vong được hiểu là một trạng thái trung gian, chuyển tiếp có trường khí hỗn độn, phức tạp. Khi con người, sự vật sự việc rơi vào trạng thái biến hóa này trong chu kỳ vận động sẽ bế tắc, khó khăn, kìm hãm cản trở trong việc phát triển, thành quả đạt được không đáng mừng, thậm chí còn thiệt hại, hao tốn, mất trắng.
“Không” nghĩa là hư không, là phủ định, vô sản, thành quả thu được rất thấp. “Vong” nghĩa là mất mát, hao tốn, thiệt hại, thua lỗ.
Có nhiều môn dự đoán nói về trạng thái Không vong nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là việc xác định Không vong ở vị trí ranh giới giữa hai chu kỳ, hai vị trí không gian, thời gian, giai đoạn phát triển.
Xem thêm:
Điều hại của việc xuất hành vào giờ Không Vong
- Phong thủy: Phân ra thành Đại không vong và Tiểu không vong
+ Đại không vong là gì: Là vị trí giáp ranh của hai hướng mà kim độ la bàn lệch khỏi chính sơn quá 7 độ.
Ví dụ như hướng Bắc (thuộc cung Khảm), hướng Tây bắc (thuộc cung Càn), tọa độ của một căn nhà là 337 độ la bàn thì so với sơn Hợi của hướng Tây bắc (Càn) nó cách vị trí chính kim là 7 độ (sơn Hợi 330 độ), so với sơn Nhâm của hướng Bắc (Khảm) thì nó chênh lệch so với chính kim độ sơn Nhâm là 8 độ (sơn Nhâm 345 độ).
Vì thế trường hợp này là phạm ngày Đại không vong. Cụ thể là nó thuộc ranh giới giữa hai hướng lớn. Nơi này có trường khí hỗn độn, phức tạp.
+ Tiểu không vong là gì: Khi vị trí hướng của công trình nằm ở ranh giới giữa hai sơn trong cùng một hướng nhưng khác nhau về thuộc tính âm dương.
Thí dụ: Sơn Cấn chính kim là 45 độ, sơn Dần chính kim là 60 độ (hai sơn này cùng thuộc hướng Đông bắc – Cấn), hướng của công trình rơi vào 52 độ, như vậy tọa độ này cách chính kim sơn Cấn là 7 độ, cách chính kim sơn Dần là 8 độ. Rất khó xác định trường khí của tọa độ này chịu ảnh hưởng của sơn nào. Nên trường hợp này chính là Tiểu không vong.
- Tử vi có xác định vị trí của hai Không vong Triệt và Tuần trên lá số. Triệt được xác định bằng can năm sinh. Tuần được xác định ở hai cung cuối cùng của tuần giáp. Trong Tử vi, nếu gặp Không vong tính chất của tinh diệu biến hóa.
Tinh diệu cát lợi miếu vượng, đắc địa sẽ bị chiết giảm, tinh diệu hung họa hoặc hãm địa sẽ được nâng đỡ, cải thiện ánh sáng, tạo ra sự cát lợi và đó là những cách đặc biệt.
2. Cách tính ngày Không Vong chuẩn nhất
Sau khi biết ngày Không Vong là ngày gì, ta cần tìm hiểu cách tính ngày Không Vong. Cách xác định vị trí ngày này có hai tài liệu ghi chép phổ biến.
a. Theo phương pháp Lục diệu
Theo phương pháp tính Lục diệu của Gia Cát Lượng thì có sáu trạng thái vận hành phát triển theo quy luật. Sáu trạng thái đó là Đại an, Lưu niên, Tốc hỷ, Xích khẩu, Tiểu cát, Không Vong.
Tháng Giêng đầu năm khởi từ cung Đại an, lấy đó là ngày 1 rồi tính thuận chiều kim đồng hồ các ngày còn lại trong tháng. Tháng 2, tháng 3,... tháng 12 cũng tương tự như vậy.
Ví dụ ngày 12/7 âm lịch. Thì tháng 1 ngày Đại an, tháng 2 ngày Lưu niên, tháng 3 ngày Tốc hỷ, tháng 4 ngày Xích khẩu, tháng 5 ngày Tiểu cát, tháng 6 ngày Không vong, tháng 7 quay lại ngày Đại an, ngày 1 tháng 7 tính từ cung đó trở đi, đến ngày 12 rơi vào cung ngày Không vong. Nên ngày 12/7 là ngày Không vong theo phương pháp tính này.
b. Theo Lục thập hoa giáp
Theo cách tính lịch từ ngày xưa, từ thời nhà Thương bên Trung Quốc để lại mỗi một ngày mang một cặp can chi khác nhau. Có năm can âm, năm can dương. Theo lịch học của phương đông, tên của mỗi ngày, tháng, năm đều được gọi bằng tên của thiên can và địa chi.
- Theo nguyên tắc âm dương, tên của ngày gồm có: Can âm + chi âm hoặc can dương + chi dương
- Trong đó có 5 can Dương gồm Giáp Bính Mậu Canh Nhâm kết hợp với 6 chi Dương là Tý Dần Thìn Ngọ Thân Tuất.
- Ngoài 5 can dương còn có 5 can âm gồm “Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý” và kết hợp với 6 chi âm là “Sửu, Hợi, Dậu, Mùi, Tị, Mão”.
Như vậy khi kết hợp ta sẽ có được lục thập hoa giáp. Người xưa chia lục thập tức là 60 hoa giáp này thành 6 tuần giáp. Mỗi tuần giáp là 10 ngày tương ứng với 10 thiên can, so sánh với 12 địa chi sẽ có 2 ngày bị dư ra. Người ta gọi 2 ngày này là 2 ngày không vong.
Giáp Tý gặp hai ngày Tuất, Hợi là Không vong
Giáp Dần gặp hai ngày Tý, Sửu là Không vong
Giáp Thìn gặp hai ngày Dần, Mão là Không vong
Giáp Ngọ gặp hai ngày Thìn, Tị là Không vong
Giáp Thân gặp hai ngày Ngọ, Mùi là Không vong
Giáp Tuất gặp hai ngày Thân, Dậu là Không vong
Như vậy hai địa chi khóa đuôi, kết thúc tuần giáp và chuyển sang tuần giáp mới chính là Không vong. Cách xác định ngày Không vong như thế này giống với cách an Tuần trung không vong trong
Tử vi đẩu số.
Ví dụ: Trong tháng có ngày Giáp Tý sau ngày Giáp Tý sẽ là ngày Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỷ Tị, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu đến ngày Giáp Tuất, Ất Hợi là hai ngày Không vong.
Tương tự như vậy, Trong tháng có ngày Giáp Thân tiếp nối đến vị trí ngày Ngọ, ngày Mùi kế sau đó là hai ngày Không vong.
3. Ngày Không Vong kiêng kị việc gì?
Ngày Không Vong, theo như quan niệm xưa truyền lại thì đây là ngày cực kỳ xấu mà trăm sự đều kỵ, tuyệt đối không được xuất hành đi xa. Đặc biệt những công việc liên quan đến tiền bạc, danh lợi như: Ký kết hợp đồng kinh tế, nhập học, nhận chức, khai trương mở cửa hàng, xuất hành cầu tài, xây dựng nhà cửa, kết hôn... Vì nếu tiến hành phạm phải những ngày Không vong này thành quả thường có nguy cơ tan tành mây khói, vất vả lao lực mà không có công lao, không đắc sở nguyện, gia đạo chia rẽ...
Với bản chất tiêu tán, biến mất, hao tốn, xói mòn, hoang hủy, không tồn tại nên những ngày Không Vong dùng vào việc tiêu hủy đồ đạc cũ, lấp hang hầm cống rãnh, kết dứt điều hung hại, cởi bỏ hiềm khích, oán thù.
Khi năm tháng ngày giờ Không vong
* Cột năm không vong: lao khổ, buồn phiền, làm ăn khó phát đạt.
* Cột Tháng bị không vong: hiếm anh em, có nhưng không hoà thuận với nhau, việc làm của bản thân không toại ý và thành công ít thất bại nhiều, hay gặp tai hoạ.
* Cột giờ không vong: hiếm con, tính hung bạo, có con cũng không toại ý.
* Cột năm và tháng đều Không vong: dễ xa lìa vợ con.
* Bốn cột năm tháng ngày giờ đều Không vong: là số quý, luôn gặp may mắn. Đây là trường hợp đặc biệt.
Ví dụ: người sau đây có ngày và giờ gặp Không vong, ở đây chỉ xét giờ: thì người này tính hung bạo, hiếm con.
* Trong các cột nếu có sao xấu gặp Không vong thì xấu thành tốt, sao tốt gặp Không vong thì tốt trở thành xấu.
* Trong tứ trụ có Chi không vong, nhưng lại có Chi khác hợp với Chi đó nên không vong bị áp chế, có Không vong nhưng không đáng ngại.
* Chi bị không vong, tứ trụ có Chi xung, hoặc hình với Chi đó, thì chi Không vong làm triệt tiêu cái xấu của Chi xung hay hình.
* Trong tứ trụ có Tài Quan là đẹp, nhưng gặp Không vong dù đút lót chạy chọt thì vẫn không được chức tước, làm quan. Nửa đời vợ con bị thương hại.
* Thực thần gặp Không vong báo khó thọ ngay tuổi thiếu thời, nhưng trong tứ trụ có Chi hợp xung với Chi Không vong sẽ giải cứu cho, nhưng sống không cao tuổi. Thương quan gặp Không vong sẽ hiếm con, nói năng không gãy gọn và có suy nghĩ, nên hay bị khẩu thiệt.
* Năm và ngày hỗ hoán (tương hỗ và hoán vị vị trí tuần Không vong) Không vong: đều rất không hay. Ví dụ: sinh năm Giáp Tý, ngày Nhâm Tuất. Trong tuần Giáp Tý, Tuất (hay Hợi) là Không vong. Trong tuần thứ 6 Giáp Dần, Nhâm Tuất ở tuần không vong này mà Không vong là Tý (Giáp Tý) và Sửu (Ất Sửu). Người có vị trí thời gian sinh như vậy báo: suốt đời bị phá bại cho dù con nhà đại phú hào, tài sản rôi cũng khánh kiệt, xa rời quê hương, buồn khổ...
* Giờ ngày hỗ hoán Không vong báo hay gặp tai hoạ nên thường xuyên đề phòng.
Minh Minh